Trung Điền
Trước khi lên đường sang Hoa Kỳ dự Hội nghị cấp cao về an ninh vũ khí hạt nhân, Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng Cộng sản Việt Nam đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2010 đã có một buổi họp báo tại Hà Nội vào chiều ngày 10 tháng 4 năm 2010. Mục đích của cuộc họp báo là để Nguyễn Tấn Dũng thông báo với báo chí trong và ngoài nước về kết quả Hội nghị cấp cao ASEAN 16 xảy ra trong hai ngày 9 và 10 tháng 4.
Trong cuộc họp báo này, ký giả Reuter đã hỏi ông Dũng rằng: “Với tư cách cá nhân và là chủ tịch ASEAN, ông có hài lòng về kế hoạch bầu cử của Miến Điện không? Hội nghị lần này có bàn về tình hình Miến Điện và cuộc bầu cử tại Miến trong năm 2010 không?” Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời như sau: “Cùng là thành viên ASEAN và láng giềng trong khu vực, ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng luôn luôn quan tâm theo dõi tình hình xây dựng và phát triển của Miến. Tại hội nghị này, thủ tướng Miến đã có chia xẻ về những diễn tiến gần đây tại Miến, trong đó có công tác chuẩn bị cho tổng tuyển cử dự kiến sẽ được tổ chức trong năm 2010. Trong chuyến thăm Miến vừa qua, tôi (Nguyễn Tấn Dũng) trong cương vị chủ tịch ASEAN đã chuyển tới lãnh đạo Miến mối quan tâm của quốc tế và ASEAN mong muốn Miến triển khai hiệu quả Lộ đồ dân chủ, vì hòa giải và hòa hợp dân tộc, tổ chức bầu cử công bằng, dân chủ, với sự tham gia của tất cả các đảng phái, qua đó, sớm ổn định và tập trung phát triển đất nước.”
Qua nội dung trả lời về cuộc bầu cử tại Miến Điện nói trên cho thấy là Nguyễn Tấn Dũng rất ba xạo và quỷ quyệt.
Thứ nhất, ông Dũng tránh né, không trả lời trong tư cách cá nhân (tức Thủ tướng Cộng sản Việt Nam), mà trả lời trong cương vị Chủ tịch ASEAN chuyển tới lãnh đạo Miến Điện mối quan tâm của quốc tế và ASEAN rằng: “Miến nên tổ chức bầu cử công bằng, dân chủ và đa đảng”. Rõ ràng là Dũng chỉ đóng vai người chuyển tín hiệu của thế giới và ASEAN cho Miến Điện chứ không phải là lời khuyên từ Cộng sản Việt Nam. Đây là điều ba xạo thứ nhất.
Thứ hai, phát biểu của Dũng dễ tạo sự hiểu lầm rằng Nguyễn Tấn Dũng đã dám kêu gọi Miến Điện tổ chức bầu cử dân chủ có sự tham gia các đảng phái để khiến một số người “hồ hởi sảng” rằng Cộng sản Việt Nam, nhất là Nguyễn Tấn Dũng, đã có khuynh hướng cởi mở; rằng Phe Nguyễn Tấn Dũng đồng tình với ASEAN muốn dân chủ hóa tại các xứ độc tài Á Châu mà bước đầu là Miến Điện. Hồ hởi sảng bởi vì dựa trên những hành xử của chế độ Cộng sản Việt Nam, và cả Nguyễn Tấn Dũng, chẳng có một biểu hiện gì là họ cởi mở hơn về mặt chính trị và vẫn tiếp tục đàn áp các tiếng nói dân chủ trong nước, lên án và nhốt tù các nhà yêu nước kêu gọi bảo vệ bờ cõi trước họa xâm lăng của Trung Cộng. Nếu trong nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam có ai lên tiếng chống lại các nội dung phát biểu của Nguyễn Tấn Dũng thì Dũng sẽ nói là ông ta đưa quan điểm của ASEAN chứ không phải của Cộng sản Việt Nam. Đây là điều ba xạo thứ hai.
Thứ ba, trong cương vị Chủ tịch ASEAN, Nguyễn Tấn Dũng không thể lấy lập trường khác hơn các quốc gia Tân Gia Ba, Nam Dương, Mã Lai hay Thái Lan vốn đang tạo nhiều áp lực buộc Miến phải để cho bà Aung San Suu Kyi tham gia cuộc bầu cử. Dũng không thể im lặng hay đồng tình với những hành xử của Miến Điện vì Dũng sợ các quốc gia ASEAN bất hợp tác với Cộng sản Việt Nam trong việc tổ chức và tham dự các hội nghị của ASEAN 16 trong suốt năm 2010. Đây là điều ba xạo thứ ba.
Nhiều nhà bình luận đã hiểu sai vấn đề nên cho rằng Nguyễn Tấn Dũng đã tự mâu thuẫn với những phát biểu nói trên. Những người này còn cho rằng Dũng đã mâu thuẫn với Nguyễn Phú Trọng tại Ấn Độ, Nguyễn Minh Triết ở Mỹ, Nông Đức Mạnh tại Úc Đại Lợi khi cả Trọng, Triết lẫn Mạnh đều cho rằng “đa đảng là hỗn loạn” nên Việt Nam không bao giờ chấp nhận đa đảng. Thật ra thì ông Dũng không hề mâu thuẫn với ông Triết hay ông Mạnh. Tất cả những người lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam đều rất sợ dân chủ và không muốn đa đảng. Họ nói đến dân chủ chẳng qua là ở vào thế không nói không được, hoặc dùng nó như là chiêu bài đối với quốc tế và để tấn công lẫn nhau trong nội bộ mà thôi.
Trong quá trình chuẩn bị đại hội đảng kỳ XI sẽ diễn ra vào tháng 1 năm 2011, Bộ chính trị Cộng sản Việt Nam lập đi lập lại chủ trương tổ chức các sinh hoạt đảng bộ phải dân chủ, thậm chí họ còn cho bầu cử các cấp ủy theo lối phổ thông đầu phiếu. Tức là cho ứng cử bầu cử cấp bí thư, ban thường vụ các đảng ủy một cách công khai, bãi bỏ hình thức bỏ phiếu tín nhiệm theo sự đề nghị của cấp cao hơn. Mới nghe qua người ta tưởng là Cộng sản Việt Nam đã thay đổi luật chơi, bắt đầu dân chủ từ trong đảng rồi sẽ mở ra toàn xã hội trong thời gian tới. Thật ra không phải vậy.
Chiêu bài cho bầu cử công khai tại các cấp ủy là thế trận mới mà Bộ chính trị Cộng sản Việt Nam phải làm nhằm giải quyết một vấn đề đang xảy ra trong nội bộ đảng. Đó là vấn đề mất niềm tin của đảng viên vào lãnh đạo, vấn đề mất đoàn kết giữa các cấp ủy, vấn đề tranh đoạt quyền lực giữa các phe nhóm ở các cấp... đã đưa đến sự biến chất cùng cực trong nội bộ đảng mà Hà Nội gọi là hiện tượng “tự diễn biến nội bộ” rất nguy hiểm. Muốn chận đứng sự biến chất này ở các cấp ủy, Bộ chính trị Cộng sản Việt Nam đánh giá rằng phải cho tổ chức bầu cử công khai thì mới chận đứng được sự chi phối của các phe nhóm và tìm người lãnh đạo từ sự tín nhiệm của số đông đảng viên một cách công khai để vực lại niềm tin đảng viên. Đó là lý do vì sao mà Hà Nội đã đề cập đến việc thử nghiệm vấn đề bầu cử dân chủ công khai tại các cấp ủy.
chúng ta đừng bao giờ mơ hồ chờ đợi đảng Cộng sản Việt Nam sẽ cho bầu cử dân chủ, công khai với sự tham dự của các đảng phái khác như điều mà Nguyễn Tấn Dũng đã nói với chính quyền Miến Điện.
Cộng sản Việt Nam đem vấn đề dân chủ vào trong nội bộ đảng để dùng nó như phương thuốc loại trừ sự xung đột phe nhóm và sự biến chất nguy hiểm của nội bộ đảng. Nếu có thành công, Cộng sản Việt Nam cũng sẽ không dám mở rộng dân chủ ra ngoài xã hội vì hai lý do: Một là lo sợ những lực lượng dân chủ khác thách đố quyền lực của đảng Cộng sản hiện nay. Hai là chính những phe nhóm vốn bất mãn với thành phần lãnh đạo Hà Nội hiện nay sẽ nhảy ra thành lập lực lượng mới quay lại tấn công phe nhóm cũ. Do đó, chúng ta đừng bao giờ mơ hồ chờ đợi đảng Cộng sản Việt Nam sẽ cho bầu cử dân chủ, công khai với sự tham dự của các đảng phái khác như điều mà Nguyễn Tấn Dũng đã nói với chính quyền Miến Điện. Dân chủ đối với các chế độ độc tài chỉ là những chiêu bài trên cửa miệng để chiêu dụ, ru ngủ thành phần nhẹ dạ, ngây thơ chính trị. Độc tài, nắm chặt quyền lực trong tay một thiểu số là lẽ sống còn của những tên bạo chúa trong các đảng Cộng sản.
Nói tóm lại, những phát biểu của Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi Miến Điện tổ chức bầu cử dân chủ, công khai và có sự tham dự của nhiều đảng phái trong cuộc bầu cử diễn ra vào cuối năm 2010, chỉ là ba xạo, gây ấn tượng giả tạo mà thôi.
Trung Điền
Ngày 23/4/2010
Ngày 23/4/2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét