Lời mở đầu cho loạt bài tuyển dịch “Kinh nghiệm toàn trị tại Trung Quốc”
Bước sang năm 2006, trên hầu hết các tạp chí có liên quan tới thời cuộc, chủ đề Trung Quốc là một trọng tâm trong những bài tổng kết sinh hoạt chính trị và kinh tế thế giới năm qua. Sự nổi bật của Trung Quốc hiện nay đã gây kinh ngạc và làm rúng động toàn cầu, đồng thời kích thích các học giả tiến hành những công trình nghiên cứu sâu rộng hơn. Ðiều hầu như rất nhiều người muốn tìm biết là trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế lạ thường và liên tục của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cùng vẻ ổn định dưới chế độ toàn trị của Ðảng Cộng sản Trung Quốc, tiềm ẩn những vấn đề nan giải nào, và có gây nản lòng hoặc nuôi lớn những hy vọng nào.
Liệu những thay đổi sâu xa về chính trị và kinh tế, xã hội tại Trung Quốc có thúc đẩy cuộc chuyển thể tiến tới dân chủ hóa? Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố vẫn giữ địa vị người tiền phong của giai cấp vô sản, trong khi liên kết với giới tinh hoa doanh nghiệp và kỹ thuật và tìm sự tương hợp với phát triển kinh tế thị trường, làm thế nào hóa giải các mâu thuẫn, phục hồi tính chính thống và ứng phó với các phong trào quần chúng trong cuộc đối đầu giữa các giai cấp, vốn không thể tránh khỏi và đúng theo kinh điển của Ðảng?
Trong khi đó, thực tế, người dân Trung Quốc có thật sự được được hưởng, trên một qui mô lớn, các thành quả của cuộc cải cách kinh tế? Hiện nay, phải chăng cái nhà nước của Đảng Cộng sản Trung Quốc và người dân quả thật đang lâm vào tình trạng bế tắc tới độ có nguy cơ làm sụp đổ mọi thành quả kinh tế đang có được, kéo theo sự suy sụp của chế độ, hay đó chỉ là tuyên truyền của những kẻ chính thống Lêninnít trong Ðảng hay những kẻ có quan điểm chống cộng cổ điển hoặc phân biệt chủng tộc, đố kỵ, nhiều ác cảm với một nước đang trỗi lên và có khả năng trở thành siêu cường?
Bên cạnh đó, sách lược chính trị và kinh tế của Trung Quốc đối với các nước trên thế giới như thế nào, và ngược lại, các siêu cường, và đặc biệt là các nước đang phát triển phản ứng ra sao? Phải chăng, với các nước thứ hai này, Trung Quốc là một bạn hàng cần kíp, một kiểu mẫu chính trị ổn định hay một đối tác vừa được miễn cưỡng ngưỡng mộ vừa phải cực kỳ cảnh giác? Liệu “quả bong bóng kinh tế” của Trung Quốc có sắp nổ vì các vấn đề chính trị nội bộ và tham vọng bành trướng của Trung Quốc?
Qua kinh nghiệm Trung Quốc, có vấn nạn lớn và cấp bách nào đặt ra cho Việt Nam, nơi cũng có một chế độ toàn trị mà có người xem chỉ là sao chép vụng về các chính sách và tổ chức của Trung Quốc hơn một thập niên trước? Có phải Đảng Cộng sản Việt Nam, vốn tự xưng tiền phong đấu tranh cho công bằng xã hội và tự hào xung kích bảo vệ độc lập dân tộc cũng đang đánh mất chính nghĩa, do đó, góp phần chủ yếu làm mất tính chính thống của chế độ đương nhiệm? Trong tình huống ấy, liệu Việt Nam có triển vọng cũng sẽ tăng trưởng kinh tế, bình định chính trị như Trung Quốc, hay trở thành vùng ngoại biên đáp ứng đủ các yêu cầu đa dạng của Trung Quốc? Và có phải lịch sử tái diễn tấn bi kịch tự trói tay mình vì tâm thức phiên thuộc từng ám ảnh vua Tự Ðức và hầu hết triều thần?
Như thế, từ sinh hoạt chính trị muôn hình muôn vẻ của Trung Quốc, có thể rút tỉa những bài học nào cho các thành phần trong nhà nước và Đảng Cộng sản Việt Nam còn ôm ấp ngọn lửa lý tưởng, cũng như cho người dân trong nước và hải ngoại đang thao thức về các vấn đề độc lập, tự do và phát triển đồng bộ của dân tộc Việt? Và đặc biệt, những bài học nào cho giới ưu tú trong lãnh vực văn hóa và xã hội, gồm các học giả, các nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ và những người hoạt động cho một xã hội dân sự đang chật vật hình thành...?
Ðể góp chút ánh sáng nhỏ nhoi và tạo thêm dịp suy nghĩ về các vấn nạn trên, hầu tự mỗi người có thể rút ra câu trả lời cho riêng mình, xin mời người đọc đi vào sáu bài viết, được nhìn từ các góc độ khác nhau và có tính hàn lâm, của sáu nhà nghiên cứu sinh hoạt chính trị và xã hội Trung Quốc đương đại.
Năm bài đầu, trích từ Tạp chí Dân Chủ (Journal of Democracy), Tập 14, số 1, tháng Giêng năm 2003. Ðây là một tạp chí của National Endowment for Democracy, Baltimore, MD, và Johns Hopkins University Press, Washington D.C., Hoa Kỳ. Từ khi ra mắt năm 1990 tới nay, Tạp chí Dân Chủ trở thành diễn đàn cho những phân tích có tính nghiên cứu và những quan điểm học thuật đối chọi nhau về dân chủ. Các bài viết của nó thường được đăng lại trên các báo The New York Times và The Wall Street Journal, được dịch ra nhiều ngôn ngữ và phổ biến rộng rãi trên nhiều tạp chí khắp thế giới.
Sở dĩ năm bài viết đầu về Trung Quốc của các tác giả Mỹ, Trung - mà phần tiểu sử sơ lược có ở cuối mỗi bài - được tuyển chọn làm thành đề tài “Kinh nghiệm toàn trị tại Trung Quốc”, vì theo ý tôi, đó là những bài viết chỉ hai tháng sau ngày Ðại hội lần thứ 16 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tháng 11.2002, trong không khí sốt dẻo hậu đại hội với sự kế thừa êm thắm của Chủ tịch Hồ Cẩm Ðào và một nghị trình cập nhật hóa của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Sau năm bài ấy, mời người đọc sang bài thứ sáu, được viết đúng ba năm sau, là bài tổng kết về kinh tế, chính trị và ngoại giao của Trung Quốc đăng ở những trang đầu (10-11) của cuốn The World Almanac 2006 and Book of Facts, một loại niên giám được báo The New York Times thẩm định là sách bán chạy số một, với 80 triệu ấn bản từ trước tới nay. Bài viết này được tôi sử dụng, không khỏi có phần chủ quan, như một tổng kết và đối chiếu với luận điểm của các tác giả năm bài trước, đồng thời để lại những vấn đề tồn đọng.
Trước khi đi sâu vào từng bài, xin được giới thiệu nhan đề và tóm lược chủ đề mỗi bài:
Những giới hạn co giãn của toàn trị (The Limits of Authoritarian Resilience) của Bruce Gilley: chế độ Trung Quốc chỉ định chế hóa nền toàn trị một cách cục bộ và tạm bợ; các tiêu chuẩn có tính định chế hiện đang bị xói mòn, và tình trạng ấy có thể vẫn tiếp tục.
Ðe dọa quyền tối thượng của Ðảng (Threats to Party Supremacy) của Bruce J. Dickson: sự thích nghi của Ðảng Cộng sản Trung Quốc đối với giới tinh hoa mới của xã hội; nếu có chút nào dẫn tới chuyển thể dân chủ thì phí tổn được chi trả trên tính liên tục của chế độ.
Những vấn đề yếu ớt của nhà nước (The Problems of State Weakness) của Shaoguang Wang: nhà nước Trung Quốc rất yếu ớt so với những gì mà hầu hết người dân nhận biết; tình trạng ấy báo điềm gở cho các viễn ảnh dân chủ hóa xứ sở.
Sự bất bình đẳng mới (The New Inequality) của An Chen: sinh hoạt chính trị giai cấp là một thực tại có tầm quan trọng hơn bao giờ hết, nhưng tăng trưởng của tư bản chủ nghĩa tại Trung Quốc có vẻ không có khả năng tạo ra những sức ép để có dân chủ hóa.
Ổn định như núi lửa đang sôi (A Volcanic Stability) của Qinglian He: vẻ xuất hiện bên ngoài của nhà-nước-đảng cộng sản thì đầy sức mạnh và tự tin, thật ra, đang che đậy một tình trạng khủng hoảng sâu sắc.
Thức giấc cùng Trung Quốc (Waking to China) của Ted C. Fishman: sự thức giấc của Trung Quốc làm thế giới run sợ; thế giới cũng cần tỉnh giấc để nhận ra Trung Quốc với những sức mạnh và bất định của nó; đồng thời mỗi nước phải có phương sách ứng phó thích đáng.
Ghi chú thêm: Ðể có bản tiếng Anh, có thể tiếp cận: http:/muse.jhu.edu/journals/journal_of_democracy/toc/jod14.1.html và http://www.allbookstores.com/book/0886879655
Ðể có sách của sáu tác giả, có thể tiếp cận: www.amazon.com/exec/obidos/subst/home/home.html/ hoặc các địa chỉ bán sách khác trên mạng.
****
Bài 1 :
Những giới hạn co giãn của toàn trị
Bruce Gilley
Nguyễn Ước dịch
- Bruce Gilley
Thành công mới đây của Ðảng Cộng sản Trung Quốc trong việc chuyển giao quyền lãnh đạo có thể được thông giải như một bằng chứng rằng chế độ toàn trị của Trung Quốc là độc đáo về mặt lịch sử. Hơn một thập niên sau ngày Liên bang Sô Viết và các trật tự cộng sản tại Ðông Âu sụp đổ, Đảng Cộng sản Trung Quốc không chỉ vẫn nắm quyền mà còn làm lễ tấn phong cho một tập hợp những người kế thừa trẻ hơn, được học hành tốt hơn và thậm chí tự tin hơn, làm đầu lĩnh của nó. Và Ðại hội thứ 16 của Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng Mười một năm 2002 đánh dấu lần đầu tiên có sự chuyển giao êm thắm quyền lãnh đạo trong chế độ cộng sản mà không chút dính líu tới cái chết hoặc sự thanh trừng vị thủ lãnh sắp thôi việc.
Các nhà lý thuyết chính trị thường hiểu một cách truyền thống rằng các chế độ toàn trị thì yếu ớt, vô phương cứu chữa trong tận cốt lõi của nó, vì nó hoàn toàn thiếu sự kiểm tra về quyền lực như một sự cai trị theo luật pháp, về sự phân chia quyền lực và về khả năng tranh thủ quần chúng. Quan điểm cho rằng tính yếu ớt cố hữu của các chế độ đó sẽ, một cách không thể tránh được, trở thành rõ rệt hơn khi theo thời gian, sự cân bằng tương đối của các tài nguyên được chuyển dịch từ nhà nước tới các lực lượng xã hội tự quản, thông thường như là kết quả của nhiều hình thức phát triển một khi kinh tế tăng trưởng và mở cửa ra quốc tế. Tại những cấp độ phát triển ấy, nói chung người ta tin rằng các chế độ toàn trị thấy mình bị khổ sở vì cái có thể gọi là “lô-gic của quyền lực tập trung” - nghĩa là, cái khuynh hướng ủng hộ việc quyền lực nằm trong tay vài cá nhân hoặc bè cánh có tính cá nhân chủ nghĩa, rồi bị họ lợi dụng chí tử với những kết quả điển hình, trong đó gồm có sự cai trị tồi, suy giảm tính chính thống, tham nhũng và các tiêu chuẩn yếu kém về hạnh kiểm của giới tinh hoa cai trị (élites). [1]
Nhưng Trung Quốc - mà nhân dân của nó tiêu biểu cho khoảng một nửa phần dân số thế giới hiện không được phép chọn các nhà lãnh đạo bằng các cuộc bầu cử dân chủ - cho tới nay đã và đang thách thức kiểu mẫu truyền thống đó. Một số người thử giải thích sự kiện ấy bằng việc Đảng Cộng sản Trung Quốc tái củng cố nền tảng ngôi nhà của nó sau khi tình trạng tính chính thống của Ðảng bị sa sút tột độ sau vụ phản kháng Thiên An Môn năm 1989. Các nhà quan sát thì cãi lại rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc có vẻ đang giải quyết hữu hiệu sự thiếu hụt dân chủ bằng phương cách phi dân chủ, với việc đặt đúng chỗ các cơ chế làm giảm thiểu, hoặc có khả năng trừ khử sự yếu ớt có tính truyền thống của các chế độ toàn trị. Andrew Nathan tóm tắt bằng chứng của các cơ chế đó trong một đề mục “sự định chế hóa chế độ”.
Tôi cho rằng đặc điểm hóa như thế là sai, một vấn đề tôi sẽ tranh luận sau đây, liên quan tới ba điểm đặc trưng của các chế độ toàn trị khiến về mặt lịch sử, chúng ở trong số các chế độ khó định chế hóa nhất:
- quá trình đề bạt giới tinh hoa;
- sự bảo quản trách nhiệm về chức năng hoạt động của giới tinh hoa;
- sự tham sự của nhân dân.
So với tình trạng hỗn độn trong kỷ nguyên Mao Trạch Ðông thì chắc chắn Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hôm nay là một nhà nước tương đối được định chế hóa. Nhưng xét theo quan hệ với các nhu cầu thật sự của xã hội Trung Quốc đương đại, thì Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa rõ ràng là không đạt: bất cứ điểm đặc trưng đã định nào [trong ba điểm nêu trên] của một hệ thống chính trị chỉ có thể cho là “đã được định chế hóa” khi nó phù hợp với các lý tưởng có tính tiêu chuẩn của quốc gia cũng như được thực hiện hữu hiệu. Theo những tiêu chuẩn ấy thì bằng chứng về sự định chế hóa của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa còn yếu. Cũng không có vẻ rằng cuối cùng sự định chế hóa loại đó sẽ mạnh. Quả thật, tính từ năm 1949 tới nay, có thể thấy rõ là tại Trung Quốc có ba chu kỳ củng cố và suy sụp: trước là đạt tới những giới hạn của sự định chế hóa chế độ, rồi tiếp liền đó, cái “lô-gic của quyền lực tập trung” tái khẳng định nó. Ðiều tương tự như thế có thể tái diễn vào một thời điểm thích hợp, và làm suy yếu sự định chế hóa hình thức tại Đại hội thứ 16 vừa qua của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Sự định chế hóa hiện nay
Samuel P. Huntington xác định đặc điểm của sự định chế hóa chính trị như một quá trình mà qua đó điểm đặc trưng đã định của một hệ thống chính trị đạt đủ các nét “khả năng thích ứng, tính phức tạp, tính tự quản, và tính nhất quán.” Nơi mà điểm đặc trưng có vấn đề thì có thể là một quá trình, một định chế, hoặc một lề luật. Huntington nói, khi sự định chế hóa được thành tựu từ trên xuống dưới hệ thống chính trị, thì nó tạo ra một chính quyền có “hiệu năng, thẩm quyền, [và] chính thống.” [2]
Dù định nghĩa ấy đủ để giải thích tính chất hiệu năng và tính chất thẩm quyền của chính quyền, gần như chắc chắn rằng Huntington đã quan niệm sai về bản chất cá biệt của vấn đề tính chính thống trong bối cảnh toàn trị. Ông không nắm bắt được rằng bất cứ điểm đặc trưng đã định nào của một hệ thống chính trị có tính chính thống cũng phải phù hợp với quan điểm có tính tiêu chuẩn và bao trùm của nhà nước. (Cần phải nhấn mạnh rằng, trong một nhà nước đa nguyên, điều kiện này được dễ dàng xem là tất nhiên). Nếu điểm đặc trưng đó thiếu sự chứng minh rộng rãi có tính tiêu chuẩn hóa, thì lúc đó, chính nó sẽ xói mòn tính chính thống của nhà nước. Loại “nhất quán có tính tiêu chuẩn hóa” này khác với loại nhất quán mà Huntington đưa ra làm định đề vốn chỉ cốt ở sự am hiểu chức năng hoạt động giữa những người bên trong nhà nước chứ không phải sự đồng thuận trên qui mô lớn của xã hội bên ngoài.
Như thế, sự định chế hóa chính trị có cả thành tố nâng cao hiệu năng lẫn thành tố nhất quán một cách tiêu chuẩn hóa, và phải đạt được để cho điểm đặc trưng đã định ấy được định chế hóa. Như một thí dụ phủ định, những cuộc hội họp của quần chúng liên quan tới sự trông cậy thường xuyên của chế độ Trung Quốc đối với các chiến dịch chống tội phạm “Ðánh triệt để”, đã có hiệu quả đáng chú ý trong nhân nhượng hơn là kết án, nhưng những vi phạm quá trình thích đáng mà các chiến dịch ấy can dự đã trái ngược hoàn toàn với lời cam kết của chính quyền trong việc triển khai sự cai trị của luật pháp.
Bằng chứng tốt nhất về sự đề bạt giới tinh hoa có từ một cuốn sách đáng chú ý, viết bằng tiếng Hoa, nhan đề là Ðệ tứ đại (Disidai - Thế hệ thứ tư) mà nó tuyên bố một cách đáng tín nhiệm là đã dựa vào hồ sơ nội bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc về việc chuyển giao quyền lãnh đạo năm 2002. [3] Thông tin chứa trong cuốn ấy bác bỏ cái bề ngoài của quá trình đề bạt có vẻ được định chuẩn hóa ấy. Nó trình bày rằng sự dễ dàng trong việc chuyển giao ấy liên quan tới di sản mạnh mẽ của bậc đại trưởng thượng Ðặng Tiểu Bình hơn là tới sự định chế hóa. Chính họ Ðặng là kẻ, ngay từ năm 1992, đã chọn Hồ Cẩm Ðào làm người thừa kế được chỉ định, gỡ khỏi đấu trường chính trị vấn đề duy nhất gây tranh cãi liên quan tới việc thừa kế. Họ Ðặng và Tống Bình, hai người đỡ đầu cho Hồ Cẩm Ðào, còn mạnh khỏe đủ lâu để bảo đảm cho họ Hồ được thừa kế. Vì thế, Ðại hội thứ 16 có vẻ là một phó sản ngẫu nhiên hơn là một kết quả có tính hệ thống.
Ði sâu vào chi tiết, Ðệ tứ đại trình bày rằng:
- Năm 1997, như một chiến thuật nhằm loại trừ đối thủ cấp tiến Kiều Thạch, Giang Trạch Dân đề nghị nguyên tắc không người nào từ 70 tuổi trở lên được chỉ định vào Bộ Chính trị. Họ Giang, lúc đó 71 tuổi, tự miễn cho mình nguyên tắc đó, dù trong Đại hội thứ 15 năm 2002, ông cam kết tuân theo nó. Tuy thế, từ năm 2001 cho tới ngày Ðại hội, họ Giang cho phép một số lãnh tụ quân sự, các nhà nghiên cứu của đảng và các cận thần loan truyền ý tưởng rằng ông sẽ vi phạm nguyên tắc đó thêm lần nữa để tiếp tục nắm quyền. Nỗ lực ấy thất bại, tuy thế ông thành công trong việc thanh trừng Lý Thụy Thanh, một người cấp tiến 68 tuổi, trên cơ sở cá biệt rằng họ Lý đã phục vụ quá lâu trong Ban Thường vụ, từ năm 1989. Những thách thức đối với nguyên tắc tồn tại bất thành văn và mơ hồ ấy, đã nêu lên những thắc mắc được loan truyền rộng rãi về tính lâu bền của nó.
- Chỉ có ba lãnh tụ thượng đỉnh - Giang Trạch Dân, Lý Bằng và Chu Dung Cơ - khống chế cuộc tuyển chọn ban lãnh đạo mới (với các bậc lão thành của Ðảng đã nghỉ hưu là Bạc Nhất Ba và Tống Bình đóng vai trò ảnh hưởng ở hậu trường). Sự tập trung ảnh hưởng đó trái ngược với nguyên tắc chính thức rằng những quyết định như thế phải được lập bởi 21 ủy viên Bộ Chính trị, và như thế nó tiêu biểu cho sự thất bại của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong việc thực hiện một loại “lãnh đạo tập thể” để có thể làm giảm những nguy hiểm của sự quyền lực bị tập trung hóa trong chế độ cộng sản.
- Lòng trung thành cá nhân quan trọng gấp bội công trạng cá nhân. Bảy trong chín ủy viên mới của Ban Thường vụ Bộ Chính trị - Hồ Cẩm Ðào, Tăng Khánh Hồng, La Cán, Ngô Bang Quốc, Giã Thanh Lân, Hoàng Cúc và Lý Trường Xuân - được chọn dựa vào lòng trung thành có tính bè cánh dù họ là quan chức có các khuyết điểm bị nhiều người biết. [4] Chỉ có Ôn Gia Bảo và Ngô Quang Chính là được chọn chủ yếu nhờ công trạng. Trong hệ thống chính trị đa nguyên, việc chỉ định quan chức dựa vào lòng trung thành cá nhân được chấp nhận một cách tiêu chuẩn hóa và được thực hiện dễ dàng vì chính các quan chức phụ trách việc bổ nhiệm cũng sẽ được lựa chọn và bổ nhiệm bởi những kẻ do họ chọn. Nhưng vì tại Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc là kẻ nắm quyền lực không ai tranh giành, nên nó miễn cưỡng tán thành cái lý tưởng có tính tiêu chuẩn hóa là việc bổ nhiệm ở bất cứ cấp nào cũng bị buộc phải dựa vào công trạng. Tuy thế, lý tưởng ấy không được thực thi hữu hiệu, và những cuộc bổ nhiệm đành rằng là xấu thì có khả năng gây bất đồng chính kiến và phản kháng.
- Các nguyên tắc đề bạt thông thường trong hàng phẩm trật của Đảng Cộng sản Trung Quốc bị xem thường khi chúng gây bất tiện cho hàng lãnh đạo cao cấp của Ðảng. Ðó là trường hợp cả ba cán bộ lãnh đạo cao cấp thuộc “thế hệ thứ năm” trong việc đảm trách Ban Thường vụ Bộ Chính trị năm 2012. Lý Khắc Thương đã được xác nhận là tổng bí thư của Trung ương Ðoàn liên hiệp Thanh niên Cộng sản năm 1993 dù đại bại khi tranh cử chiếc ghế ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Ðảng tại Đại hội thứ 14 năm 1992. Bạc Hi Lai được đem vào Đại hội thứ 15 năm 1997 như một “đại biểu được mời đặc biệt” sau khi thất bại trong cuộc bầu cử đại biểu đảng viên địa phương của mình. Và Tây Nhân Bình được chỉ định vào Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội thứ 15 sau khi không được bầu làm đại biểu tại Ðại hội ấy.
- Các vấn đề kinh tế: Sự ủy quyền cho thủ tướng về các vấn đề kinh tế có thể bị thu hồi trong những phạm vi các ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị không tán thành. Thí dụ, năm 1999, Giang Trạch Dân thật sự nắm chức vụ phụ trách các công ty quốc doanh, vốn là chức vụ của Chu Dung Cơ, bằng việc triệu tập hội nghị các quan chức công ty quốc doanh từ bốn miền chính của Trung Quốc.
- Nhân sự và tổ chức: Tầm quan trọng của chức vụ này đối với việc xếp đặt bè cánh khiến nó trở thành nguyên nhân bất đồng thường xuyên. Từ năm 1993 tới 1997, khuôn mặt khống chế vấn đề nhân sự và tổ chức là Tăng Khánh Hồng, phụ tá của họ Giang, người lúc đó thậm chí không là ủy viên Bộ Chính trị. Suốt thời kỳ ấy, Hồ Cẩm Ðào, ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị chính thức phụ trách vấn đề này, phải chấp nhận bị giẫm chân, để duy trì tính cách thừa kế của mình trong tương lai.
- Chống tham nhũng: Việc xử lý các trường hợp tham nhũng ở cấp cao trong Ðảng vẫn là vấn đề thủ đoạn chính trị, một màn hỏa mù nhằm che đậy các cuộc đấu đá bè cánh ở cấp thượng đỉnh - nghĩa là, ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị đảm trách các nỗ lực chống tham nhũng chỉ đơn thuần là người quản lý các vụ việc được chọn bởi lý do chính trị. Sự việc ấy đã trở thành một vấn đề mọi người dân đều biết, vì lý do ấy, thậm chí một sự khởi tố xác thực và minh bạch về tham nhũng ở cấp cao là một bước lùi của Ðảng nhưng đồng thời cũng có nghĩa là một bước tiến cho tính chính thống của Ðảng.
- Rõ ràng các cuộc bầu cử cấp xã đã chứng minh tính hiệu năng trong sự cải thiện việc cai trị tại gần một triệu xã ở Trung Quốc và thiết lập chính quyền nhà nước tại vùng nông thôn. Nhưng chúng thiếu sự nhất quán có tính tiêu chuẩn hóa: Bên trong nhà nước độc đảng, sự đua tranh chính trị phải được giữ trong vòng kiểm soát chặt chẽ. Ðồng thời, duy trì sự kiểm soát ấy đôi khi có ý nghĩa là Ðảng phải vi phạm những nguyên tắc đua tranh do chính Ðảng đề ra - thí dụ, bằng các việc như vi phạm chính sách do nó đề ra trong các cuộc bầu cử cấp xã; vô hiệu hóa các kết quả bầu cử mà nó không thể chấp nhận; hoặc lén lút cấy sự kiểm soát của nó ở những xã không chịu vào khuôn phép. Việc đề ra các cuộc bầu cử ấy có thể là chiến thuật từ phía một số quan chức chính phủ cấp trung ương muốn giấu diếm dân chủ ở cửa sau, nhưng việc giấu diếm như thế chỉ có thể tiến hành ngang đây thôi, trước khi nó bắt đầu vận dụng sức ép chính xác lên trên lý tưởng cai trị có tính tiêu chuẩn hóa mà chỉ một mình Ðảng nắm quyền lực chính trị.
- Trong nỗ lực khẳng định vai trò “giám sát” công tác của chính quyền, các cơ quan lập pháp cấp quốc gia lẫn cấp địa phương đều phải chịu đựng cũng một loại không nhất quán có tính tiêu chuẩn hóa ấy. Vì Đảng và nhà nước Trung Quốc không chấp nhận ý tưởng ủy thác quyền lực chính trị nên các cơ quan lập pháp bao giờ cũng yếu. Trong các đan cử hiếm hoi ấy, nơi mà họ cố xoay xở để, thí dụ như, từ chối một luật lệ, một sự bổ nhiệm người vào cơ quan hoặc một bản báo cáo của chính quyền thì gần như có tình trạng hoang mang buồn cười về việc mình phải làm gì đây. Không giống các cuộc bầu cử cấp xã, nơi ít ra sự ủy thác quyền lực hành chánh cũng có hiệu năng, các hội đồng nhân dân của Trung Quốc vẫn còn bị Ðảng kiểm soát rất chặt chẽ tới độ chúng hầu hết đều không hiệu năng.
- Cũng có một hệ thống đệ đạt thỉnh nguyện của nhân dân mà người ta có thể nói là đáp ứng yêu cầu của ý tưởng có tính tiêu chuẩn hóa đều khắp: rằng nhân dân được phép đưa đề nghị để góp phần giúp Ðảng thực hiện công tác. Vào năm 2000, một Văn phòng Quốc gia Nhận Thư thỉnh nguyện và Tiếp dân (State Bureau of Letters and Visits) mới được thành lập như một cơ quan cấp dưới bộ. Thế nhưng việc giải quyết thư thỉnh nguyện của nhân dân vẫn rất thất thường, vì quá trình cứu xét tối hậu không thật sự tùy thuộc sự xử lý thường xuyên theo quyền hành đã được ủy thác, mà đúng hơn, theo sự chấp nhận có tuyển chọn do Ðảng giám sát.
Về vấn đề chuyên môn hóa chức năng hoạt động của giới tinh hoa, Ðệ tứ đại trình bày cái nhìn thoáng qua và sơ khởi vào con số lớn lao những cuộc đấu đá nhau mang tính thư lại và phủ trùm sinh hoạt chính trị của giới lãnh đạo tại Trung Quốc. Trong khi theo truyền thống thì các ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị được chỉ định vào các chức vụ cá biệt (các vấn đề kinh tế, an ninh nội bộ, các sự vụ quốc ngoại và vân vân), sự phân chia này vẫn là đối tượng kinh niên của tránh né hoặc bất chấp - nghĩa là “tính chất tự quản” là yêu cầu của sự định chế hóa chính trị theo định nghĩa của Huntington vẫn tiếp tục bị thủ tiêu trong nhiều phạm vi quan trọng có tính chính sách.
Thất bại của sự chuyên môn hóa giới tinh hoa được biểu thị trong nhiều khu vực hoạt động:
Ðiểm đặc trưng duy nhất ở bên dưới cấp tinh hoa, có tiềm năng mạnh mẽ để làm giảm những tác động buồn thảm của tình trạng quyền lực tập trung trong các chế độ toàn trị, là sự tham gia chính trị: sự “thâm thủng dân chủ” có thể tối thiểu được bù đắp phần nào bằng sự “thặng dư tham gia”. Ðể làm bằng chứng cho sự định chế hóa đang gia tăng ở cấp dưới cấp tinh hoa, các nhà nghiên cứu kể tới các cuộc bầu cử cấp xã, việc đệ đạt thỉnh nguyện của nhân dân, và vai trò của các cơ quan lập pháp địa phương. Tuy trong các trường hợp đó, không trường hợp nào đạt hai tiêu chuẩn của sự định chế hóa - hiệu năng và nhất quán. Ðơn cử vài thí dụ nổi tiếng:
Như thế, bằng chứng hiện nay về sự định chế hóa có vẻ bị giới hạn một cách dứt khoát. Sự định chế hóa không chỉ bao gồm sự vắng mặt của hỗn độn mà còn đưa tới sự có mặt tích cực của hiệu năng và nhất quán có tính tiêu chuẩn hóa. Lúc đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc chuyển dịch từ một trạng thái hỗn độn tới một trạng thái an bình đặc biệt; nhưng chỉ tới đó thôi, không đi xa hơn. Kết quả là, các vấn đề gắn bó một cách truyền thống với các chế độ phi dân chủ - sự phi chính thống, cai trị kém cỏi, tham nhũng, sự bất ổn của giới tinh hoa - vẫn còn nhiều vô số tại Trung Quốc. Chỉ riêng tham nhũng đã được ước lượng tới con số tương đương từ 10% tới 20% tổng sản lượng quốc nội (GDP). Sự bất ổn của giới tinh hoa biểu thị rõ rệt trong những cuộc đấu đá bè cánh và ý thức hệ mà đã đặc điểm hóa những năm thời họ Giang, bao gồm việc thanh trừng không dưới sáu ủy viên Bộ Chính trị. Tất cả những cái ấy gợi cho thấy rằng các nỗ lực của Trung Quốc nhằm định chế hóa nói chung là thất bại.
Sự định chế hóa trong tương lai
Có lẽ câu hỏi đúng ra nên là, cái gì tương lai sẽ mang tới. Liệu các tiêu chuẩn được định chế hóa một cách quá yếu tại Trung Quốc có sẽ trở thành mạnh hơn, hoặc suy sụp? Nghĩa là, liệu chúng ta có thể hân hoan trông đợi giai đoạn “dân chủ hóa từng bước một” để khắc phục sự vô hiệu năng và phi nhất quán của hệ thống hiện nay?
Mọi sự củng cố có tính dân chủ đều bắt đầu từ những thay đổi mà theo định nghĩa thì chúng chưa hằn sâu, có thể được đặc điểm hóa như một thỏa ước tạm thời (modus vivendi) giữa những tay chơi thích đáng. Chỉ với thời gian thì những thay đổi ấy mới hằn sâu, mới được thấy một cách tổng quát là đáng được thừa nhận vì lợi ích của chính chúng, và như thế, chúng trở thành những tiêu chuẩn. Nhưng luôn luôn có khả năng ngược lại, cái mà tôi tin tưởng có khả năng hơn trong trường hợp Trung Quốc: rằng những diễn tiến mới sẽ suy sụp như một kết quả của “lô-gic của quyền lực tập trung.”
Thí dụ, về vấn đề đề bạt giới tinh hoa, thật dễ tưởng tượng là chắc chắn rằng theo thời gian, nguyên tắc 70 tuổi sẽ được định chế hóa hơn, tuy thế chỉ cần một hoặc hai người không đồng ý là làm hỏng cuộc mặc cả, như từng thấy trong cuộc đấu đá về kế thừa tại Đại hội Ðảng thứ 16. Tại Đại hội Ðảng thứ 17 năm 2007, La Cán, người theo đường lối cứng rắn, sẽ trên 70 tuổi, trong khi một đối thủ của Hồ Cẩm Ðào là Tăng Khánh Hồng sẽ 68. Cả hai đại điện cho các bè cánh có sức mạnh. Và khi quyền lực bị đe dọa một cách tối hậu thì sự duy trì các tiêu chuẩn bị bấp bênh - như các chế độ toàn trị trên khắp thế giới đã biểu lộ nhiều lần. Càng khư khư ôm chặt quyền lực chừng nào thì những tiêu chuẩn càng có khuynh hướng bốc hơi chừng nấy.
Ngược lại, những đề bạt dựa trên công trạng chắc chắn sẽ góp phần càng ngày càng đem thêm nhiều người có năng lực vào các cơ quan cao hơn. Nhưng tại cấp địa phương, diễn tiến đề bạt thường trở thành đút lót, trong khi ở cấp tinh hoa, diễn tiến ấy vẫn bị quyết định bởi những thất thường của các bè cánh chính trị. Việc thay đổi các mẫu thức ấy đòi hỏi một tuyến độ rộng rãi để theo dõi và giám sát qua truyền thông không bị kiểm duyệt, việc chống tham nhũng và việc ủy thác quyền lực. Trong những cái đó, có vẻ Đảng Cộng sản Trung Quốc không chọn cái nào. Việc thay đổi các mẫu thức rộng rãi hơn của tham nhũng cũng đòi hỏi những triển khai tương tự, và cũng không có khả năng tương tự.
Tới với các cuộc bầu cử cấp xã, các lãnh tụ Ðảng sẽ có khuynh hướng cảnh giác khi gặp bất cứ dấu hiệu nào của hiệu năng nơi các xã trưởng được bầu lên. Sự xuất hiện của nhiều viên chức được bầu đó - như một nhóm không có tính nhạy cảm đối với việc kết nạp hoặc việc mưu toan lật đổ - thì không thể tránh khỏi, sẽ nêu lên vấn nạn rằng không biết Ðảng có nên xét lại các tiêu chuẩn của nó để ủng hộ việc chia sẻ quyền lực chính trị hay không - và đó chính là con đường mà các chế độ toàn trị mạnh mẽ ở Ðài Loan, Nam Hàn và Thái Lan đã đi. Nhưng trong trường hợp một chế độ yếu ớt như chế độ của Đảng Cộng sản Trung Quốc thì sự “tự nguyện rút lui” đó không chắc có thật. [5] Một diễn tiến có vẻ có thật hơn là, Ðảng tiếp tục vi phạm các cuộc bầu cử cấp xã khi các nhóm chính trị mới mẻ ấy bắt đầu tranh đua với sự thành công ngày càng nhiều hơn. Như Paul Brooker ghi nhận, các chế độ toàn trị đưa ra các cuộc bầu cử địa phương chân chính “có thể tối hậu sẽ đối mặt với vấn đề là phải tìm cho ra một phương cách phi dân chủ không quá lộ liễu để làm cho khập khễnh cái đảng đang đấu tranh quá thành công với đảng chính thức của mình.” [6]
Tình thế tiến thoái lưỡng nan ấy cũng giúp giải thích tại sao Đảng Cộng sản Trung Quốc, bất chấp những lời hứa được lặp đi lặp lại của nó, vẫn chưa tán trợ việc mở rộng bầu cử những người điều hành trực tiếp ở cấp cao hơn cấp xã. Những thử nghiệm rải rác việc bầu cử người cai trị cấp huyện đã bị cấp lãnh đạo Ðảng phê bình, mặc dù chúng được dân chúng tại các địa điểm ấy chấp nhận và ưa thích, và nói chung đáp ứng được cuộc khủng hoảng cai trị đang diễn ra trong vấn đề cai trị ở cấp huyện.
Về phần các hội đồng nhân dân, chắc chắn chúng cải thiện việc cai trị tại nhiều địa hạt. Nhưng thông thường chúng làm được như thế bằng việc nắm lấy quyền lực, ngược với ý kiến của Ðảng. Nơi nào chúng cải thiện được tính chính thống của chế độ thì chỉ bởi vì các thành viên của chúng được Đảng kết nạp đầy đủ. Chúng hoặc chỉ có thể cải thiện sự cai trị, hoặc chỉ có thể cải thiện sự kiểm soát của chế độ, không thể làm cả hai việc đó.
Trong mỗi trường hợp - các cuộc bầu cử cấp huyện hoặc các hội đồng nhân dân - đang bị buộc phải chọn giữa hiệu năng và nhất quán. Dường như lúc nào Ðảng cũng chọn cái thứ hai.
Các chu kỳ và suy sụp
Nhiều người viết về các chu kỳ sinh hoạt chính trị tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ năm 1949. Trong khi những ngẫu nhiên có tính con người và tính lịch sử có khuynh hướng giải thích những thời điểm rạch ròi của các chu kỳ này, thì động cơ nằm bên dưới dẫn tới sự suy sụp sau mỗi sự củng cố, nói một cách chính xác, chính là cái “lô-gic của quyền lực tập trung”: trong những thời kỳ khủng hoảng chính trị, loạn chức năng, hoặc có vấn đề kế thừa thì bất cứ quyền lực nào từng được ủy thác một cách thận trọng để cải thiện việc cai trị và ổn định giới tinh hoa chính trị đều bị thu hồi lẹ làng. Tính từ năm 1949, đại khái ta có thể thấy có bốn chu kỳ tách biệt:
- Thời kỳ một (1940-61):
- Củng cố (1949-56): thiết lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
- Suy sụp (1956-61): từ Phong trào Vận động Chống hữu khuynh tới nạn đói từ Ðại nhảy vọt.
- Thời kỳ 2 (1961-76):
- Củng cố (1961-66): phục hồi sau nạn đói.
- Suy sụp (1966-76): Cách mạng Văn hóa.
- Thời kỳ 3: (1976-94):
- Củng cố (1976-86): tái củng cố, mở rộng các định chế của Ðảng và chính phủ, và luật pháp.
- Suy sụp (1986-94): Nổi lên phong trào sinh viên phản kháng, phản ánh những nứt rạn trong giới tinh hoa về cải cách; các lãnh tụ lão thành của Ðảng tái áp đặt luật lệ.
- Thời kỳ 4: (1994- ):
- Củng cố (1994- ): các lãnh tụ lão thành của Ðảng từ trần; mở rộng sự cai trị của luật pháp và chuyên môn hóa chính quyền; gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Một phân tích thoáng qua các công trình nghiên cứu trong ba chu kỳ kể trên gợi cho thấy các nhà nghiên cứu sinh hoạt chính trị của Trung Quốc đều rất có khuynh hướng thông giải rằng sự thay đổi ở từng giai đoạn thì mang tính tuyến tính. Thí dụ năm 1978 - ngay lúc bắt đầu của cái mà tôi dùng thuật ngữ Củng cố Thời kỳ Ba” - có xuất hiện một bài viết với nhan đề Hiện đại hóa và sinh hoạt chính trị kế thừa tại Trung Quốc. Bài viết ấy gây nhiều tranh luận vì đưa ra một số cảnh báo về sự bất định trong tương lai, một sự bất định mà mãi tới ngày nay mới xảy tới, trong giai đoạn Đại hội thứ 16. [7] Ngược lại, các công trình nghiên cứu sau năm 1989 có khuynh hướng mạnh mẽ nhấn mạnh sự tiếp tục suy sụp của chế độ.
Dõi theo những thăng trầm của từng giai đoạn cá biệt và so sánh chúng với các giai đoạn trước đó, người ta có thể nói rất chắc chắn về tiên đoán đó. Khi tin rằng các thời kỳ ấy không thể đảo ngược thì chính niềm tin đó ẩn chứa sự nguy hiểm; lịch sử của Trung Quốc cách riêng và lý thuyết về chế độ toàn trị nói chung gợi cho thấy rằng chúng có khả năng đảo ngược. Indonesia của Suharto có thể là một phản thí dụ tốt nhất - vào giữa thập niên 1990, chế độ đó bị tuột hết quyền lực vào lúc nó có vẻ như đang có chiều hướng đi lên và củng cố chính nó bằng những hình thức định chế hóa mới, và xem ra “chắc chắn và hiệu năng rất cao.” [8]
Nếu chúng ta đã tìm kiếm kỹ lưỡng hơn các dấu hiệu củng cố sau năm 1989 thì chúng ta nên tìm kiếm kỹ lưỡng hơn các dấu hiệu suy sụp ngày nay tại đỉnh điểm của những gì sẽ là Thời kỳ Suy sụp thứ Tư trong biểu đồ trên. Nhiều dấu hiệu trong đó có thể bao gồm sự xuất hiện của tình trạng nứt rạn ít nhiều và công khai trong các ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị về các vấn đề chính sách trọng yếu, thí dụ Ðài Loan hoặc bầu cử cấp địa phương; sự công khai xuất hiện trở lại của các lãnh tụ đang nghỉ hưu như Giang Trạch Dân hoặc Lý Bằng; hoặc Bộ Chính trị mất quyền hành trên lãnh vực hoạt động như an ninh nội bộ.
Vấn đề thời kỳ suy sụp mới có thể dẫn tới đâu thì nằm ngoài phạm vi ứng xử của trang giấy này. Nhưng một lời cảnh cáo coi như là kết luận rằng: sự suy sụp mang tính định định chế hóa đó không báo điềm sụp đổ của chế độ. Sức mạnh của bộ máy cưỡng bách của Trung Quốc - sáu triệu viên chức công an và bộ đội - hiệp với tình trạng xã hội dân sự yếu ớt đủ để đảm bảo rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ không bị rớt đài hoặc bị đẩy khỏi quyền lực. Tấn thảm kịch dưới hình thức các cuộc thanh trừng chính trị và trấn áp xã hội là kết quả rất điển hình cho các thời kỳ suy sụp tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Ðồng thời có một hệ quả mang tính lựa chọn mà có thể giúp Trung Quốc thoát khỏi chu kỳ chính trị đó: sự đột phá có tính dân chủ. Sự suy sụp định chế cung cấp cơ hội - thường thì kèm theo nó là khủng hoảng cai trị - cho giới tinh hoa có khuynh hướng cải cách thiết kế sự gỡ rối cho chế độ bằng những hứa hẹn cởi mở chính trị vốn là bước đầu tiên hướng tới dân chủ. Lúc ấy, mỉa mai thay, hy vọng dân chủ nhất lại có thể nằm ngay trong chính những mâu thuẫn đang tạo ra quá nhiều trục trặc cho sự định chế hóa hiện nay.
Bruce Gilley, tiến sĩ chính trị học tại Ðại học Princeton University, Hoa Kỳ. Ông từng làm Biên tập viên hợp tác của Far Easter Economic Review (Tạp chí Kinh tế Viễn Đông). Ông tà tác giả và đồng tác giả khoảng 10 cuốn sách về Trung Quốc. Trong đó có: Tiger on the Brink: Jiang Zemin and China’s New Elite (Hổ bên mép vực: Giang Trạch Dân và giới tinh hoa của Trung Quốc, 1998); và đồng tác giả (với Adrew Nathan) cuốn China’s New Rulers: The Secret File (Các nhà cai trị mới của Trung Quốc: Hồ sơ mật, 2002); cuốn mới nhất là China’s Democratic Future: How It Will Happen and Where It Lead (Tương lai dân chủ của Trung Quốc: Sẽ xảy ra như thế nào và dẫn tới đâu, 2004).
Bản tiếng Việt © 2006 talawas
[1] Lối nói “lô-gic của quyền lực tập trung” là dựa theo câu nói của Robert Dahl về “lô-gic của sự bình đẳng” - nỗ lực hướng tới sự tham gia rộng rãi và quyền lực chính trị có tinh thần trách nhiệm mà Dahl coi đó là kết quả cố định phát xuất từ việc bắt đầu đảm đương sự bình đẳng chính trị giữa các thành viên của xã hội [đoàn, nhóm, hiệp hội...]. Xem: Dahl, On Democracy (Bàn về dân chủ), New Haven: Yale University Press, 1996, 10.
[2] Samuel P. Huntington, Political Order in Changing Societies (Trật tự chính trị trong các xã hội đang thay đổi), New Haven: Yale University Press, 1968, 12,2.
[3] Zong Hairen, Disidai (The Fourth Generation, Thế hệ thứ tư), New York: Mirror Books, 2002. Nó là nền của cuốn sách viết bằng tiếng Anh mà tôi là đồng tác giả với Andrew Nathan, China’s New Rulers: The Secret Files (Những nhà cai trị mới của Trung Quốc: Hồ sơ mật), New York: New York Review of Books, 2002. Chúng tôi trình bày tính xác thực của Disidai với đầy đủ chi tiết trong lời nói đầu của cuốn sách.
[4] Các khuyết điểm ấy được thừa nhận rõ ràng trong các tài liệu chính thức của đảng. Xem: Andrew Nathan và Bruce Gilley, China’s New Rulers, phần nói về Hồ Cẩm Ðào, tr. 68; về Ngô Bang Quốc, 102; về La Cán, 110; và về Lý Trường Xuân, 114.
[5] Tôi đưa ra một phương thuốc kéo dài diễn tiến có khả năng đột phá dân chủ trong China’s Democratic Future (Tương lai dân chủ của Trung Quốc), sắp xuất bản.
[6] Paul Brooker, Non-Democratic Regimes: Theory, Government and Politics (Các chế độ phi dân chủ: lý thuyết, chính quyền và chính trị)
[7] Kenneth Lieberthal trong Journal of International Affairs 32 Fall 1978 (Tạp chí Các Sự vụ quốc tế số 32 Mùa thu 1978), 239- 54. Bài báo ấy ghi nhận các “kết quả làm giật mình” của sự củng cố thời sau-Mao, do bởi “sự nhất trí... rất cao” của giới lãnh đạo và nỗ lực của nó để “làm cho đảng khôi phục quyền lực và năng lực trước đây.” Tuy thế, nó cảnh cáo rằng “quá sớm để nói liệu tiến trình đó có thể đảo ngược hay không”.
[8] R. William Liddle. “Indonesia: Suharto’s Tightening Grip” (Indonesia: Kềm kẹp đang siết của Suharto), Journal of Democracy 7 (October 1996), 70. Trích trong: Larry Diamond, Developing Democracy: Towards Consolidation (Phát triển dân chủ: hướng tới sự củng cố), Baltimore, John Hopkins University Press, 1999, 262
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét