2010/02/10

Nhà báo Bill Hayton rung chuông báo động

Một bài báo đầu năm 2010 trên tạp chí Mỹ Foreign Policy được độc giả khắp nơi chú ý, đọc và trích dẫn, nhan đề: "Vietnam New Money" - "Tài sản Mới ở Việt nam". Người viết là Bill Hayton từng là phóng viên hãng BBC - Anh ở Đông Nam Á và Việt nam.
Tôi biết B.Hayton từ những năm 1960 ở Hànội. Ông viết hay, và viết khỏe, phân tích tình hình sâu, có những nhận định độc đáo, khác người. Nhưng đúng!
Ngay từ những năm "ổn định", "huy hoàng" của người hùng Suháctô ở Inđônêxia và của người hùng Marcos ở Philippin, B.Hayton đã chỉ ra kết thúc bi thảm không tránh khỏi của 2 chế độ độc tài phản dân chủ này.
Trong bài báo đầu năm nay về Việt nam, B.Hayton chỉ ra những đặc điểm về kinh tế tài chính ở Việt nam những năm gần đây. Nổi bật nhất là sự câu kết giữa những cơ sở quốc doanh hùng mạnh với những cá nhân mang danh "tư nhân", nhưng hầu hết là đảng viên có quyền lực lớn qua con em, người thân của họ.
Theo luật, mọi tư nhân đều có quyền kinh doanh hợp pháp, và pháp luật bảo đảm sự bình đẳng(!) giữa các kiểu sở hữu: quốc doanh, hợp doanh, tập thể (hợp tác xã) và tư nhân, nhưng trên thực tế không phải vậy.

Các tập đoàn quốc doanh (gần 20 Tổng công ty) và gần 100 công ty quốc doanh do nhà nước, chính phủ của đảng CS chi phối phần lớn nền kinh tế tài chính của quốc gia. Các ngành ngân hàng, điện, nước, khai khóang, giao thông, vận tải đường bộ, biển, hàng không, bưu điện, giáo dục, y tế, xuất nhập khẩu, buôn bán lương thực, dịch vụ lớn các loại đều do các Tập đoàn tổng công ty và công ty quốc doanh nắm giữ, gần như độc quyền.
Còn phần của tư nhân? Đây mới là thực chất của vấn đề. Từ khi "đổi mới" chính quyền trong nước đã buộc phải từ bỏ độc quyền kinh tế-kinh doanh trong khi duy trì độc quyền chính trị quản lý đất nước, nhưng ngay trong lĩnh vực kinh tế-tài chính - kinh doanh, mọi người dân thường, - mọi người công dân, - mọi nhà tư nhân -, đâu đã có thật sự quyền tự do kinh doanh, đâu đã có quyền cạnh tranh bình đẳng ngang nhau.
Từ khi "đổi mới" năm 1986, rồi từ khi vào WTO năm 2006, đúng là khu vực tư nhân phát triển khá, tỷ lệ giá trị ngày càng lớn trong nền kinh tế quốc dân, nhưng các doanh gia tư nhân ấy là ai? Họ đã được đảng CS chọn lọc kỹ.
Đó là những "con ông cháu cha" của giới quyền lực cấp cao, là phu nhân, họ hàng thân thiết của các quan chức cao cấp ở trung ương, ở các tỉnh, thành phố, là người nhà, bạn bè, phe cánh của anh Hai, chị Ba, chú Tư, dì Năm, bác Sáu, cụ Mười... trong bộ chính trị, trong trung ương đảng, theo các kiểu quan hệ thư tay, điện thoại, gửi gắm, nhấm nháy, qua trung gian tin cậy và ám hiệu riêng, chỉ trỏ cho nhau các món làm ăn béo bở nhất, để chia chác, lại quả, hoa hồng ...
Nhà báo Bill Hayton cảnh báo nguy cơ của đất nước nằm ngay ở đó. Bất công ngày càng nặng, hố giàu nghèo mở rộng toang hoác vô độ là ở đó, tham ô tăng vô hạn là ở đó, tài sản quốc gia bị xà xẻo vô tội vạ là ở đó, bộ mặt quan chức lấm lem, "con cháu các cụ cả" phá nát đạo lý gia phong là ở đó. Đồng tiền, đồng đô la ngự trị, chi phối mọi mối quan hệ trong và ngoài nước.
Mô hình đặc trưng nói trên của thời kỳ tư bản đỏ "hậu cộng sản" nhưng vẫn dính chặt với cái đuôi cộng sản là nền chuyên chính vô sản, là để giới cầm quyền lợi dụng quân đội nhân dân và công an nhân dân phục vụ riêng cho họ - một tầng lớp cầm quyền mới cực kỳ tham lam và hung bạo - , thẳng tay đàn áp mọi thế lực và cá nhân vạch mặt, can ngăn hành động phi pháp vô luân của họ.
Cái nền tảng xã hội đang rung rinh và có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào là tình trạng bất công tràn ngập như bão lụt, kẻ bất tài vô luân nắm cả 3 quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, những kẻ sỹ yêu nước khảng khái bị trù dập, nhà kinh doanh tư nhân có tài kinh bang tế thế bị thất thế không sao dựng nghiệp nổi vì thiếu cạnh tranh bình đẳng trong pháp luật với các nhà tư bản đỏ gian manh.
Tạp chí Mỹ FORBES ước tính ở Trung quốc, tư bản đỏ, còn gọi là "tư bản thân hữu", "tư bản bồ bịch", "cộng sản phe cánh"- crony capitalism, crony commies - hiện chiếm 0,4 % số dân, tức là 5 triệu trên 1 tỷ 300 triệu dân, vậy mà chiếm đến 70 % tài sản quốc gia. Với tỷ lệ tương đương, ở Việt nam, tầng lớp tư bản đỏ ước tính là 65 vạn người ngự trị trên sự thiếu thốn, nghèo đói, bệnh tật của trên 84 triệu đồng bào mà họ cai trị, bóc lột và thẳng tay đàn áp khi cần.
Nhà báo B.Hayton kết luận chế độ "tư bản đỏ" kiểu Việt nam như hiện nay không thể đứng vững, nền tảng của nó đang lung lay, không sao tránh khỏi phá sản và lao xuống dốc do bản chất phi pháp và hại dân của nó.
Sự phá sản không tránh khỏi của chế độ bất công này là nó đi ngược lại một chế độ công bằng, cho phép mỗi công dân những cơ hội thành đạt ngang nhau. Vậy mà điều 5 của bộ Luật hình sự tố tụng ghi rõ: "Bảo đảm quyền bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật".
B.Hayton còn lật tẩy sự kết thân bền chặt giữa tư bản đỏ Việt nam với các nhà tư bản Mỹ thèm khát siêu lợi nhuận bẩn, khi đưa ra dẫn chứng tiêu biểu là cuộc kết hôn giữa Sàigòn tháng 11-2008 của nhà tư bản Nguyễn Bảo Hoàng Tổng giám đốc hãng IDG - Ventures ở Mỹ với cô Nguyễn Thanh Phượng, Giám đốc hãng Viet Capital ở trong nước, con gái của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vốn của 2 nhà tư bản xanh+đỏ - vốn là tử thù này, gộp lại là 150 triệu US$ Mỹ.
Bài báo của B.Hayton rất nên được dịch cho các đảng viên CS trong nước đọc nhân đại hội đảng các cấp sắp tới, rất nên đến tay các sỹ quan và binh sỹ Quân đội nhân dân, Công an nhân dân... Cũng xin mời hơn 60 giáo sư, tiến sỹ Học viện chính trị và hành chính quốc gia HCM vui lòng lên tiếng phản biện.
Bùi Tín
Paris 8-2-2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét