2009/12/10

Houston Gây Quỹ Yểm Trợ Phong Trào Dân Chủ Tại Việt Nam

Trưa Chủ Nhật, ngày 6 tháng 12 vừa qua, tại Nhà hàng Thiên Phú vùng Tây Nam Houston, trên 200 đồng hương đã đến tham dự buổi cơm gây quỹ Yểm trợ Phong Trào Dân Chủ tại Việt Nam. Đây là bữa cơm do Ủy Ban Yểm Trợ Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam tại Houston tổ chức hàng năm, nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc Tế Nhân Quyền 10 tháng 12.
Ông Trương Văn Túc, đại diện
BTC ngỏ lời chào mừng đồng hương.

Chương trình khai mạc lúc 1 giờ chiều. Sau nghi thức chào cờ và mặc niệm, ông Trương văn Túc đã đại diện Ban tổ chức chào mừng đồng hương tham dự buổi sinh hoạt. Ban tổ chức đã cho chiếu một đoạn dương ảnh dài 15 phút, tóm lược những hình ảnh đấu tranh can đảm của các nhà dân chủ ở trong nước đang bị CSVN bức hại, cùng với những hình ảnh biểu tình của sinh viên để bảo vệ bờ cõi nhưng đã bị đàn áp, đồng thời ghi lại các sinh hoạt của đồng bào hải ngoại hỗ trợ phong trào dân chủ quốc nội.

Trong phần phát biểu của quan khách tham dự có ông Hubert Võ, Dân biểu Tiểu bang Texas và Luật sư Hoàng Duy Hùng, Chủ tịch Cộng đồng Người Việt Quốc Gia thành phố Houston và các vùng phụ cận đã kêu gọi mọi người tích cực góp phần vào nỗ lực yểm trợ từ tinh thần đến vật chất cho các nhà dân chủ tại Việt Nam để phá vỡ những thủ đoạn trấn áp của Việt cộng và giúp mở rộng các hoạt động của phong trào dân chủ tại quốc nội.

Đặc biệt, ông Lý Thái Hùng, Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân đã có một bài phát biểu liên quan đến hiện tình đất nước, về phong trào dân chủ và nhất là ông đã chia xẻ về một số hướng đấu tranh với sự xuất hiện công khai đối đầu trực diện của các lực lượng dân chủ tại Việt Nam trong giai đoạn trước mặt.

Ngoài ra, qua sự nối kết của phóng viên Hoàng Hà thuộc đài phát thanh Chân Trời Mới, ban tổ chức đã giới thiệu một số phát biểu từ Việt Nam gồm chị Nguyễn Thị Huyền Trang, vợ của ông Phạm Văn Trội đang bị CSVN kết án 4 năm tù giam vì đã cùng với một số nhà dân chủ khác treo biểu ngữ kêu gọi chống Bắc Kinh, bảo vệ Hoàng sa – Trường sa; anh Nguyễn Bá Đăng, một người đấu tranh dân chủ trẻ ở Hải Dương; và Linh mục Phan Văn Lợi, đại diện Khối 8406 ở Huế. Những phát biểu chân tình của ba vị tại quốc nội đã tạo một sự xúc động và cảm thông của quý đồnghương.
Trình chiếu dương ảnh tóm lược những hình ảnh đấu tranh
của các nhà dân chủ đang bị CSVN bức hại.


Vào cuối chương trình, ban tổ chức đã thực hiện phần đấu giá gây quỹ yểm trợ quốc nội với sự điều hợp rất sôi động của ông Đỗ Đăng Giao và Trịnh Du qua bức tranh “Quê Hương” của ông bà Đặng Quốc Việt tặng và bức ảnh “Hoa Sen” của Nhiếp ảnh gia Nguyễn Thanh tặng. Xen kẽ bán đấu giá là chương trình văn nghệ nhạc đấu tranh, nhạc tình tự quê hương do các em thiếu nhi và nhóm thân hữu thực hiện. Buổi sinh hoạt được đánh giá là rất thành công - với những chia xẻ chân tình, với sự tham gia sinh động của đồng bào và số tiền quyên góp cao - đã chấm dứt vào lúc 4 giờ chiều cùng ngày. Bữa cơm gây quỹ đầy ý nghĩa cũng đã được các đài truyền hình Việt Nam BNY, SBTN và VAN phát hình rộng rãi.

— -

Bài Phát Biểu Của Ông Lý Thái Hùng, Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân Tại Houston

Kính thưa các bậc trưởng thượng.
Kính thưa quý vị đại diện Cộng đồng, đảng phái, tổ chức và các cơ quan truyền thông.
Kính thưa quý vị thân hữu.


Tôi xin trân trọng cảm tạ quý vị trong Ủy Ban Yểm Trợ Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam tại Houston đã cho phép tôi được tham dự buổi sinh hoạt gây quỹ yểm trợ phong trào dân chủ. Tôi cũng xin chào mừng quý đồng hương đã dành thì giờ quý báu đến tham dự một sinh hoạt, nói lên sự gắn bó của chúng ta đối với những nỗ lực đấu tranh tại quốc nội.

Trong thời gian qua, khi có dịp tiếp xúc với quý đồng hương ở các nơi, tôi đã nhận được khá nhiều ý kiến nhận định về tình hình; nhưng có ba nhận định được đề cập nhiều nhất, đó là:

Thứ nhất, nhà cầm quyền CSVN đang phải đối phó một cách vất vả về tình hình suy thoái kinh tế, những chống đối trong nội bộ đảng và nhất là những phản kháng của quần chúng trên mặt trận dân sinh; nhưng các lực lượng đấu tranh đã chưa có khả năng khai thác nhằm tạo những áp lực mạnh mẽ lên chế độ Hà Nội như các quốc gia Đông Âu đã từng khai thác và đã thành công cách nay 20 năm.

Thứ hai, sự lệ thuộc của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam vào Trung Quốc cho thấy là cuộc đấu tranh của chúng ta sẽ gặp khó khăn do những can thiệp của Trung Quốc vào nội tình Việt Nam. Bắc Kinh có nhu cầu nuôi dưỡng một chế đô tay sai đắc lực cho chúng tại Việt Nam.

Thứ ba, những nhà đối kháng vừa mới xuất hiện chống đối thì liền bị đàn áp trong trứng nước và nhất là bị cô lâp không đến gần được quần chúng, nên không thể nào gầy dựng phong trào đấu tranh rộng khắp; trong khi đó sự lên tiếng tạo áp lực của các quốc gia tự do dân chủ, phải nói là rất yếu, thậm chí làm ngơ vì đang có những quan hệ kinh tế, quân sự với Cộng sản Việt Nam.

Kính thưa quý vị,

Trước khi chia xẻ cùng với quý vị về ba quan tâm nói trên, tôi muốn trình bày một vài đặc điểm của tình hình Việt Nam nói chung và tình hình Cộng sản Việt Nam nói riêng trong thời gian qua:

1/ Qua vụ Biển Đông và khai thác Bauxite tại Tây Nguyên, ngoài sự tham gia chống đối tích cực của thanh niên, sinh viên đã có sự nhập cuộc của giới trí thức và các cựu đảng viên, cán bộ Cộng sản Việt Nam. Việc bày tỏ thái độ bất mãn nhà cầm quyền Hà Nội đã không chỉ dừng lại ở chỗ ký kiến nghị phản đối mà tiến lên một số hành động đáng quan tâm. Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đã nộp đơn kiện ông Nguyễn Tấn Dũng về quyết định cho khai thác Bauxite ở Tây Nguyên, 16 trí thức trong Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS) mà đứng đầu là Tiến sĩ Nguyễn Quang A đã tuyên bố tự giải tán Viện để phản đối Quyết Định 97 của ông Nguyễn Tấn Dũng liên quan đến vấn đề phản biện. Một vài đảng viên Cộng sản đã viết bài đề nghị đảng Cộng sản nên chấp nhận bối cảnh đa nguyên nhân kỳ đại hội đảng lần thứ XI vào tháng 1 năm 2011. Những sự phản kháng này tiếp tục làm soi mòn quyền lực lãnh đạo của đảng và đẩy giới lãnh đạo rơi vào những tình thế lúng túng khó xử. Đây chính là sự mất niềm tin của đảng viên, cán bộ vào lãnh đạo Hà Nội. Đảng Cộng sản Việt Nam đang coi đây là nguy cơ "tự diễn biến" trong nội bộ, vô cùng nguy hiểm.

2/ Qua sự kiện hàng ngàn giáo dân Công giáo tụ tập cầu nguyện cho Công Lý và Sự Thật tại Thái Hà, Tam Tòa và nhất là vụ công an đã cưỡng bức 400 tăng sinh phải rời tu viện Bát Nhã tại Lâm Đồng, rồi sau đó Chùa Phước Huệ phải cưu mang cho tá túc tạm thời, đã cho thấy đảng Cộng sản Việt Nam vô cùng lúng túng đối phó trên mặt trận dân sinh. Sự lúng túng đối phó này bắt nguồn từ sự bất đồng quan điểm của cấp lãnh đạo về mức độ giải quyết các yêu sách của quần chúng, giống như sự bất đồng về mức độ mở cửa thị trường vào những năm 1991 đến năm 1996. Tình hình này sẽ làm cho tư thế lãnh đạo của các cán bộ Việt cộng càng ngày càng suy yếu do những xung đột ngấm ngầm trong thượng tầng .

3/ Cộng sản Việt Nam đã tung ra hàng loạt các cuộc bắt giữ một số nhà đối kháng tại Việt Nam trong non một năm trở lại như ông Hồ Nam và nhóm Viễn Tượng Việt Nam, Luật sư Lê Công Định, anh Nguyễn Tiến Trung, anh Trần Huỳnh Duy Thức, ông Trần Anh Kim thuộc đảng Dân Chủ Việt Nam, chị Trần Khải Thanh Thủy, v.v. Đồng thời đưa ra kết án nặng nề 9 nhà dân chủ, nhưng thay vì xét xử về tội treo biểu ngữ kêu gọi chống Trung Quốc họ lại dùng điều 88 (tuyên truyền chống phá nhà nước) để kết án. Tuy nhiên, những hành động đàn áp này không làm chùn bước đấu tranh của những người yêu nuớc khác. Tại Sài Gòn, Hà Nội và một số thành phố lớn vẫn tiếp tục xuất hiện những người đấu tranh mới, đặc biệt là giới trẻ lên tiếng phê phán về Biển Đông, khai thác Bauxite. Điều này cho thấy là người dân đã từng bước vượt qua sự sợ hãi, sẵn sàng đối đầu với chế độ bằng phương thức đối đầu bất bạo động.

4/ Sự kiện Cộng sản Việt Nam đã tỏ ra yếu hèn trước những hành động bá quyền của Trung Quốc trên biển Đông và không chút thương tâm giúp đỡ hàng trăm ngư dân đã bị lính hải quân Trung Quốc cướp tàu, cướp tài sản, đánh đập và làm nhục… đã tạo ra làn sóng chống Trung Quốc mạnh mẽ giữa người Việt Nam ở trong và ngoài nước. Sự chống đối này đã giúp cho phong trào dân chủ mở rộng thêm các kênh liên lạc và thu hút một số người mới tham gia sau này. Do đó mà song song với mục tiêu tranh đấu cho tự do dân chủ tại Việt Nam, cuộc đấu tranh của chúng ta còn phải ngăn chận sự xâm lược của Bắc Kinh qua sự tiếp tay của tập đoàn tay sai bán nước CSVN. Hơn lúc nào hết, chính nghĩa đấu tranh sáng ngời vì mọi người đang phẫn nộ về vụ Biển Đông và thấy rõ bản chất yếu hèn và lệ thuộc Trung Quốc của CSVN.

5/ Tình hình suy thoái kinh tế của Cộng sản Việt Nam sẽ còn tiếp tục kéo sang năm 2010, trong đó hiện tượng thiếu tiền, thâm thủng ngân sách đang đe dọa sự ổn định xã hội. Sự thâm thủng ngân sách đến từ ba nguyên do: 1/ Tình hình xuất cảng suy giảm đã làm cho tiền thu thuế xuất cảng giảm đến gần 40% so với cùng thời kỳ; 2/ Lượng Kiều hối giảm vì số tiền đầu tư của Việt Kiều và tiền từ nước ngoài gởi về giúp thân nhân giảm đến 36%; 3/ Số tiền gọi là gói kích cầu nhưng thực tế là kích cung. Hầu hết số tiền đó không được dùng để giúp vốn tạo thêm công việc sản xuất trong nước nhưng phần lớn lại cho các hãng buôn mượn để nhập thêm hàng từ Trung Quốc. Nói cách khác, đây là gói kích cầu "cho Trung Quốc" chứ không phải cho Việt Nam. Và tổng số đã tăng thành 8 tỷ Mỹ kim thay vì lúc đầu là 2 tỷ Mỹ Kim.

Theo Ngân Hàng Á Châu thì thiếu hụt ngân sách của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2009 là 21,7% và có nhiều dấu hiệu gia tăng. Cộng sản Việt Nam đã phải vay Ngân Hàng Á Châu 500 triệu Mỹ Kim, Nhật Bản 500 triệu Mỹ Kim, Ngân hàng Thế giới 1 tỷ Mỹ Kim nhưng chưa thấm vào đâu với tình hình nhập siêu ngày một cao lên, hiện lên đến 19 tỷ Mỹ Kim trong 7 tháng đầu năm 2009. Nói chung là hiện tượng thiếu tiền tại Việt Nam hiện nay có thể làm bùng vỡ một cuộc khủng hoảng tài chánh trong thời gian tới và chắc chắn sẽ ảnh hưởng nặng nề lên đời sống xã hội.

Kính thưa quý vị,

Những diễn biến nói trên cho thấy là Cộng sản Việt Nam không những không giữ nổi ổn định xã hội như họ nói, mà còn có nguy cơ bùng vỡ những chống đối trên phương diện chính trị có thể diễn ra khi đến giai đoạn dân chúng “tức nước vỡ bờ”. Sự phản kháng của người dân không còn chỉ giới hạn trong những thành phần dân oan thấp cổ bé miệng, công nhân, thanh niên sinh viên mà còn lan rộng sang thành phần trí thức, cựu cán bộ đảng viên Cộng sản, lực lượng tôn giáo. Đây là điểm nổi bật nhất trong phong trào dân chủ hiện nay.

Tuy nhiên trong đấu tranh, sự bất mãn, lòng uất hận của dân chúng là một điều kiện quan trọng nhưng chưa đủ để tạo thành một phong trào đối kháng quy mô. Muốn có một phong trào phản kháng quy mô như chúng ta từng thấy tại Đông Âu vào năm 1989, đòi hỏi phải có hai điều kiện quan trọng:

Một là phải có một lực đầu tàu mạnh, có đủ khả năng điều hợp được các nhóm quần chúng và trở thành một biểu tượng đại diện chung của lực lương đối kháng để đối đầu với chế độc tài. Nói cách khác, chúng ta phải có một hình thức thống nhất nào đó về đội ngũ để điều hướng các lực lượng dân tộc sa luân chiến với chế độ trong mọi lãnh vực, và bằng những phương cách bất bạo động như biểu tình, đình công, lãng công, v.v... Chỉ khi đó các áp suất mới cùng khắp và liên tục khiến cho chế độ không thể nào ứng phó nổi.

Hai là phải có thành phần cán bộ vận hành trong mỗi nhóm quần chúng, đặc biệt là những nhóm lớn. Khi thiếu bộ phận này, chúng ta chỉ có những nhóm quần chúng ô hợp, tuy có cùng nhu cầu, cùng oan ức, nhưng không hữu hiệu vì mỗi người đấu tranh một hướng. Đội ngũ cán bộ vận hành sẽ giúp nhóm quần chúng có mặt tại cùng một thời điểm, hô cùng một khẩu hiệu, mặc cùng một màu áo, giơ cùng loại biểu ngữ, v.v... và quan trọng nhất là duy trì kỷ luật bất bạo động, không trả đũa các khiêu khích. Đây là bộ phận chuyển các yêu cầu từ đầu não đến quần chúng và phản ảnh tình hình sức lực của quần chúng về cho đầu não. Đây là cơ phận còn thiếu trong tiến trình trở thành phong trào đối kháng qui mô tại Việt Nam.

Trong thời gian qua, tại Việt Nam đã có những cuộc tụ tập đấu tranh của quần chúng khá lớn và khá dài như cuộc đấu tranh của hơn 1500 dân oan kéo dài liên tục 21 ngày đêm trước văn phòng 2 quốc hội CSVN tại Sài Gòn vào hạ tuần tháng 6 năm 2007, hay là cuộc biểu tình của thanh niên sinh viên chống Trung Quốc lập huyện Tam Sa vào cuối năm 2008. Tuy mang tính mở đường rất quan trọng, nhưng những cuộc biểu tình đó đã không đi xa, không biến thành những phong trào đấu tranh rộng lớn trên toàn quốc, vì hiện nay chúng ta chưa có một lực lượng đầu tàu để lãnh đạo phong trào quần chúng và chưa có một đội ngũ cán bộ vận hành để có thể gấp rút huy động thêm số người tham gia và lan rộng ra nhiều nơi trên toàn quốc.

Nói một cách khác là sự bất mãn và căm phẫn của quần chúng Việt Nam đã bộc phát và ngày một lên cao; nhưng lực lượng dân chủ chưa đủ lớn và đủ kết hợp để đẩy các biểu hiện phản đối trong xã hội đi xa hơn. Điều phải gấp rút tiến hành trong thời gian tới là phải đào tạo và xây dựng một lực lượng cán bộ vận hành, tức là có nhiều cán bộ quần chúng để vận động, tổ chức các tập hợp quần chúng đúng nghĩa.

Nhìn như vậy chúng ta mới thấy rằng, chúng ta còn cần phải làm nhiều việc tại môi trường quốc nội để làm sao hỗ trợ cho các lực lượng dân chủ nhanh chóng xây dựng một bộ phận đầu tàu và một thành phần cán bộ vận hành, nối liền đầu tàu với quần chúng. Đương nhiên, Cộng sản Việt Nam cũng nhìn thấy nguy cơ cho chính chế độ nếu để cho các lực lượng dân chủ tập hợp lại thành lực lượng và liên hệ chặt chẽ với quần chúng tạo ra phong trào đấu tranh, nên họ đã tìm mọi cách khống chế tối đa sự tập hợp của các nhà dân chủ hay sự liên lạc giữa các nhà đối kháng với quần chúng.

Kính thưa qúy vị,

Do đó bài toán mà các lực lượng dân chủ phải giải quyết trong thời gian tới để đẩy mạnh công cuộc dân chủ hóa tại Việt Nam chính là sự công khai đối đầu ngay tại Việt Nam của các lực lượng dân chủ, từng bước tiến đến việc phối hợp các nhóm quần chúng nhằm hình thành một lực lượng đầu tàu qua hành động. Khi đã có lực lượng đầu tàu, chúng ta sẽ không chỉ bẻ gãy âm mưu triệt hạ phong trào quần chúng của công an mà còn tập trung được các lực lượng tấn công thẳng vào những nhược điểm của chế độ, tránh hiện tượng tản lực. Đây là một quy luật của đấu tranh bất bạo động và là một diễn trình phải tiến tới khi mà các lực lượng đấu tranh đã ở thế công khai đối đầu.

Chế độ Hà Nội sẽ không để yên cho các lực lượng đấu tranh có thể liên kết mạnh mẽ lại với nhau mà sẽ tìm cách cô lập, ngăn chận dưới nhiều hình thức. Tuy nhiên, qua những phân tích về tình hình ở trên, đảng Cộng sản Việt Nam không còn ở vào thời kỳ muốn làm gì thì làm mà đã bị suy thoái rất nhiều. Chúng ta phải trực diện bằng phương pháp đấu tranh bất bạo động, tấn công vào những trụ cột chống đỡ yếu nhất của chế độ hiện này là truyến thông, luật pháp, hành chánh, đối ngoại để làm cho Hà Nội lúng túng đối phó và suy yếu.

Khi chế độ độc tài rơi vào hai tình huống: đảng viên thì không còn tin vào lãnh đạo, mà lãnh đạo thì lúng túng đối phó với các áp lực quần chúng thì đó chính là cơ hội của sự bùng vỡ phong trào quần chúng mà chúng ta đã mục kích tại Đông Âu cách đây 20 năm.

Chúng ta đã thấy rõ hướng đi của công cuộc đấu tranh. Vấn đề còn lại là nỗ lực và sự đóng góp của mỗi người để tạo những chuyển đổi lịch sử tại Việt Nam. Trong tinh thần đó, chúng tôi xin có ba đề nghị:

Hãy tích cực giúp đỡ các nhà dân chủ và thân nhân của họ để vượt ra khỏi sự cô lập của Hà Nội và tiếp tục mạnh mẽ đấu tranh.

Hãy cùng nhau tấn công vào các trụ cột truyền thông, pháp lý để phá vỡ bức tường bưng bít và những hành xử vô lối của cán bộ đối với người dân.

Hãy cùng nhau vận động các vị chính giới và các chính phủ ủng hộ cuộc vận động tự do Internet tại Việt Nam. Vì đây là cửa ngõ vượt thoát bức màn bưng bít thông tin và độc quyền kiểm soát truyền thông của Hà Nội.

Trân trọng kính chào qúy vị

Lý Thái Hùng
Ngày 6/12/2009.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét