2009/11/09

Thế Giới Sau 20 Năm Bức Tường Bá Linh Sụp Đổ








Ngày 9 tháng 11 năm 2009 đánh dấu đúng 20 năm ngày Bức Tường Bá Linh sụp đổ. Biến cố này đã không chỉ đánh dấu sự sụp đổ toàn diện khối Cộng sản Quốc tế, kết thúc chiến tranh lạnh vào năm 1991 mà còn tạo ra nhiều thay đổi lớn với sự xuất hiện của Toàn Cầu Hóa. Trong thời gian qua, người ta đã nói khá nhiều về những thay đổi của khối cộng sản quốc tế, nhất là sự hội nhập của những nước cựu cộng sản vào dòng chảy Toàn cầu hóa. Kính mời quý độc giả theo dõi bài phân tích của ông Lý Thái Hùng về những thay đổi của thế giới toàn cầu hóa trong 20 năm qua, nhân kỷ niệm ngày Bức Tường ô nhục đã đi vào ký ức của nhân loại.
Ban Biên Tập web Việt Tân

— -

Vào lúc 6 giờ 57 phút tối ngày 9 tháng 11 năm 1989, xướng ngôn viên đài truyền hình quốc gia Đông Đức đã đọc bản thông báo rất ngắn liên quan đến quyết định của Ban chấp hành Trung ương đảng Thống nhất xã hội chủ nghĩa Đức (đảng Cộng sản Đông Đức) do Tổng Bí Thư Egon Krenz ký, cho phép người dân Đông Đức có thể qua lại Tây Đức mà không cần phải xin phép. Đúng 11 giờ tối, toàn bộ các trạm kiểm soát dọc theo bức tường Bá Linh đã bỏ ngỏ, lính Đông Đức biến mất, hàng ngàn người dân Đông Bá Linh lũ lượt kéo sang Tây Bá Linh ăn kem và ca hát. Một số thanh niên đã leo lên bức tường Bá Linh nhảy múa. Một số người khác đã dùng búa đập phá một khoảnh của bức tường. Những hình ảnh này đã được truyền đi trên khắp thế giới ngay trong đêm hôm đó.

Bức tường Bá Linh đã được chính quyền Đông Đức dựng lên vào ngày 13 tháng 8 năm 1961, để ngăn chặn làn sóng tỵ nạn từ Đông Bá Linh chạy trốn sang Tây Bá Linh. Bức tường dài hơn 160 cây số gồm 45 cây số cắt ngang qua 200 con đường trong thành phố và 120 cây số bao quanh khu vực Tây Bá Linh tiếp giáp với Đông Bá Linh. Để kiếm soát bức tường này, Đông Đức đã xây 285 chòi canh tại những khu vực trọng yếu; nhưng đã có hơn 5 ngàn người vượt thoát thành công, hơn 200 người xấu số khác đã bị bắn chết ngay trên bờ tường hoặc khi mới vừa chạy qua chân tường phía Tây Bá Linh.

Bức tường không chỉ ngăn chận những cuộc đào thoát tìm tự do của người dân Đông Đức. Nó chính là thành lũy chia cắt Đông và Tây Đức, và là biểu tượng của những xung đột căng thẳng giữa hai khối Cộng sản (Liên Xô) và Tự Do (Hoa Kỳ) trong gần 30 năm (1961 – 1991) cho đến khi Liên Xô tan rã vào năm 1991. Do đó, sự sụp đổ của bức tường Bá Linh chính là hình ảnh tự huỷ diệt của Đông Đức và khối cộng sản quốc tế trước khát vọng tự do và dân chủ của người dân.

Trả lời cuộc phỏng vấn của báo Le Figaro, Pháp, trong số đặc biệt kỷ niệm 20 năm bức tường Bá Linh sụp đổ vào trung tuần tháng 10 năm 2009 vừa qua, ông Gorbachev cho biết bức tường Bá Linh sụp đổ là một sự kiện bất ngờ đối với ông vào lúc đó. Ông Gorbachev cũng cho biết là Liên Xô hoàn toàn không can dự gì về quyết định phá đổ bức tường vào năm 1989. Như vậy, sự sụp đổ bức tường Bá Linh, tuy nằm ngoài sự tính toán của các thế lực liên hệ, đặc biệt là từ Điện Cẩm Linh, nhưng chính diễn biến bất ngờ này đã là khởi điểm đưa đến việc kết thúc cuộc chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ và Liên Xô vào cuối năm 1991.

20 năm qua, kể từ khi bức tường Bá Linh sụp đổ, thế giới đã thay đổi rất nhiều. Những thay đổi này được ví như cơn bão, đánh bật gốc nhiều quan điểm từng chi phối nhân loại trong nhiều thập niên dài và bắt đầu sản sinh ra những quy ước mới do sự thắng thế của làn sóng tự do dân chủ và kinh tế thị trường.

Làn sóng dân chủ đã làm thay đổi cục diện chính trị của rất nhiều quốc gia và nâng cao giá trị nhân phẩm của con người. Theo báo cáo của Ủy Hội Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc thì trong vòng 20 năm qua đã có 90 quốc gia từ thể chế chính trị độc tài đã bước sang con đường dân chủ hóa, trong đó có 33 quốc gia từ độc tài quân phiệt và cộng sản sang chế độ dân chủ. Theo Tổ Chức Freedom House thì trong số 198 quốc gia và khu vực trên toàn thế giới, hiện có 130 quốc gia đã có bầu cử tự do. Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Hàn, Miến Điện, Cuba bị xếp vào loại quốc gia không có tự do. Hiện nay có hơn 51% nhân loại đang sống trong những xã hội có tự do dân chủ, 23% nhân loại đang sống trong xã hội được tự do dân chủ bán phần như Ấn Độ, Nam Hàn, Thái Lan… và còn khoảng 26% nhân loại đang mất tự do dân chủ như tại Trung Quốc, Bắc Hàn, Iran, Việt Nam….

Trong lãnh vực kinh tế, sự thắng thế của kinh tế thị trường đã giúp cải thiện mức sống của người dân và giảm bớt nạn nghèo đói trên thế giới rất nhiều. Một thước đo của sự cải thiện này là tỷ lệ những người sống với lợi tức dưới 2 Mỹ Kim/ngày - vào năm 1980 có đến 56% nhưng đến năm 2007 thì tỷ lệ này chỉ còn khoảng 17%. Ngoài ra, sự phát triển kinh tế của các quốc gia đã tăng đáng kể, từ năm 1990 đến năm 2008, GDP của Thế Giới tăng gấp 3 lần. Tổng số tiền trao đổi mậu dịch của các ngành công nghiệp tăng 25 lần.

Nhưng phải nói toàn cầu hóa là một biểu tượng mạnh mẽ nhất để nói đến sự thay đổi của thế giới sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ và chính nó đã mở ra một kỷ nguyên giao lưu rộng lớn, nhờ vào giá viễn thông càng ngày càng rẻ, do sự phát triển rộng khắp của vệ tinh, internet, cáp quang. Thật vậy, từ năm 1915 đến năm 1985, toàn cầu hóa hoàn toàn dừng lại với cuộc chiến tranh lạnh kéo dài. Trong thời kỳ này, giao dịch thương mại của thế giới chỉ diễn ra trong nội bộ của mỗi phe (phe Tư Bản, phe Cộng sản) hay giữa các Khối (Khối Tây Âu, Khối Đông Âu, Khối các nước phi liên kết). Tỷ lệ xuất khẩu so với GDP toàn thế giới giảm 5% bằng tỷ lệ xuất khẩu của năm 1870.

Trong tác phẩm Thế Giới Phẳng (The World Is Flat) xuất bản năm 2005, ông Thomas L. Friedman đã nói rõ hơn về những thay đổi của thế giới sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ. Đó là nhờ vệ tinh và internet, người ta đã có thể nối kết các hình ảnh, tin tức và những mẫu đối thoại từ nhiều nơi với nhau qua một màn hình phẳng, bất cứ lúc nào, ngày nào, mà không cần phải di chuyển như trước đây. Thế giới đã không còn là hình tròn (mọi giao dịch phải vượt qua đường chân trời bằng những con đường hàng hải) mà đã biến thành hình phẳng (tất cả mọi giao dịch đều xuất hiện trên những màn hình sống động). Thomas L. Friedman cho đó là Toàn Cầu Hóa với nhận định như sau: “mọi sự trao đổi của loài người đã không có gì ngăn cản nổi, được thúc đẩy bởi những bước tiến dài trong lãnh vực công nghệ, truyền thông, tài chánh…”.

Những thay đổi to lớn của thế giới do hai làn sóng dân chủ và kinh tế thị trường tạo nên sau biến cố Đông Âu vào năm 1989 được đẩy mạnh bởi kỹ thuật truyền thông hiện đại, đã tác động làm thay đổi mối tương quan giữa các khu vực với ba đặc điểm:

Thứ nhất, Hoa Kỳ đã trở thành một siêu cường không đối thủ trong 20 năm vừa qua.

Sự sụp đổ khối Cộng sản Liên Xô vào năm 1991 đã khiến Hoa Kỳ đã trở thành một siêu cường không đối thủ trên hầu hết các lãnh vực kinh tế, tài chánh, công nghệ, quân sự, văn hóa.... Mặc dù từ thập niên 70 trở đi, nền kinh tế, tài chánh và công nghệ của Hoa Kỳ đã bị Nhật Bản thách đố do sự phát triển nhanh chóng của nước này; nhưng Hoa Kỳ vẫn là quốc gia vượt trội mọi mặt, đặc biệt là lãnh vực IT và tài chánh vào lúc đó.

Sau khi mất mối đe dọa từ Liên Xô, Hoa Kỳ đã cho khai thác lãnh vực vệ tinh, computer và viễn thông vào nhu cầu thương mại, với sự xuất hiện của khu thung lũng điện tử ở San Jose (Silicon Valley), đã đẩy nhanh sự phát triển kinh tế ở Hoa Kỳ. Hoa Kỳ không chỉ đi đầu trong lãnh vực IT mà còn tiên phong trong ngành bảo hiểm, tài chánh, kỹ nghệ phim ảnh, giải trí. Nhờ những tiềm lực này mà GDP của Hoa Kỳ (14,441.00 tỷ Mỹ Kim năm 2008) không những luôn luôn đứng đầu thế giới mà còn gấp 3 lần so với quốc gia có GDP đứng hàng thứ hai (Nhật 4,910 tỷ Mỹ Kim năm 2008) hay thứ ba thế giới (Trung Quốc 4,327 tỷ Mỹ Kim năm 2008). Còn về sức mạnh quân sự và khả năng chiến đấu của Hoa Kỳ thì phải nói là không một quốc gia nào có thể sánh kịp. Chỉ qua sự ứng phó cuộc chiến tranh Iraq vào năm 2003, Hoa Kỳ đã chứng tỏ sức mạnh vượt trội của mình.

Vào năm 2003 ngay sau khi Hoa Kỳ chiếm Iraq, bình luận gia Fareed Zakaria của tờ Newsweek đã viết một bài trên tuần báo này đánh giá rằng kỷ nguyên hiện tại chỉ có thể được gọi bằng một cái tên duy nhất - thế giới đơn cực – một thời đại với một thế lực toàn cầu duy nhất. Vị thế của Hoa Kỳ là vô tiền khoáng hậu, không chỉ đơn thuần ở lãnh vực quân sự. Nền kinh tế của Hoa Kỳ bằng cả ba nước Nhật, Anh và Đức cộng lại. Tiến sĩ Fareed Zakaria còn cho rằng: “Hoa kỳ có một nền kinh tế năng động hơn bất cứ nơi đâu vì nhờ có một nền văn hóa linh hoạt hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới”. Vì thế mà các quốc gia đều sợ Mỹ vì sợ sẽ phải sống trong một thế giới được định hình và thống trị bởi một siêu cường duy nhất là Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, vị trí siêu cường của Hoa Kỳ đã bắt đầu suy thoái vì những mỏi mệt trong chiến tranh chống khủng bố từ năm 2000 và sự sụp đổ hệ thống tài chánh vào tháng 9 năm 2008. Hơn thế nữa, trong 20 năm qua, khi Hoa Kỳ tung hoành ở bên ngoài trong vai trò “cảnh sát quốc tế”, các quốc gia đang phát triển như Nam Hàn, Trung Quốc, Ấn Độ... đã học hỏi những ngành công nghệ của Hoa Kỳ, đặc biệt là lãnh vực IT để rút ngắn giai đoạn phát triển kinh tế. Ngày nay, chính những quốc gia này lại cạnh tranh với Hoa Kỳ và cả Tây Âu.

Từ năm 2006 trở đi, cán cân về tiềm lực của thế giới đã thay đổi. Tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ và cả Tây Âu đã liên tục sút giảm, trong khi các quốc gia Á Châu đã duy trì ở mức 7% hàng năm. Từ năm 1985 đến năm 2006, GDP của Hoa Kỳ liên tục giảm từ 26% xuống còn 21% GDP thế giới, trong khi Tây Âu lại giảm từ 28% xuống còn 20% GDP thế giới. Ngược lại GDP của các quốc gia vùng Đông Á và Đông Nam Á lại tăng từ 16% lên 28%.

Do đó mà Tiến sĩ Fareed Zakaira trong một tác phẩm mới nhận định về sức mạnh Hoa Kỳ xuất bản vào năm 2008 “The Post-American World (Thế Giới Hậu Mỹ)” đã cho rằng tuy Hoa Kỳ vẫn còn tiếp tục duy trì vị trí siêu quyền lực về chính trị - quân sự đối với thế giới; nhưng ở những lãnh vực công nghệ IT, tài chánh, mậu dịch, giáo dục, văn hóa.... đã mất dần sự độc tôn và đang phải chia xẻ cho những quốc gia khác.

Thứ hai là sự vươn dậy của Á Châu Thái Bình qua sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc và Ấn Độ.

Vào thời điểm 1990, tổng kim ngạch mậu dịch của vùng Á Châu Thái Bình Dương chỉ bằng một nửa của vùng Đại Tây Dương; nhưng đến năm 2005, Á Châu Thái Bình Dương đã trở thành vùng trao đổi mậu dịch sinh động, chiếm hơn một nửa tổng số mậu dịch trên toàn thế giới. Trong số 12 hải cảng hoạt động mạnh mẽ nhất thế giới thì ở Á Châu chiếm đến 9 hải cảng và đường hàng không xuyên qua các đô thị lớn ở Á Châu chiếm hơn một nửa chuyến bay trên thế giới.

Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn, Ấn Độ, Nam Dương đang dẫn đầu sự phát triển nhanh chóng ở Á Châu và đồng thời là những quốc gia đang vươn lên trở thành những nền kinh tế lớn của thế giới, thay thế vị trí của các nước Pháp, Anh, Đức, Ý trong khoảng 2 thập niên tới. Nhiều nhà kinh tế thế giới cho rằng, ba trong bốn nền kinh tế lớn nhất thế giới trong 2 thập niên tới nằm ngoài phương Tây (Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ). Và nền kinh tế của Hoa Kỳ, càng ngày càng được định hình mạnh mẽ hơn dưới sự chủ đạo của lực lượng di dân Châu Á chứ không phải lực lượng Âu Châu như thế kỷ 20.

Vào thập niên 80, Nhật Bản đã được đánh giá là nước có nền kinh tế phát triển nhanh nhất và người ta đưa ra dự kiến rằng thế kỷ 21 là thế kỷ của con cháu xứ Phù Tang. Tuy nhiên do sự sụp đổ thị trường địa ốc dẫn đến khủng hoảng hệ thống tín dụng, chứng khoán vào đầu thập niên 90 đã làm cho nền kinh tế Nhật Bản chao đảo trong hơn một thập niên sau đó. Sự khủng hoảng này đã làm cho Nhật Bản mất đà phát triển. Trong khi đó, với chủ trương biến Trung Quốc thành cơ xưởng sản xuất của thế giới, ông Đặng Tiểu Bình đã mở cửa đón nhận mọi nguồn đầu tư từ bên ngoài từ năm 1978. Nhờ vậy mà từ năm 1995 trở đi, xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ tăng 1,600%. Nước này sản xuất ra 2/3 số máy photocopy, đầu máy DVD và giày dép trên toàn thế giới. Tất cả 20 đô thị có sức phát triển mạnh nhất thế giới đều nằm ở Trung Quốc.

Trung Quốc cũng là nước đang nắm giữ tiền tệ lớn nhất thế giới. Dự trữ tính theo tỷ giá ngoại tệ của nước này là 1,5 nghìn tỷ Mỹ Kim, nhiều hơn 50% so với quốc gia xếp thứ hai là Nhật Bản và lớn gấp ba lần tổng dự trữ của cả Liên Minh Châu Âu gộp lại. Mặc dù Trung Quốc đang vươn lên thành một cường quốc kinh tế nhưng sẽ không có thể thế chỗ Hoa Kỳ ở vị trí siêu quyền lực vì hai lý do: 1/ Mức sống của người dân còn quá thấp và sẽ chỉ đạt 1/5 so với mức sống người dân Hoa Kỳ; 2/ Tình hình chính trị nội bộ rất bấp bênh với nhiều nguy cơ bùng vỡ nhiều phong trào đòi ly khai của các sắc tộc Tây Tạng, Tân Cương, Mông Cổ.

Ngoài ra, sau thời gian “ẩn mình” để tập trung cho phát triển trong 30 năm vừa qua, Trung Quốc đang bắt đầu trổi dậy vươn ra bên ngoài. Bề ngoài là truy tìm nguồn năng lượng để cung ứng cho nhu cầu phát triển công nghiệp, Trung Quốc đã dùng tiền và những quyền lợi kinh tế để gây ảnh hưởng đến những quốc gia chưa phát triển như tại Phi Châu, Nam Mỹ và một số quốc gia Á Châu nghèo như Miến Điện, Bangladesh, Lào, Căm Bốt và... Việt Nam. Những nỗ lực này của Bắc Kinh không ngoài mục tiêu là xây dựng thế “cường quốc” của mình để cạnh tranh với Hoa Kỳ trong vòng 40 năm tới.

Ấn Độ là quốc gia đông dân thứ hai sau Trung Quốc và đang là nền kinh tế có sức phát triển nhanh nhất thế giới hiện nay. GDP của Ấn Độ là 1,200 tỷ Mỹ Kim (2008) đứng hàng thứ 12 thế giới và chỉ xấp xỉ bằng 1/3 GDP của Trung Quốc. Người ta dự kiến là sức phát triển nhanh chóng của ba tổng công ty Tata, Mittal và Infosys đang góp phần đưa Ấn Độ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới vào năm 2030. Ngoài ra, Ấn Độ có một nền chính trị dân chủ tiến bộ với nếp văn hóa mang nặng tính khoan thứ và có quan hệ tốt với cả Anh lẫn Mỹ trong nhiều thập niên dài nên quốc gia này sẽ có sự phát triển ổn định hơn Trung Quốc.

Tóm lại, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ sẽ hợp cùng Nam Hàn, Nam Dương, Đài Loan, Thái Lan, Tân Gia Ba và Mã Lai để thúc đẩy sự hưng thịnh của Á Châu trong thế kỷ 21.

Thứ ba là sự phục sinh của người Hồi Giáo với những đe dọa của nạn khủng bố toàn cầu.

Trong khi Á Châu vươn lên phát triển kinh tế, kéo thế giới về với mình thì người Hồi Giáo lại hướng về Mecca để khẳng định bản sắc và sự tự tin của mình trong khẩu hiệu: “Hồi Giáo là giải pháp của sự phục sinh trong thế kỷ 21”. Đây không chỉ là khẩu hiệu mà còn là nỗ lực nhằm tái khẳng định lòng trung thành với Hồi Giáo của hàng tỷ tín đồ đang sống khắp nơi trên thế giới đề chối bỏ sự ảnh hưởng và chi phối của Phương Tây, đặc biệt là chối bỏ ảnh hưởng của văn hóa Mỹ.

Sự phục sinh Hồi Giáo còn là một nhu cầu chiến lược nhằm đáp ứng tỷ lệ tăng trưởng dân số của các quốc gia Hồi Giáo trong vòng 3 thập niên qua. Năm 1980, người Hồi Giáo chiếm 18% dân số thế giới. Năm 2000 chiếm 20% và đến năm 2005 chiếm 35%. Hiện nay cứ 4 người thì có 1 người là Hồi Giáo. Sự gia tăng dân số nhanh chóng này đã đưa đến hai hệ quả: 1/ Số người ở tuổi vị thành niên chiếm một tỷ lệ quá lớn, thiếu cân đối; 2/ Tỷ lệ những người có học gia tăng ở các xã hội Á Rập tạo ra khoảng cách giữa thế hệ thanh niên biết chữ và thế hệ già mù chữ nhưng nắm chính quyền, tạo ra sự cách biệt về kiến thức và quyền lực, tạo ra những sức ép lên hệ thống chính trị của khối Hồi Giáo.

Một thiểu số Hồi Giáo cực đoan - đặc biệt là ở vùng Trung Á và Trung Đông vốn chỉ trung thành với bộ tộc và gia đình của mình hơn là đối với quốc gia - đã lợi dụng tình hình nói trên để kích động cuộc thánh chiến chống lại Phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ. Nhóm Hồi Giáo này cho rằng, nhà nước và những luật pháp quốc gia là sản phẩm của đế quốc phương Tây. Nhà nước có chủ quyền là không phù hợp với tín ngưỡng và chủ quyền của thánh A-la. Giống như một phong trào cách mạng, trào lưu chính thống của Hồi Giáo là khước từ một nhà nước để đổi lấy sự thống nhất của đạo Hồi cũng như chủ nghĩa Mác đã khước từ nó để ủng hộ cho sự đoàn kết của vô sản quốc tế.

Cái nguy hiểm của sự phục hưng khối Hồi Giáo là không có một quốc gia nào đủ mạnh để kiềm chế các nhóm, các nước Hồi Giáo khác tuân thủ theo một trật tự chung. Đã có 6 nước Hổi Giáo như Nam Dương, Ai Cập, Iran, Pakistan, Á rập Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ được nhắc đến như là những nước có thể lãnh đạo thế giới Hồi Giáo; nhưng ở thời điểm hiện nay không có quốc gia nào đủ điều kiện để trở thành một nước chủ chốt có khả năng cầm chịch quyền lực và nhất là không có khả năng thuyết phục thiếu số Hồi Giáo cực đoan chấm dứt những hoạt động khủng bố nhằm đe dọa phương Tây.

Cuộc cách mạng Hồi Giáo tại Iran vào năm 1979 được coi là khởi điểm của những xung đột giữa khối Hồi Giáo quá khích với Hoa Kỳ nói riêng và cả Phương Tây nói chung. Từ đó cho đến nay, cuộc xung đột đã mở rộng ra cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991, cuộc đánh bom Trung Tâm Thương Mại Thế Giới ở Hoa Kỳ năm 2001 và cuộc chiến tại A Phú Hãn và Iraq từ năm 2003… Đây là cuộc chiến huỷ hoại không nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm.

*

Hai mươi năm qua, sự phát triển kinh tế và đô thị hóa nếp sống tại các quốc gia Châu Á đang từng bước phá vỡ nền tảng chính trị quốc tế trên ba bình diện:

1/ Phát triển kinh tế giúp cho các quốc gia Á Châu gia tăng khả năng quân sự của mình, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản sẽ làm cho mối tương quan giữa các nước này không chắc chắn và có thể tạo ra những xung đột do sự dồn nén từ thời chiến tranh lạnh.

2/ Phát triển kinh tế sẽ giúp cho các quốc gia Á Châu tăng cường tư thế chính trị trên diễn đàn quốc tế vì vậy mà các quốc gia Châu Á không còn để cho Hoa Kỳ áp chế như trước, nên sẽ làm gia tăng các cuộc xung đột giữa Hoa Kỳ với xã hội Châu Á.

3/ Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc – cường quốc số một của Á Châu - sẽ mở rộng ảnh hưởng trong khu vực, đặc biệt là đối với Biển Đông và vùng bán đảo Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia và Miến Điện) đe dọa sự độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia liên hệ.

Những thay đổi nói trên đã làm cho những ai quan tâm đến tương lai Việt Nam đều không thể nào an lòng. Mặc dù Việt Nam đang cố đẩy mạnh phát triển kinh tế và cố vươn ra với thế giới bên ngoài; nhưng phải nói là sự phát triển và khả năng cạnh tranh của Việt Nam còn quá yếu vì tầm nhìn của cấp lãnh đạo chỉ quanh quẩn trong ao vườn. Họ chủ trương là phải mở mắt đi ra với Biển Đông hầu vươn tới nhân loại; nhưng trong thực tế, họ lại dâng biển cho Tàu khai thác, trong khi cấm dân ta không được tự do đi lại khai thác.

Tư duy của thế kỷ 21 là khai phóng, mở rộng và phát triển. Những gì đi ngược lại nguyên tắc này, sớm muộn gì cũng đào thải. Muốn khai phóng thì phải tự do. Muốn mở rộng thì phải dẹp bỏ giáo điều. Muốn phát triển phải nâng cao dân trí. Cộng sản Việt Nam không có khả năng để thực hiện ba điều này vì tham quyền cố vị và không muốn ai giỏi hơn họ. Đó là cái nhục của nước ta nhân dịp nhìn lại 20 năm thay đổi của Thế giới từ khi Bức Tường Ô Nhục Bá Linh sụp đổ.

Lý Thái Hùng
Ngày 9/11/2009

Tài liệu tham khảo:
- Fareed Zakaria. “The Future of Freedom”. W.W. Norrion & Company, New York-London, 2003
- Fareed Zakaria. “The Post-American World”. W.W. Norton & Company, New York-London, 2008
- Samuel Hungtington. “The Clash of Civilizations and The Remarking of World Order”. Simon and Schuster, Inc., 1996
- Thomas L. Friedman. “The World Is Flat”. Farrar, Strause and Giroux, 2005
- Nhìn lại 20 năm.
- Kinh nghiệm Đông Âu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét