2009/10/28

Tuyên Dương Vedan: Cá Tháng 10 Tại Việt Nam?


Trong danh sách tuyên dương “100 sản phẩm an toàn vì sức khoẻ cộng đồng năm 2009”, Cộng sản Việt Nam đã vinh danh 3 sản phẩm của công ty Vedan, một công ty liên doanh của người Đài Loan đã từng thải hóa chất bừa bãi ra sông Thị Vải gây ô nhiễm và đe dọa môi trường sống cho hàng triệu người thuộc ba tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Sài Gòn trong các năm vừa qua. Khi tin tức nói trên được loan tải trên báo chí, mọi người tưởng là chuyện đùa vì cho đến nay công ty Vedan vẫn từ chối bồi thường thiệt hại cho nông dân ba tỉnh lên đến 600 tỷ đồng, tương đương 34 triệu Mỹ Kim.

Công ty Vedan chuyên sản xuất bột ngọt và tinh chế bột, thức ăn gia súc, phân bón v.v… được thành lập vào năm 1991 tại xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Đến năm 1994, ngay sau khi đi vào hoạt động chính thức, công ty đã thải chất cặn bã gây ô nhiễm môi trường sông Thị Vải làm thuỷ sản chết hàng loạt. Cộng sản Việt Nam đã yêu cầu công ty Vedan ngưng hoạt động một thời gian để cải thiện ô nhiễm môi trường; nhưng chỉ ba tháng sau, công ty Vedan đã được phép hoạt động trở lại và tiếp tục gây ô nhiễm dòng sông Thị Vải.

Đến năm 2005, tình trạng ô nhiễm trên dòng sông Thị Vải ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy sản của nông dân một cách trầm trọng; Cộng sản Việt Nam ra lệnh công ty Vedan xử lý ô nhiễm, nhưng công ty này chỉ chấp nhận bồi thường 15 tỷ đồng và tiếp tục hoạt động. Tháng 7 năm 2005, công ty Vedan bị xử phạt vi phạm hành chính 9 triệu đồng và được yêu cầu khắc phục ô nhiễm cũng như hoàn thành các công trình xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn Việt Nam. Nhưng thay vì khắc phục ô nhiễm, công ty này đã thiết kế và lắp đặt hệ thống xả nước thải một cách tinh vi che mắt sự kiểm soát của nhà cầm quyền. Công ty Vedan đã lắp đặt hệ thống bơm nước thải sâu dưới đất dài 2,2 cây số và trụ bơm thoát nước được cắm sâu xuống sông Thị Vải đến 8 mét. Với sự che giấu này, tận dụng lúc trời tối, công ty đã xả nước thải chưa qua giai đoạn xử lý xuống sông, mỗi tháng tới 44,800 mét khối.

Sự che giấu của công ty Vedan nói trên đã bị phát hiện vào năm 2008. Cộng sản Việt Nam ra lệnh cho công ty này ngưng hoạt động, tháo gỡ toàn bộ hệ thống ống ngầm và nộp phạt vi phạm hành chính 267 triệu đồng. Cộng sản Việt Nam còn ra lệnh cho công ty Vedan bồi thường thiệt hại cho 11 ngàn đơn kiện của nông dân ba tỉnh với số tiền lên đến 600 tỷ đồng. Năm 2009, công ty Vedan tuyên bố rằng họ sẽ dời công ty sang nước khác nếu không cho tiếp tục hoạt động và không trả tiền bối thường 34 triệu Mỹ Kim theo như đề nghị của các nông dân ba tỉnh vì cho là quá cao và chỉ bồi thường ở mức 1 triệu 400 ngàn Mỹ Kim mà thôi.

Trong khi vụ án của công ty Vedan chưa ngã ngũ thì ban tổ chức giải thưởng “100 sản phẩm an toàn vì sức khoẻ cộng đồng” lại công bố công ty này có ba sản phẩm gồm Bột ngọt Vedan, Vedan hạt nêm thịt heo và tinh bột biến đổi. Được biết, những công ty muốn tham gia để được tuyên dương thì phải ký hợp đồng, hỗ trợ ban tổ chức tổng cộng 30 triệu đồng để gọi là "phục vụ công tác tổ chức, xét tặng, truyền thông và lễ tuyên dương giải thưởng". Ban tổ chức giải thưởng này do Trung tâm tư vấn phát triển thương hiệu và chất lượng thành phố Sài Gòn chủ trì cùng với sự tham vấn của Bộ khoa học công nghiệp, Bộ y tế, Bộ công thương. Với sự liên hệ của ba bộ quan trọng trong vấn đề sản xuất các sản phẩm tiêu thụ, ban tổ chức giải thưởng có một ảnh hưởng rất lớn lên các công ty liên hệ.

Nhưng khi tin tức ba sản phẩm của công ty Vedan được tuyên dương loan tải vào chiều ngày 26 tháng 10 thì dư luận đã nổi lên làn sóng phản đối rất mạnh mẽ, khiến cho ông Ngô Quý Việt, tổng cục trưởng tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã phải họp báo cho rằng việc trao giải thưởng cho Vedan là sai sót của ban tổ chức. Trước áp lực này, Bộ y tế cũng đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác của ông Hoàng Thủy Tiến, cục phó cục an toàn vệ sinh thực phẩm, người đã ký vào bản tuyên dương 3 sản phẩm công ty Vedan. Bộ khoa học công nghệ thì ra chỉ thị cho ban tổ chức phải thu hồi lại giấy tuyên dương đã cấp cho công ty Vedan. Nhưng đại diện công ty Vedan phản đối cho rằng họ không trả lại giải thưởng vì khi bình chọn giải thưởng phải có những tiêu chỉ cụ thể cho từng loại sản phẩm, và bây giờ rút lại cũng phải có tiêu chỉ đàng hoàng.

Trong khi đó, đại diện cho ban tổ chức giải thưởng là ông Bùi Văn Quyền (Bộ Khoa học công nghệ) nói rằng trong đêm trao giải thưởng không có trao cho công ty Vedan và đại diện công ty Vedan chỉ lên sân khấu ủng hộ tiền cứu trợ nạn nhân bão lụt miền Trung. Bà Nguyễn Thị Sinh, giám đốc Trung tâm tư vấn phát triển thương hiệu và chất lượng tại Sài Gòn và cũng là Trưởng ban tổ chức giải thưởng, thì đỗ lỗi do sai sót của nhân viên đánh máy đã nhầm lẫn khi đưa danh sách đề cử và danh sách doanh nghiệp đoạt giải lên trang web. Trong khi đó, ông Yeh Sheau Yeh, giám đốc công ty Vedan thì khẳng định là họ được nhận 3 chứng chỉ tuyên dương ba sản phẩm từ ban tổ chức.

Những loay hoay giải thích và phủi tay trách nhiệm của cán bộ Cộng sản Việt Nam liên quan đến việc cấp 3 chứng chỉ tuyên dương công ty Vedan đã cho thấy ra ba điều:

Thứ nhất là con vi khuẩn coi thường dư luận của những cán bộ trách nhiệm liên quan đến những vấn đề sức khoẻ của người dân đã ở mức miễn nhiễm. Họ có thể giải thích bất cứ những lý do gì để chạy tội cho họ. Bà Nguyễn Thị Sinh, trưởng ban tổ chức giải thưởng đã phủi tay khi đổ lỗ lỗi cho người đánh máy giống như trường hợp Đào Duy Quát đã đổ lỗi cho cậu thanh niên đánh máy khi đưa bản tin ca ngợi hải quân Trung Quốc tập trận ở Hoàng sa.

Thứ hai là hệ thống tham nhũng chằng chịt trong các cơ chế. Mỗi công ty muốn tham gia vào việc bình chọn phải đóng cho ban tổ chức 30 triệu. Công ty Vedan chắc chắn đã phải đóng một số tiền gấp nhiều lần để không chỉ được ghi vào danh sách đề cử, mà còn được nhận 3 chứng chỉ chứng nhận ở phía sau hậu trường, do đại diện Bộ y tế ký. Công ty Vedan đã dùng tiền để mong xóa tội lỗi của họ đối với công chúng Việt Nam qua các quan tham ở Sài Gòn.

Thứ ba là lễ trao giải thưởng diễn ra tối ngày 11 tháng 10, nhưng đến hai tuần sau mới công bố lên báo chí (26/10), cho thấy là ban tổ chức muốn đặt dư luận vào chuyện đã rồi trong sự đồng tình của cán bộ lãnh đạo các Bộ. Nghĩa là họ mua thời gian để không tạo cho dư luận quan tâm ngay vào kế hoạch “bán giải thưỏng” của ban tổ chức cho công ty Vedan. Nhưng điều mà Cộng sản Việt Nam không ngờ là sức mạnh của truyền thông ngoài luồng đã góp phần kích lên sự phẫn nộ của dư luận, khiến cho chế độ không thể làm ngơ các tội ác của ban tổ chức giải thưởng.

...Cộng sản Việt Nam càng ngày càng đối diện với những phanh phui của dư luận về những sai trái của chính họ mà không còn có thể che giấu hoặc bưng bít như trước đây.

Tóm lại, qua vụ án Vedan cho chúng ta thấy là Cộng sản Việt Nam càng ngày càng đối diện với những phanh phui của dư luận về những sai trái của chính họ mà không còn có thể che giấu hoặc bưng bít như trước đây. Đây chính là những diễn biến mang tính “tự diễn biến” trong hệ thống độc tài mà họ đã không chịu nhìn ra, cứ đi đổ lỗi cho các thế lực thù địch bên ngoài kích động. Vụ án Vedan, như nhận xét của đại biểu quốc hội Nguyễn Đỉnh Xuân là chuyện đùa dai của chế độ, ngu xuẩn tới độ người ta tưởng Ngày Cá Tháng Tư (April Fool’s Day) đang xảy ra vào tháng 10 tại Việt Nam.

Trung Điền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét