2010/04/17

Sanchez và các dân biểu Cali thúc TT. Obama chất vấn Nguyễn Tấn Dũng về nhân quyền

VP Dân Biểu Loretta Sanchez

Thông cáo báo chí
Văn phòng Dân Biểu Loretta Sanchez
47th District, California www.house.gov/sanchez
Để phổ biến tức khắc
Liên lạc: Caroline Hogan
4 Tháng 4, 2010
Điện thoại: (202) 225 - 2965
Dân Biểu Loretta Sanchez và các nhà làm luật tại California thúc giục Tổng Thống Obama chất vấn Thủ Tướng Việt Nam về vấn đề nhân quyền

Washington, DC - Nữ Dân Biểu Loretta Sanchez (CA-47) và một nhóm những nhà làm luật thuộc cả 2 đảng đã gửi một lá thư tới Tổng Thống Obama để yêu cầu Ông chất vấn Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng về việc nhân quyền tiếp tục bị vi phạm tại Việt Nam. Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đang có mặt ở Washington, DC để dự Hội Nghị Thượng Đỉnh về An Ninh Nguyên Tử Toàn Cầu.
Bà Sanchez là đồng chủ tịch của Ủy Ban Hạ Viện về Vấn Đề Việt Nam, nói: "Điều mà Việt Nam mong muốn là được cộng đồng thế giới tôn trọng và công nhận. Nhưng, để đạt được điều đó, Việt Nam cần phải chứng tỏ thiện chí muốn mở rộng nhân quyền căn bản. Là người lãnh đạo thế giới tự do, Tổng Thống cần lấy thái độ chống lại những sự vi phạm đang diễn ra tại Việt Nam và ở những nơi khác. Tự do và dân chủ chỉ có ý nghiã nếu chúng ta sẵn sàng áp dụng những nguyên tắc kể trên, và ngày hôm nay Tổng Thống Obama đang ở vị trí rất tốt để thực hiện điều đó.
Ngoài việc gửi thư tới Tổng Thống Obama, các Dân Biểu Sanchez, Zoe Lofgren (D-CA), Daniel Lungren (D-CA), và Joseph Cao (R-LA) cũng gửi thư cho Thủ Tướng Việt Nam, đòi hỏi ông ta trả tự do cho nhà tranh đấu dân chủ Trần Khải Thanh Thủy và chồng của Bà là ông Đỗ Bá Tân. Bà Thủy và ông Tân đều đang kháng cáo bản án rất nặng dành cho họ vì tội hoạt động đấu tranh mặc dầu cả Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và luật pháp Việt Nam đều nhìn nhận việc bày tỏ quan điểm chính trị một cách ôn hoà là tự do căn bản chứ không phải là một tội ác.

Dưới đây là toàn bộ nội dung lá thư gửi Tổng Thống Obama.
Kính gửi Tổng Thống Obama
Toà Bạch Cung
1600 Pennsylvania Avenue
Washington, DC 20500
"Thưa Tổng Thống Obama,
Vì Tổng Thống đã chứng tỏ quyết tâm muốn phục hồi danh dự cho dân chủ, nên chúng tôi muốn bày tỏ với Ông mối quan tâm sâu đậm của chúng tôi liên quan đến tình trạng nhân quyền tiếp tục bị vi phạm tại Việt Nam.
Như Tổng Thống đã biết, Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng sẽ đến Washington, DC, để tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh về An Ninh Nguyên Tử Toàn Cầu. Chúng tôi mạnh dạn đề nghị Tổng Thống lợi dụng cơ hội này để truyền đạt sự quan tâm sâu đậm của chúng tôi về việc Việt Nam tiếp tục vi phạm nhân quyền và quyền tự do tôn giáo, và làm một hành động có ý nghiã để giúp cải tiến quyền tự do tôn giáo và nhân quyền ở Việt Nam.
Trong bản báo cáo về nhân quyền vào Tháng 3 năm 2009, Bộ Ngoại Giao đã cung cấp những dữ kiện sau liên quan đến Việt Nam:
’Hồ sơ về nhân quyền của chính phủ Việt Nam vẫn còn là một vấn đề. Công dân Việt Nam không có quyền thay đổi chính phủ, và những phong trào đối kháng chính trị vẫn bị cấm hoạt động. Trong năm qua, nhà nước đã gia tăng việc đàn áp những người bất đồng chính kiến, đã bắt giam nhiều nhà hoạt động chính trị, và kết tội một số người đã bị bắt giam từ năm 2008. Nhiều chủ bút và ký giả của những tờ báo quan trọng đã bị sa thải vì đã tường trình về những vụ tham những của quan chức cũng như viết quan đểm chính trị trên làng dân báo, và những nhà dân báo đã bị bắt giam vì đã chỉ trích chính phủ. Nhà nước tiếp tục giới hạn quyền riêng tư của người dân và gia tăng xiết chặt sự kiểm soát đối với quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận, quyền tự do hội họp và lập hội. Nhà nước duy trì sự cấm đoán các tổ chức nhân quyền độc lập. Tình trạng bạo hành và kỳ thị phụ nữ cũng như việc buôn bán người vẫn là vấn đề lớn. Nhà nước giới hạn quyền thành lập và gia nhập công đoàn độc lập của công nhân.’
Bản báo cáo nói trên đã chứng tỏ rõ ràng là Việt Nam đã vi phạm trầm trọng nhân quyền như ấn định trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và Hiệp Định Quốc Tế về Dân Quyền và Quyền Chính Trị. Chúng tôi cám ơn Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và Toà Đại Sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội đã nhanh chóng hồi đáp những thắc mắc của chúng tôi liên quan đến việc Việt Nam đàn áp nhân quyền. Tuy nhiên, chỉ đưa ra những nhận định công khai như "Việt Nam đã làm ngược lại những gì họ đã cam kết liên quan đến tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền và luật pháp" mà Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã làm thì không đủ.
Như Tổng Thống và Bộ Trưởng Ngoại Giao Hillary Rodham Clinton đã lập đi lập lại chương trình của chính phủ Hoa Kỳ liên quan đến nhân quyền trong thế kỷ 21, theo đó chính phủ sẽ biến những nguyên tắc về nhân quyền của chúng ta thành hành động, thì Việt Nam phải nằm trong chương trình của chúng ta. Chúng ta phải lên tiếng thay cho rất nhiều những nhà tranh đấu đang ở tuyến đầu của phong trào nhân quyền thế giới.
Hiểu được tác dụng của mạng lưới điện tử, các thành viên của Ủy Ban Hạ Viện về Vấn Đề Việt Nam trong suốt năm qua đã có những bước rất cụ thể để bênh vực và bảo vệ quyền tự do trên mạng tại Việt Nam và kêu gọi những cơ quan cung cấp dịch vụ trên mạng như Google và Yahoo hãy bảo vệ quyền riêng tư của những người xử dụng internet ở Việt Nam trong khi nhà nước Việt Nam có những hành động bất hợp pháp để gia tăng kiểm soát trên mạng. Trong năm 2009, nhà nước Việt Nam đã yêu cầu những cơ quan cung cấp dịch vụ internet ngăn chặn người xử dụng internet đi vào một số trang mạng, kể cả Facebook. Thêm vào đó, những trang mạng kêu gọi việc cải tổ dân chủ liên tục bị nhà nước Việt Nam ngăn chặn và là mục tiêu của những cuộc tấn công vào hệ điều hành.
Sau những cuộc tấn công trên mạng tại Trung Quốc, Google gần đây đã khám phá một nguy cơ tấn công khác nhắm vào những người Việt Nam xử dụng máy vi tính ở khắp nơi trên thế giới bằng cách gây nhiễm vi khuẩn các máy vi tính có bàn chữ nhu liệu tiếng Việt. Một lần nữa, đây là mưu toan ngăn chặn bất đồng chính kiến.
Chúng tôi chia sẻ quyết tâm phòng ngừa sự kiểm duyệt internet của Tổng Thống. Chúng tôi tin rằng quyền tự do phát biểu, quyền truy cập thông tin, và quyền tham gia chính trị là những quyền của tất cả mọi người. Mọi người đều phải được hưởng những quyền này, kể cả những những người sắc tộc và những thiểu số tôn giáo, dù họ ở Hoa Kỳ, Việt Nam hay ở bất cứ quốc gia nào.
Chúng tôi kính nhờ Tổng Thống chuyển đạt mối quan tâm sâu đậm của chúng tôi về tình trạng nhân quyền và quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam tới Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng. Chúng tôi hy vọng Tổng Thống sẽ lợi dụng chuyến đi sắp tới của Thủ Tướng Dũng như là một cơ hội để đề cập đến những quan tâm mà chúng tôi đã trình bày và thảo luận về những cải tổ quan trọng mà Việt Nam cần thực hiện về nhân quyền và quyền tự do tôn giáo.
Đã đến lúc Hoa Ky cần phải thực sự trừng phạt những vi phạm như đã đề cập và phải đưa Việt Nam trở lại danh sách những quốc gia cần đặc biệt quan tâm của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.
Xin cảm ơn sự quan tâm của Tổng Thống."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét