Joseph S. Nye
Tự Luận phỏng dịch từ bài viết của Joseph S. Nye đăng trong Đại Hàn Thời Báo ngày 14 tháng 3. Nye nguyên là Phụ tá bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, hiện là giáo sư tại đại học Harvard và là tác giả quyển «Sức mạnh để lãnh đạo» (The Powers to Lead).
Tương quan Mỹ-Trung lại một lần nữa có chiều hướng đi xuống. Trung Quốc chống đối việc Tổng Thống Obama tiếp đãi Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Tòa Bạch Ốc, cũng như việc chính phủ Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan. Tuy đã có tiền lệ cho cả hai vụ, một số lãnh tụ Trung Quốc vẫn mong đợi ông Obama tỏ ra nhạy cảm hơn đối với những việc mà Trung Quốc coi là có lợi ích căn bản cho sự thống nhất lãnh thổ của họ.
Mọi việc tưởng như đã không diễn biến như vậy. Mới năm trước chính phủ Obama đã có nhiều cố gắng để xích lại gần Trung quốc, như Tổng trưởng Ngoại giao Clinton nhắc đến chuyện cả hai nước đồng hội đồng thuyền, và rằng Mỹ-Trung Quốc sẽ có thể lên hay xuống cùng một lúc; rồi Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner nói ông dành nhiều thời giờ làm việc với đối tác Trung Quốc của ông ta hơn với bất kỳ nước nào khác. Nhiều nhà quan sát còn nhắc đến Mỹ-Trung Quốc như một khối "G2" có khả năng nắm đầu kinh tế thế giới.
Ý tưởng về khối G2 đã luôn là một lầm lẫn, vì châu Âu có nền kinh tế lớn hơn cả Mỹ lẫn Trung Quốc, và hiện nay kinh tế Nhật có cỡ xấp xỉ Trung Quốc. Sự tham gia của các nước Âu châu trong việc giải quyết những vấn đề toàn cầu là điều trọng yếu, tuy thế tương quan phát triển giữa Trung Quốc và Mỹ trong khuôn khổ G20 là một dấu chỉ tích cực cho hợp tác song phương và đa phương giữa các quốc gia.
Dù có lấn cấn gì trong những sự kiện gần đây có liên hệ tới Đức Đạt Lai Lạt Ma và Đài Loan, nhưng điều quan trọng cần để ý là tương quan Mỹ-Trung Quốc thật ra đã xuống cấp từ trước đó.
Chẳng hạn nhiều nghị sĩ Mỹ thường phàn nàn rằng công việc làm của người Mỹ bị mất do chính sách can thiệp vào thị trường tiền tệ của Trung Quốc nhằm cố giữ cho đồng bạc của họ ở một mức thấp giả tạo. Rồi quyết định của Trung Quốc không hợp tác trên diễn đàn môi trường tại Copenhagen hồi tháng 12; chẳng những đã chống đối những biện pháp được thương lượng từ cả năm trước, Thủ tướng Hoàng Gia Bảo lại còn sai một thừa hành cấp thấp đi gặp và đổ lỗi cho Obama, một việc làm khá mất mặt cho Mỹ.
Gần đây Trung Quốc lại tái diễn một màn tương tự ở hội nghị của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc với đầy đủ năm thành viên thường trực, có thêm nước Đức, để bàn về những biện pháp chế tài nhằm trừng phạt những vi phạm của Iran theo công ước của Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế. Một lần nữa Trung Quốc chỉ cử một đại diện cấp thấp đến dự. Có hai lý do khả dĩ có thể giải thích cho hành động của Trung Quốc, những lý do này thoạt nhìn có vẻ mâu thuẫn nhưng thực ra có thể hỗ trợ nhau. Thứ nhất một biến chuyển chính trị có kỳ vọng sẽ xảy ra vào năm 2012; đang lúc tự ái quốc gia dâng cao, không thủ lãnh Trung Quốc nào muốn mình bị xem là nhu nhược hơn những đối thủ chính trị khác. Đây cũng có thể là lý do cho những cuộc đàn áp ở Tây Tạng và Tân Cương, hay bắt bớ giam giữ các luật sư cho nhân quyền.
Thêm vào đó Trung Quốc có thể đang tiếp cận một giai đoạn chuyển tiếp về kinh tế. Nhiều người Trung Quốc lập luận là với mức độ tăng trưởng ít hơn 8% mỗi năm sẽ không đủ để tạo công ăn việc làm trong xứ để bảo đảm ổ định xã hội. Trong khi đó có chỉ dấu dự trữ tiết kiệm của Mỹ đang gia tăng, khiến có nghi ngờ là mô hình phát triển bằng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ không còn khả thi; đây là mô hình đã từng tạo nên công ăn việc làm ở Trung Quốc, bất chấp nhiều chênh lệch trong giao thương toàn cầu.
Lý do thứ hai có lẽ chỉ là sự tự phụ của Trung Quốc do quá tự tin, vì đã vượt qua khủng hoảng toàn cầu với mức tăng trưởng cao, và hiện đang nắm một trữ lượng ngoại trái lên tới 12 tỷ đô-la. Nhiều nhà phê bình Trung Quốc tin rằng, đây là biểu hiện cho sự thay đổi trong cán cân quyền lực trên trường quốc tế, theo đó Trung Quốc ít phải nhân nhượng các cường quốc hơn, kể cả Mỹ, một quốc gia đã lên đỉnh cao nhất vào năm 2000 và bây giờ đang trên đà đi xuống.
Nếu thật sự đây là động cơ cho những thay đổi gần đây trong ngoại giao Trung Quốc thì họ đã tính toán sai. Vì:
Thứ nhất: Mỹ không hẳn đang đi xuống, như dư luận phổ biến hiện nay hay ở những thập niên 60, sau chuyến phóng vệ tinh của Nga; những năm của thập niên70, sau khi Nixon bãi bỏ cơ chế ngoại hối cố định trên giá vàng, hay những năm trong thập niên 80, khi phương cách sản xuất của Nhật qua mặt lối làm ăn có vẻ đã rỉ sét của Mỹ. Sức mạnh tiềm ẩn của kinh tế Mỹ nằm ở khả năng cạnh tranh. Năng lực cạnh tranh hiện nay của Mỹ được Diễn Đàn Kinh tế Thế giới xếp đứng hàng thứ hai, chỉ sau Thụy Sĩ.
Thứ hai: dự trữ ngoại tệ khổng lồ của Trung Quốc không hẳn có thể tạo nên quyền lực, vì độc lập trong quan hệ ngoại thương chỉ là tương đối. Tuy Trung Quốc có thể tung đô-la ra thị trường làm kinh tế Mỹ phải khuỵu xuống, nhưng làm vậy chính kinh tế Trung Quốc cũng sẽ bị “sụm tới gót chân” không chỉ do mất giá trữ lượng ngoại tệ của mình, mà còn do mất việc trên cả nước vì lợi tức xuất khẩu giảm đi. Khi có sự quân bình trong độc lập kinh tế thì sẽ không có chênh lệch về quyền lực.
Thứ ba: Dù Trung Quốc có phàn nàn tới đâu, đồng đô-la có thể vẫn sẽ là đơn vị dùng cho dự trữ ngoại tệ của thế giới, do thị trường đầu tư lớn mạnh của Mỹ về cả chiều sâu lẫn chiều rộng, điều mà Trung Quốc vẫn chưa thể đạt được, cho đến khi nào đồng Dân tệ của họ còn chưa có thể chuyển đổi tự do, và hệ thống ngân hàng Trung Quốc chưa được cải tổ. Cuối cùng, Trung Quốc đã tính toán sai, khi đi ngược với lời khuyên khôn ngoan của Đặng Tiểu Bình. Theo đó họ phải hành xử cẩn thận để giữ cho "hào quang của mình được che đậy như úp dưới giỏ". Theo nhận xét gần đây của một nhân vật cao cấp trong chính phủ một nước Á châu, chắc hẳn họ Đặng đã không bao giờ phạm vào lỗi lầm đó. Nếu còn sống, ông ta hẳn đã phải lèo lái Trung Quốc trở lại mối quan hệ mang tính hợp tác với Mỹ như đã diễn ra đầu năm vừa qua.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét