Báo chí Úc tiếp tục phanh phui vụ in tiền Polymer
MELBOURNE (TH) - Càng ngày, càng có dấu hiệu cho thấy vụ án công ty Securency của Úc hối lộ quan chức Việt Nam để in tiền giấy nhựa polymer cho Việt Nam mà những người được nêu tên trong thời gian qua chỉ là những kẻ bình phong.
- Nguyễn Tấn Dũng và Lương Ngọc Anh
Một bài báo mới nhất của tờ The Age cho người ta cảm tưởng Lương Ngọc Anh, tổng giám đốc công ty CFTD, hay Lê Ðức Minh, con trai của ông Lê Ðức Thúy (nguyên thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam) cũng chỉ là người người đứng trung gian, chạy cờ. Người đứng đằng sau ăn nhiều tiền hối lộ nhất có thể là Nguyễn Tấn Dũng, đương kim thủ tướng Việt Nam và hy vọng trở thành tổng bí thư đảng vào kỳ đại hội năm 2011. Lê Ðức Thúy, khi còn làm thống đốc ngân hàng, cũng chỉ được ăn chia một phần.
Bản tin báo The Age tiếp tục khui vụ án hối lộ quan chức Việt Nam để lấy hợp đồng in tiền giấy nhựa polymer, số báo ra ngày 9 tháng 2 năm 2010, nói vụ điều đình để công ty Securency cung cấp dịch vụ in tiền polymer cho Việt Nam bắt đầu từ khi Nguyễn Tấn Dũng còn là thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước chứ không phải khi ông Lê Ðức Thúy làm thống đốc.
Bên cạnh dữ kiện này, Lương Ngọc Anh, tổng giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn Phát Triển Công Nghệ (viết tắt là CFTD) được tờ ‘The Age’ dựa vào các nguồn điều tra riêng nói là người rất thân cận với Nguyễn Tấn Dũng, thường tháp tùng ông ta trong những chuyến công du ngoại quốc trước đây.
Theo The Age, Phòng Xúc Tiến Thương Mại Úc (Austrade), để đạt được hợp đồng in tiền cho Việt Nam, đã phải dùng tới quan hệ tình báo ngoại giao. Tuy Austrade từ chối cung cấp thông tin nhưng báo The Age tin rằng giám đốc Securency và thành viên của hội đồng quản trị của công ty được thông báo là Lương Ngọc Anh bị nghi là một người bình phong của Bộ Công An, một trong những tổ chức tình báo và an ninh chính yếu của Hà Nội.
Theo The Age, Lương Ngọc Anh và viên chức giám đốc khác của CFTD, một người trong đám này là đại diện của Việt Nam tại cơ quan LHQ ở New York, “thường hay ra ngoại quốc trong phái đoàn của thủ tướng và bộ trưởng CSVN”.
- Lê Đức Thuý
Như cách phân tích của The Age, người ta có cảm tưởng từ Lương Ngọc Anh tới bố con ông Lê Ðức Thúy, trong vụ án ăn hối lộ in tiền cho Ngân Hàng Nhà Nước, cũng có thể chỉ là những người trung gian đứng dàn xếp đầu cầu dịch vụ in tiền. Còn tiền hối lộ, như đã được viết nhiều lần hồi năm ngoái, ít nhất là 12 triệu Úc kim hoặc $10 triệu được bỏ thẳng vào một số trương mục bí mật ở ngân hàng Thụy Sĩ, và cả một số nước không bị đánh thuế như Bahamas.
Cuối tháng 10 năm ngoái, The Age đã nêu ra các nghi vấn về mối quan hệ với cơ quan tình báo Bộ Công An Việt Nam của Lương Ngọc Anh cũng như các số tiền hối lộ đã chạy đi đâu. Trước đó ít ngày báo điện tử ‘Ðảng Cộng Sản Việt Nam’ có bài ca ngợi cuộc đời ái tình và sự nghiệp của Lương Ngọc Anh (47 tuổi) nhưng khi có bài báo của The Age thì bị gỡ xuống. Trong bài báo này, công ty CFTD có tới 200 người góp vốn (400 tỉ đồng) và doanh thu hàng năm khoảng 30 triệu đô la. Nếu danh sách cổ đông của CFTD được phổ biến công khai, người ta sẽ biết thực chất các “cổ đông” này là những ai, nguồn gốc tiền bạc từ đâu đến mà trúng thầu được những mối nhập cảng trang thiết bị rất “nhạy cảm” và béo bở cho Bộ Công An và Bộ Quốc Phòng Việt Nam.
Bên cạnh khả năng kinh tài và hoạt động tình báo cho Bộ Công An, ngoài lợi nhuận chính thức, người ta tin rằng tổng giám đốc CFTD đại diện ăn hối lộ cho những tay chóp bu của đảng và nhà nước để những người như Nguyễn Tấn Dũng, Nông Ðức Mạnh có được cái vỏ sạch sẽ.
Trong guồng máy chính trị Việt Nam, Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng, tức cầm đầu hành pháp, lại cũng là người cầm đầu cơ quan chống tham nhũng (đúng ra phải là cơ quan tư pháp biệt lập).
Theo luật nước Úc, hối lộ quan chức ngoại quốc để có lợi cho hoạt động kinh doanh là tội hình sự. Tháng Năm năm ngoái, The Age tung quả bom nói công ty kinh doanh in tiền Securency (một nửa cổ phần thuộc Ngân Hàng Trung Ương Úc (RBA), một nửa thuộc một công ty Anh Quốc) mà tổng giám đốc là một viên chức do RBA chỉ định, đã hối lộ cho viên chức của nhiều nước ở Phi Châu và Á Châu để đạt được hợp đồng, trong đó có Việt Nam.
Tuy được cơ quan Austrade báo động Lương Ngọc Anh có quan hệ với Bộ Công An Việt Nam, Securency vẫn tiến tới.
Hồi năm ngoái, The Age đã nêu ra cho thấy dịch vụ mà CFTD cung cấp cho Securency chỉ là dàn xếp ngày giờ gặp các sếp lớn ở Ngân Hàng Nhà Nước, thủ tướng, và dịch một ít tài liệu, thông dịch trong các cuộc họp. Với những dịch vụ cung cấp chỉ có vậy mà được trả hoa hồng tới $10 triệu cho người ta thấy cái đáng nghi ngờ của dịch vụ.
Hiện cảnh sát Liên Bang Úc đang điều tra về các nghi vấn Securency hối lộ cho viên chức Việt Nam và Nigeria. Hồi tháng 11 năm ngoái, trụ sở Securency bị cảnh sát tới khám xét. Tư gia hai xếp chính của công ty, giám đốc điều hành và giám đốc tài chính Securency đã bị buộc ngưng chức cho tới khi cuộc điều tra có kết luận cuối cùng.
Tại Việt Nam, Trần Quốc Vượng, chánh án Tòa Án Tối Cao, nói ở bên lề một cuộc họp Quốc Hội khi hỏi về vụ án này, đã cho rằng những gì nói trên báo chí Úc chỉ là “nguồn tin để tham khảo. Bản thân tôi cũng đã đọc thông tin này. Còn về mặt công tố, nước bạn chưa có công văn hay đề nghị hợp tác gì với chúng tôi”, theo báo Thanh Niên ngày 3 tháng 11 năm 2009. “...Mình cần phải coi đó là nguồn tin tố giác chứ không phải là một căn cứ để khởi tố”.
Cho tới nay, một cách chính thức, chế độ Hà Nội vẫn hoàn toàn im lặng.
— -
Công ty in tiền Úc bị nghi ngờ là có dính dáng với cơ quan tình báo Việt Nam
The Money Makers - Ties with spy agency suspected
The Money Makers - Ties with spy agency suspected
Một công ty trực thuộc Ngân hàng Dự trữ Úc đang bị điều tra vì bị cáo giác là tham nhũng, đã làm ngơ lời khuyến cáo của chính phủ liên bang báo cho biết rằng các món tiền trả cho một thương gia người Việt có thể bị coi như là một hành vi hối lộ.
Công ty in in ấn tiền nhựa polymer Securency International đã được cơ quan ngoại thương Austrade báo cho biết trước vào tháng 3/2007 và tháng 8/2008, rằng người môi giới cho họ, ông Lương Ngọc Anh, được biết như một kẻ đại diện của Bộ Công An, cơ quan có quyền thế rất lớn ở Việt Nam.
Dưới luật pháp của nước Úc, đó là một hành vi phạm pháp hình sự khi trả tiền cho đại diện của một chính phủ nước ngoài nhằm mục đích để đoạt được lợi thế trong vấn đề kinh doanh.
Báo The Age hiểu biết rằng công ty Securency, được sở hữu phân nửa và thanh tra bởi Ngân hàng Dự trữ Úc, đã bất chấp lời khuyến cáo này, và tiếp tục trả tiền cho ông Lương Ngọc Anh, ít nhất là trong 12 tháng sau đó.
Những lời khuyến cáo này được biết đến sau khi ban quản trị của Securency vào đầu năm 2007, yêu cầu cơ quan Austrade âm thầm tiến hành việc sưu tra một số tay môi giới của công ty ở nước ngoài, giữa nhiều mối lo ngại là công ty có thể bị dính líu vào tham nhũng.
Cơ quan Austrade phải thực hiện nhiều vụ kiểm tra trong khi thành phần quản trị cao cấp của Securency hoặc các đại diện công ty đều không biết có các cuộc kiểm tra đang tiến hành.
Securency hiện đang bị Cảnh sát Liên bang Úc điều tra về những tố giác hối lộ ở Việt Nam và Nigeria.
Trụ sở của công ty đã bị các thám tử liên bang lục soát vào Tháng 11 năm ngoái, cũng như tư gia của giám đốc điều hành và thư ký công ty. Cả hai đã bị Ngân hàng Dự trữ Úc cách chức cho đến khi cuộc điều tra của cảnh sát kết thúc.
Cơ quan Austrade đã khước từ không cho đến tìm hiểu về những sưu tra lý lịch của ông Lương Ngọc Anh và Công ty Phát triển Công nghệ CFTD, dựa trên Đạo luật tự do tìm kiếm thông tin, sau khi Securency khiếu nại về việc chuyển giao thông tin này đến báo The Age. Austrade cho rằng việc cho phát hành tài liệu này có tiềm năng làm thiệt hại đến công việc làm ăn của Securency.
Ngụ ý rằng họ cũng đã phải dùng đến các đầu mối tình báo nước ngoài để thực hiện việc kiểm tra trên, cơ quan ngoại thương Austrade nói rằng việc tiết lộ tài liệu này có thể gây tai hại đến "việc cung cấp tin tức trong tương lai" cho chính phủ Úc.
Mặc dù cơ quan Austrade từ chối không tiết lộ kết quả kiểm tra, mọi ngưòi đều tin rằng Securency và ban quản trị đã được báo cho biết rằng ông Lương Ngọc Anh bị ngờ vực là kẻ đại diện của Bộ Công An, một trong những cơ quan an ninh tình báo chính yếu của Việt Nam.
Tuy Austrade nói rằng họ không thể chắc chắn về mối quan hệ đầy ngờ vực đó, nhưng đã khuyến cáo công ty Securency nên tìm tư vấn pháp lý nếu họ lo ngại về những món tiền trả cho ông Lương Ngọc Anh, và khả năng vi phạm vào luật chống tham nhũng của Úc.
Ông Lương Ngọc Anh cũng được xem là kẻ thân cận với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, người từng giữ chức thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lúc ngân hàng này vừa mới bắt đầu giao dịch với Securency.
Ông Lương Ngọc Anh và các giám đốc khác của CFTD, kể cả một người trong đó là đại diện của Việt Nam ở Liên Hiệp Quốc tại New York, thường xuyên tháp tùng các phái đoàn đi ra nước ngoài cùng với Thủ tướng và các bộ trưởng Việt Nam.
Ban quản trị công ty Securency vào lúc đó do cựu phó thống đốc Ngân hàng Dự trữ Úc, ông Graeme Thompson, làm chủ tịch. Ông Thompson đã bị cách chức vào năm 2007 và liên tục từ chối không muốn trao đổi với với báo The Age về thời gian ông giữ chức vụ chủ tịch ban quản trị Securency.
Cuộc điều tra của cảnh sát về hoạt động của Securency sẽ được tiếp tục trong nhiều tháng.
Các chuyên viên điều tra kế toán của hãng điều tra tài chánh KPMG sẽ tiếp tục mở một cuộc kiểm tra sổ sách riêng biệt khác về các hoạt động của công ty, kể cả các vụ giàn xếp với các tay trung gian.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét