Trong lúc nhân loại đang hướng về Đông Âu, tưởng niệm 20 năm sự sụp đổ bức tường ô nhục Bá Linh (9/11/1989 – 9/11/2009) dẫn đến sự sụp đổ toàn diện khối cộng sản tại Đông Âu (1989), Liên Xô (1991) và chấm dứt chiến tranh lạnh vào năm 1991, thì ông Tô Huy Rứa, Ủy viên bộ chính trị, Bí thư trung ương đảng, Trưởng ban tuyên giáo trung ương và chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương Cộng Sản Việt Nam đã viết một bài ca ngợi về cái gọi là cuộc cách mạng tháng Mười của Nga xảy ra vào ngày 7 tháng 11 năm 1917 cách nay 92 năm. Ông Tô Huy Rứa đã làm một hành động lội ngược dòng, khi cố sống trong mộng tưởng về cuộc cách mạng vô sản mà chính nơi sản sinh ra nó đã chối bỏ.
Ông Tô Huy Rứa được coi là ngôi sao mới nổi từ tháng 1 năm 2009 qua Hội nghị giữa nhiệm kỳ của Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam. Tại hội nghị này, do nhu cầu cần có một chính uỷ nằm trong Bộ chính trị và Ban bí thư để tung ra ngay những lý luận nhằm hướng dẫn dư luận về các biến thái của tình hình, Trung ương đảng đã bầu bổ xung ông Tô Huy Rứa vào trong Bộ chính trị và Ban bí thư. Trong trách vụ mới này, ông Tô Huy Rứa có rất nhiều quyền lực trong lãnh vực tư tưởng và lý luận.
Trong bài viết “Cách mạng tháng Mười Nga và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hiện nay”, ông Tô Huy Rứa đã đưa ra ba lập luận:
Thứ nhất, Tô Huy Rứa dùng lời của Hồ Chí Minh để diễn giải rằng cách mạng tháng Mười Nga vào năm 1917 là ánh sáng dẫn đến cách mạng tháng Tám của Việt Nam vào năm 1945. Do đó mà theo Tô Huy Rứa, với tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, giai cấp công nhân và lao động Việt Nam thấm thía công ơn to lớn của Lênin và cách mạng tháng Mười.
Đúng là giọng điệu lưỡi gỗ của chính ủy Tô Huy Rứa đã bẻ cong hoàn toàn sự thật của cái gọi là cuộc cách mạng tháng 8 năm 1945. Nó chẳng qua là sự tráo trở, cướp công của tập đoàn Cộng sản do Hồ Chí Minh đứng đầu. Họ đã lợi dụng lòng khát khao độc lập của người dân, biến cuộc biểu tình ủng hộ chính quyền Trần Trọng Kim thành cuộc biểu tình ửng hộ Việt Minh. Chỉ có ông Hồ và đám đệ tử chân truyền của ông Hồ - nhờ Lênin và Liên Xô hướng dẫn để cướp chính quyền - mới biết ơn Liên Xô, còn dân tộc Việt Nam không những không có lý do gì để phải biết ơn Lênin và cuộc cách mạng tháng Mười, mà còn hận thù đến xương tuỷ những kẻ chủ xướng và theo đuôi chủ nghĩa phi nhân tàn bạo đã gieo lầm than cho đất nước hơn 6 thập niên qua. Cuộc cách mạng vô sản tháng Mười đã bị chính ông Gorbachev và đảng Cộng sản Liên Xô vứt vào xọt rác lịch sử từ năm 1991, thế mà ở Việt Nam, chính ủy Tô Huy Rứa lại cố ngụy biện bắt cả nước phải biết ơn Lênin và Liên Xô vĩ đại đã sụp đổ và bị cả thế giới lên án từ lâu.
Thứ hai, Tô Huy Rứa cho rằng chủ nghĩa tư bản đã phải trải qua 500 năm thăng trầm, điêu đứng trong khi chủ nghĩa xã hội chỉ mới ra đời chưa tới 100 năm, chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn và nhiều nước đã áp dụng nóng vội nên bị gặp khó khăn và thất bại. Tuy nhiên những khó khăn hay thất bại hiện nay chỉ là giai đoạn.
Ông Rứa cho là những khủng hoảng kinh tế - tài chánh hiện nay đã bộc lộ bản chất của chủ nghĩa tư bản là không thể nào giải quyết được những mâu thuẫn trầm trọng trong xã hội. Những điều chỉnh của chủ nghĩa tư bản hiện nay là chỉ tạo thêm những mâu thuẫn và xung đột gay gắt trong lòng xã hội tư bản để đưa đến cuộc cách mạng bùng nổ của lực lượng thợ thuyền, tìm trở về chủ nghĩa Mác trong một tương lai rất gần. Ông Rứa viện dẫn nhiều phát biểu của một số nhân vật để qua đó chứng mình rằng những điều ông Mác nói, hay Lênin chủ trương qua chính sách kinh tế mới (NEP) áp dụng từ năm 1920, đều có giá trị thực tiễn, nhưng vì các đảng Cộng sản đã quá nóng vội đốt giai đoạn, đồng thời không chú trọng công tác tư tưởng, lý luận và tổ chức nên đã thất bại.
Phần lý luận của ông Rứa trình bày ở trên là nói lấy được. Ông Rứa cho rằng những lý luận của Mác và Lênin không sai; chỉ có mấy đảng Cộng sản đã áp dụng sai nên thất bại và những thất bại ở Đông Âu hay ở Liên Xô không phải là tất cả. Ông Rứa cũng viện dẫn rằng những gì mà Trung Quốc, Cuba, Việt Nam đang cải cách “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” là đúng và sẽ không thất bại vì kinh tế đang tăng trưởng và xã hội ổn định.
Ông Rứa đã quên rằng, kinh tế của Việt Nam và Trung Quốc tăng trưởng trong thời gian qua không phải do áp dụng ưu việt chủ nghĩa Mác–Lênin, mà nhờ bãi bỏ nó và rập khuôn theo chủ nghĩa tư bản nên mới có kết quả như hiện nay. Nếu không thì đảng Cộng sản Việt Nam hay Trung Quốc đã sụp đổ từ lâu.
Thứ ba, Tô Huy Rứa cho rằng các chế độ cộng sản ra đời sau Thế chiến thứ hai còn non trẻ mà phải đối đầu với hai vấn đề sinh tử. Một là cải cách xã hội để giải phóng lực lượng sản xuất. Hai là chống trả lại những thế lực phản động. Các đảng Cộng sản đã đánh giá sai những “thế lực phản động” nên không ra sức phòng chống. Cho nên khi bị những khiếm khuyến ở bên trong mỗi đảng do bệnh quan liêu, chủ quan duy ý chí thì liền bị các thế lực phản động khai thác, tấn công nên không thể nào chống đỡ nổi mà tan rã. Tuy nhiên, ông Rứa lại khoe rằng chỉ có Việt Nam và Trung Quốc nhờ biết rút tỉa nhanh chóng bài học thất bại của Đông Âu và Liên Xô nên đã khôn ngoan vận dụng sáng tạo “chủ nghĩa Mác–Lênin” phù hợp với thực tiễn, đề ra các biện pháp đột phá để giải quyết các vấn đề của đất nước mình nên đã tồn tại. Từ đó ông Rứa tiếp tục khẳng định ông Mác đã nói rằng, trước sau con người cũng tìm về chủ nghĩa Mác vì những phát triển hiện nay của chủ nghĩa tư bản chỉ là bước phải đi qua trước khi bước lên thiên đàng xã hội chủ nghĩa “làm theo năng xuất hưởng theo nhu cầu”.
Sau khi đưa ra ba lập luận nói trên, để giữ vững truyền thống cách mạng tháng mười và bảo vệ xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam, Tô Huy Rứa đã phát động cái gọi là cuộc chiến chống các quan điểm sai trái ở bên trong và những thế lực thù địch bên ngoài.
Đối với bên trong, Tô Huy Rứa chỉ thị cho cán bộ tư tưởng phải tuyên truyền rằng sự sụp đổ của Đông Âu và Liên Xô chỉ là sự sụp đổ của một mô hình chủ nghĩa xã hội trong quá trình đi tới mục tiêu xây dựng xã hội chủ nghĩa. Nó không đồng nghĩa với sự cáo chung của chủ nghĩa xã hội mà loài người đang vươn tới. Tô Huy Rứa còn chỉ thị là phải tăng cường sự khẳng định “sức sống mạnh liệt và đời đời của chủ nghĩa Mác–Lênin” để tấn công lại những ai phê phán về chủ nghĩa Mác và Lênin.
Đối với bên ngoài, Tô Huy Rứa ra lệnh khai triển chỉ thị 34 của Ban bí thư ban hành ngày 17 tháng 4 năm 2009 là tăng cường đấu tranh chống âm mưu diễn biến hòa bình trên lãnh vực tư tưởng, văn hóa. Đặc biệt là tăng cường kiểm tra và theo dõi các dự án hợp tác với các tổ chức quốc tế, quản lý tốt đoàn ra, đoàn vào, đa dạng hóa các hoạt động tình báo để nắm bắt mọi âm mưu kích động chống đối từ bên ngoài vào trong nước.
Cốt lõi bài viết của Tô Huy Rứa vẫn là tìm cách loay hoay chứng minh chủ nghĩa Mác–Lênin là đúng đắn và là con đường phát triển sau cùng của chủ nghĩa tư bản để tiến lên xã hội xã hội chủ nghĩa. Do đó, Tô Huy Rứa hô hào: đừng có hoang mang mất niềm tin trước biến cố Đông Âu hay Liên Xô, mà hãy tin vào Mác, vào Lênin để cùng với Bắc Kinh tiến lên xã hội chủ nghĩa. Tội nghiêp thay cho chính ủy Tô Huy Rứa là Bắc Kinh trong nhiều năm qua đã không hề nhắc đến con đường này nữa. Trung Quốc đã không còn tin theo Mác, đã chấp nhận quyền tư hữu, đã cho trí thức, doanh nhân tham gia đảng để đưa đảng Trung Quốc nhập vào dòng chảy tư bản chủ nghĩa. Rõ ràng là lưỡi gỗ của chế độ đang cố gắng tự bịt mắt mình để trốn tránh sự thực phũ phàng trước dấu tích đào thải của lịch sử nhân loại đối với một chủ nghĩa tàn hại, mà lại còn oang oang là đã trông thấy rõ con đường “ắt phải đến” và còn buộc cả dân tộc phải cùng lấy tay bịt mắt. Nhưng những hoang tưởng của chế độ chỉ có thể lừa bịp được chính họ mà thôi.
Trung Điền
12/11/2009
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét