(CNN) - Người đầu tiên cho tôi biết về vấn đề đăng nhập Facebook vào tháng 11 là một người bạn Hoa Kỳ đang du học tại Việt Nam.
Sau đó các tiếng nói lên tiếng về vấn đề này gia tăng rất nhanh trên mạng. Hiện nay, người sử dụng Facebook cho rằng nhà cầm quyền đã cố tình ngăn chặn cư dân mạng đăng nhập vào trang giao lưu xã hội này.
Sau gần 30 năm kể từ khi di cư, gia đình của tôi vẫn còn mối quan hệ gắn bó với Việt Nam. Điều này thuận tiện hơn bao giờ hết với mạng Internet và Facebook.
Với chút vốn liếng tiếng Việt và vài đường truyền nối mạng làm trang bị, tôi tìm đến những thành phần liên hệ để tìm hiểu.
Một trong những đầu mối đầu tiên của tôi là một blogger từ Việt Nam với danh hiểu Diesebemol. Ở tuổi 50, ông ta là một tài xế riêng cho một doanh nhân ngoại quốc. Ông không muốn cho biết tên thật vì sợ bị trả thù.
Blogger này nói rằng ông ta dùng facebook để nêu lên quan điểm và bình luận về các vấn đề xã hội, chính trị.
Ông ta cho biết, “Đây là chuyện quản lý thông tin. Ai cũng có thể nói lên chính kiến của mình (trên Facebook). Chính quyền không thể quản lý được, nên họ ngăn chặn nó.”
Các viên chức nhà nước Việt Nam đã bác bỏ lời tố giác này.
Ông Đặng Anh Tuấn thuộc Bộ Thông Tin và Truyền Thông cho CNN biết, “Chúng tôi không có chính sánh ngăn chặn Facebook,” mặc dù ông cũng nhìn nhận những hoạt động trên Facebook là một mối quan ngại cho bộ 4T và cũng được theo dõi chặt chẽ.
Các công ty cung cấp dịch vụ mạng (ISPs) thay vào đó lại đưa ra hàng loạt các lý do tại sao việc truy cập trang mạng này lại bị lỗi, bao gồm lỗi kỹ thuật và kể cả lỗi của chính Facebook.
Bà Debbie Frost, phát ngôn viên của trụ sở Facebook ở Palo Alto, tiểu bang Cali cho CNN biết rằng không có lỗi kỹ thuật nào từ phía Facebook cả.
Bà Frost nói rằng, “Dịch vụ chúng tôi đã không có thay đổi gì. Chúng tôi cũng không làm gì để gây thêm khó khăn hoặc chỉnh sửa gì có thể gây ảnh hưởng đến dịch vụ.”
Facebook không phát biểu gì thêm về việc ai hoặc điều gì đã khiến các cư dân Facebook ở Việt Nam gặp nhiều lỗi khi đăng nhập vào trang mạng này.
Mặc dù chưa có tài liệu phổ biến công cộng nào chứng minh chính quyền VN đã hạ lệnh cấm này, một số người sử dụng Facebook ở Việt Nam vẫn tin rằng nhà nước là thủ phạm đằng sau.
Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã đề cập đến vấn đề này với đối tác của họ ở lãnh sự quán Việt Nam ở Hoa Thịnh Đốn và ở Hà Nội.
Một viên chức Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã cho CNN biết rằng “chúng tôi cho rằng việc ngăn chặn Facebook tại Việt Nam là một sự de dọa đối với quyền tự do mạng Internet.
Viên chức này đã viết trong một điện thư như sau khi đề cập đến cuộc Đối Thoại về vấn đề Nhân Quyền Việt Nam giữa cơ quan này và Bộ Ngoại Giao VN vào tháng 11, “Chúng tôi đặc biệt thất vọng khi thấy Facebook vẫn cứ bị ngăn chặn tại Việt Nam sau lần đối thoại đó”.
Lỗi đăng nhập khi có khi không đã được cư dân mạng loan báo trong cùng thởi điểm đó.
Phỏng theo lời của blogger Diesebemol, các công ty cung cấp dịch vụ mạng thay phiên nhau ngăn chặn việc đăng nhập trang mạng này, và việc làm này dần dần loan rộng sang các công ty khác. Ngày mà tôi trò chuyện với ông ta, blogger này cho biết ông đã không vào được trang mạng này qua đường truyền từ dịch vụ của ông.
Ông nói, “Tôi sử dụng Netn@m và họ ngăn chặn Facebook hoàn toàn. Tôi liên lạc với một nhân viên kỹ thuật ở Netn@m và anh ta đã xác nhận rằng công ty này có vấn đề khi đăng nhập vào Facebook trong lúc đó.”
Cô Phạm Phương Liên, một sinh viên quản lý thương mại ở Hà Nội cũng đã nhận được trang thông tin “Access Denied” (Đăng nhập bị từ chối) khi cô vào trang mạng này.
Cô ta và các người bạn khác trao đổi với nhau những phương cách khác để đăng nhập vào Facebook.
Cô Liên cho biết, “chúng tôi trao đổi địa chỉ mạng qua điện thư hoặc chat messenger. Trong lớp, các thầy cô gửi chúng cho chúng tôi. Khi thì sử dụng được, khi thì không.”
Tường lửa ngăn chặn này, nếu có, vẫn có thể khắc phục bởi những cư dân mạng chuyên nghiệp với chút kinh nghiệm kỹ thuật.
Cư dân mạng bày tỏ sự phẫn uất của mình trên Twitter, các blog, và kể cả trang mạng cạnh tranh với Facebook ở Việt Nam, Zing Me. Họ cũng trao đổi cách thức để khắc phục tường lửa.
Huy Zing, một chuyên viên thiết kế phần mềm sống xa xứ ở TP HCM đã post trên blog rằng: “Chỉ cần ngăn chặn một phần [trong số người dùng] thôi là đủ để khiến Facebook không thể phát triển rộng rãi rồi.”
Huy giải thích thêm rằng: “Chúng tôi biết đó là một việc làm sơ sài. Ngăn chặn bằng kỹ thuật không phải là biện pháp hữu hiệu. Nhưng cũng không cần phải ngăn chặn hoàn toàn để dập tắt quan điểm.”
Tuy vậy, những khó khăn được thiết lập cũng đủ khiến nhiều người khó chịu, nhất là người sử dụng Facebook thường xuyên và đặc biệt là những người sống xa quê hương.
Anh Zing cho biết phản ứng đầu tiên của họ là: “Tồi tệ thật. Tôi sẽ không ở lại nước này nữa.”
Blogger Nguyen Thanh Phong tin rằng nhà nước đã ngăn chặn Facebook.
Vậy tại sao nhà cầm quyền lại lo sợ về Facebook?
Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao VN bà Nguyễn Phương Nga phát biểu ở một buổi họp báo vào ngày 3 tháng 12 như sau: “Một số các trang mạng xã hội đã bị lạm dụng để loan tải thông tin chống đối nhà nước CHXHCN VN... đe dọa an ninh thông tin và gây ảnh hưởng xấu đến cư dân mạng.”
Nhưng đối với nhiều người Việt, vấn đề không phải là sự bảo vệ của nhà nước mà là sự kiểm soát của chính quyền.
Một chuyên gia thiết kế ở Hà Nội, anh Nguyễn Thanh Phong, cho biết, “Có thể chính quyền lo sợ tính phổ biến của Facebook và tốc độ lan rộng của thông tin? Nếu nó lan rộng quá, sẽ khó quản lý.”
Theo quan điểm của nhà báo Vũ Hạo Nhiên thì trong lúc cộng đồng mạng ở Việt Nam vẫn ngại chưa sử dụng mạng Internet với tất cả chức năng của nó, nhà nước đã phải đối đầu với trò kéo dây giữa lợi ích thương mại và quản lý thông tin.
Nhà cầm quyền VN đã dựng lên Sở Thông Tin và Truyền Thông vào năm 2008 nhằm kiểm soát mọi hoạt động trên mạng.
Vào tháng 9 năm 2009, có 8 blogger đã bị bắt và kết tội “tuyên truyền chống nhà nước”. Họ bị kết án tù từ 2 đến 6 năm, phỏng theo báo cáo của Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới. Cộng đồng blogger cho rằng họ bị chú ý vì đã bắt đầu tổ chức bên ngoài lĩnh vực mạng.
Facebook phức tạp hơn blog vì nó tạo điều kiện để thiết lập tổ chức, từ các nhóm nhỏ đến các trang mạng và nhu liệu ứng dụng với nhiều người tham gia ủng hộ.
“Dù nó không phải là một trang chính trị, Facebook là một công cụ thông dụng để mọi người sử dụng để giao lưu và tổ chức.” phỏng theo lời ông Vũ, tổng biên tập của tờ Người Việt, tờ báo lớn nhất trong cộng đồng NVHN.
Ông Vũ, cũng là chủ nhân của trang blog bolsavik.com, đã dựng lên trang Facebook “Trả tự do cho Nguyễn Tiến Trung” nhằm kêu gọi việc trả tự do cho nhà đấu tranh dân chủ này.
Nhưng các trang mạng với tôn chỉ chống đối chính sách của chính quyền là những ngoại lệ trên Facebook.
Ông Vũ nói rằng động lực của Hà Nội đơn giản hơn nhiều. “Họ e ngại đối thoại và Facebook toàn là đối thoại. Họ đang lo sợ, tôi chỉ có thể nói bấy nhiêu thôi.”
Blogger Diesebemol đã rất quen thuộc với thực trạng đó. Ông ta cho biết, “Đó là đời sống của những người Việt như tôi. Chúng tôi chỉ có thể nói khi họ cho chúng tôi nói. Tôi không có quyền gì để bày tỏ chính kiến của mình cả.”
Không thoái chí, ông ta cũng cho biết thêm, “Cũng có lúc, tôi tìm cách lên mạng và nói sau lưng họ.”
Giang Nguyen, CNN (12.31.09)
KD chuyển ngữ
Nguồn: http://edition.cnn.com/2009/WORLD/asiapcf/12/25/vietnam.facebook/index.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét