Phạm Hồng Sơn
(Mến tặng: Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, Nguyễn Tiến Trung và những người Việt nam cùng chí hướng)Những lãnh đạo của chính quyền Việt nam luôn khẳng định chính quyền (hay nhà nước) Việt nam hiện nay là “chính quyền của dân, do dân và vì dân” và còn đưa ra những khẩu hiệu rất tốt đẹp như “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Những lời nói và khẩu hiệu đó đều giống với sự khẳng định của Hiến pháp Việt nam năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), trong đó Điều 2 ghi rõ: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.” Tuy nhiên, tính chất “của dân, do dân và vì dân” của một chính quyền không thể được xác định bằng tuyên bố của người cầm quyền hay chỉ dựa vào sự khẳng định của một văn bản có tên là Hiến pháp.
- Một chính quyền muốn là “của dân, do dân” thì chính quyền đó ít nhất phải có những người đứng đầu do chính người dân đề cử và chọn ra bằng các cuộc bầu cử tự do.
- Một chính quyền có tính chất “vì dân” tối thiểu phải là một chính quyền đã được Hiến định (constitutionalized), nghĩa là chính quyền đó ít nhất phải là một chính quyền được hình thành và hoạt động tuân theo các qui định của một bản Hiến pháp đã được đưa cho toàn dân phúc quyết. Hiến pháp chính là văn bản có các qui định nhằm minh định các trách nhiệm phải thực hiện và giới hạn rõ các quyền lực cho chính quyền trong chức năng phục vụ toàn dân và đất nước. Hiến pháp sinh ra là để ấn định cấu trúc, chức năng, cách thức vận hành cho chính quyền chứ không phải điều ngược lại. Hiến pháp là công cụ đóng ách thuần hóa vào “con thú” quyền lực, giữ cho “con thú” không thể phản lại người đã tạo ra và nuôi dưỡng nó. Do đó nếu người phê duyệt cuối cùng của bản Hiến pháp không phải là toàn dân hoặc chính quyền không còn tuân thủ Hiến pháp thì cái được gọi là chính quyền, tất yếu, sẽ đi đến sự tha hóa cùng cực - dối trá, xấc xược và hung tợn với chính nhân dân của nó.
Nhìn lại sự hình thành 04 bản Hiến pháp của Việt nam từ năm 1946 đến nay (không kể các Hiến pháp qui định các chính quyền Sài gòn) đều thấy chưa có bản nào được toàn dân phúc quyết. Nếu lấy lý do bất khả kháng (do tình trạng nổ ra chiến tranh trực tiếp) để giải thích cho việc Hiến pháp năm 1946 (được coi là tiến bộ nhất) không thể công bố và xin sự phúc quyết của toàn dân ngay sau khi được Quốc hội lập hiến phê chuẩn thì không có lý do thỏa đáng nào có thể giải thích cho việc quên lãng bản Hiến pháp năm 1946 sau khi hòa bình đã trở lại và 03 bản Hiến pháp tiếp theo (năm 1959, 1980 và 1992) đã không được đưa ra toàn dân phúc quyết, ngoại trừ lý do Đảng Cộng sản Việt nam không muốn để toàn dân phê duyệt Hiến pháp và không muốn những nội dung tiến bộ của bản Hiến pháp 1946 được thực thi (03 bản Hiến pháp cuối cùng đã tự ý xóa hẳn tinh thần dân chủ của bản Hiến pháp 1946).
Như thế, về lý thuyết, cần phải kết luận rõ rằng chính quyền Việt nam hiện nay không có bất cứ nền tảng cơ bản nào của một chính quyền “của dân, do dân và vì dân”. Và thực tế, chỉ căn cứ vào những hành xử ngang ngược gần đây của chính quyền Việt nam đối với dân chúng và đất nước, cũng hoàn toàn đồng nhất với kết luận lý thuyết vừa nêu. Nhưng, ngay cả khi có một phép màu nào đó làm cho những người cầm quyền tại Việt nam hiện nay thay lại hẳn thái độ, biết đưa lợi ích của đảng xuống dưới lợi ích dân tộc, biết lắng nghe và trân trọng mọi ý kiến của dân chúng (đặc biệt là giới trí thức), biết dựa vào lòng dân để thoát khỏi nanh vuốt đang siết chặt của những kẻ xâm lăng phương Bắc thì chính quyền Việt nam cũng chưa thể đạt được bản chất “của dân, do dân và vì dân” chừng nào tính Hiến định của chính quyền chưa được xác lập. Nếu không tuân thủ nguyên tắc Hiến định thì mọi sự thay đổi tốt đẹp từ người cầm quyền cũng chỉ là hành động có tính hứng khởi của kẻ chuyên quyền hoặc chỉ là lối vỗ về dân chúng của những kẻ muốn kéo dài quyền lực độc đoán.
Tuy nhiên, sẽ là sai sót nếu chỉ thấy những lợi ích của nguyên tắc Hiến định đối với những người bị trị (nhân dân). Nếu nhìn kỹ, nguyên tắc Hiến định cũng mang lại ích lợi to lớn cho người cầm quyền. Hiến định chính là hàng rào giữ cho người cầm quyền khỏi sa vào những cám dỗ tội lỗi, thường khó cưỡng lại, của quyền lực. Nguyên tắc Hiến định giúp người cầm quyền có thể an tâm sử dụng quyền lực một cách quyết đoán, ngay cả trong những tình huống gay cấn nhất và giúp những người đương quyền khỏi phải băn khoăn về chuyện “an toàn” khi “hạ cánh”.
Chính quyền hiến định không phải là mô hình đặc thù và là đặc quyền cho bất cứ quốc gia nào. Chính quyền hiến định là một thành quả chung của Nhân loại sau hàng ngàn năm lần mò kiếm tìm và trả giá cho các mô thức quản lý khác. Chính quyền hiến định đã trở thành cách thức quản lý chung và duy nhất cho mọi quốc gia muốn tiến tới sự cường thịnh, nhân bản và vững bền. Việt nam không thể là ngoại lệ nếu nhân dân Việt nam cũng muốn đất nước mình trở nên cường thịnh, nhân bản và vững bền. Một chính quyền hiến định có thể vẫn chưa hoàn hảo, nhưng nó luôn để ngỏ mọi khả năng thay đổi bất cứ lúc nào, và quan trọng hơn, bằng những cách hòa bình. Song, đường đi tới một chính quyền hiến định thường không dễ dàng. Mặc dù nhiều quốc gia thời nay đã chuyển đổi thành công sang các chính quyền hiến định trong tình nhân ái. Song, đâu đó vẫn còn ló ra song sắt nhà tù và cả trường bắn như thời trung cổ trên con đường dẫn tới một chính quyền hiến định. Để có một chính quyền hiến định cho chính mình, dân tộc Việt nam không thể không phải quyết tâm tự vượt qua những trở ngại như rất nhiều những dân tộc khác đã từng phải vượt qua.
Phạm Hồng Sơn
12/01/2010
12/01/2010
Nguồn: http://www.doithoaionline.org/0110/baimoi0110_138.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét