Để Tưởng Niệm 35 năm biến cố 30/04/1975, Ủy Ban Thụy Sĩ-Việt Nam (COSUNAM), vào ngày Thứ Sáu 30/04/2010, đã tổ chức một cách trang trọng buổi lễ khánh thành lối đi mang tên “Lối Đi Tự Do” (Promenade des Libertés) trong khuôn viên tráng lệ của lâu đài Château du Grand Saconnex, nơi mà Bia Tượng Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam đầu tiên trên thế giới được xây vào năm 2006, cách trụ sở của Liên Hiệp Quốc khoảng một cây số. Bia Tưởng Niệm được xây dựng nhờ sự vận động bền bỉ của ký giả Thierry Opikoffer, Chủ Tịch Ủy Ban Thụy Sĩ - Việt Nam Cosunam; của ông Nguyễn Tăng Lũy, Tổng Thư Ký; ông Nguyễn Đăng Khải, và sự hỗ trợ của nhiều chính giới ngoại quốc, bất chấp các phản đối và vận động cản trở từ tòa Đại Sứ CSVN tại Thụy Sĩ.
Tham dự buổi lễ khánh thành có sự hiện diện đông đảo của người Việt Nam tại Genève, Zurich, Winterthur, Lausanne, các ông Nguyễn Ngọc Bảo, Nguyễn Ngọc Bình, đại diện Đảng Việt Tân tại Âu Châu đến từ Pháp. Về phía chính giới Thụy Sĩ, đặc biệt có sự hiện diện của ông François Longchamp, Chủ Tịch Hội Đồng Chính Phủ Tiểu Bang Genève (Président du Conseil d’Etat). Về phía Hội Đồng Thị Xã Grand Saconnex, có các ông Jean-Claude Cudré, Chủ Tịch; bà Catherine Jeandet, Phó Chủ Tịch; bà Laurence Burkhalter, Tổng Thư Ký. Và về phía chính quyền thành phố Grand-Saconnex, có các ông Jean-Marc Comte, Thị Trưởng, thành viên của Ủy Ban Thụy Sĩ - Việt Nam từ năm 1993, ông Arthur Plée, bà Elizabeth Böhler-Goodship. Ngoài ra, cũng có sự hiện diện các đảng Parti Radical (đảng Cấp Tiến), đảng Parti Démocrate Chrétien (PDC, đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo) với các ông François Gillet, Dân Biểu kiêm Chủ Tịch đảng PDC tiểu bang Genève; ông Serge Dal Busco, Dân Biểu PDC của Genève; bà Sonia Gatti, Tổng Thư Ký đảng PDC; ông Fredric Hohl, Dân Biểu đảng Radical của Genève.
Mở đầu lễ khánh thành, ông Trần Hữu Kinh, Chủ Tịch Hội Cựu Quân Nhân QLVNCH tại Thụy Sĩ, đại diện Cộng Đồng Người Việt tại Thụy Sĩ đã phát biểu về ý nghĩa của biến cố 30/04, ghi ơn sự cứu giúp và cưu mang của chính quyền Thụy Sĩ, và nói lên sự thành công của thế hệ trẻ Việt Nam trong nỗ lực hội nhập xã hội tiếp cư cũng như đóng góp hữu hiệu vào việc xây dựng cộng đồng và đấu tranh cho tự do dân chủ tại Việt Nam. Tiếp theo là lời phát biểu của ông Thierry Oppikofer, chủ tịch Ủy Ban Cosunam, nhắc lại quá trình vận động để xây bia tưởng niệm, cũng như những nỗ lực của Ủy Ban trong hơn một thập niên qua để vận động dân chủ cho Việt Nam.
Kế tiếp, ông Jean Marc Comte, Thị Trưởng Grand Saconnex, cho biết ông rất hân hạnh đây là thành phố đầu tiên tại Âu Châu đã dựng Bia Thuyền Nhân Việt Nam và luôn sẵn sàng hỗ trợ các nỗ lực vận động chính giới quốc tế của người Việt tại Thụy Sĩ nhằm mang lại tự do dân chủ cho Việt Nam. Đó là những giá trị rất phổ quát tại Tây Phương, tại Thụy Sĩ, nhưng lại là những điều vẫn còn không tưởng tại các quốc gia độc tài. Sau đó, ông Longchamp, vị đại diện dân cử cao cấp nhất của thành phố Genève đã lên phát biểu cho biết Tự Do chỉ có được khi mỗi người dám đứng lên đấu tranh để giành lấy và rất hân hạnh đến tham dự buổi lễ khánh thành “Promenades des Libertés”.
Sau lễ khánh thành, các quan khách hiện diện đã thả bộ đi hết con đường “Promenade Des Libertés” bắt đầu từ Bia Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam dẫn đến trụ Sở của Hội Đồng Liên Tôn (Conseil Oecuménique Des Eglises), nơi đặt hai mảnh Bức Tường Ô Nhục Bá Linh. Tại đây, quan khách đã được ông Tổng Thư Ký Flykse Tveit của Hội Đồng Liên Tôn tiếp đón.
Sau phần lễ khánh thành thật trang trọng và cảm động, thị xã Grand Saconnex đã tổ chức một buổi tiếp tân tại phòng khánh tiết của thị xã. Nhân dịp này, cô Thủy Tiên, con gái nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, người vừa bị nhà nước cộng sản Việt Nam vu khống và kết án ba năm rưỡi tù, đã lên tiếng phát biểu để cám ơn nỗ lực của chính giới Thụy Sĩ đấu tranh cho gia đình cô. Một lần nữa, cô thỉnh cầu Ủy Ban Cosunam và Thị Trưởng Jean Marc Comte tiếp tục can thiệp với Bộ Trưởng Ngoại Giao Thụy Sĩ về trường hợp của mẹ cô. Để đáp lời, ông Jean Marc Comte cam kết sẽ hết sức vận động để chính quyền Thụy Sĩ tiếp tục can thiệp cho bà Trần Khải Thanh Thủy.
Sau phần tiếp tân, một buổi lễ Tưởng Niệm 35 năm biến cố 30/04 đã được tổ chức trước Bia Thuyền Nhân, với sự tham dự của đại diện các cộng đồng tại Thụy Sĩ. Nhân dịp này, ông Trần Hữu Kinh, ông Nguyễn Ngọc Bảo, cô Thủy Tiên, và một số anh chị em thuộc giới trẻ tại Lausanne đã được Ban Tổ Chức mời lên phát biểu về ngày 30/04/1975. Vào buổi tối cùng ngày, trong phần thảo luận và dùng cơm thân mật, đề tài về cách thức vận động giới trẻ tham gia vào các sinh hoạt cộng đồng, giữ gìn bản sắc Việt Nam, và đóng góp vào công cuộc đấu tranh và xây dựng đất nước đã được thảo luận sôi nổi giữa giới trẻ, các bậc phụ huynh, và các thế hệ đi trước.
- Quan khách trước bia tưởng niệm.
- Cắt băng khánh thành “Lối Đi Tự Do” (Promenade des Libertés) trong khuôn viên tráng lệ của lâu đài Château du Grand Saconnex
- Từ trái sang phải: cô Nguyễn Thị Xuân Trang; ông François Longchamp, Chủ Tịch Hội Đồng Chính Phủ Tiểu Bang Genève; cô Thuỷ Tiên, con gái nhà văn Trần Khải Thanh Thuỷ; ông Jean-Marc Comte, Thị Trưởng Grand Saconnex.
- Cô Thuỷ Tiên cám ơn nỗ lực của chính giới Thụy Sĩ đấu tranh cho gia đình cô cũng như thỉnh cầu Ủy Ban Cosunam và Thị Trưởng Jean Marc Comte tiếp tục can thiệp với Bộ Trưởng Ngoại Giao Thụy Sĩ về trường hợp của mẹ cô.
— -
Quận Grand-Sarconnex (Genève)
Con đường Tự Do cho Việt Nam
François Valle - Tuyết Đan phỏng dịch
Đây là chốn kỷ niệm, nhưng cũng là niềm hy vọng: Ủy Ban Thụy Sĩ - Việt Nam (Cosunam), tổ chức đã đấu tranh từ 20 năm nay cho dân chủ và sự tôn trọng các Quyền Con Người tại Việt Nam, đã khánh thành hôm 30/4/2010, tại quận Grand-Sarconnex, một con đường tản bộ mang tên Con Đường Tự Do, với sự hiện diện của ông Chủ Tịch Hội Đồng Quốc Gia François Longchamp và Hội Đồng Hành Pháp quận Grand-Sarconnex, cùng với nhiều vị dân cử địa phương cũng như các vị đại diện cộng đồng Việt Nam. Con đường tản bộ này nối liền Bia Thuyền Nhân, khánh thành năm 2006 trong công viên của Lâu Đài Grand-Sarconnex, với những mảng di tích của Bức Tường Bá Linh được đặt trước trụ sở của Hội Đồng Liên Tôn.
Ủy ban Cosunam được thành lập cách đây 20 năm tại thành phố Genève với mục đích nhắc nhở lại thảm kịch thuyền nhân (300.000 người đã thiệt mạng trong lúc tìm cách rời bỏ đất nước sau khi cộng sản chiếm miền nam ngày 30/4/1975) và sự tiếp nhận họ, đặc biệt là tại Thụy Sĩ, và cổ vũ cho Dân Chủ và Nhân Quyền. Ông Thierry Oppikofer, chủ tịch Cosunam, đã chào mừng sự dũng cảm của nhà cầm quyền quận Sarconnex, đã phải đương đầu với những sức ép đến từ phía đại diện chính thức của cộng sản Việt Nam. Bia Thuyền Nhân ở đây là tấm bia đầu tiên được dựng lên tại Châu Âu. Nhiều tấm bia khác, đặc biệt là tại Mã Lai đã bị đập phá do sự yêu cầu của Hà Nội.
Giấc mơ Tự Do
Từ nay, Con Đường Tự Do sẽ là sự cụ thể hóa giấc mơ Tự Do Dân Chủ đang ấp ủ trên một đất nước vẫn còn đang bị thống trị bởi một nền cai trị độc tài của một thời quá vãng. “Tự Do không thể bị trả giá mà phải được tôn trọng ở khắp mọi nơi”, ông Thierry Oppikofer, chủ tịch Ủy Ban Thụy Sĩ-Việt Nam đã nhắc lại trong buổI lễ khánh thành. Ông François Longchamp đã vinh danh các thuyền nhân và đã hoan nghênh sự dấn thân của Hội Đồng Hành Pháp quận Grand-Sarconnex “đã khiến cho thành phố Genève được vinh hạnh là mảnh đất của Tự Do và Nhân Quyền”. Ông Chủ Tịch Hội Đồng Quốc Gia cũng đã ghi nhận những đóng góp của cộng đồng người Việt cho địa phương cũng như cho cả nước. Các diễn giả Việt Nam đều đã nói lên lòng tri ân đối với quốc gia đã đón nhận họ. Trung tá Trần Hữu Kính khẳng định rằng sự giúp đỡ của Thụy Sĩ đối với hàng ngàn đồng hương của ông xứng đáng nhận được “sự biết ơn đời đời”.
Thị trưởng Grand-Sarconnex, Jean-Marc Comte, đã nhấn mạnh về một mãnh lực biểu tượng gắn liền tấm bia Thuyền Nhân với Bức Tường Ô Nhục nay đã bị phá hủy, trong lúc ông chủ tịch Cosunam thì cho rằng “Lịch sử đã dạy chúng ta không bao giờ khuất phục: những Người Công Chính phải luôn luôn có mặt và làm chứng tá. Và tất cả những ai, ngày hôm nay, coi việc giết chóc, tù đày kẻ khác là tội ác, dù bất cứ với lý do chủ thuyết nào, đều là những Người Công Chính”. Mục sư Olav Fikse Tveit, tổng thư ký Hội Đồng Liên Tôn đã nồng nhiệt đón tiếp phái đoàn trong sân của trụ sở Hội Đồng, và khẳng định rằng bất cứ bức tường nào cũng không được ngăn cách con người với nhau. Ông Jean Fischer, công dân Thụy Sĩ và là cựu Chủ Tịch Hội Đồng Liên Giáo Hội Âu Châu đã phát biểu “Các bức tường không thể vươn cao lên đến trời được”.
Thành phố Berne và Munich
Một khoảnh khắc đặc biệt cảm động là lúc một cô gái Việt Nam, con của nữ văn sĩ Trần Khải Thanh Thủy hiện đang bị giam cầm trong các nhà tù cộng sảnViệt Nam, đã ngỏ lời xin ông Thị Trưởng Grand-Sarconnex và Ủy Ban Cosunam can thiệp cho mẹ cô. Người ta đang nóng lòng chờ đợi phản ứng của Bộ Ngoại Giao Liên Bang Thụy Sĩ, hiện đang tiếp đón một phái đoàn chính thức từ Việt Nam để thảo luận - rất lịch sự - về Nhân Quyền, và đặc biệt, như thông cáo báo chí của Bộ này, giải thích cho những đại biểu của chế độ độc đảng, nội dung và kết quả của cuộc bầu cử về vấn đề tháp Hồi Giáo. Theo nhận xét một cách mỉa mai của ông Thierry Oppikofer, Bộ Ngoại Giao Liên Bang Thụy Sĩ dường như đã sáng chế ra “một biến chiêu mới cho đường lối ngoại giao Munich”.
Nếu từ lâu nay, sự thật về những vi phạm các quyền căn bản đã bị che dấu, hay không khiến những chính trị gia quan tâm – đó là không kể những loại truyền thông nhân nhượng với các chế độ gọi là “cấp tiến”, tình hình đã từng bước thay đổi. Ngày hôm qua, tại Grand-Sarconnex, người ta đã ghi nhận sự hiện diện của nhiều vị dân cử (từ ông Frédéric Hohl đến ông François Gillet, chủ tịch đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo PDC), của nhiều cựu thẩm phán thân hữu của Việt Nam (như ông Michel Rosetti, cựu Thị Trưởng thành phố Genève, hay ông Pierre Marti, cựu chủ tịch Hội Đồng Thành Phố Genève), của ông thị trưởng quận Benex, Serge Dal Busco, ông nghị viên thành phố Genève, Simon Brandt và nhiều vị dân cử của Grand-Sarconnex. Như lời phát biểu rất ý nhị của ông thị trưởng, Jean-Marc Comte: “Vai trò của Hội Đồng Hành Chánh là bảo vệ các giá trị chứ không phải để làm trò đùa, làm những cuộc đấu đá con nít”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét