Hoàng Tụy
Thế giới ngày nay có mấy đặc điểm lớn ngày càng nổi bật:
1) tài năng, trí tuệ của con người, chứ không phải tài nguyên vật chất sẵn có, là sức mạnh quyết định sự phồn vinh của xã hội;
2) toàn cầu hóa là xu thế không cưỡng nổi chỉ có thể chấp nhận và thích nghi tốt nhất mới có thể phát triển đất nước thuận lợi;
3) bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu là yêu cầu khẩn thiết của cả loài người, riêng đối với một số nước như Việt Nam càng thêm khẩn thiết;
4) thế giới biến chuyển cực nhanh, với tính phức tạp và phi tuyến ngày càng tăng, muốn thành công trong thế giới đó phải thường xuyên cập nhật tình hình để kịp thời điều chỉnh tư duy và hành động cho thích hợp.
1) tài năng, trí tuệ của con người, chứ không phải tài nguyên vật chất sẵn có, là sức mạnh quyết định sự phồn vinh của xã hội;
2) toàn cầu hóa là xu thế không cưỡng nổi chỉ có thể chấp nhận và thích nghi tốt nhất mới có thể phát triển đất nước thuận lợi;
3) bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu là yêu cầu khẩn thiết của cả loài người, riêng đối với một số nước như Việt Nam càng thêm khẩn thiết;
4) thế giới biến chuyển cực nhanh, với tính phức tạp và phi tuyến ngày càng tăng, muốn thành công trong thế giới đó phải thường xuyên cập nhật tình hình để kịp thời điều chỉnh tư duy và hành động cho thích hợp.
Đó là nhận thức cơ bản, cần xuất phát từ đó để bàn định phương hướng phát triển kinh tế xã hội từng thời kỳ. Xem thường hoặc nhận thức bất cập về bất cứ đặc điểm nào trên đây cũng đều có thể dẫn đến sai lầm phải trả giá nặng nề, ngay trước mắt hoặc trong tương lai không xa.
Mặc dù từ nhiều năm rồi chúng ta đã cảm nhận ngày càng thấm thía áp lực thời đại đối với công việc của đất nước, song có lẽ do sức ỳ bảo thủ từ thời mấy chục năm bị cô lập với thế giới vẫn còn quá mạnh, nên hai thập kỷ đổi mới vẫn chưa đủ cho chúng ta thay đổi nếp tư duy, cách nhìn trong hàng lọat vấn đề hệ trọng. Đặc biệt, tuy đã nhận thức được phần nào tri thức, thông tin là của cải quý giá nhất thời nay, nhưng giáo dục, khoa học – những lĩnh vực đã được long trọng tuyên bố thuộc quốc sách hàng đầu và đã được đầu tư không ít từ mấy chục năm nay – vẫn ì ạch, loay hoay với cung cách tư duy và hoạt động cũ kỹ. Dù muốn nói gì vẫn không thể phủ nhận sự tụt hậu quá xa của chúng ta so với thế giới và so với yêu cầu phát triển của đất nước.
Nhiều người thường nghĩ rằng đối với một dân tộc thông minh, lanh lợi, lại dũng cảm cần cù như dân tộc ta thì yếu tố tài năng, trí tuệ nếu chưa phải là ưu thế ít ra cũng không thể là trở ngại gì lớn khi bước vào kinh tế tri thức. Tuy nhiên thực tế phũ phàng cho thấy không hẳn như vậy.
Cái nghịch lý sờ sờ là tài trí và dũng khí của người Việt trong công cuộc chống ngoại xâm tuyệt vời là thế mà trong xây dựng hòa bình lại không mấy nổi bật, có phần thua kém nhiều dân tộc khác. Nguyên nhân tại đâu?
Tất cả vấn đề là ở chỗ sự thông minh, lanh lợi của từng cá nhân chưa là gì cả nếu những cá nhân ấy không được liên kết trong một cơ chế hoạt động nhằm sản sinh ra synergy (cộng năng) vượt hơn nhiều lần sức mạnh, tài trí, năng lực của từng cá nhân, từng bộ phận cộng lại. Cái cơ chế đó chính là trí tuệ hệ thống, là cái phần mềm để vận hành hệ thống một cách thông minh. Quản lý đất nước trước hết là chăm lo thiết kế và từng bước hoàn thiện cái phần mềm đó để có thể khai thác hết mọi tiềm năng.
Chừng nào tham nhũng còn nặng thì không thể nói đến phát triển bền vững.
Không đi sâu vào chi tiết, chỉ xin nêu lên một trong những niềm trăn trở lớn nhất của bất cứ ai có tấm lòng với đất nước, đó là tại sao tham nhũng đã được xem là mối nguy hại đe dọa sự mất còn của chế độ mà ba bốn chục năm nay vẫn không đẩy lùi được, mặc cho sự bất bình của nhân dân và sự phê phán của dư luận bạn bè khắp nơi trên thế giới?
Rất rõ ràng chừng nào tham nhũng còn nặng thì không thể nói đến phát triển bền vững.
Nhìn quanh ta, Indonesia đã có một thời phát triển khá ấn tượng, nhưng rồi vì tham nhũng nên sụp đổ và cả chục năm nay vẫn chưa gượng dậy được. Philippin từng là nước khá giả nhất ở Đông Nam Á vào những năm 50-60 mà về sau tụt dần và lẹt đẹt mãi cũng chỉ vì tham nhũng. Trái lại, Singapore, Hong Kong, Hàn Quốc đi nhanh được vì không bị nạn tham nhũng trì kéo. Rộng ra trên thế giới cũng không thấy có nước tiên tiến nào sống chung với tham nhũng mà tồn tại được.
Khi một căn bệnh xã hội nảy sinh và kéo dài triền miên mấy chục năm trời, thì đó là biểu hiện một khuyết tật hệ thống, không thể nào loại trừ chỉ bằng cải tiến khâu điều hành. Lúc đó phải xem xét lại cơ chế họat động của hệ thống, chắc chắn trong cơ chế ấy có lỗ hỗng lớn, không xử lý cái lỗ hỗng đó thì không có cách gì khôi phục sự hoạt động bình thường của hệ thống.
Một vị lãnh đạo gần đây có nói đại ý rằng tham nhũng không phải là thói xấu cố hữu của người dân Việt Nam mà do quản lý kém, khiến nhiều người vốn không muốn tham nhũng cũng bị lôi kéo vào vòng tham nhũng. Đúng như vậy, đây là ung nhọt sinh ra do quản lý. Có điều phải đi sâu hơn: vậy muốn cắt bỏ cái ung nhọt đó cần tìm ra cái lỗ hỗng quản lý gì cần khắc phục và ai phải chịu trách nhiệm về cái lỗ hỗng đó ?
Khoa học hiên đại đã phát hiện có nhiều tổ chức, nhiều đối tượng trong thiên nhiên, trong xã hội rất phức tạp mà cơ chế sinh ra và phát triển chúng lại đi theo một lược đồ lặp khá đơn giản. Con quái vật tham nhũng thiên biến vạn hóa ở nước ta cũng đã sinh ra theo một lược đồ lặp đơn giản như vậy, mà cốt lõi là cái nghịch lý lương/thu nhập trong bộ máy hành chính sự nghiệp: chỉ trừ trong một số ít ngành, đơn vị ưu tiên (không bao gồm khoa học, giáo dục), còn phổ biến là lương quá thấp, không đủ sống mức sống hợp lý, trái lại thu nhập thực tế cao hơn lương rất nhiều lần. Phần lương thì kiểm soát chặt chẽ, dù còn nhiều bất công, nhưng phần thu nhập ngoài lương thì phân phối tùy tiện, phụ thuộc vào khả năng tự xoay xở của từng ngành, từng đơn vị, từng người. Mà biên độ xoay xở thì rộng bao la, càng lên cao càng ít có kiểm soát vì trong nhiều trường hợp nó được hợp pháp hóa đến mức trở thành đương nhiên. Cái lược đồ sản sinh ra tham nhũng đó lặp lại y như nhau từ cấp thấp đến cấp cao. Và một khi lược đồ đó hoạt động thì cấp trên dễ dãi, dung thứ cấp dưới, cấp dưới thông cảm, bảo vệ cấp trên, lập thành một vỏ bọc kiên cố nuôi dưỡng tham nhũng bất chấp mọi luật lệ.
Sau nhiều năm tăng trưởng kinh tế khá ấn tượng nhưng chủ yếu theo chiều rộng, bây giờ đến lúc ta phải chuyển hướng sang tăng trưởng theo chiều sâu để phát triển bền vững. Hơn lúc nào hết, cần xem xét lại cơ chế quản lý kinh tế xã hội để phát hiện, loại trừ những khuyết tật hệ thống, mở đường cho giáo dục, khoa học phát triển lành mạnh, trước hết là giải tỏa cái nghịch lý lương/thu nhập. Có thể khẳng định dứt khoát chừng nào còn tồn tại cái nghịch lý quái gở này thì tham nhũng còn nhiều đất để được nuôi dưỡng và phát triển, và triển vọng biến nước ta thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại còn mờ mịt.
HT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét