2010/05/31

Hai tiếng súng và những điều tất yếu trong vụ “giải phóng mặt bằng” Nghi Sơn

Nguyễn Thanh Văn

"Giải phóng mặt bằng” là nhóm từ ngữ văn hoa mà các cơ quan chức năng vẫn hay dùng để nói về một việc làm rất thường xuyên của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam. Đó là “đuổi dân, chiếm đất, kiếm lời, bỏ túi” của các quan chức. Để việc đuổi dân, chiếm đất được chóng vánh, thường thì nhà cầm quyền đưa đến hiện trường đông đảo công an võ trang đầy đủ từ súng ống, dùi cui, roi điện, lựu đạn cay, hoặc ngay cả chó nghiệp vụ. Với lực lượng “giải phóng” hùng hậu như vậy, lúc nào nhà nước cũng có những “thắng lợi rực rỡ” để khoe trên báo đài.
Vụ “giải phóng mặt bằng” tại khu kinh tế Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa, hôm 25 tháng 3 vừa qua thì hơi khác một chút. Có nghĩa là công an không dùng đến những biện pháp thường lệ, mà giải quyết gọn nhẹ bằng mấy phát súng thị uy. “Chiến công” để đi đến “thắng lợi” của họ là một em bé 12 tuổi bị thiệt mạng, hai người khác bị thương. Sự việc sau đó đã được vài tờ báo điện tử như VietNamNet, Dân Trí, Tiền Phong, v.v.… đưa tin, kèm theo bản thông tin của công an tỉnh Thanh Hóa về vụ việc này. Thế nhưng chỉ đến buổi chiều cùng ngày các trang mạng đó đã đồng loạt lấy bản tin xuống. Việc bài vở, tin tức vừa được đăng trên các trang mạng nhà nước rồi bị lấy xuống ngay lập tức vẫn thường xẩy ra. Điều này cũng dễ hiểu, vì với một nhà nước lấy dối trá, bạo lực làm tiêu chuẩn hành xử, nhưng lại cố tô vẽ cho họ bộ mặt tốt đẹp bằng các phương tiện thông tin độc quyền, thì đương nhiên là dấu đầu lòi đuôi, để lộ nhiều điều khuất tất. Khi mà nỗ lực bưng bít thông tin ngày càng trở nên vô hiệu, thì hệ quả tất yếu sẽ là sự lúng túng, bất nhất; đưa tin gian dối lên rồi phải lấy xuống ngay.

Theo Bản thông tin của CA Thanh Hóa thì trong cái gọi là quá trình “giải phóng mặt bằng” ở Nghi Sơn, các cơ quan chính quyền liên hệ đã vừa họp để giải quyết các kiến nghị của người dân, vừa ra lệnh công an giữ an ninh trật tự cho việc giải tỏa mặt bằng, vì có khoảng 100 dân chúng đến ngăn cản thi công. Giải quyết kiến nghị của dân ra sao thì không thấy bản thông tin đề cập đến, mà chỉ thấy ngày hôm sau số dân chúng kéo đến tiếp tục ngăn cản thi công đông gấp đôi ngày hôm trước; mà phần lớn là người già, phụ nữ và trẻ em.
Như vậy có nghĩa là nhà cầm quyền hoặc giải quyết chưa thoả đáng, hoặc chẳng giải quyết gì cả; vì vậy, người dân thôn Trung Sơn mới tiếp tục phản đối.
Bản thông tin còn cho biết, khi lực lượng công an trực tiếp đưa những người ngăn cản ra ngoài, thì bị một số đối tượng quá khích ném đá vào xe Ôtô và những người đang làm nhiệm vụ. Từ nhiều năm nay, những ai đã từng chứng kiến cảnh công an “đưa“ dân oan khiếu kiện ra khỏi hiện trường, thì hiểu ngay hành động gọi là “đưa” của công an như thế nào. Chắc chắn là không thiếu cảnh lôi, kéo, đấm, đá, đánh, đập, quẳng lên xe như súc vật. Ở đây cũng nên mở một dấu ngoặc để minh hoạ thêm cho động từ “đưa” của công an. Với đồng bào Việt Nam thì “đưa” đồng nghĩa với những hành vi bạo lực vừa kể, nhưng đối với người Trung Quốc đến cướp giật, chiếm đoạt ngư trường của ngư dân Việt Nam, thì công an biển Việt Nam hành xử đầy “văn hoá, văn minh.....”, có khi còn trịnh trọng nữa.
Bàn thông tin của công an cho biết là, khi thấy “tình hinh phức tạp” thì một công an đã dùng súng bắn cảnh cáo, nhưng không nói rõ bắn vào đâu. Sau đó có người xông vào giằng, cướp súng và xẩy ra tiếng nổ thứ hai. Kết quả là một cháu bé 12 tuổi bị thiệt mạng và 2 người bị thương (*). Tuy nhiên, theo một số nhân chứng tại chỗ thì nạn nhân Lê Hữu Nam đã ngã gục sau tiếng nổ thứ nhất.
Như vậy chỉ có 2 tiếng súng nổ. Kịch bản logic có thể xẩy ra như sau: Nếu phát súng thứ nhất là bắn cảnh cáo thì phát súng thứ hai chắc chắn là bắn thẳng vào dân và “bắn xuyên táo”. Tức là chỉ một viên đạn mà cùng một lúc làm cho một người chết, hai người bị thương. Điều này rất dễ dàng kiểm chứng khi xét đến vị trí của các nạn nhân, hướng đi và sức công phá tương ứng của đầu đạn đối với mỗi nạn nhân. Nếu sự kiểm chứng cho kết quả không phù hợp với những tất yếu trong việc “bắn xuyên táo” thì cả hai phát súng đều là bắn thẳng vào dân chứ không có viên nào bắn cảnh cáo.
Công an cho rằng, dân chúng nhào vô giật súng sau khi công an bắn chỉ thiên cảnh cáo... chuyện những người dân tay không, nghe tiếng súng thì không sợ hãi mà lại xông lên giật súng nghe rất khó lọt tai; và vô lý hơn là, nếu dân chúng giật được súng thì chẳng lẽ họ lại quay súng lại bắn vào dân? Hoặc dân giật được súng rồi ngoan ngoãn trả lại công an, và đi phá nhà chủ tịch Xã “bằng tay không”?
Còn nếu có chuyện giằng co súng ống, thì dù rằng diễn tiến “giằng co” đó có làm nổ súng hay không, chắc chắn những người dân “giằng co” đã bị bắn tại chỗ, hoặc bị bắt đi ngay lập tức, để trút hết tội lỗi lên họ, chứ chẳng lẽ để công an phải nhận tội.
Do đó, RÕ RÀNG chỉ có các nạn nhân bị bắn chết tại hiện trường ngay trong viên đạn đầu tiên chứ không có chuyện giật súng! Và khi thấy có người chết, công an vội vã phi tang rồi rút chạy. May là dân chúng còn chụp được các chứng tích và phổ biến khắp nơi, không thể nào bưng bít được nữa. Việc công an sau đó bịa ra chuyện giành giật súng chỉ là thủ thuật nhằm chuẩn bị nguỵ tạo tang chứng khác hầu bắt một vài người dân làm dê tế thần, như họ đã làm trong vụ vu khống để bắt giam nhà văn Trần Khải Thanh Thuỷ.
Vụ “giải phóng mặt bằng” Nghi Sơn bên cạnh bản chất gian dối và tàn ác của công an như đã đề cập ở trên, nếu so sánh việc công an xem một em bé 12 tuổi là mối đe doạ để đến độ phải bắn chết (tức là “bắn trước chối sau”), với vụ nhân công Trung Quốc quậy phá thôn làng cũng ở Nghi Sơn hơn một năm trước đây - mà công an than thở chẳng làm được gì - người ta sẽ thấy bản chất “hèn với giặc, ác với dân” của cộng sản Việt Nam đáng kinh tởm như thế nào.
(*) Tin tức sau đó thì nạn nhân Lê Hữu Nam cũng đã qua đời tại Bệnh viện.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét