2010/03/08

Nỗi nhục cho quốc thể

Quốc Tấn

Giải quyết chưa xong những vấn nạn cho dân tộc và đất nước do hành động lấn áp trắng trợn của nhà cầm quyền Trung Cộng trên biển Đông Hải, và do việc cho Trung Cộng đưa người vào khai thác bô-xít, nay lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam lại tiếp tục dấn bước trong sự nghiệp bán nước, ngụy trang bằng việc cho thuê đất rừng đầu nguồn suốt NỬA THẾ KỶ trước mặt. Đối với một nhà cầm quyền thiển cận, ngoan cố đến mức trơ trẽn hiện tại ở Việt Nam, dù đã có nhiều lời cảnh tỉnh, ta thán trên nhiều diễn đàn trong thời gian vừa qua, thiết tưởng có phải lập lại những hệ quả tai hại của vụ việc này cũng vẫn không là việc làm vô ích; nhất là khi những diễn đàn trong nước đang bầm dập vì sự bắt bớ trù dập và làn sóng phá hoại bằng tin tặc của nhà cầm quyền này. Tuy nhiên trong phạm vi bài này ta hãy cùng nhìn lại hành động cho thuê rừng đầu nguồn trên khía cạnh ảnh hưởng của nó thế nào đến thể diện của quốc gia và dân tộc Việt Nam, và sự khác biệt trong phản ứng của nhà cầm quyền CSVN và của những quốc gia khác ra sao đối với cái nhục quốc thể.

Việc một nhà nước cho một nước khác thuê đất không phải là một điều gì mới, nhưng thường chỉ là một hình thức lịch sự bề ngoài, cho đỡ xấu mặt nước bị mất đất, hơn là một cuộc lấn đất dành dân trắng trợn như đã từng xảy ra trong thời thực dân đô hộ của những thế kỷ trước. Thực chất của việc cho thuê đất đai trong nhiều trường hợp vẫn chỉ là mạnh thắng yếu, vẫn có kẻ được người thua. Vì lẽ đơn giản khi một nước có chủ quyền và có đủ sức để quản lý bờ cõi của mình, không có lý do nào lại giao một phần đất nước cho ngoại bang toàn quyền sử dụng trong một thời gian, dù ngắn dù dài. Khi sự bàn giao quyền sử dụng này xảy ra, lý lẽ dễ hiểu nhất là nhà nước cho thuê không đủ sức đảm đang một mình mảnh đất cho thuê, hoặc không chịu nổi áp lực bằng cách này cách khác của ngoại bang.
Điển hình là quần đảo Ryuku, thuộc tỉnh bang Okinawa của Nhật. Trong những năm sau cuộc đầu hàng của Nhật ở giai đoạn cuối Đệ Nhị Thế Chiến, Okinawa đã bị đặt dưới sự kiểm soát hành chính của Mỹ trong suốt 27 năm, và chỉ được trao trả trên bề mặt cho Nhật năm 1972. Tuy rằng trong thực tế vẫn còn hơn 25.000 quân nhân Mỹ sinh sống trong những căn cứ rải rác khắp cả quần đảo đó dưới danh nghĩa Hiệp ước Hỗ Tương về Hợp Tác và An Ninh giữa hai nước, nghĩa là một hình thức cho thuê.
Tương tự như Okinawa là trường hợp của Vịnh Subic trên đảo Luzon của Phi Luật Tân tuy thời gian và diễn biến có khác. Do nằm ở một vị trí hiểm yếu về mặt quân sự trong cả khu vực phía Đông Nam Á, vịnh Subic đã từng bị chiếm đóng bởi hải quân Tây ban nha từ những năm cuối thế kỷ 19, để rồi mất vào tay hải quân Mỹ vào năm 1899, không lâu sau khi người Anh giành lấy chủ quyền ở Hương cảng từ tay Trung quốc. Ngoài một vài sự chống chỏi không đáng kể của người Tây ban nha, người Đức, và của ngay cả dân Phi bản xứ, chủ quyền trong Vịnh hoàn toàn thuộc về Mỹ suốt gần trăm năm. Cũng như Okinawa, Vịnh Subic đã có thời được cho thuê, hợp thức hóa bằng việc thay đổi vào năm 1979 các Thỏa thuận Căn cứ Quân sự đã có từ 1947, và chỉ thật sự trở lại dưới chủ quyền của Phi năm 1992, khi hải quân Mỹ dỡ bỏ tất cả các căn cứ trong Vịnh.
Những sự kiện lịch sử kể trên cho thấy dù dưới hình thức nào, và dù có thể có một vài lợi nhuận trước mắt cho một số người, thực chất của việc cho thuê đất đai hay tài nguyên quốc gia vẫn là một sự nhượng bộ, một thua thiệt có thể kéo dài đến hàng trăm năm cho nước mất chủ quyền. Không cần phải có kiến thức sâu rộng, hay phải ở địa vị lãnh đạo xã hội, người dân bình thường nhất của nước mất chủ quyền vẫn cảm nhận được sự thua thiệt đó là một cái nhục, đó là cái nhục quốc thể. Từ Hương Cảng, Okinawa, tới Vịnh Subic, các dân tộc liên hệ đã bằng nhiều cách nói lên nhận thức đó, và đã liên tục tranh đấu để dành lại chủ quyền trên mọi miền của đất nước mình.
Hơn ai hết, người Trung quốc và lãnh đạo Bắc Kinh hiện nay biết việc phải nhượng một phần lãnh thổ cho nước khác “thuê” dài hạn là một sự sỉ nhục quốc gia. Họ đưa vào sách vở giáo khoa, không ngừng nhắc lại trên mọi kênh tuyên truyền về trọng tội của nhà Thanh đã để cho Anh Quốc “thuê” phần đất Hồng Kông (Hương Cảng) 99 năm, và cho Bồ Đào Nha (Portugal) “thuê” phần đất Ma Cao 1 thế kỷ. Do đó, dù các lãnh đạo Hà Nội có ý thức được hay không, thì việc “thuê” đất Việt Nam một nửa thế kỷ là hành động sỉ nhục có chủ ý của Bắc Kinh, vừa để khích động lòng ái quốc cực đoan của dân Tàu vừa để buộc chính lãnh đạo Hà Nội phải đạp dẹp hẳn lòng yêu nước và tự trọng của dân tộc Việt Nam. Mức độ hiểm độc này thật khó có ai bì kịp!
Trong những thua thiệt gần đây của Việt Nam đối với Trung Cộng, trên cái nhục quốc thể chung cho cả dân tộc, và cái nhục hèn nhược riêng của tập đoàn lãnh đạo Hà nội, Việt Nam còn chịu những rủi ro đe dọa môi sinh, không những cho những vùng phía Bắc mà còn cho cả đồng bằng hạ lưu phía Nam; cũng như sự nguy hại tiềm tàng trong lãnh vực an ninh quốc gia về lâu dài. Ngoài những yếu tố địa dư và quốc phòng, thì trên lãnh vực văn hóa, sự nguy hại này còn có liên hệ tới bản sắc thứ hai của người Hoa là khái niệm quan hệ, đồng nghĩa với chữ “guanxi” trong tiếng Quan Thoại của họ. Trong hai thập niên gần đây, song song với phát triển vượt bực trong lãnh vực kinh tế, Trung Cộng đã ráo riết gia tăng các quan hệ đa phương để bằng cách này cách khác, chủ yếu là qua đầu tư, các công ty quốc doanh Trung quốc đã lần lượt xuất hiện ở khắp nơi trên thế giới, kể cả Phi châu và Trung Đông là những vùng đến mãi gần đây vẫn ngoài tầm với của họ. Do yếu tố điạ dư và hậu cần, những quan hệ nới rộng này có nhiều cơ may sẽ giới hạn phần lớn trong lãnh vực thương mại, hoặc có đi xa hơn nữa cũng chỉ tăng thêm ảnh hưởng chính trị của Trung Cộng trên địa bàn quốc tế. Nhưng đối với khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là đối với Việt Nam gần như đang hoàn toàn trong vòng kiểm soát, chắc chắn cái nhìn của Trung Cộng trong mọi quan hệ song phương chỉ là cái nhìn mạnh được yếu thua, cái nhìn của chủ và tớ, hoặc cái nhìn “mẫu quốc” đối với “thuộc quốc” từ mấy ngàn năm lịch sử. Do vậy một khi đã lọt vào tay họ, mỗi mảnh đất cho thuê dù để khai thác bô-xít như ở Tây Nguyên, hay dưới danh nghĩa để khai thác lâm sản hay vì một lý do nào khác, khả năng họ sẽ hoàn trả lại trong trăm năm tới chỉ gần bằng một con số không.
Việt Nam sẽ phản ứng ra sao trước cái nhục thua thiệt rành rành trước mắt đang có cơ nguy cho cả dân tộc phải gánh chịu đến hàng trăm năm, như đã xảy ra trong trường hợp của những Vịnh Subic, những Okinawa và Hương Cảng trong lịch sử? Hiện tại chỉ thấy người dân Việt không tiền, không quyền đứng lên phản đối; còn nhà nước CSVN thì ngoài việc trấn áp nhữg tiếng nói yêu nước bằng bạo lực, họ đang bận lo xiển dương quan hệ “tốt đẹp” với quan thầy đầy tham vọng phương Bắc. Ngày nào lãnh đạo Hà nội chưa cảm nhận được đâu là cái nhục quốc thể, ngày đó vẫn còn cơ nguy họ sẽ còn nhượng bộ thêm, sẽ còn bán rẻ thêm cho Trung Cộng nhiều mảnh da thịt của đất nước Việt Nam.

Quốc Tấn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét