Đỗ Thái Nhiên
Thông thường, con người diễn đạt cảm nghĩ bằng ngôn ngữ, bằng mắt nhìn, bằng cử chỉ, điệu bộ. Đặc biệt, thông qua nhạc phẩm “Chiều Qua Trường Cũ”, nhạc sĩ Trần Nhật Ngân đã dùng cảnh để tả tình. Cảnh ở đây là cảnh:
“Chiều về qua trường cũ, thấy pho tượng buồn đứng lặng giữa sân…, thấy cây phượng già vẫn cô đơn…cửa lớp buồn khép kín im hơi…Một mình tôi lặng đứng bên pho tượng buồn, mái trường hắt hiu…”
(“Chiều Qua Trường Cũ” – Nhạc và Lời Trần Nhật Ngân)
Cảnh tượng tịch liêu kia diễn tả tâm tình rằng: công lao phục vụ dân tộc của nhà cách mạng Phan Châu Trinh đang bị che mờ bởi bụi thời gian. Đây là một tình huống rất đáng buồn. Đáng buồn hơn nữa, Việt Nam hiện lâm nguy, hiện bị áp lực mất nước vào tay Trung Quốc, thế nhưng tư tưởng ái quốc của chí sĩ Phan Tây Hồ lại biến thành pho tượng cô đơn đứng lặng giữa sân trường.
Đề cập tới công cuộc xây dựng và phát triển xã hội, hầu hết giới hoạt động văn hóa tư tưởng chỉ quan tâm tới hai chuẩn mực: dân trí và dân sinh. Nói một cách chung nhất, dân trí giúp người dân đủ trình độ hiểu biết để xây dựng và phát triển một quốc gia ổn định và văn minh. Hệ quả tất nhiên của quốc gia văn minh là hoạt động dân sinh phải được nâng cao. Tuy nhiên khi quốc gia lâm nguy hai chuẩn mực dân trí và dân sinh không đủ khả năng cung cấp cho dân tộc một nội lực thích nghi nhằm giúp quốc gia vượt thoát khó khăn. Vì vậy, bên cạnh dân trí và dân sinh, tác giả Phan Châu Trinh đã nêu bật chuẩn mực thứ ba: đó là chuẩn mực CHẤN DÂN KHÍ. Dân khí là khí phách làm dân. Chấn dân khí là nâng cao khí phách làm dân. Dân khí hàng đầu là nhiệt tình yêu nước, là quyết tâm cứu nước khi đất nước lâm nguy. Câu hỏi được đặt ra là: Tại sao Lễ Giỗ Cụ Phan năm 2010, hội AH/PCT/ĐN lại gắn kết tư tưởng chấn dân khí của chí sĩ Phan Tây Hồ với hiện tình Việt Nam? Phải chăng Việt Nam đang thực sự lâm nguy? Sau đây là những trọng điểm của hiện tình Việt Nam:
Từ nhiều năm qua, trong bang giao với Trung Quốc, CSVN thường bị dư luận lên án rằng CSVN hèn nhát, rằng CSVN nhượng đất, nhượng biển, hiến rừng cho Trung Quốc, rằng CSVN mở cửa biên giới cho công nhân TQ tự do vào VN khai thác bauxite…Tuy nhiên có dư luận lại nghiêm chỉnh ghi nhận CSVN vẫn âm thầm mua vũ khí của Nga, vẫn lặng lẽ tạo thế liên kết với Nga, Ấn, Nhật, Mỹ…nhằm đương đầu với Trung Quốc.
Tất cả dư luận vừa kể đều xây dưng trên luận cứ Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia biệt lập. Ngày nay luận cứ kia cần được xét lại.
Thực vậy, do đòi hỏi của kỷ thuật tuyên truyền, từ rất lâu CSVN tôn trọng nguyên tắc: “Không làm mất lòng dân trong những trường hợp không cần thiết”. Thế nhưng, thời gian gần đây nguyên tắc kia đã bị CSVN vi phạm trầm trọng: vụ đập phá thập tự giá ở Đồng Chiêm, Mỹ Đức, Hà Nội ngày 21/01/2010; vụ Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, Nguyễn Tiến Trung ngày 21/01/2010 tòa án CSVN bị phạt tổng cộng 33 năm tù ở chỉ vì đã phát biểu tư tưởng tự do dân chủ trong ôn hòa; vụ 9 nhà yêu nước gồm nhà thơ Trần Đức Thạch, nhà giáo Vũ Hùng, kỹ sư Phạm Văn Trội, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, sinh viên Ngô Quỳnh, ông Nguyễn Văn Túc, ông Nguyễn Mạnh Sơn, ông Nguyễn Văn Tính, ông Nguyễn Kim Nhàn bị kết án tổng cộng 59 năm tù giam chỉ vì ôn hòa tuyên xưng Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam; vụ 29/01/2010 Cô Phạm Thanh Nghiên bị phạt 4 nâm tù, 3 năm quản thúc chỉ vì đã “biểu tình ngồi” tại nhà với tấm biểu ngữ “Hoàng Sa va Trường Sa là của Việt Nam”, trong khi đó Hà Nội cho phép người Trung Quốc biểu tình ngay trên lãnh thổ Việt Nam, hô to khẩu hiệu “Hoàng Sa và Trương Sa là máu của Trung Quốc”…Các vụ việc vừa kể chỉ là 3 trong vô số trường hợp nêu bật dấu hỏi: Phải chăng, Hà Nội đã tự bôi nhọ chế độ chính trị của chính họ? Câu trả lời như sau: Trung Quốc đã cướp quyền cai trị Việt Nam từ tay CSVN. Thực vậy, Trung Quốc và CSVN hiện đang trình diễn vỡ tuồng “Hồn Trương Ba, Da Hàng Thịt”, tức là: Hồn của ông Trương Ba nhập vào xác của ông hàng thịt. Chế độ Hà Nội ngày nay đang tồn tại theo kiểu: Hồn là hồn Trung Quốc, da là da CSVN. CSVN đã chết, họ chỉ còn là bộ da khô. Mọi việc cai trị xã hội Việt Nam, từ việc nhỏ đến việc lớn, từ hành pháp, lập pháp đến tư pháp, tất cả đều do hồn Trung Quốc qui định, CSVN chỉ là bộ da khô biết cử động. Đó là ý nghĩa đích thực của nhóm chữ “hồn Trung Quốc, da CSVN”. Nói cách khác: Những Nông Đức Mạnh, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng và vô số cán bộ CSVN từ cấp huyện trở lên đều là người của TQ, đều là những hình nhân “hồn TQ, da CSVN”. Mua vũ khí của Nga để chuẩn bị chống TQ chỉ là màn hài kịch: Tàu Hà Nội mua vũ khí của Nga để cất vào kho quốc phòng của Tàu Bắc Kinh. Hà Nội liên kết ngoại giao để lâp đối trọng với TQ chỉ là màn xảo thuật ngoại giao của TQ: Bắc Kinh lập đối trọng để chống Bắc Kinh.
“hồn TQ, da CSVN”
Trung Quốc ẩn nấp đàng sau bộ da CSVN với ba mục đích:
Một là dùng bộ da CSVN để thực hiện những hành động có tác dụng bôi nhọ đảng CSVN, làm cho CSVN bị dân chúng căm thù, quốc tế khinh miệt. Từ đó CSVN không thể không bám vào chân TQ để được tồn tại.
Hai là TQ trực tiếp cai trị Việt Nam bằng cách ẩn núp đàng sau bộ da khô CSVN. Phương pháp “cai trị dấu mặt” này giúp cho tội ác xâm lăng VN của TQ không bị quốc tế rầm rộ lên án.
Ba là theo quốc tế công pháp, Bộ da CSVN vẫn còn tư cách pháp nhân của một nhà cầm quyền. TQ đã và đang khai thác tư cách pháp nhân kia để ra lệnh cho CSVN hãy cùng TQ ký một số hiệp ước công khai hoặc bí mật cần thiết cho viêc pháp lý hóa cuộc xâm lăng của TQ nhằm vào VN.
Ngày xưa TQ xâm lăng Tây Tạng bằng quân sự. Ngày nay TQ xâm lăng VN bằng phương pháp “Hồn TQ, Da CSVN”với sự hổ trợ của công pháp quốc tế hiểu theo nghĩa lẽ phải ở trong tay kẻ mạnh. Nói như vậy để thấy rằng VN ngày nay rất ít hy vọng thoát khỏi hiểm họa bị TQ biến thành Tây Tạng Thứ Hai. Đó là tình huống đích thực của sự việc đất nước lâm nguy.
Nhóm chữ “đất nước lâm nguy” bao giờ cũng kéo theo những ưu tư cứu nước. Mọi kế hoạch cứu nước trên địa bàn quốc phòng, ngoại giao chỉ là “Dã tràng xe cát biển Đông”, nếu người dân không yêu nước, nếu “Dân khí” chưa được “chấn hưng”.Những trình bày như vừa kể, tuy vắn tắt nhưng đủ để nêu bật mối liên hệ chặt chẻ giữa tư tưởng ái quốc của Phan Châu Trinh và hiện tình lâm nguy của Việt Nam. Vấn đề không chỉ là vị trí quan trọng của lòng yêu nước. Vấn đề chính là làm thế nào để biến tư tưởng “Chấn Dân Khí” của Phan Châu Trinh thành hành động cứu nước trong đời sống cụ thể. Đây là đề tài rộng lớn về giáo dục: giáo dục học đường và giáo dục quần chúng thông qua hệ thống truyền thông các loại. Đề tài này sẽ được thảo luận chi tiết vào cơ hội khác.
Hôm nay nhân ngày giỗ nhà yêu nước Phan Châu Trinh: 21/03/2010, chúng ta hãy tỏ lòng tri ân Cụ Phan bằng cách kính cẩn dâng lên anh linh Chí Sĩ Tây Hồ một nguyện ước long trọng. Nguyện ước rằng: Toàn thể người Việt Nam trong và ngoài nước cần được học hiểu tư tưởng “Chấn Dân Khí” của Phan Tiên Sinh: yêu thương đồng bào mình và yêu thương non nước do Tổ Tiên trao truyền. Thế kỷ 20, Chí Sĩ Phan Châu Trinh đã cống hiến trọn đời mình cho lý tưởng chống ngoại xâm Pháp. Thế kỷ 21, các thế hệ hậu Phan Châu Trinh, quyết tâm chống ngoại xâm Tàu, quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do và hạnh phúc của Việt Nam./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét