Trân Văn, phóng viên đài RFA 2009-11-15
Chính phủ Việt Nam vừa trình Quốc Hội dự án phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam. Theo đó, Việt Nam sẽ xây dựng một nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận và đưa vào sử dụng bốn lò phản ứng với công suất 4,000 MW trong giai đoạn từ 2020 đến 2022.
Cũng theo dự án này, đến năm 2025 Việt Nam sẽ xây dựng thêm bốn lò phản ứng nữa để nâng tổng công suất lên 8.000 MW.
Đã có khá nhiều chuyên gia, trí thức người Việt, ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam, trình bày sự lo ngại của họ và phân tích những rủi ro của dự án đầu tư vừa kể, đồng thời khuyến cáo các đại biểu quốc hội nên cân nhắc kỹ lưỡng khi biểu quyết phê duyệt dự án phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam.
Trong số này có Tiến sĩ Phùng Liên Đoàn, hiện cư ngụ tại Texas (Hoa Kỳ) từng là cố vấn cho Bộ Năng Lượng và Cơ Quan Giám Định Luật Lệ Hạt Nhân của Hoa Kỳ, đồng thời đã tham gia thiết kế bốn nhà máy điện hạt nhân, khảo cứu và phúc trình về sự an toàn và giá thành của điện hạt nhân so với các nguồn tạo điện khác, về hiện tượng hâm nóng khí quyển do việc sử dụng năng lượng toàn cầu, ông cũng là người đã tham gia tẩy uế phóng xạ tại 10 trung tâm nguyên tử khắp Hoa Kỳ.
Mời quý vị nghe cuộc trao đổi giữa Tiến sĩ Phùng Liên Đoàn với phóng viên Trân Văn của Đài Á Châu Tự Do (RFA)...
Xu hướng thời đại
Trân Văn: Thưa ông, Chính phủ Việt Nam cho rằng điện hạt nhân là xu hướng có tính tất yếu của thời đại nhằm bảo đảm yêu cầu cung cấp đủ điện cho các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đối với mọi quốc gia. Theo ông, quan niệm đó có chính xác không? Vào lúc này, nhìn trên bình diện toàn cầu, có đúng là điện hạt nhân đang được xem như xu hướng tất yếu của thời đại và có phải quốc gia nào cũng chọn hoặc sẽ chọn điện hạt nhân như giải pháp tối ưu để bảo đảm an ninh năng lượng?
TS Phùng Liên Đoàn: Cần phải cẩn thận khi nói "xu hướng của thời đại". Khi ta làm kinh tế và điều khiển một quốc gia thì ta phải để ý chuyện gì tốt nhất cho quốc gia, tốt nhất cho người dân của mình, còn nói xu hướng của thời đại là điện hạt nhân thì không đúng đâu, bởi vì người ta có rất nhiều cách có thể làm ra điện như là đốt bằng than, đốt bằng dầu, đốt bằng hơi khí, hoặc là dùng năng lượng tái tạo.
Nói "xu hướng của thời đại" thì không đúng, bởi vì trên thế giới có hơn 180 nước mà chỉ khoảng 36-37 nước có điện hạt nhân. Có thể nói những nước tân tiến, những nước giàu và có kỹ thuật cao thì họ có xu hướng làm điện hạt nhân, còn hầu hết các quốc gia khác trên thế giới thì làm chuyện dễ nhất trước, tức là họ tìm những nguồn năng lượng chung quanh, trong quốc gia của mình để sản xuất điện cho kinh tế của mình từ từ tăng lên trước khi nghĩ đến điện hạt nhân.
Lợi ích hay đua đòi
Trân Văn: Thưa Tiến sĩ, ngoài yếu tố “xu hướng có tính tất yếu của thời đại”, chính phủ Việt Nam cho biết rằng, quyết định lựa chọn việc phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam còn dựa trên các lợi ích về kinh tế, về môi trường, thậm chí là về xã hội nữa.
Chúng tôi được biết ông từng là tác giả một số bài viết, vừa tính toán, vừa phân tích sâu về các yếu tố vừa kể đối với Việt Nam, nếu Việt Nam chọn điện hạt nhân.
Ông có thể tóm tắt những phân tích và thông báo những tính toán của ông cho thính giả của Đài chúng tôi? Việc phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam có thực là sẽ đem lại những lợi ích to lớn và đa dạng?
TS Phùng Liên Đoàn: Đứng về phương diện kinh tế, tôi là một nhà kinh doanh, tôi đã có một công ty từ 26 năm nay và ngày nào cũng cọ xát với thị trường, thành ra vấn đề lợi nhuận, vấn đề tiền vô và tiền ra là một vấn đề rất quan trọng.
Đối với quốc gia thì cũng vậy. Điện hạt nhân đòi hỏi một thời gian rất dài, từ 10 cho đến 15 năm. Một nước bắt đầu muốn làm nhà máy điện hạt nhân phải có một nền tảng hạ tầng rất là lớn và tinh vi. Chỉ lớn không thì không đủ, còn phải rất tinh vi và có kỷ luật. Thành ra khi nói là dùng điện hạt nhân để kích thích kinh tế, môi trường và cả xã hội thì đó là một lời nói gần giống như là quảng cáo.
Muốn kích thích kinh tế, môi trường và xã hội thì phải nhìn rõ cấu trúc của kinh tế, của môi trường và xã hội của ta ra sao. Ta phải đi từ từ, từ những cái dễ nhất, theo phương pháp mình làm 10% mà có thể sửa sang được 90%. Về môi trường cũng vậy, ta hay bắt chước thiên hạ chứ không có những suy nghĩ riêng của ta. Thấy thiên hạ nói về môi trường, ta cũng nói môi trường, thấy thiên hạ nói hâm nóng khí quyển toàn cầu thì ta cũng tưởng là ta chọn điện hạt nhân để ta giúp cho khí quyển thế giới đỡ bị hâm nóng. Tuy nhiên đó chỉ là theo đòi người ta mà thôi. Môi trường khắp Việt Nam chỗ nào cũng đầy rác rưởi, rừng của ta bị đốn rất nhiều, những chuyện đó có liên quan gì đến điện hạt nhân đâu, đó là cách quản lý của ta thôi.
Ta không quản lý chuyện gần mà lại nói những chuyện đua đòi giống như Châu Âu: Đan Mạch, Thuỵ Điển, hoặc là Mỹ thì rất phiến diện. Đó là cách của những người không có hiểu biết thật sâu mà chỉ muốn đua đòi với những cái mới nhất, những cái “xôm” nhất trong thời đại mà thôi.
VN không thiếu năng lượng
Trân Văn: Thưa ông, dù sao thì tại Việt Nam vẫn đang tồn tại một thực tế mà không có bất kỳ ai, từ viên chức chính phủ cho đến dân chúng cảm thấy hài lòng, đó là tình trạng thiếu điện kéo dài, trong khi đó thì nguồn điện từ thuỷ điện được cho là đã khai thác hết mức.
Cách đây vài ngày, thậm chí Chính phủ Việt Nam còn cho biết là đang dự tính nhập khẩu than, nếu nghe ông và những người đồng quan điểm với ông, không chọn biện pháp phát triển điện hạt nhân thì Việt Nam làm sao có đủ lượng điện cần thiết để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội?
TS Phùng Liên Đoàn: Lời nói đó cũng không đúng! Mình còn nhiều cơ hội để sản xuất điện và tiết kiệm điện, để đỡ phải sản xuất điện. Ta có rất nhiều đập nước từ lớn tới nhỏ, xây một đập nước thì dễ hơn nhiều bởi vì rộng rãi, chủ yếu là dùng xi măng, cốt sắt và giải quyết các vấn đề địa chất. Trong khi xây cất nhà máy điện hạt nhân đòi hỏi những kỹ thuật rất cao, cao hơn cả những kỹ thuật về không gian, bởi vì nó có cả trăm ngàn yếu tố ở bên trong mà ta không thể làm nổi, phải nhập cảng hết.
Vậy thì tại sao ta lại không nhìn vào những nguồn năng lượng chung quanh ta? Nói là ta hết than thì chính phủ đã có những khảo cứu nào về than (?), đã cho những nhà khoa học Việt Nam và khoa học thế giới biết về lượng than của ta chưa?
Có một nguồn năng lượng mới là hơi khí! Từ xưa đến nay, ta vẫn nghĩ rằng hơi khí từ mỏ dầu hoặc là những mỏ ở dưới đất mà ra nhưng ngày nay, tại Mỹ có một phương pháp mới. Đó là họ dùng phương pháp khoan ngang, đào một giếng thật sâu, từ nhiều độ sâu khác nhau, họ khoan ngang ra nhiều cây số về bốn phía và họ tìm ra lượng trữ khí của Mỹ rất nhiều, nhiều đến nỗi mà giá của hơi khí tại Mỹ bây giờ tụt nặng, chỉ tương đương 30 đồng một thùng dầu, trong khi dầu nhập cảng thì từ 75 cho tới 80 đồng một thùng. Mỹ có chương trình thúc đẩy việc đốt hơi khí để làm điện. Nước Mỹ mà làm như vậy thì ta nên tự hỏi việc kiếm thêm nguồn năng lượng tại Việt Nam có dễ dàng hơn và có lợi hơn cho khoa học - kỹ thuật Việt Nam (?) và ta có thể tìm được nhanh hơn (?), hay là đi mua một nhà máy điện nguyên tử mà ta phải trả 100% tiền vốn, còn trong nước, ta không có kỹ thuật nào có thể đáp ứng được.
Bởi vậy cho nên tôi nghĩ là ta cần phải rất cẩn thận khi nhảy tới một kết luận rất là phiến diện, không có những dữ kiện thật tốt.
Cần phải để cho người dân và những nhà khoa học người Việt biết tất cả những chuyện đã xảy ra. Tôi không tin những tin tức là ta thiếu nguồn năng lượng ở Việt Nam.
Còn một thứ nữa, một cách mà người ta gọi là bảo tồn năng lượng, đó là phương pháp để dành. Việt Nam ta phí điện rất nhiều. Người ta dùng điện tăng 10% khi kinh tế tăng 10%, trong khi ta dùng điện tăng 20% mà kinh tế của ta chỉ tăng 10%. Đó là dùng điện rất phí.
Tôi để ý rằng, ta có bảy, tám phương pháp khác nhau để có thể bảo tồn và để dành điện, dùng điện một cách hữu hiệu hơn. Khi ta dùng điện một cách hữu hiệu hơn thì giá các nhà máy điện chỉ bằng 1/10 giá nhà máy nguyên tử thôi. Ta chưa khảo sát kỹ về những vấn đề đó mà đã nhảy lên là ta thiếu điện.
Sự thiếu điện ở Việt Nam ta do quản lý mà ra chứ không phải vì ta thiếu nguồn năng lượng.
Có nhiều rủi ro
Trân Văn: Thưa ông, sắp tới có thể Quốc hội Việt Nam sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc có lựa chọn điện hạt nhân, như một giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng cho Việt Nam hay không. Với tư cách một trí thức người Việt, có kinh nghiệm và hiểu biết về điện hạt nhân, ông có đề nghị gì với các đại biểu Quốc Hội Việt Nam không?
TS Phùng Liên Đoàn: Tôi nghĩ rằng các dân biểu quốc hội cần phải chất vấn chính phủ nhiều hơn, thay vì chỉ nghe trình bày một cách phiến diện, xong rồi cho đó là chính sách lớn của chính phủ và biểu quyết.
Một quốc hội đại diện cho người dân, làm chủ đất nước thì luôn luôn phải hạch hỏi chính phủ có làm đủ nghĩa vụ của chính phủ hay không. Nếu chính phủ không trả lời được thì phải đòi hỏi chính phủ tìm hiểu kỹ hơn, phải đòi hỏi có những phản biện của người dân, phản biện của giới khoa học để biết thật rõ ngọn nguồn.
Điện hạt nhân là một vấn đề rất vĩ đại, không phải là vấn đề an toàn! Rủi ro to nhất của điện hạt nhân là tốn quá nhiều tiền, mất rất nhiều thời gian và có thể là một mục tiêu cho sự phá hoại. Khi có chiến tranh thì đó là mục tiêu đầu tiên bị bắn phá. Người ta bắn phá không phải là để cho phóng xạ tuôn ra đâu! Người ta bắn phá để cho nhà máy chết đi, không sản xuất điện được nữa và như vậy, khi cả nền kinh tế phụ thuộc vào một nhà máy rất lớn như nhà máy điện hạt nhân, sẽ bị tê liệt. Chính vì lý do đó, đối với Việt Nam, nhà máy điện hạt nhân có rất nhiều rủi ro về an toàn cho quốc phòng và cho kinh tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét