2009/12/13

Thay đổi, chúng ta có thể!


Ý Dân là Ý Trời: Hãy Thay Đổi từ Tư Duy đến Hành Động

Chắc ai trong chúng ta cũng đôi lần tự hỏi: Một mình tôi chấp hành luật giao thông thì có ích gì khi chung quanh, người người vượt đèn đỏ? Một mình ta cố giữ sạch khu phố thì ích gì khi mà hàng xóm cứ ngang nhiên xả rác? Xã hội đầy dẫy bất công đấy nhưng chỉ vài người lẻ tẻ hô hoán như thế thì làm nên được trò trống gì? Lại là châu chấu đá voi, con kiến mà đòi kiện củ khoai sao?

Có lẽ ai cũng biết ý nghĩa câu truyện ngụ ngôn một đàn kiến có thể hạ được một con voi. Trong khi đó, vài con trâu rừng to khỏe lại không làm được điều ấy.

Trong xã hội hiện nay, với chính sách đi theo "lề bên phải", mọi hình thức thông tin đa chiều, đều bị coi là vi phạm an ninh, "tuyên truyền chống phá nhà nước". Phương tiện truyền thông với sức mạnh và mục đích cao quý của nó bị kìm hãm, bóp méo; các trang web bị chặn, báo đài bị kiểm duyệt, kiểm soát một cách thô bạo. Quyền tự do ngôn luận, hội họp bị tước đoạt, những hình thức như tập hợp biểu tình phản đối điều gì đó thì đều bị coi như là những tội đồ đi gây chiến tranh vậy. Một điều rất đổi bình thường ở các nước tự do, dân chủ, không bằng lòng, người dân biểu tình phản đối và chính phủ phải lắng nghe yêu cầu của họ để có những chính sách phát triển đúng đắn, hợp với lòng dân hơn.

Còn trên các phương tiện truyền thông, thông tin hầu như theo kiểu một chiều, người ta cứ được nghe những bài hát ru ngủ, tự sướng với những thành quả, chiến thắng vẻ vang mà quên đi những mặt trái ngổn ngang, trì trệ. Với những chính sách bưng bít thông tin, không tự do ngôn luận, cấm phản biện, làm cho đất nước chậm phát triển, sai trái không bị vạch trần, yếu kém không bị thay thế. Người ta quen với lối sống bằng mặt mà không bằng lòng, và nguy hiểm hơn, có cả những tâm lý: vậy là tốt rồi. Trong cuộc sống, người ta dễ trở nên ích kỷ, vụ lợi cá nhân, bất chấp mọi thủ đoạn để mưu lợi, chẳng cần biết đồng loại mình sống chết ra sao, những vụ thực phẩm có chất độc hại, thịt ôi, mỡ thối, sức khỏe con người coi không bằng cắc bạc... Thôi thì kệ, biết đâu mà lần, trời kêu ai nấy dạ. Đạo đức xã hội có còn quan trọng lắm không?

Một sự hờ hững, vô tình với xã hội, với vận mệnh đất nước được (bị) hình thành. Vậy thì hỏi: kiếm đâu ra đàn kiến ấy để mà hạ voi?

Thiết nghĩ, chỉ cần mỗi người hãy biết quan tâm đến những gì đang xảy ra trên đất nước mình, đón nhận thông tin đa chiều, mỗi người hãy là “một điểm trung chuyển thông tin”, có thu và có phát, đừng chạy trốn sự thật và ru ngủ mình bằng sự dối trá. Hãy chấp nhận rắng, đất nước còn nghèo nàn, lạc hậu, tham nhũng tràn lan, bất công còn đầy dẫy, quyền con người còn chưa được tôn trọng, tiếng kêu của nhân dân còn chưa được lắng nghe...và hãy làm cho những người chung quanh cũng ý thức được điều đó.

Đàn kiến sẽ được hình thành từ sự đồng tâm ấy.

Như ai đó đã nói, Không thể trông đợi gì từ một sức mạnh nào đó khi mà chính người dân lại hờ hững với vận mệnh của đất nước họ. Đất nước tốt hơn, xã hội tốt hơn bắt đầu từ nhận thức, nỗ lực của mỗi người dân Việt Nam, không do Mỹ, Nga hay một thế lực nào có thể áp đặt.

Rằng đó là điều kiện cần, chưa phải là điều kiện đủ. Nhưng đó là yếu tố căn bản để tạo nên động lực thay đổi. Là nguồn gốc của dư luận xã hội, mà vai trò của dư luận xã hội thì đến Ph.Ăngghen cũng cho rằng, "để có thể chí ít nghĩ đến việc hoàn thành được cuộc cải tạo đó, thì trước hết phải diễn ra sự tiến bộ lớn lao trong dư luận xã hội". Lênin thì khẳng định, để chiến thắng, cách mạng cần phải đưa vào sức mạnh vật chất và tinh thần của dư luận xã hội.. Điều đó cho thấy, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin luôn ghi nhận vai trò to lớn của dư luận xã hội đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong xã hội hiện đại, các chính trị gia, như Obama chẳng hạn, khi vận động tranh cử cũng không thể bỏ qua sức mạnh của truyền thông, phương tiện tối ưu nhất để gửi thông điệp, để giao tiếp với dân, và mục đích cuối cùng là để tạo nên dư luận ủng hộ mình.

Gần đây, những cuộc biểu tình của sinh viên học sinh phản đối Trung Quốc, những hành động giăng biểu ngữ, những tiếng nói, những bài báo của những bậc trí thức, của các nhà văn, nhà báo, blogger yêu nước là những tấm gương, những hành động cần thiết với nhiều hy sinh và quả cảm; những sự việc như viện IDS tuyên bố giải thể để phản đối quyết định chống phản biện, trong kỳ họp quốc hội đã có thêm nhiều những “lời nói thẳng” của các đại biểu như Dương Trung Quốc, Nguyễn Minh Thuyết...

Vậy là đã có nhiều người hành động theo lương tâm và công lý.

Những sự việc đó là kết quả của dư luận xã hội và đó cũng chính là yếu tố tạo ra dư luận xã hội. Mặc dù người dân không có điều kiện để bày tỏ, nhưng chắc rằng, họ đã tìm thấy được tiếng nói, tâm tư nguyện vọng của chính mình trong đó. Vô hình chung đã tạo nên một sự đồng thuận, sự đoàn kết tư tưởng, tập hợp được sức mạnh tiềm ẩn trong nhân dân. Và sức mạnh đó đang ngày một lớn dần, khi đã biến thành động lực để thay đổi thì không gì có thể ngăn được.

Chúng ta hãy cùng nhau xây dựng, điều gì cần thay đổi thì hãy cùng nhau thay đổi, để cuộc sống tốt hơn, xã hội công bằng dân chủ hơn, đất nước phồn vinh hơn! Chưa cần bạn phải mạnh chân mạnh tay, nhưng chỉ cần bạn ý thức được rằng: Đất nước đang cần bạn; những bất công, sai trái trong xã hội đang cần có sự đồng thuận của bạn để dẹp bỏ; những bức màn che đậy sự dối trá đang cần bạn góp một tay để vén lên, đưa ra ngoài ánh sáng; những ý kiến đóng góp của bạn, nếu đúng và mang tính xây dựng phải được lắng nghe; công lý, luật pháp phải được thực thi bình đẳng chứ không thể nghiêng theo kẻ có tiền, có quyền, có chức; bạn phải được hưởng một nền giáo dục thực sự chứ không phải đối phó, lạc hậu, chạy theo thành tích, để rồi đào tạo bạn trở thành một người thầy không ra thầy, thợ không ra thợ. Khi đối diện với bộ máy công quyền, hành chính bạn sẽ không phải chấp nhận luồn cúi, xin xỏ, chạy chọt và phải xem “hủ tục phong bì” như là một “nét văn hóa”!? khi giặc chiếm đất chiếm biển, là người dân Việt Nam yêu tổ quốc, bạn lên tiếng mà không ai có quyền ngăn cản, trấn áp, bắt bớ bạn.

Ý dân là ý trời; hãy góp gió để thành bão. Vận mệnh đất nước không của riêng ai; quyền lợi dân tộc không thể do ai đơn phương quyết định. Đừng im lặng nữa! Mỗi người hãy bắt đầu suy nghĩ và hành động theo phương châm:

Phải thay đổi, chúng ta làm được!

Trịnh Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét