2010/03/22

Tiếp nối tinh thần bất khuất Hai Bà Trưng

Trần Diệu Chân

Xin giới thiệu đến quý độc giả bài nói chuyện của Tiến sĩ Trần Diệu Chân nhân Ngày Giỗ Hai Bà Trưng tại Denver, Colorado, ngày 21 tháng 3, 2010.
Ban Biên Tập web Việt Tân
— -
Lịch sử Việt là tranh đấu sử
Bao anh hùng liệt nữ đã hy sinh
Để có ngày quê mẹ được quang vinh
Sống tự chủ và tự do, no ấm
Giòng lịch sử bất khuất, anh dũng của dân tộc Việt Nam đã bắt đầu bằng cuộc khởi nghĩa chống ngoại xâm của hai Bà Trưng hơn 2000 năm về trước, khi đất nước rơi vào vòng Bắc thuộc lần thứ nhất khoảng 230 trước Tây lịch. Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, Hai bà Trưng là con gái của Lạc tướng huyện Mê Linh, Phong Châu, thuộc dòng dõi vua Hùng Vương. Mẹ hai Bà là Man Thiện tức Trần Thị Đoan thuộc dòng dõi quí tộc, nổi tiếng bất khuất và tự chủ. Tháng 2, năm Canh Tý (39 Dương lịch), Trưng Trắc cùng với em gái là Trưng Nhị phất cờ khởi nghĩa ở Hát Môn (huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây) để đánh đuổi quân xâm lược Tô Định. Bốn quận và 65 thành trì ở Lĩnh Nam đều nhất tề hưởng ứng. Có rất nhiều phụ nữ đã tham gia vào cuộc khởi nghĩa và trở thành tướng soái của hai bà như nữ tướng Lê Chân (Thánh Chân Công Chúa), Vũ Thục Nương (Bát Nàn công chúa), Thiều Hoa (Phụ vương công chúa Đông quân tướng quân), Diệu Tiên, Man Thiện (tức Man Hoàng Hậu), Ngọc Lâm (Thánh Thiên công chúa), Đào Kỳ v.v... Trước khí thế dũng mãnh của hai Bà, mà lịch sử nhà Hán còn phải ghi lại với sự thán phục, Tô Định đã đại bại tháo chạy về Tầu. Cuộc khởi nghĩa anh dũng của Hai bà để giải phóng dân tộc sau hơn 270 năm Bắc thuộc đã được truyền tụng đến con cháu tận ngàn sau:
Ngàn Tây nổi áng phong trần
Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên
Chị em Trưng Trắc nổi lên
Phất cờ Nương Tử thay quyền Tướng Quân
Tô Định cuốn gói, rút quân
Toàn dân ghi nhớ công ơn hai Bà.


Ngày 30 tháng 2 năm Tân Sửu (41 Dương lịch), nhà Đông Hán hạ lệnh cho Mã Viện xua quân sang xâm lược Việt Nam một lần nữa. Trước sức mạnh như nước lũ của quân địch, hai Bà phải lui về trấn thủ tại Cẩm Khê. Năm Quý Mão (tức năm 43 Tây lịch), Hai Bà thế cô, sức yếu phải lui về Hát Giang. Sau đó, thà chết quyết không để giặc bắt, Hai Bà đã trầm mình xuống giòng sông Hát tự vẫn vào ngày 6 tháng 2 âm lịch. Đại Nam quốc sử diễn ca đã ghi lại ngày Hai Bà Vị quốc Vong thân:

Cẩm Khê đến lúc hiểm nghèo,
Hai Bà thất thế cùng liều với sông!
Trước là nghĩa, sau là trung,
Kể trong lịch sử anh hùng ai hơn.


Để ghi nhớ công đức hai vị nữ anh hùng Trưng Trắc và Trưng Nhị, người Việt đã làm đền thờ và lễ giỗ hằng năm.
Giòng máu của Hai Bà đã lưu chảy trong huyết quản Việt Nam, cho chúng ta một giòng sử hào hùng, bất khuất mà không một con dân Việt nào lại không cảm thấy tự hào. Dù đã trải qua hơn 2 nghìn năm lịch sử đầy thăng trầm của đất nước - từ thời kỳ Bắc Thuộc nghìn năm đến gần một thế kỷ Pháp thuộc, và bây giờ, đã bẩy thập niên dưới ách thống trị của độc tài Cộng sản - dân tộc ta vẫn luôn có những người con can trường, sẵn sàng hy sinh tính mạng hoặc chịu tù tội để tìm lại mùa xuân đích thực cho dân tộc. Sau Hai Bà Trưng, Việt Nam còn xuất hiện nhiều nữ danh tướng như Bà Triệu, Bà Bùi thị Xuân ... , và biết bao nhiêu anh thư không tên tuổi đã âm thầm hy sinh bên chiến hào để bảo vệ bờ cõi không thua gì nam giới, hoặc thay chồng, cha gánh vác việc nhà, cáng đáng việc nước, nuôi dạy con cái nên người khi người chồng, người cha phải xa nhà chinh chiến, hoặc đã nằm xuống hy sinh, và đặc biệt, sau biến cố 30 tháng 4, khi hàng trăm ngàn quân cán chính miền Nam đã bị Cộng sản đầy đi tù khổ sai trên khắp ba miền đất nước.
Hình ảnh con cháu Hai Bà tiêu biểu ngày nay chính là ba Anh Thư nước Việt : Thủy-Nhân-Nghiên ; cả ba đã bị chế độ CSVN giam hãm, đầy ải, bịt miệng vì đã dám nói lên nguyện vọng của dân tộc, tranh đấu cho lẽ phải, cho công bằng, tự do của toàn dân và sự vẹn toàn lãnh thổ trước nguy cơ xâm lược của Bắc Kinh.
Nếu cách đây 2000 năm, Bà Triệu đã có câu nói để đời:
‘’Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kìnhBiển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ chứ tôi không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người!”, thì ngày hôm nay, con cháu Bà Trưng, Bà Triệu cũng đã có những câu nói đanh thép, oai dũng quạt vào mặt những kẻ bán rẻ lương tri ở Bắc Bộ Phủ.
Anh thư Lê Thị Công Nhân, vừa tròn 31 tuổi, trước giây phút bị bắt năm 2007 đã tuyên bố: “Thực sự tôi không thể đoán đuợc việc gì có thể xảy ra đối với tôi, nhưng tôi khẳng định với tất cả lương tâm và trách nhiệm của mình đối với đất nước và dân tộc là tôi sẽ chiến đấu tới cùng, cho dù chỉ còn có một mình tôi đấu tranh. Trước hết là để giành lấy nhân quyền cho chính mình và giành lấy quyền tự do cho người Việt Nam. Và CSVN đừng có mong chờ bất kỳ một điều gì là thỏa hiệp chứ đừng nói là đầu hàng từ phía tôi.”
[Lời Tâm Huyết Của Ls Lê Thị Công Nhân chia xẻ trên paltalk ngày 26 tháng 2, 2007 – 3 tiếng trước khi bị bắt và đi vào lao tù CS cho tới ngày 6 tháng 3, 2010]
Với lời phát biểu hào hùng này, LTCN đã thản nhiên bước chân vào lao tù cộng sản cho tới ngày cô được về lại với gia đình hôm mồng 6 tháng 3 vừa qua để tiếp tục bị canh chừng với bản án 3 năm quản chế tại gia. Tuy vừa ra khỏi tù, nhưng cô đã dõng dạc tuyên bố “sẽ đi tiếp con đường đã chọn” “tù tội chỉ làm tôi vững tin hơn vào công cuộc đấu tranh”.
Anh thư Phạm Thanh Nghiên, 33 tuổi, đã chia xẻ trong bức tâm thư năm 2008 chống lại thái độ nhượng đất, dâng biển cho Trung Cộng của chế độ Hà Nội như sau: “Giải giang sơn gấm vóc mà chúng ta có được ngày hôm nay đã nhuộm thắm mồ hôi, xương máu của biết bao công dân Việt Nam đầy lòng ái quốc. Trong trách nhiệm của một con dân Việt Nam, trong sự biết ơn và trân quý những hy sinh xương máu của tổ tiên, tôi tự cho mình có bổn phận phải tiếp nối truyền thống bảo vệ và gìn giữ đất nước. Sự gìn giữ và bảo vệ không chỉ đơn thuần ở từng mét vuông lãnh thổ mà còn là danh dự và niềm tự hào của dân tộc Việt Nam... Chúng ta không thể im lặng, vì im lặng là đồng lõa với hành động bán nước...Tôi cũng tọa kháng để phản đối mọi hành động khiếp nhược của nhà nước này trước ngoại bang phương bắc nhưng lại hung hãn đàn áp mọi tiếng nói, mọi thái độ bày tỏ lòng yêu nước của công dân Việt Nam. Đây chỉ là một việc làm nhỏ bé mà cá nhân tôi có thể làm được trong lúc này. Nhưng dù là một hành động nhỏ bé, nhưng với tinh thần đất nước là của chung, tôi xin kính khẩn kêu gọi mọi tầng lớp công dân Việt Nam, quý bác, quý chú đã từng hy sinh cuộc đời của mình cho nền độc lập của đất nước, các anh chị và các bạn trẻ đang mong ước đất nước Việt Nam sẽ ngẩng cao đầu với cộng đồng nhân loại, hãy cùng với tôi bày tỏ thái độ và lòng yêu nước của mình ngay tại chính nhà của quý vị,”
Phạm Thanh Nghiên đã bị bắt vì tội tọa kháng tại tư gia, và bị xử 4 năm tù với 3 năm quản chế hồi đầu năm nay.
Anh thư Trần Khải Thanh Thủy, 50 tuổi, đã liên tục can trường chiến đấu bằng ngòi bút đanh thép của một nhà văn yêu nước để nói lên những thống khổ của dân oan, những bất công đầy rẫy trong xã hội. Chị đã thét vào mặt những kẻ gian đang bán rẻ lương tâm và phản bội đất nước, dù sau đó đã bị chế độ “hèn với giặc, ác với dân” này trả thù một cách đê hèn bằng cách cho côn đồ đánh chị rồi cáo buộc chị tội đánh người và giáng bản án 4 năm tù. Chị đã không ngần ngạn lên án kẻ ác và khích lệ những tấm lòng yêu nước quả cảm qua bức thư tâm tình với Thanh Nghiên: “Một xã hội đang trong thời mạt vận, rất cần những người dũng cảm như em và muôn vàn phụ nữ cao quý khác . Giặc đến nhà đàn bà phải đánh, giặc nội xâm, bán đất, bán biển, bán tài nguyên thiên nhiên quý giá của đất nước ... Dù thế nào chị cùng bao nhiêu nhà dân chủ khác đều đặt niềm tin vào em Nghiên ạ, em chính là một Lê thị Công Nhân thứ hai của Việt Nam, một bông hoa mỏng manh giữa rừng gươm, dám hy sinh hạnh phúc riêng tư của mình cho ngày toàn thắng của chính nghĩa, của tự do, dân chủ và giàu mạnh trên mảnh đất đau thương Việt Nam...”
Ngoài ba người phụ nữ nổi danh đã được đồng bào và quốc tế biết đến và trao tặng các giải Nhân Quyền cao quý này, còn biết bao người phụ nữ Việt Nam can trường khác, đã và đang âm thầm hy sinh, đóng góp cho đất nước; điển hình là những bà mẹ, bà vợ của các nhà dân chủ đang bị chế độ Cộng sản Việt Nam cầm tù vì đã tranh đấu ôn hòa cho công bằng, bác ái và nhân phẩm trên quê hương yêu dấu.
Xin gởi đến những anh thư Việt Nam muôn triệu đóa hồng qua bài thơ rất ý nghĩa của KT mà tôi chỉ xin sửa lại tên người nhận, không chỉ là LTCN mà là Thủy – Nhân – Nghiên:
MUÔN TRIỆU ĐÓA HỒNG
Tên em Trần Thủy Nhân Nghiên
Đóa hoa muôn triệu vườn hồng là Em
Tên Người nhớ mãi không quên
Là ngôi sao sáng nhất trên ngân hà
Trân quý hơn cả ngọc ngà
Xứng danh con cháu hai Bà Triệu, Trưng
Tấm gương yêu nước soi chung
Thân như tơ liễu sắt đồng hờn ghen
Bạo quyền nghe đến tên Em
Phải lo hoảng sợ bắt đem vô tù
Nữ lưu thời đại Anh Thư
Đã xem sống chết tựa như lông hồng
Xá chi cá chậu chim lồng
Vì nhà, vì nước cùm gông chẳng sờn
Lời thề bền vững sắt son
Ngày còn hơi thở một lòng đấu tranh
Em đi cho núi thêm xanh
Đòi về Bản Giốc, Nam Quan mất rồi
Hoàng, Trường Sa tận biển khơi
Đòi nhà, ruộng đất cho người dân oan
Mấy mươi năm cảnh lầm than
Đi đòi Dân chủ, Công bằng, Ấm no
Nhân quyền, Bác ái, Tự do
Và đi giành lại cơ đồ nghìn năm
Kính em tặng đóa hoa lòng
Đóa Hồng muôn triệu vườn hồng là Em
(KT: 01-8-2008)
Nhà báo Lê Vĩnh đã nhận định: “Lịch sử dân tộc nào cũng có những ngôi sao sáng trong đêm tối đen nhất của đất nước. Những nhà yêu nước đang ngồi tù để tìm lại mùa xuân cho dân tộc chính là những ngôi sao sáng đó của đêm đen Việt Nam hiện nay. Họ là biểu hiện của hy vọng, của niềm tin, của lương tâm và của tình người Việt Nam.”
Trong ngày giỗ tưởng niệm công đức Hai Bà năm nay, chúng ta nguyện tiếp nối truyền thống hào hùng, bảo vệ giang sơn bằng cách ủng hộ Thủy-Nhân-Nghiên và các nhà đấu tranh dân chủ trong nước; tiếp sức, tiếp lửa, tài trợ cho họ, và lên tiếng bênh vực họ trên các diễn đàn quốc tế; cùng góp phần nhỏ bé của mình trong nỗ lực chung để chấm dứt chế độ độc tài bán nước CSVN; cùng góp một bàn tay trong nỗ lực canh tân, xây dựng lại con người và xã hội Việt Nam để tương lai con cháu chúng ta không còn phải hy sinh xương máu và được sống trong nhân ái, thái hòa, thịnh trị.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét