HRW
Chính phủ đàn áp blogger và các trang mạng
(New York, ngày 26 tháng Năm, 2010) – Việt Nam đã phát động một đợt tấn công tinh vi và kéo dài, gồm hai mũi giáp công nhằm vào những người bất đồng chính kiến trên mạng, theo thông cáo do Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đưa ra hôm nay. Chính quyền bắt giữ và đe dọa các blogger độc lập ở Việt Nam, đồng thời bật đèn xanh cho các đợt tấn công vi tính từ Việt Nam để đánh sập các trang mạng có xu hướng phê bình chính quyền Việt Nam.
Trong hai tháng vừa qua, nhà cầm quyền Việt Nam đã bắt giữ ít nhất bảy blogger độc lập, khiến họ phải chịu các đợt thẩm vấn kéo dài, và trong một số trường hợp, sử dụng vũ lực. Sự gia tăng sách nhiễu này diễn ra đồng thời với các đợt tấn công vi tính có hệ thống nhằm vào các trang mạng vận hành bởi một số blogger và các nhà hoạt động ở Việt Nam hoặc ở nước ngoài. Các đợt tấn công gây nguy hại nhất là sử dụng “botnet” – phần mềm xấu giả dạng công cụ hỗ trợ bàn phím tiếng Việt – để do thám máy tính cá nhân người sử dụng và tiến hành các đợt tấn công từ chối dịch vụ làm tê liệt các trang mạng. Những đợt tấn công này đã được cả Google và McAfee, một tập đoàn nổi tiếng về an ninh mạng xác nhận.
“Chính quyền nhằm vào những người viết bài trên mạng internet chỉ vì họ phát biểu ý kiến độc lập, phê bình các chính sách và công bố những việc làm sai trái của chính phủ”, ông Phil Robertson, phó Giám đốc phụ trách châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu. “Hiển nhiên chính phủ quan ngại rằng các blogger sẽ tiết lộ những chuyện nội bộ về tham nhũng và lạm quyền, cũng như đăng tải các tin tức và sự việc mà chính quyền không cho công bố trên các phương tiện thông tin do nhà nước quản lý”.
Bắt giữ các Blogger
Dưới đây là một vài sự kiện mới nhất trong đó các blogger bị bắt giữ:
* Ngày 8 tháng Năm năm 2010, chính quyền địa phương cắt dịch vụ điện thoại và internet của ông Hà Sĩ Phu, một trong những blogger bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất ở Việt Nam. Dịch vụ điện thoại của ông Hà Sĩ Phu bị cắt theo văn bản của Sở Thông tin và Truyền thông, căn cứ trên hồ sơ điều tra của công an cho rằng ông sử dụng đường điện thoại để truyền tải thông tin “chống chính quyền”. Kể từ đầu năm 2010, trang web của ông Hà Sĩ Phu thường xuyên bị cản trở bởi các đợt tấn công vi tính.
* Ngày 1 tháng Năm năm 2010, công an tạm giữ hai blogger Vũ Quốc Tú (bút danh Uyên Vũ) và Hồ Điệp (bút danh Trăng Đêm) tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP. HCM khi hai vợ chồng họ chuẩn bị lên máy bay đi Băng Cốc hưởng tuần trăng mật. Công an thẩm vấn hai người trong nhiều tiếng đồng hồ và cấm họ xuất cảnh, tuyên bố là vì lý do an ninh quốc gia.
"Hiển nhiên chính phủ quan ngại rằng các blogger sẽ tiết lộ những chuyện nội bộ về tham nhũng và lạm quyền, cũng như đăng tải các tin tức và sự việc mà chính quyền không cho công bố trên các phương tiện thông tin do nhà nước quản lý”.
Ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách châu Á - HRW
Ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách châu Á - HRW
* Vào sáng ngày 28 tháng Tư, bà Lư Thị Thu Trang, một nhà hoạt động trên mạng có liên quan đến Khối ủng hộ dân chủ 8406, bị nhân viên an ninh đánh ngay trước mặt con trai mới lên 5 tuổi. Công an giam giữ bà trong suốt bảy tiếng để thẩm vấn và đánh bà nhiều lần vào mặt và cổ.
* Một blogger khác, bà Tạ Phong Tần, bị tạm giữ ít nhất ba lần trong tháng trước, lần gần đây nhất là vào ngày 9 tháng Năm. Ngày 20 tháng Tư, công an dùng vũ lực xông vào nhà riêng của bà ở TP HCM, áp giải bà về đồn để thẩm vấn, sau đó thả bà về. Bà Tạ Phong Tần là cựu sĩ quan công an, viết blog về tham nhũng và bất công trong hệ thống pháp luật Việt Nam. “Cũng như lần trước [ngày 13 tháng Tư]”, bà viết trên blog của mình, “tôi chưa rửa mặt, đánh răng, đang mặc bộ đồ ngủ, không giày dép.”
* Ngày 17 tháng Tư, công an bắt giữ và thẩm vấn ông Phan Thanh Hải – blogger với bút danh AnhBaSG, người thường xuyên đưa tin về các vụ thu đất trái pháp luật, và ông Lê Trần Luật – luật sư biện hộ cho giáo dân Thái Hà ở Hà Nội trong vụ chính quyền thu giữ đất đai của nhà thờ. Cả hai người đều được thả sau vài tiếng bị thẩm vấn.
Tấn công các trang mạng
Cùng lúc đó, cả Google và McAfee phát hiện ra các cuộc tấn công nhằm vào các trang mạng bất đồng chính kiến bằng mạng botnet xuất phát chủ yếu từ Việt Nam. McAfee, hãng đã phát hiện mạng botnet này trong khi đang điều tra vụ tấn công vi tính “Operation Aurora” khởi phát từ Trung Quốc vào đầu năm nay, cho rằng các cuộc tấn công vào các trang mạng tiếng Việt và tiếng Trung không có liên hệ gì với nhau.
Trong bài viết trên blog ngày 30 tháng Ba, giám đốc kỹ thuật của McAfee, ông George Kurtz viết: “Bộ gõ tiếng Việt chứa mã độc này… đã kết nối máy bị nhiễm thành một mạng lưới các máy tính dưới quyền kiểm soát của tin tặc. Trong quá trình điều tra về mạng botnet, chúng tôi phát hiện khoảng trên một chục các hệ thống điều khiển mạng lưới các máy tính bị xâm nhập nói trên. Các hệ thống này chủ yếu được truy cập từ các địa chỉ IP từ Việt Nam.”
Kurtz tiếp tục rằng “Chúng tôi tin rằng thủ phạm có thể có động cơ chính trị và trong một chừng mực nào đó, có liên quan đến chính quyền nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam… Vụ việc này nhấn mạnh rằng không phải tất cả các cuộc tấn công đều nhằm động cơ ăn cắp dữ liệu hoặc tiền bạc. Đây có thể là ví dụ mới nhất về tin tặc chính trị và tấn công vi tính với động cơ chính trị”.
Neel Mehta, kỹ thuật viên an ninh mạng của Google viết trên blog của mình: “Phần mềm xấu đó chủ yếu nhằm vào những người sử dụng máy tính bằng tiếng Việt trên toàn cầu. Nó có thể xâm nhập máy tính cá nhân của hàng chục ngàn người sử dụng, những người đã tải về phần mềm hỗ trợ bàn phím tiếng Việt. Những máy tính bị nhiễm này bị sử dụng vừa để vừa do thám chủ nhân của máy tính đó, vừa tham gia tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) nhằm vào các blog có thông điệp mang nội dung bất đồng chính kiến. Đặc biệt, những đợt tấn công này muốn dập tắt những ý kiến phản đối khai thác bô-xít, một vấn đề quan trọng và gây nhiều tranh cãi ở Việt Nam.”
Phát ngôn viên của Chính quyền Việt Nam đã bác bỏ các cáo buộc của Google và McAfee là “không có cơ sở”.
Nhưng theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, có những bằng chứng ngược lại với tuyên bố trên của chính quyền Việt Nam. Những trang web bị hàng trăm đợt tấn công trong thời gian ngắn gần đây – trong đó có trang bình luận chính trị Thông luận (www.thongluan.org) và một trang của Công giáo, Dòng Chúa Cứu thế Việt Nam (www.dcctvn.net) đã truy nguyên được IP của các đợt tấn công xuất phát từ địa chỉ của Viettel, một doanh nghiệp viễn thông của nhà nước, thuộc Bộ Quốc phòng.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tuyên bố, vì tất cả các địa chỉ IP ở Việt Nam đều thuộc sở hữu và quản lý của các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) là doanh nghiệp nhà nước, chính quyền Việt Nam và các ISP phải có trách nhiệm ngăn chặn các cuộc tấn công vi tính xuất phát từ các địa chỉ IP ở nội địa Việt Nam.
“Chính quyền Việt Nam cần chấm dứt sự dung túng hiện nay đối với các đợt tấn công vi tính khởi phát từ các địa chỉ IP từ Việt Nam, kể cả khi việc đó có nghĩa là phải tắt các địa chỉ có thể đã bị chiếm quyền điều khiển bởi botnet và bị sử dụng cho mục đích xấu” ông Robertson nói.
Kể từ tháng Chín năm 2009, các đợt tấn công gia tăng nhằm vào trên hai chục trang web và blog tiếng Việt, từ các trang web Công giáo chỉ trích chính quyền tịch thu đất đai của nhà thờ, đến các diễn đàn chính trị và trang mạng của các đảng đối lập, cho tới các trang mạng hoạt động vì môi trường, phản đối khai thác bô-xít.
Các quan chức Việt Nam đã công khai thừa nhận việc chính quyền đóng cửa các trang mạng. Tại hội nghị báo chí toàn quốc ngày 5 tháng Năm, Trung tướng Vũ Hải Triều, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục 2 Bộ Công an, tự hào tuyên bố trước hàng trăm đại diện báo chí Việt Nam rằng Tổng cục đã “phá hủy được 300 trang web và blog cá nhân có nội dung xấu”.
Các trang mạng hiện đang là mục tiêu tấn công vi tính gồm có boxitvn.info, blogosin.org, caotraonhanban.com, danchimviet.com, danluan.org, doi-thoai.com, dangvidan.org, dcctvn.net, hasiphu.com, minhbien.org, talawas.org, thongluan.org, viettan.org, ykien.net, vietbaosaigon.com, and x-cafevn.org. Dù một số trang bắt đầu hoạt động của mình từ trong nước, nhưng các đợt tấn công vi tính buộc phần lớn trong số đó phải chuyển máy chủ của mình ra nước ngoài.
“Đợt tấn công trên diện rộng khởi phát từ Việt Nam này là chỉ dấu cho thấy việc chính quyền Việt Nam không chấp nhận các ý kiến chỉ trích một cách ôn hòa từ trong nước cũng như nước ngoài như thế nào,” ông Robertson phát biểu. “Thay vì cho phép việc sử dụng mạng internet để tiến hành các đợt tấn công vi tính, do thám các blogger và triệt tiêu các trang mạng phê bình chính quyền, chính phủ Việt Nam cần bảo đảm rằng mạng internet luôn là phương tiện để mọi người bày tỏ ý kiến một cách ôn hòa, giao lưu và học hỏi.”
Các biện pháp đàn áp khác
Dù tấn công DDoS là một công cụ đàn áp mới, từ lâu nay chính quyền Việt Nam đã sử dụng tường lửa để ngăn chặn các trang web tin tức và nhân quyền quốc tế như trang của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Đài Tiếng nói Hoa kỳ, Đài Á châu Tự do. Trong sáu tháng qua, tường lửa đã được nối dài để ngăn trang tiếng Việt của Đài BBC và trang mạng xã hội nổi tiếng Facebook.
Thêm vào đó, chính quyền Việt Nam còn giám sát và quản lý ý kiến trên internet thông qua bộ phận theo dõi mạng thuộc Bộ Công an, cũng như áp dụng các quy định chặt chẽ và cài đặt phần mềm theo dõi truy cập internet. Chủ các quán cà phê internet bị yêu cầu phải kiểm tra chứng minh thư của khách hàng sử dụng internet, giám sát và lưu giữ các thông tin về hoạt động truy cập internet của khách hàng, và ngăn chặn kết nối với các trang web trong danh sách cấm. Trong tháng Tư, chính quyền ban hành quy định mới yêu cầu các quán cà phê internet ở Hà Nội phải cài đặt phần mềm theo dõi do Đại học Quốc gia Việt Nam soạn thảo vào tất cả các máy tính trong quán trước cuối năm 2011.
Thông tư Số 7 của Bộ Thông tin, ban hành tháng Mười hai năm 2008, quy định blogger chỉ được viết bài có nội dung thuộc phạm vi cá nhân và cấm đăng các bài liên quan đến chính trị hay các vấn đề mà chính quyền cho rằng liên quan tới bí mật nhà nước, có nội dung xấu hoặc gây hại tới an ninh quốc gia và trật tự xã hội.
“Những nỗ lực ngang nhiên của chính quyền Việt Nam nhằm ngăn chặn việc trao đổi ý kiến tự do và công khai trên mạng internet là một ví dụ đáng buồn nữa về thái độ thù nghịch của chính quyền đối với tự do ngôn luận và các quyền cơ bản khác của con người” ông Robertson nói.
Phụ lục:
Chuỗi vụ việc các nhà hoạt động trên mạng internet bị sách nhiễu, bắt giữ và giam cầm trong sáu tháng qua bao gồm:
* Ngày 9 tháng Năm: Công an bắt giữ blogger Tạ Phong Tần khi bà đang đi lễ ngày Chủ Nhật về cùng với một người bạn, và tạm giữ suốt chín tiếng đồng hồ. Công an cũng tạm giữ và đe dọa người bạn đi cùng vì “quan hệ với thành phần nguy hiểm”.
* Ngày 8 tháng Năm: Chính quyền tỉnh cắt dịch vụ điện thoại và internet của nhà ông Hà Sĩ Phu, một nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng ở Đà Lạt.
* Ngày 1 tháng Năm: Công an tạm giữ hai blogger Vũ Quốc Tú (bút danh Uyên Vũ) và Hồ Điệp (Trăng Đêm) tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP. HCM và cấm hai người xuất cảnh.
* Ngày 28 tháng Tư: Công an bắt giữ và thẩm vấn các nhà hoạt động của Khối 8406, ông Đỗ Nam Hải và Lư Thị Thu Trang cùng với bà Dương Thị Tân, vợ của blogger Nguyễn Hoàng Hải (bút danh Điếu Cày) hiện đang bị cầm tù.
* Ngày 20 tháng Tư: Công an thẩm vấn bà Tạ Phong Tần hơn chín tiếng đồng hồ. Người đứng đầu một văn phòng luật mới mở nhận được lời cảnh cáo và ép buộc không được tuyển dụng ông Lê Trần Luật, một luật sư ủng hộ nhóm Công giáo, vào làm trợ lý cho công ty luật mới được thành lập này.
* Ngày 17 tháng Tư: Công an thẩm vấn ông Phan Thanh Hải (blogger AnhBaSG) suốt ba tiếng đồng hồ.
* Ngày 15 tháng Tư: Chính quyền gây sức ép buộc chủ nhà ông Lê Trần Luật chấm dứt hợp đồng cho thuê nhà.
* Ngày 5 tháng Tư: Công an triệu tập nhà Địa chất Nguyễn Thanh Giang để chất vấn về vai trò cố vấn cho tạp chí “Tổ quốc” phát hành trên mạng. Hacker đột nhập và ăn trộm địa chỉ email của ban biên tập trang web: www.doithoai.org.
* Ngày 3 tháng Tư: Hacker xâm nhập tài khoản internet (kể cả tài khoản Skype và Yahoo Messenger) của blogger Bùi Thanh Hiếu (blogger Người Buôn Gió). Công an TP. HCM cũng bắt giữ và thẩm vấn ông suốt một tuần vào đầu tháng Ba và khoảng mười ngày trong tháng Tám năm 2009, sau khi ông đăng bài trên blog chỉ trích chính sách của chính quyền Việt Nam đối với Trung Quốc, cho khai thác bô-xít ở Tây Nguyên và tranh chấp tài sản với nhà thờ Công giáo.
* Ngày 23 tháng Ba: Công an TP. HCM bắt giữ và thẩm vấn bà Tạ Phong Tần suốt bốn ngày và ông Phan Thanh Hải (AnhBaSG) trong hơn hai ngày.
* Ngày 23 tháng Ba: Một đám tự xưng là “cựu chiến binh” tới sách nhiễu ông Phạm Hồng Sơn, một bác sĩ từng chịu án tù vì viết bài trên mạng internet, ngay tại nhà riêng của ông ở Hà Nội. Một người trong đám này đe dọa bác sĩ Sơn và tuyên bố “sẽ không để cho gia đình” ông yên “nếu còn viết trên mạng như thế.”
* Từ ngày 17 đến 19 tháng Ba: Công an thẩm vấn các thành viên ban biên tập tạp chí mạng Tổ Quốc, bao gồm nhà địa chất Nguyễn Thanh Giang, kỹ sư Nguyễn Phương Anh, cựu đại tá Phạm Quế Dương và thầy giáo Nguyễn Thượng Long về vai trò của họ đối với tờ tạp chí.
* Ngày 4 tháng Ba: Công an từ chối cấp hộ chiếu cho một blogger, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người viết với bút danh Mẹ Nấm. Trước đó, cô cũng bị tạm giữ suốt một tuần vào tháng Tám năm 2009 vì đăng bài chỉ trích chính sách của chính quyền Việt Nam đối với Trung Quốc. Công an địa phương tiếp tục gây sức ép buộc cô phải đóng blog của mình.
* Ngày 5 tháng Hai: Bà Trần Khải Thanh Thủy, nhà văn và thành viên ban biên tập tạp chí Tổ Quốc, bị xử ba năm rưỡi tù giam. Vào ngày xử án, ba trang blog nổi tiếng – Blog Ô-sin (blogosin.org), Đàn Chim Việt (www.danchimviet.com) và Minh Biện (www.minhbien.org) bị hacker phá sập. Ngoài ra, tài khoản email của bà Phạm Thị Hoài, tổng biên tập trang blog talawas, và của nhà báo-blogger Huy Đức (Osin) cũng bị hack.
* Ngày 29 tháng Giêng: Một nhà văn, nhà hoạt động dân chủ, cô Phạm Thanh Nghiên, bị xử bốn năm tù giam.
* Ngày 27 tháng Giêng: Các nhà vận động đa nguyên, ông Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long và Trần Huỳnh Duy Thức bị xử án từ 5 đến 16 năm tù vì các bài viết đăng trên mạng internet và các hoạt động ôn hòa khác.
* Ngày 19 tháng Giêng: Một diễn đàn chính trị, X-cafevn.org, bị tấn công từ chối dịch vụ và tê liệt trong suốt nhiều ngày.
* Ngày 13 tháng Giêng: Công an khám nhà ông Nguyễn Huệ Chi, đồng sáng lập viên trang mạng Bauxite Việt Nam, thu giữ máy tính và thẩm vấn ông hàng ngày cho đến tận 30 tháng Giêng.
* Ngày 31 tháng Mười hai, 2009: Tài khoản email của ông Nguyễn Huệ Chi và Phùng Liên Đoàn, một ủng hộ viên tích cực của trang mạng Bauxite Việt Nam, bị hack và nhiều bức thư giả danh được gửi từ hai địa chỉ này tới hàng loạt các địa chỉ thư tín của người Việt trong danh bạ thư tín của họ.
* Ngày 27 tháng Mười hai, 2009: Tin tặc ngụy tạo một địa chỉ email rất giống với địa chỉ của ông Phạm Toàn, người đồng sáng lập trang Bauxite Việt Nam, và gửi đi những tin giả tới rất nhiều địa chỉ thư tín có liên hệ, “tiết lộ” những bất đồng nội bộ ban biên tập trang mạng này.
* Ngày 21 tháng Mười hai, 2009: Các trang mạng talawas.org và boxitevn.info bị hack. Độc giả vào thăm hai trang này đều đọc được tin nhắn giống hệt nhau do các hacker tạo ra (Vì lý do kỹ thuật, talawas [Bauxite Vietnam] ngừng hoạt động vĩnh viễn).
— -
— -
Xem thêm về các báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền ở Việt Nam:
http://www.hrw.org/en/asia/vietnam
http://www.hrw.org/en/asia/vietnam
Liên hệ:
Ở New York: Phil Robertson (tiếng Anh): + 1-917-378-4097 (di động);
Ở Washington DC: Sophie Richardson (tiếng Anh, tiếng Trung): + 1-202-612-4341; hoặc + 1-917-721-7473 (di động);
Ở Brussels: Reed Brody (tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Tây Ban Nha): +32-498-625786 (di động);
Ở London: Tom Porteous (tiếng Anh): +44-20-7713-2766; hoặc +44-79-8398-4982 (di động);
Ở Washington DC: Sophie Richardson (tiếng Anh, tiếng Trung): + 1-202-612-4341; hoặc + 1-917-721-7473 (di động);
Ở Brussels: Reed Brody (tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Tây Ban Nha): +32-498-625786 (di động);
Ở London: Tom Porteous (tiếng Anh): +44-20-7713-2766; hoặc +44-79-8398-4982 (di động);
Nguồn: http://danluan.org/node/5192
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét