2010/05/06

Có hy vọng nào vào những lớp lãnh đạo kế thừa của đảng Cộng Sản VN

Ngô Văn

Những năm liền sau năm 1975, cứ mỗi lần 30 tháng tư là báo chí nước ngoài đưa tin tràn ngập về ngày này theo chiều hướng thuận lợi cho chính quyền Hà Nội. Nhiều mỹ từ đã được dùng để nói về cuộc chiến đó. Nào là “cuộc chiến giải phóng miền Nam”, hay “quân đội nhân dân đã đánh bại anh khổng lồ Mỹ quốc”, v.v... Nhưng càng về sau này, khi lớp bụi chiến tranh lắng xuống và những tài liệu liên quan đến cuộc chiến Việt Nam dần dần được bạch hoá thì những nhận định về cuộc chiến đó cũng ngày càng công bằng và khách quan hơn. Những mỹ từ dạo trước được dành cho chế độ cộng sản tại Việt Nam cũng dần dần biến mất.
Về phần lãnh đạo đảng CSVN, sau chiến thắng năm 1975, thay vì lợi dụng thời cơ này để xoá bỏ hận thù, đoàn kết dân tộc hầu tái thiết đất nước sau bao năm bị chiến tranh tàn phá, thì họ trở nên kêu ngạo hơn; tự cho mình có một sức mạnh vô địch, không ai có thể chống lại được. Sự kêu ngạo này đã đưa họ đi từ sai lầm này đến sai lầm khác; mà mỗi sai lầm là một sự tàn phá đất nước ghê gớm về mọi mặt, từ tinh thần cho đến vật chất. Chính sách tù cải tạo, đánh tư bản mại sản, cải tạo công thương nghiệp, kinh tế mới, v.v… là những sai lầm điển hình nhất.

Thật ra ngay sau năm 1975 dân chúng ở miền Nam đã chống đối lại những sự sai lầm đó dưới nhiều hình thức, từ đấu tranh vũ trang đến luồn lách phá hoại ngầm các chính sách, hoặc bất hợp tác. Nhưng vào thời gian đó CSVN đang ở đỉnh cao của chiến thắng, đặc biệt là bằng những chính sách khủng bố rộng lớn để trấn áp và tạo nên nỗi sợ hãi bao trùm xã hội; CSVN dập tắt được nhiều sự phản kháng bằng bạo lực, trong nhiều trường hợp rất dã man. Tâm trạng chung của người dân Việt Nam lúc là bi quan, chán nản. Hầu hết gần như xuôi tay đứng nhìn đất nước đi thụt lùi, cúi đầu chấp nhận sự cai trị ngu dốt và đầy hận thù của những người lãnh đạo cộng sản, với hy vọng mong manh là trong tương lai thế hệ lãnh đạo cộng sản kế tiếp sẽ bớt sát máu hơn thế hệ của Lê Duẫn, Trường Chinh, Lê Đức Thọ.
Từ đó đến nay đã 35 năm. Những thế hệ lãnh đạo cộng sản già nua lần lượt ra đi, nhường chỗ lại cho thế hệ cộng sản đàn em lên thay, nhưng sự ngu dốt thì vẫn ở lại. Đến thế hệ của Nông Đức Mạnh, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng, thì nhờ đã vứt bỏ đi nền kinh tế xã hội chủ nghĩa trong chính sách đổi mới nhập nhằng, mà người dân có đời sống vật chất thoải mái hơn; nhưng trong mọi lãnh vực khác thì những thế hệ lãnh đạo mới này đang ngày càng đưa Việt Nam gần đến hố thẳm giệt vong hơn. Xã hội ngày càng suy đồi hơn, giáo dục ngày càng xuống dốc hơn, phân cực giàu nghèo ngày càng lớn hơn, các món nợ nước ngoài ngày càng chồng chất hơn... Việt Nam không những tụt hậu ngày càng xa so với các nước trong vùng, mà nguy hiểm hơn, ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc.
Nếu thời ông Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký công hàm thừa nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc, và chủ quyền đó chỉ có giá trị trên giấy tờ; thì sang thời Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, tinh thần của công hàm đó đã trở thành hiện thực. Không những thế, giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam càng về sau này càng “Hán hoá” Việt Nam một cách “đại trà” hơn, với nhịp độ nhanh chóng hơn bằng nhiều hình thức. Bên cạnh sự Hán hoá bằng tư tưởng văn hoá do chính các cơ quan văn hoá của nhà nước chủ động thực hiện, thì việc dâng đất, nhượng biển đến việc cho người Trung Quốc ồ ạt sang chiếm cứ những vùng đất trọng điểm của tổ quốc dưới hình thức như khai thác bô-xít, thuê rừng, thuê đất tại những địa bàn chiến lược quan trọng, cũng được chính giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam xướng xuất. Bất chấp những phản đối của dân chúng, đặc biệt là của thành phần trí thức, những tiến trình Hán hoá vừa kể chỉ tăng chứ không hề giảm.
Sau thế hệ Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, liệu rằng Việt Nam sẽ khá hơn không? Trong lớp người lãnh đạo kế thừa của đảng cộng sản Việt Nam hiện nay không phải là không có những người đỗ đạt từ các nước tây phương trở về. Tuy nhiên, như một định luật: khi đã trở thành phần tử của một tập đoàn tha hoá thì họ sẽ phải vận hành theo sự tha hoá đó, nếu không muốn bị nghiền nát. Càng vận hành nhuần nhuyễn thì càng trở thành phần tử quan trọng để leo lên vị trí lãnh đạo. Vì vậy, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, v.v... rồi sẽ ra đi, nhưng cái căn cốt ngu dốt và tha hoá của guồng máy vẫn nguyên vẹn; và để bảo vệ quyền lợi, ngôi vị, những tiến trình “hội nhập với Trung Quốc” hiện nay sẽ được lớp lãnh đạo kế thừa lưu manh hoá một cách tinh vi hơn. Cứ nhìn vào Nguyễn Chí Vịnh, Lê Đức Minh, Lê Ngọc Anh,... là sẽ thấy được thế hệ lãnh đạo tương lai của CSVN như thế nào. Đặc biệt là nhìn vào Đỗ Ngọc Bích, một người không những thấm nhuần tư tưởng: “Việt Nam tự cổ chí kim luôn luôn là một phần của Trung Quốc”, mà còn thấm nhuần cả phong cách lừa dối, một phong cách nổi bật của giới cầm quyền Hà Nội, người ta sẽ thấy ngay một điển hình của sự nghiệp “trăm năm trồng người” của đảng cộng sản Việt Nam cho tiến trình Hán hoá nước Việt.
Những thực tế nêu trên cho thấy, nhân dân Việt Nam không thể trông chờ vào sự “tự hoàn thiện” của guồng máy lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam qua những thế hệ lãnh đạo mới. Không cần phải chờ 25 năm trong dự án khai thác bauxite, hay 50 năm cho thuê rừng, để người Hoa có đủ thời gian sinh sôi nảy nở và bám rễ thì những phần đất họ đang chiếm đóng của Việt Nam mới thuộc về nước Tàu. Ngay bây giờ người quyền uy như tướng Đồng Sĩ Nguyên mà cũng phải khó khăn lắm mới vào được tô giới của họ. Ngay bây giờ, tàu Trung Quốc vào đánh cá ngang nhiên sát bờ biển Việt Nam mà công an biển Việt Nam cũng chỉ dám “mời và hướng dẫn” họ ra khơi. Ngay trong hiện tại ngư dân Việt Nam đi trong vùng biển Việt Nam mà Trung Quốc muốn giết thì giết, muốn bắt thì bắt, muốn cướp thì cướp. Ngay bây giờ người Việt Nam muốn viết hàng chữ “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” cũng phải viết lén; viết công khai là bị tù tội... Việt Nam hiện chưa mất nước, nhưng phải chăng thời kỳ bắc thuộc lần thứ năm đã bắt đầu với những quan thái thú người Việt?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét