2009/12/17

Việt Nam – Sau những nỗ lực phản đối một cách ôn hoà, nhà hoạt động nhân quyền Phạm Thanh Nghiên đã bị cầm tù hơn 1 năm nay


Ngày 11 Tháng 12, 2009

Việt Nam – Sau những nỗ lực phản đối một cách ôn hoà, nhà hoạt động nhân quyền Phạm Thanh Nghiên đã bị cầm tù hơn 1 năm nay

Nhà hoạt động nhân quyền, cô Phạm Thanh Nghiên, vẫn ngồi tù từ khi bị bắt vào ngày 18 Tháng 9, 2008, vì đã nỗ lực tổ chức biểu tình một cách ôn hòa. Gia đình cô mới đây được biết phiên tòa sẽ diễn ra vào ngày 17 Tháng 12, 2009 tại Hải Phòng. Phạm Thanh Nghiên là thành viên của Khối 8406, một mạng lưới của các tổ chức và những người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền, được phát động vào năm 2006 qua việc công bố bản ‘Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ Cho Việt Nam’. Tổ chức Quan Sát Nhân Quyền (Human Rights Watch) đã trao tặng Giải Thưởng Hellman/Hammett năm 2009 cho Phạm Thanh Nghiên.

Vào ngày 17 Tháng 6, 2008, Phạm Thanh Nghiên nộp đơn xin phép tổ chức biểu tình nhưng đã bị nhà cầm quyền Việt Nam bác bỏ. Hậu quả của lời thỉnh cầu nầy là Phạm Thanh Nghiên và gia đình cô bị công an quấy nhiễu và theo dõi. Vào ngày 4 Tháng 7, Phạm Thanh Nghiên bị hành hung sau khi đến thăm người bạn cùng tranh đấu và cũng là nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa. Cô đã bị bốn công an thường phục đánh đập một cách tàn nhẫn. Họ còn đe doạ rằng nếu cô không ngưng các hoạt động nhân quyền, những chuyện rất xấu xa sẽ xảy đến cho bản thân cô và gia đình. Phạm Thanh Nghiên đã toạ kháng ngay tại tư gia; hành động nầy đã dẫn đến việc cô bị bắt giữ vào ngày 18 Tháng 9, 2008. Khoảng 20 công an đã bố ráp tư gia và bắt giam Phạm Thanh Nghiên. Từ đó, cô phải cam chịu số phận tù đày với tất cả quyền thăm viếng bị chối bỏ. Gia đình không hề được thông báo về tình trạng của cô trong tù.

Phạm Thanh Nghiên là mục tiêu bị nhà cầm quyền Việt Nam nhắm đến từ trước tháng 6, 2008. Khoảng tháng 4, 2008, Phạm Thanh Nghiên đã tham gia vào cuộc biểu tình cổ võ cho sự tranh đấu dân sự nhân dịp đuốc Thế Vận Hội Bắc Kinh đi qua Hà Nội. Cùng với một vài nhà hoạt động khác, cô đã bị bắt giữ và giam cầm nhiều ngày mà không có sự buộc tội nào cả. Vào Tháng 3, 2008, Phạm Thanh Nghiên đã đi với người bạn cùng tranh đấu Trần Đức Thạch đến Tỉnh Thanh Hoá để an ủi các gia đình của tám ngư dân bị tàu hải quân Trung Quốc độc đoán bắn chết vào năm 2005. Phạm Thanh Nghiên đã giúp đỡ những gia đình này bằng cách nâng cao nhận thức của sự việc và kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam hãy đưa các thủ phạm ra trước công lý.

Phạm Thanh Nghiên đã mạnh mẽ chỉ trích nhà cầm quyền Việt Nam, xuất bản nhiều bài tiểu luận trên mạng Internet và thường xuyên xuất hiện trên đài phát thanh ‘Á Châu Tự Do’ phê bình những vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền Việt Nam. Cô cũng cổ võ cho việc tham gia tranh đấu dân sự trong các vấn đề nhân quyền, chủ quyền lãnh thổ, và tham nhũng. Vào đầu Tháng 10, 2009, một số các nhà hoạt động nhân quyền khác đã bị đưa ra xét xử với những tội trạng tương tự như Phạm Thanh Nghiên và lãnh bản án từ hai đến sáu năm tù giam. Rồi đây, Phạm Thanh Nghiên sẽ phải đối đầu với một bản án giống như thế nếu bị kết tội trong phiên toà xét xử.

Front Line tin rằng các tội trạng đang chờ để cáo buộc cho Phạm Thanh Nghiên là hậu quả trực tiếp của việc bảo vệ nhân quyền mà cô đã thi hành một cách rất hợp pháp và ôn hòa. Ngoài ra đây cũng cho thấy tình trạng xảy ra thường xuyên về việc quấy nhiễu đối với các nhà hoạt động nhân quyền tại Việt Nam. Front Line rất lo ngại về tình trạng thể chất và tinh thần của Phạm Thanh Nghiên cũng như của tất cả các nhà hoạt động dân chủ tại Việt Nam.

Front Line kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam:

1. Lập tức hủy bỏ các cáo buộc đối với Phạm Thanh Nghiên, bởi vì đây là những cáo buộc bị áp đặt lên cô chỉ vì những hoạt động ôn hòa và chính đáng để bảo vệ nhân quyền.

2. Dùng tất cả các biện pháp cần thiết để bảo đảm sức khỏe và tinh thần của Phạm Thanh Nghiên được an ổn, đồng thời bảo đảm cách đối xử với cô trong khi bị giam cầm hoàn toàn tuân thủ theo những điều kiện được đặt ra trong ‘Nguyên Tắc Cơ Bản Về Việc Đối Xử Các Tù Nhân’, đã thông qua Nghị quyết của Đại hội đồng 45/111 ngày 14 Tháng 12 năm 1990;

3. Lập tức dùng các biện pháp để bảo đảm Phạm Thanh Nghiên được tiếp xúc tự do với gia đình và luật sư;

4. Phải bảo đảm rằng, trong mọi trường hợp, những người đấu tranh bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam phải thực hiện được những hoạt động nhân quyền một cách hợp pháp mà không bị trả thù, hoặc bị giới hạn vì bất cứ một lý do nào, kể cả những sách nhiễu trên mặt luật pháp

Nay thư,
Mary Lawlor
Giám Đốc

Front Line

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét