2009/12/29

Từ 88 Sang 79 - Khôn Hay Gian?


Theo một bản tin trong mục Pháp Luật của báo điện tử VNExpress thì Luật Sư nhân quyền Lê Công Ðịnh, Thạc Sĩ tin học Nguyễn Tiến Trung và hai ông Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long sẽ bị đưa ra tòa ở Sài Gòn các ngày 20 và 21 Tháng Giêng sắp tới. Báo Thanh Niên sáng ngày 23 tháng 12 cũng đăng tải tin này. Tuy nhiên, trên các trang điện tử thì không hiểu vì lý do gì mà cả hai bản tin vừa kể đều chỉ xuất hiện một thời gian ngắn, rồi bị lấy xuống (1). Điểm quan trọng nhất của bản tin là việc thay đổi tội danh của các bị cáo. Khởi đầu những người này bị cáo bị vu cho tội “Tuyên truyền chống nhà nước”. Theo điều 88 bộ luật hình sự thì bản án cao nhất cho tội danh này là 20 năm tù. Nhưng nay họ sẽ bị khép vào điều 79 của Luật Hình Sự, và có thể đối diện với án tử hình. Tại Việt Nam, nhiều blogger đã bình luận trên blog riêng của mình rằng "người ta đã và đang nhạo báng công lý"; đồng thời nhận định là với những cáo buộc vừa kể, nhà nước Việt Nam chứng minh những người lãnh đạo đất nước đang đi theo con đường hành xử cứng rắn của Trung Quốc. Nghĩa là thẳng tay đàn áp và trừng trị những ai dám đứng lên đòi thay đổi đất nước, thay đổi đường lối điều hành. Việc thay đổi tội danh của những người này cho thấy là nhà nước Việt Nam đã trở nên gian manh hơn trong cách hành xử với quốc tế, sau khi nhà nước CSVN biến việc đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền một cách ôn hoà thành tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”, tức là mang tính cách bạo loạn; và như vậy quốc tế sẽ khó can thiệp vào cái gọi là "công việc nội bộ" của Việt Nam. Đồng thời, những toan tính sẽ kết án các bị can với tội danh này cũng cho thấy Hà Nội khôn ngoan hơn trong cách tìm lối thoát cho vụ án mà cả dư luận Việt Nam lẫn thế giới đang chú mục vào.

Điều 88 và điều 79 tuy có những quy định và khung hình phạt khác nhau, nhưng trên thực tế thì cả hai đều có những khái niệm rất mơ hồ và bao quát, mang tính chung chung, nhằm cho các cơ quan thi hành pháp luật diễn giải một cách tuỳ tiện, độc đoán. Điều này đã bị cả thế giới lên án. Do đó, hai điều luật trên đều là những cái gai cản trở quá trình hội nhập với thế giới văn minh mà nhà nước Việt Nam đang muốn thực hiện. Bên cạnh áp lực vừa kể, ý muốn độc đoán của nhà cầm quyền thường là yếu tố quyết định của phiên xử án. Vai trò của luật sư và sự tranh tụng trong toà án, lẽ ra phải là điều quan trọng nhất để xét xử, thì thực chất lại rất mờ nhạt và chiếu lệ, để cuối cùng thì vẫn được phán quyết bằng bản án đã được viết sẵn. Tuy nhiên, trong khung cảnh của thế giới liên lập ngày nay, cùng với nhận thức đã tăng tiến phần nào của người dân qua quá trình hội nhập, nhà cầm quyền không thể tự tung tự tác như trước đây được nữa. Do đó, đây lại là vụ án mà nhà cầm quyền Việt Nam lâm vào thế rất khó xử. Việc xử tử hình một vài người, nếu trước đây là điều dễ dàng của nhà cầm quyền cộng sản, thậm chí chẳng cần phải xét xử, thì nay không phải là điều đơn giản; đặc biệt là khi xét đến hậu quả của nó, để làm sao có thể thu phục được lòng dân, nhất là giới trí thức tiến bộ, lại tránh được những phản ứng bất lợi của dư luận thế giới.

Thay thế điều 88 bằng điều 79, trước mắt là để biến từ tội “tuyên truyền” thành tội “họat động”, tức là từ lời nói, chữ viết của hành vi “tuyên truyền”, trở thành hành vi “lật đổ” cụ thể, hầu có thể nâng cao hình phạt lên mức tối đa. Điều này hẳn nhiên là một sự răn đe mạnh mẽ, không chỉ dành cho thành phần phản kháng, mà còn cho chính nội bộ của đảng Cộng Sản Việt Nam nữa. Carlyle Thayer, một chuyên gia về Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Úc nhận định rằng: "Đòn này nhằm phủ đầu và làm nản lòng những thảo luận về tự do trong khi đại hội đảng đến gần”, và rằng: "Những người bảo thủ đã trấn áp họ bằng cách gọi những tiếng nói đối lập là một vấn đề an ninh quốc gia," ông nói. "Làm sao mọi người có thể thúc đẩy một sự cởi mở trong kỳ đại hội tới khi mà họ có thể bị cáo buộc là đe doạ đến nền an ninh của nhà nước?" (2)

Nếu để ý kỹ, người ta sẽ dễ dàng nhận thấy Nhà nước Việt Nam đã dọn đường dư luận từ những ngày đầu bắt giam Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung và Trần Huỳnh Duy Thức, cũng như đã chuẩn bị khá kỹ càng cho phiên tòa xét xử họ sắp tới. Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ đã nhận định rằng, Cơ quan an ninh Việt Nam đã sử dụng Điều 88 bộ luật hình sự, để làm Lê Công Định yên tâm mà thú nhận những gì cơ quan an ninh cần (3). Đây tuy là một chiêu thức công an vẫn làm, nhưng cũng có thể nằm trong toan tính để chuyển tội danh từ điều 88 sang điều 79, hầu đạt được hiệu năng răn đe. Từ đó cũng đồng thời mở lối thoát cho phiên toà sắp tới. Đó là, vì đã có yếu tố “thú tội” nên phải có “khoan hồng”, và đã “khoan hồng” thì không thể áp dụng hình phạt cao nhất. Đặc biệt là phiên tòa diễn ra trong bối cảnh quốc tế đang chú ý đến vấn đề nhân quyền tại Việt Nam, trong khi Việt Nam cũng cần tìm sự đồng thuận của quốc tế trong nhiều vấn đề quan trọng khác. Do đó, dư luận cho rằng, có nhiều phần vụ án các nhà dân chủ nêu trên đã và đang diễn ra theo chiều hướng này. Vụ xét xử ông Trần Anh Kim cũng như vậy.

Dù gì đi nữa thì việc làm của những nhà đấu tranh sắp bị đưa ra xử đều hoàn toàn nằm trong khuôn khổ điều 69 của hiến pháp Việt Nam, cũng như phù hợp với các quy ước nhân quyền quốc tế mà Hà Nội đã ký kết. Bên cạnh đó, dù kết quả xử án có thế nào đi nữa, thì lời của luật sư Lê Công Định trong phiên tòa xử Luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân năm 2007, lúc nào cũng vẫn đúng. Trong phiên toà đó, luật sư Lê Công Định đã nói rằng: “Nói về dân chủ và nhân quyền, cả hai điều này không thể bị xem như là chống chính quyền ngoại trừ chính quyền này tự nó chống dân chủ.”

Kim Châm

(1) Báo Người Việt ngày 23/12/2009, http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=105934&z=2

(2) “Việt Nam truy tố một luật sư với tội trạng ở mức tử hình”, Seth Mydans, The New York Times - Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ, http://www.x-cafevn.org/node/2503
23.12.2009

(3) Diễn dàn BBC: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2009/12/091217_cuhuyhavu_dieu79.shtml

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét