2010/01/06

Tương lai nào cho Việt Nam?

Vậy là năm 2009 đã đi qua! Cũng như những năm trước, Việt Nam vẫn được xếp hạng trong danh sách những nước tồi tệ nhất về nhân quyền. Tình trạng vi phạm quyền con người của nhà cầm quyền Việt Nam vẫn diễn ra một cách thường xuyên, liên tục và có hệ thống suốt cả năm 2009 dưới nhiều hình thức; từ việc kiểm soát, cấm đoán viết blog, đến việc dùng những đám người gọi là “quần chúng tự phát” để nhà cầm quyền dấu mặt đàn áp tôn giáo tại Tam Toà, Bát Nhã; đến những cao điểm là các cuộc truy xét, đàn áp, bắt bớ và xét xử những người công khai bày tỏ quan điểm đối với vận mệnh và chủ quyền của đất nước, như Điếu Cày, Phạm Thanh Nghiên, 9 nhà dân chủ tại Hải Phòng, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức v.v...

Hiến pháp Việt Nam và công pháp quốc tế công nhận các quyền tự do ngôn luận và lập hội. Các quyền tự do này bao gồm cả quyền tự do phát biểu và quyền tự do tham gia các hoạt động đảng phái. Những vụ việc bị nhà cầm quyền đàn áp nêu trên hoàn toàn nằm trong tinh thần hiến pháp của Việt Nam và công pháp quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã ký kết.

Trong phiên họp báo cáo định kỳ của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc hồi tháng 5 năm 2009 vừa qua, Hà Nội đã bác bỏ 46 trong số 150 khuyến nghị của các quốc gia trên thế giới. Chủ yếu các kiến nghị này liên quan đến các quyền dân sự và chính trị, cũng như liên quan đến việc xây dựng một hệ thống tư pháp văn minh và chuẩn mực tại Việt Nam. Nhà cầm quyền cũng từ chối việc Uỷ Ban Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc được thường xuyên đến khảo sát về tình hình nhân quyền tại Việt Nam.

Tuy đã là thành viên của Liên Hiệp Quốc và cam kết tôn trọng quyền con người, nhưng rõ ràng là chính phủ Việt Nam đã chứng tỏ là họ đang sở hữu một quan niệm về nhân quyền hoàn toàn khác xa với các tiêu chuẩn của thế giới. Trong các bài phát biểu, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam đã cho thấy rằng: nhà cầm quyền luôn giữ tư thế đối phó với các vấn đề nhân quyền, đặc biệt là luôn hình sự hoá và cường điệu hóa những việc làm mà họ cho rằng sẽ đe dọa gần xa đến sự tồn vong của chế độ độc đảng; luôn tìm cách chính trị hóa các vấn đề nhân quyền bằng cách gán ghép với tội danh “lợi dụng tự do dân chủ xâm phạm an ninh quốc gia”.

Trong bình diện quốc gia, từ đầu năm 2009, khi lãnh đạo đảng đưa ra quyết định khai thác quặng bauxite tại Tây Nguyên và xem đó là một “chủ trương lớn của nhà nước”, thì ngay tức khắc, vấn đề an ninh quốc gia đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của giới trí thức Việt nam. Làn sóng phản đối của giới trí thức đã thực sự dấy lên mạnh mẽ khi có những người có tên tuổi như Tướng Võ Nguyên Giáp và một số cựu tướng lãnh khác nhập cuộc. Đặc biệt là sau khi diễn đàn BauxiteVietnam do giới trí thức Việt Nam thành lập và đi vào hoạt động. Trước làn sóng phản đối đó, thay vì trân trọng tâm huyết của những tinh hoa dân tộc trước sự an nguy của tổ quốc, khi để cho người Trung Quốc lan tràn ở “cửa ngõ Tây Nguyên”, cũng như sự tàn phá môi trường một cách nghiêm trọng của việc khai thác bauxite, thì nhà cầm quyền lại thẳng tay đàn áp những tiếng nói phản biện. Đỉnh điểm của việc trấn áp những người quan tâm đến dự án khai thác bauxite là việc bắt giam các blogger công khai in áo phản đối dự án này.

Trong các thông cáo báo chí, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam luôn một mực khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Thế nhưng, nhà cầm quyền lại không ngớt đàn đáp mạnh mẽ những người nói lên quan điểm tương tự; qua việc bắt giam những người như blogger Điếu Cày, người đầu tiên công khai bày tỏ quan điểm về chủ quyền của tổ quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa; cô Phạm Thanh Nghiên - người phụ nữ can trường – công khai phản đối việc đồng lõa của chính phủ với Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền; bắt giam luật sư Lê Công Định khi ông dự tính kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế vì quyết định "ngang ngược" – cấm đánh bắt cá trên biển Đông. Những hành động vừa kể cho thấy, việc nhà nước Việt Nam phản đối Bắc Kinh bành trướng xâm lược, hay rầm rộ tổ chức các phong trào tìm hiểu về Hoàng Sa - Trường Sa v.v... chỉ là hành động "làm màu" cho có lệ, và chỉ là một màn kịch nhằm đối phó với chính đồng bào mình. "Hèn với giặc, ác với dân", quay lưng với những yêu cầu chính đáng vì sự tiến bộ của đất nước mình, của nhân dân, cam tâm bán rẻ Tổ quốc vì lợi ích riêng.

Khép lại năm 2009, những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam có xu hướng sẽ gia tăng trắng trợn qua việc thông báo xét xử luật sư Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long vào những ngày đầu năm 2010.

Câu hỏi đặt ra là, nhà nước hiện tại thật sự đang phục vụ lợi ích của ai? Câu trả lời hắn chắc chắn không phải là vì lợi ích của nhân dân. Những người nắm quyền điều hành đất nước trong tay, đang đặt vận mệnh của dân tộc bên dưới quyền lợi và mục đích chính trị của họ. Phiên tòa công khai xét xử Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long vào những ngày đầu năm 2010 hẳn sẽ là một vết nhơ tồi tệ cho quá trình hội nhập với những chuẩn mực nhân quyền văn minh của thế giới tại Việt Nam.

Kim Châm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét