2010/05/29

Sự khác nhau của công lý và dân chủ

Lê Nguyên Hồng

Sự khác nhau của công lý và dân chủ (Đòi công lý hay giành dân chủ?)
Lời tác giả:
Trong cuộc đấu tranh giành tự do dân chủ cho Việt Nam hiện nay, nhằm giải thể chế độ độc tài độc đảng Cộng Sản đang nắm quyền. Việc xác định tư tưởng và đường lối đấu tranh là điều hết sức quan trọng, nhất là đối với các nhà lãnh đạo của các tổ chức đấu tranh. Quan điểm “đấu tranh đòi công lý thay vì đấu tranh giành dân chủ” là một quan điểm chưa chính xác về mục tiêu và ý nghĩa của hành động tranh đấu..
“Tư tưởng chỉ đạo hành động, tư tưởng đúng thì hành động mới đúng”.
Trước hết muốn tìm hiểu xem khái niêm “Công Lý” là gì và nó được bắt nguòn từ đâu, chúng ta sẽ phải xác định được sự công bằng là gì?
Công bằng có tự khi nào?
Thực ra công bằng đã có từ rất sớm, có lẽ là từ khi con người còn sống theo hình thức bộ lạc, bộ tộc, và nó là kết quả của sự phát triển lý trí, trong sự tiến hóa về mọi mặt của loài người. Sự công bằng thủa sơ khai hiện diện cùng với tự do bản năng, ví dụ, xuất phát từ tình cảm tự nhiên giữa con người với con người, một nguyên tắc nảy sinh: “Kẻ mạnh bảo vệ kẻ yếu” trong cộng đồng trước sự tấn công của thú dữ cũng như sự cạnh tranh từ các nhóm người khác…

Cao hơn chút nữa, cách thể hiện công bằng, đó là sự chia phần các sản phẩm hái lượm và săn bắt. Thông thường, khi đi săn bắt và hái lượm trở về, con người thời cổ đại thường chia những thức ăn ngon cho trẻ nhỏ và người già. Tất nhiên, kẻ đứng đầu của bộ lạc sẽ được chọn phần ưng ý nhất.
Về ngôi thứ, hình thành theo lối nguyên thủy, tức là kẻ mạnh nhất (hoặc từng là kẻ mạnh nhất), sẽ là người đứng đầu. Người này cũng sẽ phải đi đầu xông pha trận chiến, bảo vệ cho những người yếu đuối hơn có thì giờ trốn tránh kẻ thù. Tất cả những sự sắp đặt này đều là tự nhiên, bất thành văn, và người ta coi những sự sắp đặt tự nhiên như vậy chính là biểu hiện tính công bằng.
Tuy bộ óc của con người thời cổ chưa ý thức được công lý là gì, nhưng rõ ràng họ đã ý thức được sự công bằng.
Vậy thế nào là một sự công bằng chuẩn mực? Phải khẳng định ngay rằng, không có một thang chuẩn nào cho sự công bằng theo nghĩa phổ quát. Đơn giản vì quan niệm của mỗi người, mỗi nhóm người về sự công bằng là khác nhau, mỗi phạm vi không gian sống khác nhau, mỗi miền khác nhau, mỗi vùng lãnh thổ cũng khác nhau. Như vậy là không thể có “sự công bằng vô hạn”, mà chỉ có “sự công bằng hữu hạn”.
Ở góc độ quyền lợi. Nếu tại nơi này người ta coi sự phân chia lợi ích theo phương châm A là đúng đắn và công bằng, thì ở nơi khác rất có thể người ta coi sự phân chia lợi ích theo cách đó lại là thiếu công bằng.
Một ví dụ, khi người đi săn và con chó của anh ta kết thúc cuộc đi săn. Phần thưởng cho chú chó thông minh và trung thành là một phần hoặc toàn bộ cái đầu của con thú săn được. Một người đi săn khác giống như vậy nhưng anh ta coi trái tim của con thú mới là quý, nên anh ta tặng nó cho con chó săn của mình. Cả hai người thợ săn đều nghĩ là mình đã chia phần công bằng. Nhưng rõ ràng là hai sự chia phần nói trên chỉ giống nhau về mục đích và ý nghĩa, nhưng hoàn toàn khác nhau về sự công bằng trên giá trị sản phẩm vật chất.
Ở góc độ nghĩa vụ. Trong mối quan hệ gia đình Mẫu Hệ, người phụ nữ là chủ gia đình, quản lý điều hành mọi công việc và đồng thời là lao động chính nuôi gia đình. Nhưng trong mối quan hệ có hình thức ngược lại, thì người đàn ông là chủ sự gia đình và người phụ nữ không được coi trọng, thậm chí là không được tôn trọng. Vậy đâu là sự công bằng chuẩn mực? Sự sắp xếp nào là hợp lý? Còn trong xã hội văn minh ngày nay, nam nữ bình quyền, người ta cho đó là sự công bằng. Nhưng nếu đặt quan điểm này vào trong xã hội của người Hồi Giáo chẳng hạn, thì có được chấp nhận hay không? Chắc chắn là không!
Về khái niệm “Công Lý”. Giống như khái niệm “Dân Chủ”, khái niệm về “Công Lý” cũng đã tốn nhiều giấy mực và thời gian nghiên cứu của các triết gia hàng đầu thế giới như Locke, Kant, sau này là Rawls vv… Đến ngày nay, đại đa số đều nghiêng về ý kiến xác nhận rằng: “Công lý là sự công bằng”.
Thực ra, khác với sự hiện diện của Dân Chủ (một phát minh mở vĩ đại về tư tưởng kiến tạo mô hình xã hội chuẩn tiên tiến), Công Lý chính là sự công bằng theo một chuẩn mực có tính quy ước, thể hiện thành văn bản hoặc được người đời chấp nhận như là một quy định bất thành văn. Nó chỉ có giá trị xác định tại mỗi thời điểm (giai đoạn) nhất định và trong mỗi không gian sống có ranh giới mà thôi.
Theo luận thyết của John Rawls: “Một quan niệm chính trị về công lý”. Ông cho rằng, “công lý là sự công bằng” và tính chất chung của nó được diễn giải như sau:
1. Công lý là cấu trúc căn bản của tất cả những cơ chế và định chế kết hợp lẫn nhau thành một hệ thống điều hợp xã hội.
2. Quan niệm này không dựa trên hay bắt nguồn từ một chủ thuyết toàn diện nào, nhưng nó cũng có thể được biện minh từ một hệ thống tư tưởng toàn diện khác.
3. Quan niệm này cũng đặt cơ sở trên một bối cảnh văn hóa chính trị công cộng nào đó.
Có vẻ như quan niệm của John Rawls “công lý là sự công bằng” còn có điểm chưa rõ ràng. Nhưng nếu như ta hiểu vấn đề theo cách dùng “trực giác luận” và “hữu minh luận” thì công lý, là một hệ thống cơ cấu xã hội công cộng nào đó. Nó phân chia quyền lợi, quyền hạn và trách nhiệm cho cộng đồng và mỗi cá nhân theo một hay nhiều quy định pháp định, được số đông (đa số) trong cộng đồng chấp nhận, thì bản chất vấn đề sẽ rõ: Công lý của một xã hội có tổ chức nhà nước, chính là sự công bằng (thành văn) được xuất bản.
Trong một quốc gia cụ thể (nào đó) có nền dân chủ tiến bộ, sự công bằng thể hiện bằng công lý, chính là một phần của cơ cấu xã hội dân chủ tiên tiến. Đó là: “tự do, dân chủ, công bằng, bình đẳng, văn minh”. Trong đó hai từ “dân chủ” trong cụm từ trên ám chỉ nền chính trị dân chủ, trong một xã hội Dân Chủ.
Nếu xét một chế độ độc tài nào đó (điển hình là chế độ độc tài Cộng Sản), ta hỏi liệu nó công lý hay không? Tất nhiên là hoàn toàn có, nhưng công lý (sự công bằng) của xã hội này được xây dựng theo cách áp đặt, hoặc theo cách giả dối, ngụy biện, do một nhóm người lập nên. Họ cũng trưng ra rằng chế độ của họ có đầy đủ “tự do, dân chủ, công bằng, bình đẳng, văn minh” nhưng theo chuẩn mực của họ và theo cách nghĩ của họ. Công lý của xã hội độc tài có đủ mọi chế tài pháp luật, nói là để bảo vệ người dân. Nhưng thực ra nó là thứ công lý có lợi cho kẻ nắm độc quyền mà thôi.
Công lý của xã hội Phong Kiến có thiếu sót (!) là không che đậy sự thiếu công bằng, khi phân chia quyền lợi giữa vua quan và dân chúng. Nhưng chế độ độc tài, nhất là độc tài Cộng Sản thì ranh ma hơn nhiều, nó luôn luôn giương cao ngọn cờ công lý, đề cao sự công bằng, thậm chí giai cấp cai trị độc tài hiện đại thời nay sẵn sàng tuyên bố làm “đầy tớ của dân”, “công bộc của dân”. Nhưng sự thật thì đã rõ, công lý của xã hội độc tài Cộng Sản là thứ công lý một chiều, hoàn toàn bất lợi cho tầng lớp dân đen, chẳng khác nào công lý của thời Phong Kiến.
Như vậy bản chất của khái niệm “Công Lý” trong hai mô hình xã hội (chế độ Dân Chủ và chế độ Độc Tài) là khác nhau, thậm chí một số khía cạnh khác nhau hoàn toàn.
Khái niệm “Dân Chủ”. Riêng về khái niệm “Dân Chủ” thì có nhiều tác giả, nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới cũng đã dày công tìm hiểu. Người ta kết luận: “Dân Chủ” trong chính trị, chính là sự đa nguyên về các thành phần chính trị, thông qua yếu tố căn bản “quyền tự do về chính trị”. “Tam quyền phân lập” đóng vai trò then chốt trong việc phân bổ quyền lực của cơ cấu bộ máy chính trị một quốc gia. ”. Theo Abrham Lincoln- Cựu tổng thống Hoa Kỳ- Dân chủ là một chính phủ “của dân, do dân và vì dân”. Người ta cũng cho rằng: “Dân Chủ là sự thể chế hóa của tự do”.
Một xã hội Dân Chủ (phạm vi quốc gia), thì phải có tự do đúng nghĩa, công lý cũng như các định chế khác của xã hội phải được xây dựng bởi toàn dân (do dân), nó phải phục vụ nhân dân (vì dân), do chính nhân dân nắm quyền điều hành thông qua Quốc Hội (của dân). Xã hội đó phải có nền chính trị dân chủ đa thành phần (đa nguyên). “Bình đẳng” nghĩa là mọi công dân đều được hưởng quyền sống, quyền tự do như nhau, không phân biệt giai cấp. Yếu tố văn minh là yếu tố “tự nhiên có” khi đã có đủ: “tự do, dân chủ, công bằng, bình đẳng”, cộng thêm nét đẹp văn hóa từ bản sắc của nền giáo dục.
Như vậy khái niệm “Dân Chủ” dù là được đặt trong chính trị hay trên toàn xã hội, đều có liên quan mật thiết đến khái niệm “Công Lý”. Tuy nhiên, vì vai trò khác nhau cho nên hai khái niệm này không bao giờ có thể thay thế nhau được. John Rawls gọi mối quan hệ có dạng thức này là “sự thỏa thuận chồng chéo” nó không mâu thuẫn nhau vì Công Lý (công minh) chính là một sản phẩm tinh thần của xã hội có dân chủ. Công Lý là một yếu tố cấu thành để bảo vệ quyền con người trong xã hội. Như vậy chúng ta cần đặt tên cho sự công bằng trong xã hội Dân Chủ là “Công Lý Dân Chủ”,
Nói một cách ngắn gọn: Công Lý là cấu trúc, Dân Chủ là kiến trúc, làm nên một xã hội tự do, dân chủ, công bằng, bình đẳng, văn minh.
Vế phương diện đấu tranh. Người ta cứ nghĩ rằng, trong chế độ Dân Chủ thì không có chuyện đấu tranh đòi công lý, ngược lại chuyện đó vẫn thường xảy ra rải rác trong một phạm vi hẹp nào đó. Thực ra nói rõ hơn thì đó là chuyện “đấu tranh đòi thực thi công lý nghiêm minh”. Và trong chế độ Dân Chủ thì chắc chắn là không có chuyện đấu tranh giành tự do dân chủ nữa. Nhưng trong chế độ Độc Tài thì việc đấu tranh giành dân chủ là điều phải có hoặc sẽ phải có. Vì chỉ có dân chủ đúng nghĩa thì mới sản sinh ra công lý công minh.
Như vậy nếu đặt mục tiêu đấu tranh đòi Công Lý, thay vì đấu tranh giành Dân Chủ thì ta mới chỉ đạt được một phần trong nhiều mục tiêu quan trọng nhằm hướng tới một xã hôi Dân Chủ. Ấy là chưa kể đến chuyện cái công lý mà chúng ta “đòi” ấy, nó theo mô thức nào. Nếu chúng ta đi tìm một thứ công lý chung chung, không rõ ràng, thì có khi chúng ta lại “lượm” được thứ công lý “giả dạng” như của chính chế độ độc tài Cộng Sản đang áp đặt cho dân chúng.
Vì vậy muốn có Công Lý Dân Chủ, nhất thiết và trước hết là phải có Dân Chủ, có Tự Do (tự do về chính trị, tự do báo chí, tự do lập hội, tự do biểu tình vv…). Vì “xã hội nào thì công lý ấy” cho nên mục tiêu đấu tranh giành dân chủ là mục tiêu tối thượng của những người đấu tranh sống trong chế độ Độc Tài.
Có rất nhiều các cuộc cách mạng thay cũ đổi mới trên thế giới đã thành công, ban đầu chỉ xuất phát từ những phản ứng của dân chúng đòi hỏi những chuyện đơn giản từ chính quyền. Ví dụ như cuộc biểu tình đòi quyền lợi của công nhân xưởng đóng tàu Lê Nin ở Ba Lan. Hay cuộc biểu tình của người Rumania chống lại lệnh trục xuất mục sư Laszelo Tokes. Hoặc chuyện công nhân các mỏ Đồng ở Chi Lê đình công đòi tăng lương vv…
Nhưng hầu hết những quần chúng tham gia biểu tình chống chính phủ ở các nước kể trên đã có những hiểu biết về khái niệm Dân Chủ. Họ biết rõ mục tiêu đấu tranh ngắn hạn là để chống chính sách bất công của nhà đương cục. Mục tiêu dài hạn của họ là hạ bệ chế độ độc tài. Rõ ràng đây là một sự khôn khéo trong tổ chức đấu tranh của các nhà lãnh đạo cách mạng.
Nhưng để chuẩn bị cho cách mạng, các nhà lãnh đạo đối lập ở các nước kể trên, trong một thời gian dài trước cách mạng, họ đều đã có những hoạt động tuyên truyền sâu rộng về chủ đề “Tự Do”, chủ đề “Dân Chủ”, chủ đề “Đa Nguyên Chính Trị”vv… Chuyện tuyên bố đấu tranh đòi công lý, hay đòi đất đai, đòi tăng lương, họ chỉ áp dụng cho một cuộc biểu tình, hay một cuộc bãi công cụ thể…
Ở một nước như Việt Nam, với đặc thù riêng, tuy có nhiều điểm khác Chi Lê, Ấn Độ, và các nước Cộng Sản Đông Âu (trước đây). Chuyện “đấu tranh vận dụng” là một điều nên làm, nhưng có lẽ trước hết giống như ở Đông Âu, người dân Việt Nam cần biết rõ đích đến cuối cùng của cuộc cách mạng thay cũ đổi mới là gì, họ cần được chuẩn bị hành trang để sẵn sàng nhập cuộc. Làm sao để họ tin chắc rằng: Đấu tranh giành được quyền tạo lập một xã hội Tự Do Dân Chủ, đương nhiên họ sẽ được hưởng sự công bằng của một nền Công Lý trong sáng, minh bạch.
Lê Nguyên Hồng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét