2009/10/04
Thua Cả Miến?
Ngày 22 tháng 9 năm 2009, chính quyền tỉnh Shan của Miến Điện ra thông báo cho hay rằng, họ sẽ trục xuất tất cả những người Trung quốc cư ngụ bất hợp pháp tại khu tự trị Kokang. Bản thông báo của chính quyền tỉnh Shan nói rõ rằng, nội trong ba ngày, kể từ 25 tháng 9 năm 2009, những người Trung Quốc không có giấy phép cư trú thì phải rời khỏi vùng Kokang. Nếu bất tuân sẽ bị bắt và bị nghiêm phạt.
Trong suốt mấy chục năm qua, Bắc Kinh vẫn áp dụng cùng một chính sách “tằm ăn dâu” như đã và đang làm dọc theo biên giới với Việt Nam. Đó là xóa mờ dần ranh giới bằng cách thúc đẩy nông dân trồng cấy lấn dần qua đất Miến và khuyến khích nhiều người Hoa vượt biên giới sang làm ăn buôn bán rồi ở lại luôn.Nhưng từ khi chính quyền quân phiệt Miến Điện bị hầu hết thế giới phong tỏa nên lệ thuộc hẳn vào Trung quốc thì người Tàu vượt biên giới sang sống ở vùng Kokang một cách ngang nhiên, không còn lén lút như trước nữa. Tuy sống bất hợp pháp, nhưng họ chẳng sợ ai, kể cả luật pháp. Họ biết chính quyền địa phương chẳng dám làm gì vì đụng đến họ là động đến chính Bắc Kinh. Khối người cư ngụ bất hợp pháp này ngày càng xem thường luật pháp, hống hách, và gia tăng nhanh chóng. Hơi có chuyện xích mích với người dân địa phương là họ sẵn sàng kéo hàng đoàn đến sử dụng bạo lực. Thái độ ngang ngược và côn đồ đó giống hệt những gì đang thấy tại các “khu phố Tàu” của người lao động Trung quốc trên đất Việt Nam như tại một số vùng thuộc Thanh Hóa, Tây Nguyên, v.v.
Khi thông báo này mới được phổ biến, cộng đồng người Hoa ở vùng Kokang tưởng chỉ để hù dọa. Nhưng khi thấy lực lượng an ninh Miến Điện được điều động đến, thì họ bắt đầu xôn xao lên và nhận ra rằng Miến Điện làm thật chứ không phải hù dọa. Và thế là dẫn đến phản ứng của Bắc Kinh.
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo của đảng Cộng sản Trung quốc ngày 28 tháng 9 đã đăng tin: chính quyền tỉnh Vân Nam (thuộc Trung quốc) đã phải tăng cường thêm quân đội để phòng giữ hành lang biên giới Trung-Miến. Lý do là vì đang xẩy ra xung đột giữa quân đội Miến Điện với lực lượng vũ trang dân tộc thiểu số ở khu vực Kokang. Và vì những cuộc chạm súng này, hơn 1 vạn người Kokang phải vượt biên giới chạy sang lánh nạn ở Lâm Thương, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Ngày hôm sau, Tân Hoa Xã loan tin số người vượt biên lánh nạn đã lên đến 30 ngàn người. Chính quyền tỉnh Vân Nam phải dựng lên 7 trạm tiếp cư để thu nhận người lánh nạn.
Giới quan sát quốc tế đang đặt nhiều dấu hỏi về các bản tin khác thường này. Trước hết, các cơ quan truyền thông của Trung quốc xưa nay không loan tải các tin tức về nội tình Miến Điện. Nếu có nhắc đến đất nước này người ta chỉ nghe một bài bản của Bắc Kinh rằng Miến Điện rất “ổn định”và còn lên án mọi tin tức về các hoạt động chống lại chế độ độc tài tại đây chỉ là trò tuyên truyền của những thế lực thù địch quốc tế. Nay tại sao Bắc Kinh lại bất ngờ phá lệ?
Dấu hỏi thứ hai là ai đang trang bị súng ống cho nhóm gọi là “lực lượng vũ trang dân tộc thiểu số vùng Kokang”. Đây là một vùng sâu trong đất liền và chỉ giáp ranh với Trung Quốc. Nên phải chăng đây chính là lính Trung Quốc mượn áo thiểu số người Hoa sống trong vùng Kokang?
Người ta cũng lấy làm lạ là tại sao dân chúng vùng Kokang, đa số là người Miến, nói tiếng Miến, lại chạy sang nước Tàu xa lạ để lánh nạn chiến tranh. Ngoài “nhóm vũ trang thiểu số” ra, đa số dân thường không có lý do để sợ bị lính Miến tàn sát. Lẽ ra họ phải chạy sâu vào đất Miến bên ngoài vùng Kokang mới đúng. Tương tự như tại sao dân chúng Việt Nam lại chạy sang Tàu lánh nạn khi Trung Quốc và Việt Nam giao tranh năm 1979. Do đó, giới quan sát viên quốc tế tin rằng con số 30 ngàn người trong bản tin Tân Hoa Xã chính là số dân và cán bộ Trung Quốc được thúc giục lấn sang đất Miến và nhập cảnh bất hợp pháp trong những năm qua, nay bị đẩy về. Và nay Bắc Kinh tỉnh bơ gọi họ là dân Miến để bằng mọi cách đưa họ “hồi hương”. Đây là thủ thuật của Bắc Kinh mà có lẽ dân tộc Việt chúng ta cần ghi nhớ, vì không có lý do gì khiến Bắc Kinh không đem ra áp dụng dọc theo biên giới Việt – Hoa. Ngoài các dấu hỏi nêu trên, điều làm nhiều người ngạc nhiên là thái độ dứt khoát của giới cầm quyền Miến Điện, đặc biệt nếu so với những người đang cầm quyền tại Việt Nam. Cả hai chế độ đều độc tài và đều lệ thuộc vào Trung Quốc. Có lẽ chính xác hơn phải nói Ngưỡng Quảng lệ thuộc Bắc Kinh hơn Hà Nội gấp chục lần vì đang bị cô lập gần như hoàn toàn bởi cả thế giới và vì hạ tầng kinh tế vô cùng kiệt quệ. Nhưng khi sự lấn lướt của ngoại bang đã lên đến mức xâm phạm chủ quyền quốc gia, chính quyền Than Shwe đã dám lấy quyết định và hành xử đúng vai trò của một chính phủ.
Tại Việt Nam, khi tin tức và những vụ bạo hành của công nhân Trung Quốc tại các “khu phố tàu” được loan tải, người ta chỉ thấy các quan chức Việt đua nhau lên tiếng than vãn không biết trách nhiệm thuộc về cơ quan nào và không rõ ngay cả hiện có bao nhiêu “công dân Trung Quốc” sống công khai trên đất Việt. Và sau đó cả hệ thống nhà nước, từ thấp đến cao, không một ai dám ra một biện pháp hay lấy một quyết định nào; ngoại trừ việc báo chí đột nhiên im lặng không nhắc tới các khu vực công nhân Trung Quốc đang sinh sống nữa.
Điều lạ sau cùng: các quan chức CSVN than vãn rằng họ không thể kiểm tra được khối người Hoa khi hầu hết những người này đều có khuôn mặt lạ và nói loại ngôn ngữ lạ so với người Việt và họ thường sống tập trung vào từng khu với nhau. Trong khi đó công an của chế độ lại được trải ra khắp nơi, theo sát từng giờ; rành rẽ từng bước đi, từng nơi đến, từng lời nói, từng bài viết của những người yêu nước mang giòng máu Việt đang phản đối chính sách Đại Hán xâm thực của Bắc Kinh. Và sẵn sàng có ngay các quyết định bắt giữ dù là ngày hay đêm.
Hiện tượng Tránh Người Lạ - Bắt Người Quen này quả thật đã đặt Việt Nam ở hàng dưới cả Miến Điện trong các thống kê “nhục quốc thể” của nhân loại ngày nay.
Ngô Văn
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét