2009/11/05

Tại Sao Tia Sáng Online Bị Đình Bản?


Trang điện tử Tia Sáng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã bị nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam buộc phải đình bản hôm 27 tháng 10 năm 2009, sau 8 năm hoạt động. Trang điện tử Tia Sáng là một phần của Tạp Chí Tia Sáng do bà Hoàng Thị Thu Hà phụ trách, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thứ trưởng bộ Khoa học và Công nghệ Lê Đình Tiến. Ông Lê Đình Tiến đưọc coi là nhân vật số 2, đứng sau Bộ trưởng Hoàng Văn Phong trong Bộ khoa học và Công nghệ. Theo tin tức thì trang điện tử Tia Sáng Online bị đình bản là do những xung đột gay gắt trong thượng tầng lãnh đạo của Bộ khoa học và Công nghệ, kể từ khi Viện Nghiên Cứu Phát Triển (IDS) tuyên bố tự giải thể để phản đối Quyết Định 97 do ông Nguyễn Tấn Dũng ký nhằm ngăn chận sự phản luận công khai của giới trí thức đối với đường lối, chính sách của nhà nước Cộng sản Việt Nam.

Trong sự phân nhiệm của Bộ khoa học và Công nghệ thì ông Hoàng Văn Phong, Bộ trưởng chỉ phụ trách việc điều phối những công việc mang tính chiến lược, theo dõi và xây dựng các kế hoạch lớn. Thứ trưởng Lê Đình Tiến được phân chia trách nhiệm liên quan đến việc soạn thảo các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách khoa học & kỹ thuật. Nói cách khác, ông Hoàng Văn Phong chỉ lãnh đạo tổng quát, trong khi ông Lê Đình Tiến mới nắm thực quyền, điều hành những bộ phận khoa học ở bên trong. Chính Thứ Trưởng Lê Đình Tiến là người đã bật đèn xanh cho Tia Sáng Online đăng tải những bài viết phê phán về tình hình tụt hậu của nền khoa học Việt Nam của một số trí thức, từ năm 2004 đến nay. Đặc biệt gần đây, Tia Sáng Online đã tích cực đăng tải một số bài viết của những học giả nằm trong Viện nghiên cứu phát triển (IDS) như Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Giáo sư, Phạm Duy Hiển, Nhà văn Nguyên Ngọc, Giáo sư Hoàng Tuỵ, Giáo sư Chu Hảo v. v…

Tạp Chí Tia Sáng Online có một chỗ đứng đặc biệt. Nó được hầu hết giới trí thức khen là tạp chí “liều mạng” chuyên loan tải những nội dung mang tính phê bình các chính sách công nghệ của Hà Nội. Vì thế mà Tia Sáng Online đã bị ban Tuyên Giáo Trung ương đảng để ý và nhiều lần khuyến cáo ban biên tập phải ngưng không loan tải những bài phê bình chính sách của đảng. Do đó việc Tia Sáng Online bị đình bản hôm 27 tháng 10 không phải là điều ngạc nhiên đối với dư luận. Tuy nhiên, việc đình bản này đã cho thấy sự xung đột ngày một trầm trọng trong nội bộ lãnh đạo Hà Nội về chính sách đối với thành phần chuyên gia và trí thức.

Thật vậy, tại Hội nghị Trung ương đảng lần thứ 7 khóa X từ ngày 9 đến 17 tháng 7 năm 2009, đảng Cộng sản Việt Nam chính thức ra Nghị quyết coi việc xây dựng thành phần trí thức là một nhiệm vụ quan trọng để đẩy mạnh thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Nghị quyết này còn vạch ra chỉ tiêu là đến năm 2020, Việt Nam có một đội ngũ trí thức có chất lượng cao, số lượng đông và có tầm vóc quốc tế, thì phải ban hành quy chế dân chủ trong hoạt động khoa học, giáo dục và đào tạo. Đặc biệt là đảng sẽ phê phán và xóa bỏ sự coi nhẹ, thành kiến và quy chụp đối với những ý kiến phản biện mang tính xây dựng, đồng thời đề cao trách nhiệm của trí thức, củng cố và nâng cao chất lượng các hội trí thức… Chính những quy định mang tính đề cao vai trò trí thức nói trên, Báo Tia Sáng, Tia Sáng Online của Bộ Khoa học và Công nghệ đã mở rộng những phản biện thẳng thắn của giới trí thức về các chính sách chung. Tuy nhiên, trong thực tế, đảng Cộng sản Việt Nam đã làm khác đi những gì mà họ đã quyết định trong Nghị Quyết nói trên.

Thứ nhất là thay vì để cho Bộ Khoa học và Công nghệ soạn thảo một văn kiện quy định về sự đóng góp của giới trí thức, chuyên gia như Nghị Quyết của đảng đưa ra, ông Nguyễn Tấn Dũng lại giao cho Bộ tư pháp soạn thảo Quyết Định 97 nhằm: 1/ Giới hạn lãnh vực nghiên cứu của giới trí thức; 2/ Cấm không cho phản biện công khai mà mọi ý kiến phải nộp cho những cơ quan liên hệ. Chính Quyết Định 97 đã là đầu mối dẫn đến sự phẫn nộ của giới trí thức và khiến cho 16 trí thức sáng lập ra Viện Nghiên Cứu Phát Triển (IDS) tuyên bố tự giải thể để phản đối quyết định này.

Thứ hai là trong nội bộ của Bộ Khoa học và Công nghệ đã có những bất đồng về nội dung ghi trong Quyết Định 97 vì cho là không phản ảnh tinh thần dân chủ mà Nghị quyết của Trung ương đảng đưa ra trong việc xây dựng đội ngũ trí thức. Do sự bất phục này mà một số chuyên gia làm việc trong những đơn vị chuyên môn như cục năng lượng nguyên tử, cục an toàn bức xạ và hạt nhân, Quỹ phát triển khoa học và Công nghệ quốc gia, tạp chí hoạt động khoa học, tạp chí Tia Sáng, báo Khoa học và phát triển đã có những chống đối ngầm. Trong các đơn vị phản đối này, Tia Sáng Online, dưới dù của Thứ Trưởng Lê Đình Tiến, tiếp tục đăng tải những bài viết của một số nhân vật chống đối của Viện IDS, nên vì thế mà bị ông Nguyễn Tấn Dũng ra lệnh ngưng.

Tia Sáng Online bị đình bản là hệ quả của Quyết Định 97 và sự xung đột trên thượng tầng của Bộ Khoa học và Công nghệ. Điều này cho thấy là lãnh đạo Hà Nội không tin vào giới trí thức, và Nghị Quyết của Trung ương đảng về việc xây dựng đội ngũ trí thức chỉ là một trò xảo thuật để khai thác giới trí thức tin vào chế độ.

Qua một số diễn biến nói trên, lãnh đạo Hà Nội - tuy muốn sử dụng tiềm lực của thành phần trí thức vào công cuộc cải tổ hiện nay - nhưng vì không muốn ai giỏi hơn và qua mặt lãnh đạo, nên họ đã tìm cách xiết chặt để kiểm soát.

Tóm lại, viêc Tia Sáng Online bị đình bản hoàn toàn vì lý do chính trị. Đây là hệ quả của việc ra đời Quyết Định 97 do ông Nguyện Tấn Dũng ký và cũng là sự phản kháng của thành phần trí thức đang làm việc trong Bộ Khoa học và Công nghệ. Tình hình phản kháng này không dừng lại ở đây mà sẽ lan rộng qua nhiều bộ phận khác và tạo thành những nhóm trí thức bất phục các chỉ thị của chế độ như sự kiện hàng ngàn chuyên gia, trí thức đã ký tên vào Kiến nghị chống khai thác Bauxite tại Tây Nguyên. Đây là một diễn tiến rất có lợi cho phong trào dân chủ hóa Viêt Nam, chắc chắn sẽ có thêm giới chuyên gia, trí thức khác sẽ tham gia đóng góp với phong trào trong thời gian tới. Nói cách khác, lãnh đạo Hà Nội chỉ chọc giận giới trí thức qua việc đình bản Tia Sáng Online và đổ dầu thêm lửa vào phong trào đối kháng của toàn dân mà thôi.

Trung Điền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét