(Hà Nội, Việt Nam - Ngày 17/11/2009) - Đội ngũ người sử dụng trang Facebook ở Việt Nam hiện đang lo ngại nhà nước CSVN có thể ngăn chận trang mạng xã hội này, bởi vì suốt mấy tuần qua họ không thể nào truy cập được.
Trang mạng Facebook hiện đang có khoảng 1 triệu người sử dụng ở Việt Nam, và con số này hiện đang tăng vùn vụt kể từ khi công ty này bổ sung thêm phần tiếng Việt cho người sử dụng.
Việt Nam là một quốc gia mà nhà nước luôn áp đặt việc kiểm soát thông tin. Suốt mấy tuần qua người sử dụng gặp nhiều khó khăn trong việc truy cập vào mạng Facebook, lúc được lúc không. Những khó khăn này còn tùy thuộc vào nhà cung cấp dịch vụ nào.
Dường như việc truy cập các trang mạng nổi tiếng đều gặp phải khó khăn ở cái quốc gia có 22 triệu người sử dụng internet với dân số 86 triệu dân này.
Các viên chức nhà nước và lãnh đạo các công ty cung cấp dịch vụ internet do nhà nước kiểm soát đều hoàn toàn giữ im lặng, không bình phẩm gì cả. Tuy nhiên các chuyên viên kỹ thuật tại một công ty cung cấp dịch vụ internet thuộc hàng lớn nhất VN nói rằng liên tiếp những tuần qua họ nhận được điện thoại của người sử dụng than phiền rằng họ không thể truy cập vào mạng Facebook được.
- Vũ Hoàng Liên, Giám đốc công ty VDC
Một chuyên viên kỹ thuật của Công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC) nói rằng hôm 11 tháng 11 nhà nước đã ra lệnh cho công ty phải ngăn chận trang mạng này. Anh ta không cho biết tên tuổi vì nói rằng mình không được phép tiếp cận báo chí. Tuy nhiên, ông Vũ Hoàng Liên, Giám đốc công ty VDC nói rằng ông không hề hay biết lệnh này.
Bà Debbie Frost, phát ngôn nhân của Facebook cho biết những than phiền về khó khăn trong truy cập chưa đến tai tổng hành dinh của Facebook tại Palo Alto. Bà nói: "Chúng tôi rất là thất vọng nếu người sử dụng ở bất kỳ quốc gia nào gặp khó khăn trong việc truy cập".
Đa số người sử dụng ở Việt Nam dùng trang mạng này để giữ liên lạc với bạn bè thân nhân, giao lưu thân hữu với nhau, chia sẻ hình ảnh, trang web và Blogs.
Hồi đầu năm nay, nhà nước Việt Nam bắt đầu xiết chặt quản lý các trang Blogs cá nhân, cấm đoán việc trao đổi quan điểm chính trị và giới hạn việc đăng tải các vấn đề cá nhân.
Công an đã bắt giam nhiều chủ Blogs chỉ vì những bài viết chính trị "nhạy cảm".
Ben Stocking (Associated Press - AP)
Lê Minh chuyển dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét