Cơn bão số 11 đã ập đến miền Trung và ra đi để lại cho người dân xứ “đất cày lên sỏi đá” bao đau thương, mất mát, mà nặng nề nhất là Bình Định và Phú Yên; mỗi nơi có 100 người thiệt mạng, mất tích. Nhà cửa, tài sản, hoa màu của người dân bị hũy hoại nặng nề mà cho tới nay chưa có con số thống kê chính xác.
Không chỉ người dân mà ngay cả cán bộ địa phương đang thắc mắc là vì đâu mà cũng lượng mưa và thời gian mưa không khác biệt nhiều, nhưng trước khi có thủy điện thì không bị ngập lụt; bây giờ có thủy điện, lẽ ra phải kiêm luôn việc điều tiết nước cho điều hoà, thì lại lụt lớn và gây thiệt hại cho sinh mạng, tài sản người dân nhiều như vậy. Ngoài nguyên nhân do thiên tai, thì như đã được làng dân báo nêu ra, rõ ràng việc các nhà máy thủy điện trên sông Ba Hạ xả lũ đã khiến cho tình trạng ngập lụt thêm trầm trọng.
Trả lời dư luận về tình hình này, thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào đã nói rằng: “khi gặp lũ lớn, thủy điện xả lũ là đương nhiên và nếu không có hồ thủy điện, lũ còn lớn hơn.” Điều này không sai, nhưng vấn đề là khi làm các hồ thuỷ điện, những tiêu chuẩn về môi trường, về dung tích v.v… có đáp ứng được việc ngăn ngừa mưa lũ hay không? Hay chỉ làm tình trạng lũ lụt trầm trọng hơn?
Bà Nguyễn Lan Châu - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, từ trước tới nay không có bất kỳ sự liên hệ nào giữa các công trình thủy điện miền Trung với ngành khí tượng! Mưa với cường độ lớn, rừng đầu nguồn bị khai thác liên tục, các nhà máy thủy điện xả lũ không có kế hoạch và điều tiết, địa hình miền Trung lại có độ dốc cao là những yếu tố khiến cường độ lũ đổ xuống các vùng hạ lưu càng dữ dội. Tuy nhiên, các cơn bão ở miền Trung vừa qua đều có mưa lớn nhưng chưa đến mức đột biến như những năm trước.
Đúng là mưa không quá lớn nhưng lũ lại rất nghiêm trọng, thiệt hại nặng nề. Tại sao?
Khi được báo chí hỏi, thì Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ Võ Văn Tri cho biết, sau khi nhận được thông báo lưu lượng lũ vượt ngưỡng cho phép từ thượng nguồn đổ về của Trung tâm khí tượng thủy văn, thì đập thuỷ điện đã xả lũ đúng quy trình và thông báo trước cho lãnh đạo tỉnh kế hoạch cụ thể để chỉ đạo các địa phương thuộc vùng hạ lưu có phương án phòng tránh, nhất là di dân ra khỏi vùng rốn lũ… Hàng ngàn nhà dân chìm trong lũ như những ngày qua là bất khả kháng.
Cho đến nay, quan chức tỉnh Phú Yên chưa lên tiếng là có nhận được thông báo hay không. Nhưng ông Hồ Quốc Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết trong cơn bão số 9 vừa rồi, bên thủy điện không hề thông báo với chính quyền địa phương việc họ xả lũ. Ông nói: “Tôi là Phó chủ tịch, Trưởng Ban phòng chống lụt bão tỉnh Bình Định mà có ai nói với tôi một tiếng nào đâu. Thành ra mới có người bức xúc nói anh xả thì cứ xả, dân chết thì cứ chết.” Việc này khiến người ta nhớ tới tai họa xả lũ đập thủy điện A Vương ở Quảng Nam trong hai ngày 29 và 30/09/2009 khiến 170 chết và hàng ngàn người bị thương cùng thiệt hại tài sản vô kể.
Như thế thì hoặc là cái Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương dự báo sai như mọi lần, mà gần nhất là dự báo sai hướng đi của cơn bão số 9; hoặc là Thủy điện xả lũ bừa, hay là quan chức địa phương làm ăn tắc trách để người dân lãnh đủ? Hiện người dân miền Trung và ngay cả người dân Đồng Nai, Sài Gòn đang hoang mang, lo sợ không biết khi nào thì thiên tai và “nhân họa” sẽ ập xuống đầu họ. Vì với cách quản lý mạnh ai nấy làm như hiện nay, trong khi trên thượng nguồn các con sông tại miền Trung lại có đến 335 nhà máy thuỷ điện nằm la liệt, hoặc đang trong dự án đầu tư, thì chỉ có người dân là lãnh đủ mọi hậu quả.
Chỉ cần lấy thí dụ ở sông Thu Bồn để thấy rồi đây lũ lụt sẽ còn hoành hành khủng khiếp như thế nào. Sông này dài 200 km, không kể phần hạ lưu khá dài, thì trên đầu nguồn của hệ thống sông Vu Gia-Thu Bồn hiện có 110 dự án thủy điện lớn nhỏ, đã và đang được triển khai. Tuy trong đó có 8 nhà máy thủy điện bậc thang thuộc loại lớn nhất trong khu vực trên hệ sông lớn này. Theo báo điện tử VietNamNet thì hiện đã có 6 nhà máy đang đi vào hoạt động. Và chỉ mới 6 nhà máy mà đã “làm thịt” hơn 2.000 ha rừng nguyên sinh. Nếu tất cả 110 đập thủy điện sẽ được xây dựng dày đặc trên thượng nguồn hệ thống sông Vu Gia-Thu Bồn, phần lớn rừng nguyên sinh của tỉnh Quảng Nam còn gì? Mỗi mùa mưa bão, rừng ở thượng nguồn không còn cây để ngăn nước, thì cường độ lũ lụt sẽ hơn rất nhiều. Sẽ có bao nhiêu người chết, bao nhiêu ngàn căn nhà, đồng ruộng chìm trong biển nước?
Trong lúc quan chức lãnh đạo các ngành liên hệ đổ thừa trách nhiệm cho nhau về việc đập thuỷ điện xả lũ gây lụt lội nặng, thì Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đường bệ nhảy vào. Ông Hoàng trung Hải là người có tấm ảnh bắt tay ông thủ tướng “nước lạ”, được giới dân báo bình chọn là tấm ảnh “đẹp nhất trong năm”. Về lũ lụt lần này, rất có thể những lời ông nói sẽ được bình chọn là “lời hay ý đẹp nhất trong năm”, để cạnh tranh với lời tuyên bố hùng hồn “Việt Nam và Cuba thay phiên nhau canh giữ hoà bình cho thế giới” của ông Nguyễn Minh Triết ở Cu Ba. Ông Hoàng Trung Hải phán rằng “Ai bảo thủy điện xả lũ làm chết dân!? Các hồ thủy điện miền Trung đều xả lũ đúng quy trình và không làm chết người... Lần này ít người chết hơn các lần trước”… Ông còn cho biết là đã làm việc với Phú Yên, thì được báo cáo mọi nơi đều làm rất tốt. Và rằng “Biến đổi khí hậu đã gây hậu quả” và cần phải “khắc phục”!
Rốt cuộc Thủy điện, Thủy văn, quan chức lãnh đạo tỉnh, Trung ương không ai có lỗi trong việc người dân Tuy Hòa chết vì lũ cả. Đó là do “ông trời”. Chấm hết!
Tại các nước dân chủ, khi có những sự cố tương tự, đặc biệt là gây thiệt hại đến tính mạng và tài sản của người dân, thì chính phủ sẽ phải điều tra làm ra lẽ xem trách nhiệm về ai, nguyên nhấn thế nào, làm sao để tránh tái diễn, v.v… chứ không có cái kiểu tuyên bố khơi khơi phủi tay như ông Hoàng Trung Hải.
Ông Hoàng Trung Hải không những đã phát biểu vô trách nhiệm, theo kiểu nói lấy được, mà ông còn chê nhận thức của người dân là thấp kém, không cảnh giác bão lũ vì sự biến đổi không có quy luật của khí hậu bão lũ v.v… Lời của ông Hoàng Trung Hải nghe quen quen, làm người ta nhớ đến những lời mắng mỏ dân chúng của ngài Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị trong trận lụt lịch sử năm ngoái. Cao hứng lên, ngài phó thủ tướng còn nói đến những đầu tư cho ngành khí tượng. Điều mà dường như mỗi khi có sự phê phán về mức độ khả tín rất thấp trong dự báo khí tượng, là các quan chứ Việt Nam đều nói tương tự. Nhưng “hứng khởi” nhất có lẽ là điều ông muốn khuyến khích, hỗ trợ người dân miền Trung xây dựng được nhà kiên cố, 2-3 tầng, để có thể sống chung với lũ.
Chẳng biết những khuyến khích hỗ trợ người dân xây nhà 2, 3 tầng vừa kể của ông Hoàng Trung Hải bao giờ mới thành hiện thực. Nhưng điều người dân biết rất rõ là, năm nào cũng vậy, ngay cả phẩm vật cứu trợ nạn nhân bão lụt của đồng bào các nơi gởi về cũng đều bị các quan chức của nhà nước bị xà xẻo gần hết.
Người dân đã có nhiều kinh nghiệm qua các phát biểu khi cao hứng của các quan lớn trung ương từ Thủ tướng Khải năm nào với Hòa thượng Huyền Quang về việc sinh hoạt của Giáo Hội PGVNTN, đến ông Nguyễn Tấn Dũng năm ngoái, với Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt về vụ việc Tòa Khâm Sứ Hà Nội, và đầu năm nay với Đại tướng Võ Nguyên Giáp về vụ khai thác Bô- xít Tây Nguyên… Sau đó thì mọi việc vẫn như cũ hoặc còn tệ hơn.
Bão lũ đối với người dân ở xứ “trời hành cơn lụt mỗi năm” không phải là điều mới lạ, mà đã diễn ra từ lâu. Tuy nhiên những năm gần đây mỗi năm mỗi nặng hơn, vì có sự tiếp tay gây lũ của các quan chức nhà nước. Đặc biệt là phá rừng bừa bãi gây nên lũ, rồi xả lũ vô trách nhiệm... Cứ thế người ta lại thấy Trung ương hô hào quyên góp; báo chí đảng lại đăng tải tin tức, hình ảnh thảm cảnh của đồng bào và cứu trợ bão lụt bằng mì tôm; địa phương lại giữ tiền cứu trợ; thủy điện tư nhân lại đút lót để khỏi bị phiền phức; dân lại đi chôn người dân sau khi khóc than vật vã; nhà nước lại phán phải đầu tư và khắc phục… để rồi đâu lại vào đấy, và chờ tới mùa lũ năm sau. Chu kỳ này cứ liên tục tiếp diễn.
Bão lũ là điều có thể xảy ra bất cứ nơi đâu trên trái đất. Tuy nhiên với đà tiến bộ của nhân loại và các phương tiện khoa hoc kỹ thuật tối tân hôm nay, thì việc dự báo bão lũ là việc mà các chính phủ vì nước vì dân thực sự, có thể tính từng giờ từng phút một cách khá chính xác. Để từ đó các biện pháp đề phòng, cứu hộ được thực hiện kịp thời, hầu tránh tối đa thiệt hại. Chứ không phải chờ đến khi xảy ra thảm họa rồi mới so sánh kiểu này kiểu nọ, hoặc các quan chức đổ lỗi cho nhau, không ai chịu trách nhiệm.
Kịch bản thê lương này sẽ không thể chấm dứt, khi còn các loại quan chức như ông phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, một người điển hình của chế độ, đối với thủ tướng “nước lạ” thì xoắn xuýt lấy điểm, còn đối với đồng bào nạn nhân bão lụt thì phán như thánh sống.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét