2010/04/08

Xin đóng góp một việc làm nhỏ

Nguyễn Minh

Tôi là một độc giả thường xuyên của diễn đàn Dân Luận ở TP. HCM. Sự truy cập diễn đàn này có lúc dễ dàng, có lúc khó khăn, nhưng tôi và các bạn vẫn thường chỉ cho nhau những cách vượt tường lửa để không bị các tường lửa vô duyên này bịt mắt chúng tôi nhìn ra thế giới bên ngoài.
Một trong những bài mà tôi thích thú đọc là bài "Hãy bắt đầu bằng từng bước nhỏ để đạt một thay đổi lớn" của Nguyễn Ngọc. Đúng vậy, nếu mỗi người Việt Nam chỉ cần bắt đầu từng bước nhỏ, thì kết quả chung sẽ rất lớn. Bài viết của Nguyễn Ngọc cũng gợi lại cho tôi một bài học đấu tranh khá lý thú của người dân Chile chống lại chế độ quân phiệt của nhà độc tài Pinochet.
Vào đầu thập niên 80, sự cai trị sắt máu của Pinochet đã gieo sự sợ hãi kinh hoàng đối với người dân Chile. Tất cả những ai chống đối đều bị đưa vào tù hay bị thủ tiêu. Đến 1983, để tháo gỡ vòng kim cô sợ hãi vô hình đang xiết chặt trong đầu của từng người dân, những nhà đấu tranh cho dân chủ ở Chile đã có sáng kiến là kêu gọi mọi người phản đối bằng những bước nhỏ. Khởi đầu, họ kêu gọi tất cả người dân biểu lộ sự phản đối của mình bằng cách mọi việc đều chậm lại trong cùng một ngày. Như đi thật chậm trên đường phố, lái xe chậm, làm việc chậm, ăn uống chậm. Điều bất ngờ là ngay ngày đầu tiên kêu gọi, mọi việc ở thủ đô Santiago và các thành phố lớn khác của Chile đều chậm lại hẵn. Rõ ràng, một việc làm rất nhỏ của từng người đã làm rung chuyển chế độ quân phiệt. Vì sau đó, những hình thức chống đối từ từ leo thang, như kêu gọi nhau cùng gõ nồi niêu, xoang chảo vào lúc 20g, đến việc rũ nhau đến cửa nhà tù cắm hoa để tuyên dương tinh thần tranh đấu cho dân chủ của những người đang cầm tù. Từ hành động đi bộ chậm lại, sức mạnh chống đối tăng dần và tất cả đã hội tụ lại để đánh bại Pinochet trong một cuộc trưng cầu dân ý vào năm 1988.

Bài học đấu tranh của dân Chile làm cho tôi suy ngẫm rất nhiều. Người Việt Nam chúng ta có thể khởi sự bằng những bước nhỏ như vậy hay không? Vì vậy, khi đọc bài của Nguyễn Ngọc, tôi vô cùng tâm đắc. Đúng, chúng ta phải "đặt mục tiêu càng thấp càng tốt", chúng ta phải "làm từ nhỏ, rất nhỏ trong tầm tay" và chúng ta phải tận dụng "mọi lúc mọi nơi mọi đối tượng".
Khởi đi từ những bước nhỏ như thế nào? Chúng ta chưa có những nhà lãnh đạo đối lập lớn, đủ uy tín để kêu gọi mọi người đi chậm lại như ở Chile. Chúng ta chưa có một hệ thống nhân sự như công đoàn solidarnosc ở Ba Lan để giúp ông Walesa chuyển tải chỉ thị và vận động đình công. Như vậy chúng ta phải làm sao? Theo tôi, chúng ta nên gợi ý cùng nhau khuyến khích mọi người cùng làm một số việc nhỏ, có ý nghĩa như ông Nguyễn Ngọc đã đề nghị.
Riêng cá nhân tôi, sự bức xúc lớn nhất là vấn đề lấn chiếm của Trung Quốc đối với Việt Nam. Chúng ta đã mất Hoàng Sa. Chúng ta gần mất hết Trường Sa. Chúng ta mất đất, mất biển và chúng ta đang mất Tây Nguyên, khi chính quyền chấp nhận cho Trung Quốc vào khai thác bô xít tại đây.
Tôi và vài người bạn thường chia sẻ nhau những bức xúc này. Nhưng làm gì đây? Cách đây không lâu, tôi thấy có người vẽ mấy chữ "HS.TS.VN" trên tường ở thành phố Vinh, hay dán trên xe ở Hà Nội. Họ muốn nói lên cho mọi người cùng biết là "Hoàng Sa, Trường Sa vĩnh viễn là của Việt Nam". Nhưng nếu công khai bày tỏ điều này, thì họ sợ sẽ cùng chung số phận như nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, nhà giáo Vũ Hùng,... Vì vậy họ đã viết tắt bằng 6 chữ "HS.TS.VN". Tôi cho đây là một việc làm nhỏ, nhưng có ý nghĩa lớn.
Tôi và vài người bạn đã quyết định cùng làm theo, như là một đóng góp nhỏ của mình cho việc chung. Vào hai ngày 30 và 31 tháng 3 vừa qua, chúng tôi đã tổ chức "hành quân" qua một số địa điểm ở TP. HCM, để xịt lên tường 6 chữ "HS.TS.VN". Tôi muốn chia sẻ các hình ảnh này với bạn đọc của Dân Luận như một hành động hưởng ứng lời kêu gọi "Hãy bắt đầu bằng từng bước nhỏ để đạt một thay đổi lớn" của Nguyễn Ngọc. Tôi mong rằng nhiều bạn khác ở khắp nơi cũng làm những việc nhỏ như vậy, để chúng ta cùng nói lên lòng yêu nước và bày tỏ sự bất bình đối với chính quyền đã và đang có thái độ nhu nhược đối với hành động lấn chiếm của Trung Quốc.
Nguyễn Minh
JPEG - 84.9 kb
JPEG - 52.1 kb
JPEG - 64.3 kb
JPEG - 60.1 kb
JPEG - 82.9 kb
JPEG - 66.9 kb
JPEG - 64.2 kb
JPEG - 72.2 kb

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét