2010/04/22

Khi chuyên gia nhái hàng bị hàng nhái

Ngô Văn

Để gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Trung Quốc đã ký vào hai công ước Berne và Genève bảo vệ tác quyền, chống nạn hàng giả, hàng nhái. Ký xong Bắc Kinh tuyên bố sẽ tích cực tận diệt tệ nạn này. Từ đó đến nay đã 9 năm trời, nhưng nạn hàng giả, hàng nhái ở Trung Quốc chỉ có tăng chứ chưa bao giờ giảm. Đến nay thì Trung Quốc nổi tiếng là thiên đường của hàng giả, hàng nhái. Một dĩa nhạc DVD của ca sĩ Michael Jackson vừa phát hành ở Hoa Kỳ buổi sáng là chiều đến đã có bản copy bày bán trong các sạp hàng ở Trung Quốc.
Các thương hiệu danh tiếng thế giới cố gắng tìm cách ngăn chặn việc các mặt hàng của họ bị giả mạo tại Trung Quốc nhưng chẳng có mấy hiệu quả. Một mặt vì Bắc Kinh đáp ứng rất tiêu cực trong vấn đề ngăn chặn; mặt khác, chính việc sản xuất và thị trường hàng giả, hàng nhái là một phần của nền kinh tế nước này. Tại Trung Quốc các hãng Honda, Sony, Microsoft, Nike... phải tự cho người đi lùng những nơi sản xuất hoặc buôn bán các mặt hàng giả mạo thương hiệu của họ, rồi đi báo cho công an kiểm soát thị trường biết. Nhưng, để được giải quyết đến mức độ nào thì còn tuỳ số tiền mà các công ty đó phải chi cho các cơ quan chức năng của Trung Quốc. Thậm chí có những trường hợp tang chứng rành rành trước mắt, nhưng công an cũng chỉ ầm ừ hoặc giải quyết qua loa, vì hơn ai hết, họ biết phía sau những loạt hàng nhái hàng giả “đại trà” đó là ai..., nên chẳng dại mà đụng vào.
Chuyện hàng giả, hàng nhái không dừng lại trong những mặt hàng tiêu dùng, mà đã được “phát triển” lên đến những công trình mang tính quốc gia. Tờ Tài Chính Thời Báo (Financial Times) phát hành tại Anh ngày 6/4 vừa qua đăng tải bài phỏng vấn ông Kasai (Tổng giám đốc tuyến đường sắt JR Tokai của Nhật), qua đó ông Kasai đã nói thẳng rằng, đường xe điện cao tốc của Trung Quốc vừa mới khánh thành vào cuối tháng 12 năm 2009 là ăn cắp kỹ thuật của Nhật và Đức. Ngay lập tức, Tổng cục đường sắt Trung Quốc lên tiến phản đối ông Kasai và biện bác rằng: những kỹ thuật đó là do các chuyên gia Trung Quốc "phát minh" chứ chẳng hề ăn cắp của ai cả; bằng chứng là xe điện cao tốc của Trung Quốc hiện nay đứng hàng đầu thế giới, với tốc độ 350 km/giờ, trong khi xe điện Shinkansen (tức bullet train của Nhật) tốc độ tối đa chỉ 300 km/giờ. Tổng cục đường sắt Trung Quốc còn tố ngược lại rằng: vì "mặc cảm thua kém" nên ông Kasai đã bịa chuyện để hạ uy tín ngành đường sắt của Trung Quốc. Sau đó hàng loạt báo chí phát hành ở Hoa lục thi nhau chỉ trích ông Kasai bằng những lời lẽ thậm tệ.

Tuy nhiên sự lu loa của truyền thông Trung Quốc chỉ có thể đánh lừa được những người dân Tàu đang bị bưng bít mà thôi. Người ta thừa hiểu rằng, một nhân vật làm đến chức Tổng giám đốc tuyến đường sắt JR Tokai của Nhật không thể vô cớ tuyên bố vung vít một cách công khai như vậy; vì chắc chắn sẽ bị Trung Quốc cho các công ty của họ kiện ông ra toà Nhật đòi bồi thường. Thật vậy, ông Kasai có trong tay nhiều bằng chứng cụ thể và rất rõ trong từng khế ước mà Bắc Kinh đã ký với 6 công ty Nhật và 2 công ty Đức về chuyện hợp tác kỹ thuật trong việc thiết lập tuyến đường sắt cao tốc ở Trung Quốc. Bởi vậy, dù bị nêu đích danh là "ăn cắp kỹ thuật", nhưng Trung Quốc chẳng dám thưa kiện gì. Cùng lúc đó, 6 công ty Nhật và 2 công ty Đức nói trên cũng ngậm đắng nuốt cay vì biết chẳng có thể kiện thưa được gì dưới hệ thống pháp luật Trung Quốc.
Gân đây, một chuyện “hàng giả, hàng nhái” khác lại nổi cộm ở Trung Quốc. Đó là việc cuối tháng 3 vừa qua, Ủy ban Tổ chức hội chợ quốc tế Expo Thượng Hải 2010 mời những người Trung Quốc nổi tiếng, từ tài tử màn bạc, ca nhạc sĩ cho đến lực sĩ,... tập trung ở Thượng Hải để thu hình một bài hát làm chủ đề cho Expo 2010 Thượng Hải, dưới sự chỉ đạo của đạo diễn hàng đầu Trung Quốc là ông Vương Quốc Bình. Bản nhạc này có tựa đề "Năm 2010 Đang Chờ Đợi”, do hai nhạc sĩ số một của Trung Quốc là ông Mâu Sâm viết nhạc và Trương Bằng đặt lời. Những khuôn mặt đang được ái mộ nhất tại Trung Quốc lần lượt xuất hiện trong bản nhạc này: Đầu tiên là tài tử Jackie Chan hát một khúc, kế đến là tay đàn dương cầm nổi tiếng thế giới Lang Lãng, rồi tới lực sĩ bóng rổ Diêu Minh, nữ xướng ngôn viên Dương Lan,.... Nhạc thu xong, đem ra trình làng ngày 17/04/2010. Ai cũng tấm tắc khen nhạc quá hay và lời thì tuyệt vời, dáng điệu nhảy múa theo dòng nhạc của những người trình diễn dưới sự chỉ đạo của đạo diễn họ Vương không thể chê vào đâu được. Như thường lệ, hàng loạt báo chí ở Trung Quốc ca ngợi tài năng của hai nhạc sĩ và ông đạo diễn lên tận mây xanh. Chính quyền Thượng Hải dự định sẽ trao huân chương hạng nhất cho ba ông này. Còn chính quyền Trung ương Bắc Kinh cũng đánh giá là bản nhạc “Năm 2010 Đang Chờ Đợi” làm rạng danh Trung Quốc, nên đang tính đến chuyện trao bằng công dân danh dự hạng nhất cho hai nhạc sĩ họ Mâu và Trương.
Nhưng, mọi chuyện đảo lộn chỉ 2 ngày sau khi bản nhạc được hệ thống truyền thanh, truyền hình và Internet ở Hoa lục cho phát đi, phát lại. Người ta khám phá ra cả bản nhạc và những điệu vũ tuyệt vời đó đều là hàng giả, hàng nhái!
Bản “Năm 2010 Đang Chờ Đợi” có điệu nhạc (melody) giống y hệt bản Sono Mama Kimi Ni Ite, do nữ ca sĩ Nhật Okamoto Mayo sáng tác và trình diễn vào năm 1997. Những điệu nhảy dưới sự chỉ đạo của đạo diễn Vương Quốc Bình cũng rập theo bước nhảy của nữ ca sĩ Okamoto. Các ký giả tìm đến hỏi nhạc sĩ Mâu Sâm thì ông này chối phăng và khẳng định chính ông sáng tác ra những nhạc điệu đó. Khi được ký giả mở bản nhạc của ca sĩ Okamoto từ hơn 10 năm trước cho nghe thì ông nhạc sĩ mới thú nhận là có "tham khảo" bản Sono Mama Kimi Ni Ite trước khi biên soạn bản “Năm 2010 Đang Chờ Đợi”. Tuy vậy, ông vẫn ráng gỡ gạc rằng xem thế nhưng "phong cách" của hai bản nhạc vẫn hoàn toàn khác nhau. Điều đáng nói là, sau sự khám phá này nhiều người dân Hoa Lục công khai bày tỏ thái độ lắc đầu hổ thẹn, nhưng lại có một số đông khác lớn tiếng cho rằng đó chỉ là một "sự trùng hợp ngẫu nhiên", chẳng có gì mà ầm ĩ.
Văn phòng nữ ca sĩ Okamoto nói với các ký giả rằng, sau khi xác định rõ các dữ kiện, cô sẽ nạp đơn kiện nhạc sĩ Mâu Sâm. Biết chắc nếu bị lôi ra tòa sẽ thua và càng thêm mất mặt, nên hôm 18/04/2010 Ủy ban tổ chức Expo 2010 Thượng Hải quyết định không sử dụng bản nhạc này nữa.
Thế nhưng, chỉ sau đó một ngày uỷ ban thay đổi quyết định. Lần này họ đành chơi đúng luật và chính thức xin phép nữ ca sĩ Okamoto cho sử dụng melody bài nhạc của cô để làm bài hát chủ đề cho hội chợ, chứ không thì Expo Thượng Hải không có bài hát chủ đề nào cả. Tin giờ chót cho biết, nữ ca sĩ Okamoto Nhật đã đồng ý với thỉnh cầu vừa kể.
Nhà cầm quyền Bắc Kinh dù có trơ trẽn, nhưng khi bị lật tẩy và có nguy cơ bị thua kiện như vụ bản nhạc “Năm 2010 Đang Chờ Đợi” thì họ cũng biết đã đến lúc phải dừng lại. Còn các lãnh đạo Hà Nội thì không, ngay cả đối với những việc hệ trọng hơn nhiều.
Việc ông Hồ Chí Minh mượn câu “mười năm trồng cây, trăm năm trồng người” của Quản Di Ngô thời Đông Châu hơn 2 ngàn năm trước rồi thêm hoa lá cành vào để thành lời dạy của Bác đã được nhiều người đối chứng với sách vở. Việc ông Hồ Chí Minh mượn trọn cả cuốn “Ngục Trung Nhật Ký” rồi viết thêm vào phía sau để thành tập thơ của riêng mình, đã được nhiều học giả chứng minh rất tỉ mỉ qua cả 2 nét viết lẫn khoảng cách trời vực giữa nội dung 2 thứ thơ đó và đều quả quyết "bất khả". Việc ông Hồ Chí Minh mượn và giữ luôn cái bút hiệu chung "Nguyễn Ái Quốc" của cả nhóm các nhà cách mạng tại Pháp; việc ông mượn và giữ luôn chức danh "chủ nhiệm kiêm chủ bút" tờ báo Le Paria bằng tiếng Pháp, và là tác giả của nhiều tài liệu hệ trọng khác dù chỉ mới tới Pháp chưa ráo chân và phải liên tục lao động trước đó để kiếm sống, v.v... cũng đã được nhiều người truy về tận gốc. Và còn vô số các sự kiện bị bật mí khác nữa, ngay cả đến lý lịch của Trần Dân Tiên, tác giả cuốn Những mẫu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch cũng đã lọt ra ánh sáng. Thế nhưng...
Các lãnh đạo tại Hà Nội vẫn sống sượng gom góp tất cả các hàng giả, hàng nhái của mấy thập niên lại rồi khẳng định: đó là "Hệ Tư Tưởng của Bác” và đó là con đường tương lai mà dân tộc Việt Nam phải ngậm miệng bước theo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét