Hơn một trăm năm sau cuộc chiến tranh Nha Phiến (với Anh Quốc vào năm 1839) và non 40 năm sau sự tan rã của nhà Thanh (do cuộc cách mạng Tân Hợi vào năm 1911), Hoa Lục đã tái sinh trong một thể chế mới: Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa vào ngày 1 tháng 10 năm 1949, sau khi phe Quốc Dân Đảng bỏ Hoa Lục chạy sang đảo Đài Loan.
Khi đảng Cộng sản Trung Quốc lên nắm giữ quyền lực, Hoa Lục là vùng đất nghèo nàn và lạc hậu. Lợi tức bình quân hàng năm trên đầu người không tới 60 Mỹ Kim. Trong bối cảnh đó, tại Hội nghị lần thứ 3, Trung ương đảng Cộng sản khóa 7 vào tháng 6 năm 1950, Mao Trạch Đông đã tuyên bố rằng “Việc nhanh chóng tiêu diệt chủ nghĩa tư bản để gấp rút xây dựng xã hội chủ nghĩa là con đường hoàn toàn sai lầm vì không thích ứng với tình hình Hoa Lục vào lúc này. Quốc hữu hóa các công ty tư nhân và hợp tác hóa nông nghiệp sẽ không tiến hành ngay mà cần một thời gian từ 5 đến 10 năm cho đến khi nào chính quyền xây dựng được nền tảng “dân chủ xã hội chủ nghĩa” ổn định”.
Nhưng đây chỉ là những tuyên bố mang tính phủ dụ vì trong thực tế họ Mao đã cho tiến hành chính sách cải tạo — như Cộng sản Việt Nam đã từng làm đối với người dân miền Nam Việt Nam ngay sau tháng 4 năm 1975 — đàn áp những người có liên hệ đến Quốc Dân Đảng hoặc không ủng hộ đảng Cộng sản Trung Quốc trong thời chiến tranh với Tưởng Giới Thạch. Mao Trạch Đông đã giết khoảng 12 triệu người gọi là “thành phần phản động” từ năm 1950 đến năm 1952.
Sau khi tiêu diệt xong “phản động”, tháng 9 năm 1952, Mao Trạch Đông đã đề xướng “Thời Kỳ Quá Độ”, nói ngược lại những gì mà họ Mao đã tuyên bố trước đó, bắt đầu kế hoạch cải tạo toàn diện xã hội Trung Quốc theo con đường tập trung hóa về nông nghiệp, công thương nghiệp theo từng kế hoạch 5 năm. Cũng trong giai đoạn này, họ Mao đã đưa ra những tư tưởng chỉ đạo về cải tạo tư tưởng xã hội qua các chủ thuyết về Mâu Thuẫn Luận, Thực Tiễn Luận và Trì Cửu Chiến. Những chủ thuyết này của họ Mao đã trở thành kinh điển không chỉ của đảng Cộng sản Trung Quốc mà còn được các đảng Cộng sản tại Việt Nam, Lào, Bắc Triều Tiên, Campuchia học tập trong suốt những năm hậu bán thế kỷ 20. Qua tư tưởng chỉ đạo của họ Mao, đảng Cộng sản Trung Quốc đã dẫn dắt Hoa Lục trải qua hai thời kỳ thăng trầm trong 60 năm vừa qua: 1/ Thời kỳ thứ nhất từ năm 1949 cho đến năm 1978 và 2/ Thời kỳ thứ hai từ năm 1979 đến năm 2009.
Thời kỳ từ năm 1949 đến năm 1978, Hoa Lục chìm đắm trong những đấu đá quyền lực.
Đây là giai đoạn mà xã hội Hoa Lục bị rối loạn một cách khủng khiếp do tham vọng nắm độc tôn quyền lực và phóng nhanh trên con đường xã hội chủ nghĩa đặc thù Trung Quốc của họ Mao qua hai chính sách Bước Nhảy Vọt và Cách Mạng Văn Hóa. Cả 2 chiến dịch này đã trở thành ác mộng cho nhiều thế hệ người dân Hoa Lục. Bước Nhảy Vọt được họ Mao cho đẩy mạnh trong hai năm 1958 và 1959 trong khuôn khổ bần cùng hóa xã hội, đã kéo Hoa Lục từ một quốc gia vốn dĩ nghèo nàn trở về thời kỳ hoang dã với nạn thiếu đói cùng cực. Hàng chục triệu trẻ em chết vì suy dinh dưỡng, hàng triệu người khác chết vì đói, bệnh tật. Từ năm 1959 đến năm 1962 đã có khoảng 45 triệu người chết vì chính sách Bước Nhảy Vọt.
Trước thảm cảnh này, một số lãnh đạo đảng bắt đầu phê phán tư tưởng của họ Mao và đòi phải chấm dứt Bước Nhảy Vọt. Họ Mao bị thất sủng phải nhường quyền cai trị cho Lưu Thiếu Kỳ. Họ Lưu lập tức khởi động chính sách hiện đại hóa, để cứu vãn tình trạng suy thoái. Nhưng Lưu Thiếu Kỳ chưa ra thu gặt kết quả thì họ Mao phát động cuộc Cách Mạng Văn Hóa từ năm 1966 kéo dài đến năm 1976, nhằm loại trừ phe nhóm Lưu Thiếu Kỳ, giật lại quyền lực và đưa Hoa Lục trở lại con đường “Hồng Hơn Chuyên”.
Trong mười năm của cuộc Cách Mạng Văn Hóa, họ Mao đã giết khoảng 25 triệu người, làm thiệt hại khoảng 50 tỷ Nhân dân tệ và biến 200 triệu người thành nạn nhân của đấu tố và các trại lao cải tại khắp các vùng nông thôn.
Đối với thế giới bên ngoài, họ Mao tiến hành chủ trương “Ai Thắng Ai” bằng con đường đối nghịch với Liên Xô và đối đầu với Thế giới tự do do Hoa Kỳ dẫn đầu. Hậu quả là Hoa Lục bị bao vây và trở thành một ốc đảo trong bần cùng. Lợi tức bình quân tính trên đầu người vào lúc này được ước tính không quá 50 Mỹ kim một năm. Đầu thập niên 1970, họ Mao đã thay đổi quan điểm đối ngoại, bắt tay với Hoa Kỳ để tạo thành phòng tuyến chống Liên Xô qua chuyến viếng thăm lịch sử tại Hoa Lục của Tổng Thống Nixon vào tháng 2 năm 1972.
Người ta hy vọng là vào thời kỳ này, Chu Ân Lai sẽ thúc đẩy họ Mao thay đổi chính sách để mở ra với thế giới phương Tây bằng một chương trình hiện đại hóa quốc gia. Nhưng Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình chưa kịp tiến hành thì bị nhóm Tứ Nhân Bang, đứng đầu là Giang Thanh (vợ Mao), phá đổ. Nhóm này tiếp tục đẩy mạnh Cách Mạng Văn Hóa, với mục tiêu là càn quét những ai có đầu óc hữu khuynh. Sau khi Mao Trạch Đông chết vào năm 1976, Hoa Quốc Phong lên thay khiến cho tiềm lực của nhóm Tứ Nhân Bang bị suy thoái. Tháng 12 năm 1978, Đặng Tiểu Bình đã hiệp cùng phe nhóm của Hoa Quốc Phong bắt giữ nhóm Tứ Nhân Bang và chấm dứt 20 năm nội chiến trong lòng đảng Cộng sản Trung Quốc từ 1957 đến 1978.
Đánh giá thời kỳ này, nhiều nhà bình luận quốc tế cho rằng, suốt 20 năm cầm quyền của Mao, Hoa Lục đã ngủ một giấc dài bất kể những diễn biến của thế giới chung quanh. Nhưng trong giấc ngủ đó, gần 100 triệu người Trung Quốc đã bị sát hại.
Thời kỳ từ năm 1979 đến năm 2009, Hoa Lục trở thành “công xưởng của thế giới”.
Đặng Tiểu Bình được coi là người thiết kế và mở ra giai đoạn phát triển kinh tế nhanh nhất của Hoa Lục, tạo thành một kỳ tích của loài người trong thế kỷ 20. Ngay sau khi lật được nhóm Tứ Nhân Bang (Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Vương Hồng Văn, Uông Đơn Hưng), họ Đặng đã bắt tay với Hoa Quốc Phong cho phục hoạt lại tất cả những đảng viên trí thức bị thất sủng trong thời Cách Mạng Văn Hóa. Họ Đặng còn gấp rút tiến hành chính sách Tứ Hiện Đại Hóa (Nông Thôn, Công nghiệp, Khoa học kỹ thuật và Quân đội) với chủ trương bất hủ “mèo đen hay mèo trắng, mèo nào cũng được miễn là bắt được chuột”.
Sau khi ép ông Hoa Quốc Phong từ nhiệm Chủ tịch đảng và Thủ tướng chính phủ trong Hội nghị trung ương đảng vào tháng 6 năm 1981, họ Đặng đưa Hồ Diệu Bang lên làm Tổng Bí Thư Đảng, Triệu Tử Dương làm Thủ tướng, còn chính ông thì nắm chặt quân đội trong vai trò Chủ tịch Quân uỷ Trung ương. Mặc dù họ Đặng và những người trong phe nhóm của ông nắm giữ hầu hết quyền lực tại Hoa Lục vào lúc đó; nhưng tiếng nói của một số nhân vật bảo thủ như Trần Vân, Lý Tiên Niệm, Vương Chấn, Bành Chân, Dương Thượng Côn, Bạc Nhất Ba, Tống Nhiệm Cực chi phối rất lớn trong nội bộ đảng, nên họ Đặng đã không dám đẩy nhanh đà cải cách.
Đặng Tiểu Bình đã một mặt thỏa hiệp với nhóm bảo thủ, đứng đầu là Trần Vân và Lý Tiên Niệm qua bốn nguyên tắc: 1/ giữ vững chuyên chính vô sản; 2/ tôn trọng các chỉ đạo của đảng; 3/ tôn trọng tư tưởng Mao và Mác – Lênin; 4/ Tiếp tục xây dựng xã hội XHCN. Mặt khác, họ Đặng cũng tích cực hỗ trợ hai ông Hồ Diệu Bang, Triệu Tử Dương xúc tiến chính sách hiện đại hóa để đẩy mạnh những cải cách kinh tế. Thời kỳ này, Hoa Lục đã trải qua bốn giai đoạn đáng chú ý:
1/ Từ năm 1979 đến năm 1982: họ Đặng trắc nghiệm chính sách hiện đại hóa ở nông thôn qua việc giải tán các nhân dân công xã, cho nông dân thuê lại đất canh tác theo kiểu khoán sản phẩm. (Cộng sản Việt Nam đã bắt chước Trung Quốc áp dụng chính sách khoán nông nghiệp này vào năm 1985). Nhờ chính sách này mà nông dân Hoa Lục đã hăng hái trở lại những mảnh ruộng bị bỏ hoang trước kia, giúp cho khu vực nông nghiệp phát triển. Từ đó đã tạo ra thị trường cho kỹ nghệ nhẹ, kỹ nghệ nông cơ và vật liệu xây dựng. Họ Đặng cũng bắt đầu mở cửa vận động đầu tư từ bên ngoài và cho thành lập bốn khu chế xuất vùng ven biển để thu hút ngoại tệ và những kỹ thuật chế biến của các xí nghiệp ngoại quốc. Bốn đô thị mà họ Đặng chọn làm khu chế xuất trong thời kỳ này là Thẩm Quyến, Chu Hải, Sán Đẩu thuộc Tỉnh Quảng Đông và Hạ Môn thuộc tỉnh Phúc Kiến. Kết quả giai đoạn trắc nghiệm này đã đưa Trung Quốc vào thời kỳ ổn định, nhất là khu vực nông nghiệp. Nông dân Trung Quốc đã coi họ Đặng là vị cứu tinh. Thành phần trí thức đặt kỳ vọng vào họ Đặng về một thể chế tự do và tiến bộ hơn.
2/ Từ năm 1983 đến năm 1990: họ Đặng dốc toàn lực đẩy mạnh chính sách công nghiệp hóa, áp dụng nguyên lý thị trường tự do và cải cách hành chính để thu hút đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, họ Đặng đã cho thành lập 16 đặc khu kinh tế tại các đô thị lớn như Đại Liện, Yên Đài, Nam Thông, Đề Giang, Thanh Đảo, Thiên Tân, Ninh Ba, Quảng Châu… nhằm thí nghiệm chính sách cho địa phương tự quản kinh tế, và thu hút kỹ thuật cũng như đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Mục đích của họ Đặng là muốn cho các xí nghiệp tại các đô thị lớn có điều kiện học hỏi về kỹ thuật và cách quản trị từ bên ngoài, không cần phải thông qua sự cho phép của cấp bộ hành chánh trung ương. Nhờ chính sách khai phóng mạnh mẽ này mà đến năm 1991, theo thống kế của Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) thì GDP của Hoa Lục lên đến 393 tỷ Mỹ Kim, đứng hàng thứ 10 trên thế giới. Lợi tức bình quân hàng năm trên mỗi đầu người là 480 Mỹ Kim, gấp 7 lần so với năm 1949.
Những thành tựu cải cách kinh tế nói trên đã dẫn đến một số thay đổi trong xã hội. Tự do cư trú, đi lại, đổi nghề, mua bán được công nhận, dù còn giới hạn trong khuôn khổ của xã hội cộng sản. Tình trạng tự do này đã ảnh hưởng đến lãnh vực văn hóa, văn học. Các sáng tác có tính phê phán họ Mao và những sai lầm quá khứ của đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu xuất hiện ngày một nhiều. Lúc đầu làn sóng đòi tự do dân chủ chỉ xuất hiện trong thành phần trí thức, sinh viên; nhưng càng ngày các tệ nạn tham ô nhũng lạm xảy ra tràn lan ở mọi cấp chính quyền đã lôi kéo thành phần đảng viên cấp tiến nhập cuộc. Bắt đầu từ cuối năm 1987 làn sóng dân chủ hóa đã chớm nở ở thượng tầng đảng Cộng sản Trung Quốc với sự tiên phong của Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương. Cả hai ông này đều thấy rằng phải dứt khoát từ bỏ chủ nghĩa Mác Lê và tiến hành những cải tổ chính trị theo hướng dân chủ thì mới cải cách thành công. Chủ trương của hai ông đã được giới trí thức, sinh viên và đông đảo đảng viên ủng hộ nhưng lại bị bộ ba Đặng Tiểu Bình, Lý Bằng, Dương Thượng Côn chống đối kịch liệt. Tột đỉnh của mối xung khắc này là cuộc thảm sát Thiên An Môn vào ngày 4 tháng 6 năm 1989. Biến cố này đã là vết nhơ trong lịch sử cải cách cận đại của Trung Quốc và chính biến cố này đã làm cho họ Đặng phải ngưng chính sách cải tổ để xiết lại cả nội bộ đảng và toàn xã hội.
3/ Từ 1991 đến năm 1997: họ Đặng vất vả đối phó với nội tình Trung Quốc trước sự tan rã của khối Cộng sản quốc tế. Lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc gồm Đặng Tiểu Bình, Lý Bằng, Giang Trạch Dân (vừa được kéo về Trung Ương), và Dương Thượng Côn bị đẩy vào tình thế bi đát nhất trong suốt những năm nắm quyền. Bên ngoài cả thế giới “cấm vận kinh tế và phong tỏa ngoại giao” vì vụ tàn sát Thiên An Môn. Bên trong nội bộ bị rúng động do sự tan rã hàng loạt của các chế độ Cộng sản tại Đông Âu và Liên Xô. Trong tình huống đó, họ Đặng đã phải chùn tay trong các chính sách cải tổ, tập trung vào việc đối phó với những chỉ trích của phe bảo thủ hầu giữ được ưu thế của phe cải cách đang bị tổn thương sau biến cố Thiên An Môn. Đặng Tiểu Bình đã dùng đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 14 vào trung tuần tháng 10 năm 1992 làm một bước ngoặt lớn cho những cải tổ mới của Hoa Lục.
Qua đại hội đảng kỳ thứ 14, Đặng Tiểu Bình tuyên bố rút lui trên danh nghĩa, đồng thời ông yêu cầu những cán bộ lãnh đạo già trong nhóm bảo thủ như Trần Vân, Lý Tiên Niệm, Bành Chân… rút lui khỏi nghị trường và bãi bỏ cơ chế cố vấn tối cao trong đảng. Mục tiêu của họ Đặng là loại bỏ quyền lực và tiếng nói của những công thần bảo thủ để tránh những phát ngôn bất lợi cho các đường hướng cải tổ của ông ta. Song song, họ Đặng đã thay một loạt những cán bộ có khuynh hướng chống lại các chính sách của họ Đặng như Dương Ý Lâm, Tống Bình, Vạn Lý, Lý Tịch Minh (Bí thư Bắc Kinh vào lúc đó), Tần Vĩ Cơ (Bộ trưởng Quốc Phòng, người đã phản đối quyết định đem Lộ Quân 27 vào tàn sát sinh viên Thiên An Môn). Đồng thời họ Đặng đã đưa những cán bộ trẻ lãnh đạo công cuộc cải cách thành công ở những tỉnh có khu chế xuất, hay những đặc khu kinh tế, vào Bộ chính trị như Ngô Bang Quốc (Bí thư Thượng Hải), Khương Xuân Vân (bí thư Sơn Đông), Tạ Phi (Bí thư Thiên Tân), Hồ Cẩm Đào (Bí thư khu tự trị Tây Tạng), Trần Hy Đồng (Thị trưởng Bắc Kinh sau này bị thất sủng và đi tù năm 1998 vì tham nhũng). Đặc biệt ông Đặng Tiểu Bình đã đưa ông Châu Dung Cơ đang làm phó thủ tướng đặc trách về kinh tế, nhảy một lần 3 bước vào thành viên ban thường vụ Bộ chính trị để chuẩn bị thay thế Lý Bằng trong vai trò Thủ tướng vào năm sau.
Sau khi loại hầu hết phe bảo thủ ra khỏi vị trí quyền lực, họ Đặng đã củng cố vị trí quyền lực của Giang Trạch Dân bằng cách cho kiêm nhiệm cùng một lúc ba vị trí cao nhất: Tổng bí thư đảng, Chủ tịch nước, và Chủ tịch Quân Ủy Trung Ương để không một ai có thể đe dọa quyền lực họ Giang. Mặc dù không còn nắm giữ bất cứ trách vụ gì ở trong đảng hay trong quân đội, nhưng ý kiến của họ Đặng vẫn được coi là ý kiến sau cùng trong những chính sách mà Thường vụ Bộ chính trị đưa ra cho toàn đảng thi hành. Sau khi giải quyết vấn đề nội bộ, Đặng Tiểu Bình đã mở mặt trận đối ngoại với chính sách tự chế và nhất là nhún nhường đối với Hoa Kỳ trong các tranh chấp để dồn sức vận động cho những hợp tác kinh tế. Kể từ đó, đầu tư nước ngoài đã ào ạt trở lại với Hoa Lục. Các công ty lớn của Hoa Kỳ, Nhật Bản đã giúp đẩy mạnh nền công nghiệp của Trung Quốc. Nhờ vậy mà khi Đặng Tiểu Bình từ trần vào tháng 2 năm 1997, GDP của Trung Quốc đã vượt quá 1 ngàn tỷ Mỹ Kim và nhất là không bị ảnh hưởng nhiều bởi cuộc khủng hoảng tài chánh tại vùng Á Châu Thái Bình Dương trong năm 1997-1998. Trước khi chết, ông Đặng Tiểu Bình đã chỉ định ông Hồ Cẩm Đào là người kế vị khi ông Giang Trạch Dân đến tuổi về hưu.
4/ Từ năm 1998 đến năm 2008: Những hậu duệ của họ Đặng đã đưa Hoa Lục từ vị trí “công xưởng của thế giới” trở thành cường quốc kinh tế, đứng hàng thứ ba trên thế giới sau Hoa Kỳ và Nhật Bản. Theo IMF thì GDP của Trung Quốc vào năm 2008 là 4,400 tỷ Mỹ kim, Nhật Bản là 4,923 tỷ Mỹ kim và Hoa Kỳ là 14,260 tỷ Mỹ kim. Những con số này cho thấy Trung Quốc có nhiều tiềm năng vượt qua Nhật Bản để trở thành siêu cường số 1 của Á Châu vào năm 2020. Khi đã có sức mạnh về kinh tế, với truyền thống bá quyền (tư tưởng Đại Hán), chủ nghĩa dân tộc cực đoan, Trung Quốc sẽ tăng cường sức mạnh quân sự, đặc biệt là hải quân, để bành trướng ảnh hưởng lên toàn vùng Đông và Nam Á. Đây là hướng đi tất yếu của Bắc Kinh trong những thập niên trước mặt. Trong 21 năm qua, chi phí quốc phòng của Hoa Lục đã tăng 20 lần. Việc họ cho trình làng 52 loại vũ khí trong lễ duyệt binh mừng quốc kháng ngày 1 tháng 10 năm 2009 tại quảng trường Thiên An Môn cho thấy Hoa Lục đã chấm dứt giai đoạn che đậy ý đồ theo chủ thuyết “giấu mình chờ thời” mà Đặng Tiểu Bình đã đề ra vào năm 1981.
Sau 3 thập niên tiến hành chính sách hiện đại hóa, ông Đặng Tiểu Bình đã biến Hoa Lục thành con cọp đi bốn chân vững chắc (khoa học kỹ thuật, công nghiệp, quân sự, ngoại thương) trong thế kỷ 21. Tuy nhiên, ngoài 4 cái chân đồ sộ này, nội tạng của con cọp vẫn còn và phát sinh nhiều vấn đề mới phải giải quyết. Nếu tạm để những hệ quả kinh hoàng của nạn ô nhiễm môi sinh và các bất cập của nền kinh tế nửa tư bản nửa tập trung cho một dịp khác, thì rõ ràng sự tròng chéo giữa tự do làm giàu với độc tài chính trị đã làm cho sự phát triển của Hoa Lục không mang tính bền vững như tại các quốc gia dân chủ. Là một quốc gia đứng hàng thứ ba thế giới về kinh tế, nhưng lợi tức bình quân đầu người chỉ đạt 5,900 Mỹ Kim (2008), tức đứng hàng thứ 100 trong số 198 quốc gia. Rõ ràng là dân Trung Quốc chưa giàu theo mức tăng trưởng của quốc gia. Sự giàu có chỉ tập trung vào một thiểu số quyền lực và bao quanh một số đô thị. Theo Viện Khoa Học Xã Hội Trung Quốc cho biết là trong năm 2007, trên 3,220 người có tài sản trên 15 tỉ Mỹ Kim, trong số này có 3000 người là con cái của lãnh đạo đảng cao cấp. Trong khi đó, Trung Quốc hiện có khoảng 207 triệu người vẫn sống dưới mức nghèo khổ theo tiêu chuẩn của IMF là 1,25 Mỹ kim/ngày và có hơn 200 triệu lưu dân sống lây lất tại các thành phố không có công ăn việc làm. Khoảng cách chênh lệch giàu nghèo tại Trung Quốc được coi là cao nhất thế giới hiện nay. Rõ ràng là sau 30 năm mở cửa và cải cách kinh tế, chỉ có nhà nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc và thành phần cai trị ở thượng tầng là giàu to, trong khi dân chúng nói chung vẫn nghèo với nhiều tệ đoan trong xã hội.
Trong bài diễn văn đọc tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 25 tháng 9 năm 2009, ông Hồ Cẩm Đào hoàn toàn không nhắc gì đến con đường tiến lên Chủ nghĩa Xã hội. Ông nói về trách nhiệm của Trung Quốc trong việc góp phần phát triển hòa bình và mở rộng hợp tác với mọi quốc gia trong thế cùng thắng (win-win). Nhưng đối chiếu với cách hành xử của Hoa Lục trên biển Đông mấy năm vừa qua, chúng ta khó có thể tin vào lời của họ Hồ và Bộ Chính Trị ĐCSTQ.
Hai thế hệ lãnh đạo Trung Quốc trong giai đoạn này gồm Giang Trạch Dân (1989 – 2002) và Hồ Cẩm Đào (2002 -2012) sắp thay thế bởi một thế hệ mới vào năm 2012. Ông Tập Kiến Bình, thuộc loại con ông cháu cha (con trai của cựu ủy viên bộ chính trị Tập Trọng Huân, một cận thần của họ Đặng) đang được chuẩn bị để trở thành nhân vật thay thế ông Hồ Cẩm Đào. Điều này cho thấy là dù Trung Quốc có phát triển kinh tế, tăng cường quân sự, nhưng quyền lực chính trị sẽ tiếp tục chỉ nằm trong tay một thiểu số con ông cháu cha chia nhau nắm giữ.
*
Trung Quốc đang lớn mạnh là điều không ai có thể chối cãi. Với sự lớn mạnh này, chắc chắn Hoa Lục sẽ chọn vị thế đối đầu với các quốc gia khác và không còn cần phải che dấu ý đồ như trước đây. Nhưng cùng lúc, với hệ thống chính trị độc tài hiện nay, dù kinh tế có lớn mạnh, Hoa Lục vẫn không thể giải quyết hai nguy cơ đã tồn tại từ nhiều thập niên qua, đó là nạn tham nhũng và tình trạng bất ổn xã hội đến từ nhiều nguyên nhân — khoảng cách giàu nghèo, kỳ thị sắc tộc, chà đạp nhân quyền, ô nhiễm môi trường. Ông Bào Đồng, cựu Ủy viên Trung Ương Đảng, người bị thất sủng vì biến cố Thiên An Môn và là người giúp phổ biến tập Hồi Ký của ông Triểu Tử Dương vào tháng 5 năm 2009, đã nói rằng: "Giải pháp duy nhất để củng cố tính chính đáng của một đảng cầm quyền là phải qua lá phiếu của người dân”. Đây có lẽ là lời cảnh báo đáng cho ông Hồ Cẩm Đào và Tập Kiến Bình suy nghĩ trước khi hai nguy cơ nói trên bùng vỡ, dẫn đến sự tiêu vong của Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc trước khi tham vọng lên làm cường quốc số 1 của Á Châu trở thành hiện thực.
Khi đảng Cộng sản Trung Quốc lên nắm giữ quyền lực, Hoa Lục là vùng đất nghèo nàn và lạc hậu. Lợi tức bình quân hàng năm trên đầu người không tới 60 Mỹ Kim. Trong bối cảnh đó, tại Hội nghị lần thứ 3, Trung ương đảng Cộng sản khóa 7 vào tháng 6 năm 1950, Mao Trạch Đông đã tuyên bố rằng “Việc nhanh chóng tiêu diệt chủ nghĩa tư bản để gấp rút xây dựng xã hội chủ nghĩa là con đường hoàn toàn sai lầm vì không thích ứng với tình hình Hoa Lục vào lúc này. Quốc hữu hóa các công ty tư nhân và hợp tác hóa nông nghiệp sẽ không tiến hành ngay mà cần một thời gian từ 5 đến 10 năm cho đến khi nào chính quyền xây dựng được nền tảng “dân chủ xã hội chủ nghĩa” ổn định”.
Nhưng đây chỉ là những tuyên bố mang tính phủ dụ vì trong thực tế họ Mao đã cho tiến hành chính sách cải tạo — như Cộng sản Việt Nam đã từng làm đối với người dân miền Nam Việt Nam ngay sau tháng 4 năm 1975 — đàn áp những người có liên hệ đến Quốc Dân Đảng hoặc không ủng hộ đảng Cộng sản Trung Quốc trong thời chiến tranh với Tưởng Giới Thạch. Mao Trạch Đông đã giết khoảng 12 triệu người gọi là “thành phần phản động” từ năm 1950 đến năm 1952.
Sau khi tiêu diệt xong “phản động”, tháng 9 năm 1952, Mao Trạch Đông đã đề xướng “Thời Kỳ Quá Độ”, nói ngược lại những gì mà họ Mao đã tuyên bố trước đó, bắt đầu kế hoạch cải tạo toàn diện xã hội Trung Quốc theo con đường tập trung hóa về nông nghiệp, công thương nghiệp theo từng kế hoạch 5 năm. Cũng trong giai đoạn này, họ Mao đã đưa ra những tư tưởng chỉ đạo về cải tạo tư tưởng xã hội qua các chủ thuyết về Mâu Thuẫn Luận, Thực Tiễn Luận và Trì Cửu Chiến. Những chủ thuyết này của họ Mao đã trở thành kinh điển không chỉ của đảng Cộng sản Trung Quốc mà còn được các đảng Cộng sản tại Việt Nam, Lào, Bắc Triều Tiên, Campuchia học tập trong suốt những năm hậu bán thế kỷ 20. Qua tư tưởng chỉ đạo của họ Mao, đảng Cộng sản Trung Quốc đã dẫn dắt Hoa Lục trải qua hai thời kỳ thăng trầm trong 60 năm vừa qua: 1/ Thời kỳ thứ nhất từ năm 1949 cho đến năm 1978 và 2/ Thời kỳ thứ hai từ năm 1979 đến năm 2009.
Thời kỳ từ năm 1949 đến năm 1978, Hoa Lục chìm đắm trong những đấu đá quyền lực.
Đây là giai đoạn mà xã hội Hoa Lục bị rối loạn một cách khủng khiếp do tham vọng nắm độc tôn quyền lực và phóng nhanh trên con đường xã hội chủ nghĩa đặc thù Trung Quốc của họ Mao qua hai chính sách Bước Nhảy Vọt và Cách Mạng Văn Hóa. Cả 2 chiến dịch này đã trở thành ác mộng cho nhiều thế hệ người dân Hoa Lục. Bước Nhảy Vọt được họ Mao cho đẩy mạnh trong hai năm 1958 và 1959 trong khuôn khổ bần cùng hóa xã hội, đã kéo Hoa Lục từ một quốc gia vốn dĩ nghèo nàn trở về thời kỳ hoang dã với nạn thiếu đói cùng cực. Hàng chục triệu trẻ em chết vì suy dinh dưỡng, hàng triệu người khác chết vì đói, bệnh tật. Từ năm 1959 đến năm 1962 đã có khoảng 45 triệu người chết vì chính sách Bước Nhảy Vọt.
Trước thảm cảnh này, một số lãnh đạo đảng bắt đầu phê phán tư tưởng của họ Mao và đòi phải chấm dứt Bước Nhảy Vọt. Họ Mao bị thất sủng phải nhường quyền cai trị cho Lưu Thiếu Kỳ. Họ Lưu lập tức khởi động chính sách hiện đại hóa, để cứu vãn tình trạng suy thoái. Nhưng Lưu Thiếu Kỳ chưa ra thu gặt kết quả thì họ Mao phát động cuộc Cách Mạng Văn Hóa từ năm 1966 kéo dài đến năm 1976, nhằm loại trừ phe nhóm Lưu Thiếu Kỳ, giật lại quyền lực và đưa Hoa Lục trở lại con đường “Hồng Hơn Chuyên”.
Trong mười năm của cuộc Cách Mạng Văn Hóa, họ Mao đã giết khoảng 25 triệu người, làm thiệt hại khoảng 50 tỷ Nhân dân tệ và biến 200 triệu người thành nạn nhân của đấu tố và các trại lao cải tại khắp các vùng nông thôn.
Đối với thế giới bên ngoài, họ Mao tiến hành chủ trương “Ai Thắng Ai” bằng con đường đối nghịch với Liên Xô và đối đầu với Thế giới tự do do Hoa Kỳ dẫn đầu. Hậu quả là Hoa Lục bị bao vây và trở thành một ốc đảo trong bần cùng. Lợi tức bình quân tính trên đầu người vào lúc này được ước tính không quá 50 Mỹ kim một năm. Đầu thập niên 1970, họ Mao đã thay đổi quan điểm đối ngoại, bắt tay với Hoa Kỳ để tạo thành phòng tuyến chống Liên Xô qua chuyến viếng thăm lịch sử tại Hoa Lục của Tổng Thống Nixon vào tháng 2 năm 1972.
Người ta hy vọng là vào thời kỳ này, Chu Ân Lai sẽ thúc đẩy họ Mao thay đổi chính sách để mở ra với thế giới phương Tây bằng một chương trình hiện đại hóa quốc gia. Nhưng Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình chưa kịp tiến hành thì bị nhóm Tứ Nhân Bang, đứng đầu là Giang Thanh (vợ Mao), phá đổ. Nhóm này tiếp tục đẩy mạnh Cách Mạng Văn Hóa, với mục tiêu là càn quét những ai có đầu óc hữu khuynh. Sau khi Mao Trạch Đông chết vào năm 1976, Hoa Quốc Phong lên thay khiến cho tiềm lực của nhóm Tứ Nhân Bang bị suy thoái. Tháng 12 năm 1978, Đặng Tiểu Bình đã hiệp cùng phe nhóm của Hoa Quốc Phong bắt giữ nhóm Tứ Nhân Bang và chấm dứt 20 năm nội chiến trong lòng đảng Cộng sản Trung Quốc từ 1957 đến 1978.
Đánh giá thời kỳ này, nhiều nhà bình luận quốc tế cho rằng, suốt 20 năm cầm quyền của Mao, Hoa Lục đã ngủ một giấc dài bất kể những diễn biến của thế giới chung quanh. Nhưng trong giấc ngủ đó, gần 100 triệu người Trung Quốc đã bị sát hại.
Thời kỳ từ năm 1979 đến năm 2009, Hoa Lục trở thành “công xưởng của thế giới”.
Đặng Tiểu Bình được coi là người thiết kế và mở ra giai đoạn phát triển kinh tế nhanh nhất của Hoa Lục, tạo thành một kỳ tích của loài người trong thế kỷ 20. Ngay sau khi lật được nhóm Tứ Nhân Bang (Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Vương Hồng Văn, Uông Đơn Hưng), họ Đặng đã bắt tay với Hoa Quốc Phong cho phục hoạt lại tất cả những đảng viên trí thức bị thất sủng trong thời Cách Mạng Văn Hóa. Họ Đặng còn gấp rút tiến hành chính sách Tứ Hiện Đại Hóa (Nông Thôn, Công nghiệp, Khoa học kỹ thuật và Quân đội) với chủ trương bất hủ “mèo đen hay mèo trắng, mèo nào cũng được miễn là bắt được chuột”.
Sau khi ép ông Hoa Quốc Phong từ nhiệm Chủ tịch đảng và Thủ tướng chính phủ trong Hội nghị trung ương đảng vào tháng 6 năm 1981, họ Đặng đưa Hồ Diệu Bang lên làm Tổng Bí Thư Đảng, Triệu Tử Dương làm Thủ tướng, còn chính ông thì nắm chặt quân đội trong vai trò Chủ tịch Quân uỷ Trung ương. Mặc dù họ Đặng và những người trong phe nhóm của ông nắm giữ hầu hết quyền lực tại Hoa Lục vào lúc đó; nhưng tiếng nói của một số nhân vật bảo thủ như Trần Vân, Lý Tiên Niệm, Vương Chấn, Bành Chân, Dương Thượng Côn, Bạc Nhất Ba, Tống Nhiệm Cực chi phối rất lớn trong nội bộ đảng, nên họ Đặng đã không dám đẩy nhanh đà cải cách.
Đặng Tiểu Bình đã một mặt thỏa hiệp với nhóm bảo thủ, đứng đầu là Trần Vân và Lý Tiên Niệm qua bốn nguyên tắc: 1/ giữ vững chuyên chính vô sản; 2/ tôn trọng các chỉ đạo của đảng; 3/ tôn trọng tư tưởng Mao và Mác – Lênin; 4/ Tiếp tục xây dựng xã hội XHCN. Mặt khác, họ Đặng cũng tích cực hỗ trợ hai ông Hồ Diệu Bang, Triệu Tử Dương xúc tiến chính sách hiện đại hóa để đẩy mạnh những cải cách kinh tế. Thời kỳ này, Hoa Lục đã trải qua bốn giai đoạn đáng chú ý:
1/ Từ năm 1979 đến năm 1982: họ Đặng trắc nghiệm chính sách hiện đại hóa ở nông thôn qua việc giải tán các nhân dân công xã, cho nông dân thuê lại đất canh tác theo kiểu khoán sản phẩm. (Cộng sản Việt Nam đã bắt chước Trung Quốc áp dụng chính sách khoán nông nghiệp này vào năm 1985). Nhờ chính sách này mà nông dân Hoa Lục đã hăng hái trở lại những mảnh ruộng bị bỏ hoang trước kia, giúp cho khu vực nông nghiệp phát triển. Từ đó đã tạo ra thị trường cho kỹ nghệ nhẹ, kỹ nghệ nông cơ và vật liệu xây dựng. Họ Đặng cũng bắt đầu mở cửa vận động đầu tư từ bên ngoài và cho thành lập bốn khu chế xuất vùng ven biển để thu hút ngoại tệ và những kỹ thuật chế biến của các xí nghiệp ngoại quốc. Bốn đô thị mà họ Đặng chọn làm khu chế xuất trong thời kỳ này là Thẩm Quyến, Chu Hải, Sán Đẩu thuộc Tỉnh Quảng Đông và Hạ Môn thuộc tỉnh Phúc Kiến. Kết quả giai đoạn trắc nghiệm này đã đưa Trung Quốc vào thời kỳ ổn định, nhất là khu vực nông nghiệp. Nông dân Trung Quốc đã coi họ Đặng là vị cứu tinh. Thành phần trí thức đặt kỳ vọng vào họ Đặng về một thể chế tự do và tiến bộ hơn.
2/ Từ năm 1983 đến năm 1990: họ Đặng dốc toàn lực đẩy mạnh chính sách công nghiệp hóa, áp dụng nguyên lý thị trường tự do và cải cách hành chính để thu hút đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, họ Đặng đã cho thành lập 16 đặc khu kinh tế tại các đô thị lớn như Đại Liện, Yên Đài, Nam Thông, Đề Giang, Thanh Đảo, Thiên Tân, Ninh Ba, Quảng Châu… nhằm thí nghiệm chính sách cho địa phương tự quản kinh tế, và thu hút kỹ thuật cũng như đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Mục đích của họ Đặng là muốn cho các xí nghiệp tại các đô thị lớn có điều kiện học hỏi về kỹ thuật và cách quản trị từ bên ngoài, không cần phải thông qua sự cho phép của cấp bộ hành chánh trung ương. Nhờ chính sách khai phóng mạnh mẽ này mà đến năm 1991, theo thống kế của Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) thì GDP của Hoa Lục lên đến 393 tỷ Mỹ Kim, đứng hàng thứ 10 trên thế giới. Lợi tức bình quân hàng năm trên mỗi đầu người là 480 Mỹ Kim, gấp 7 lần so với năm 1949.
Những thành tựu cải cách kinh tế nói trên đã dẫn đến một số thay đổi trong xã hội. Tự do cư trú, đi lại, đổi nghề, mua bán được công nhận, dù còn giới hạn trong khuôn khổ của xã hội cộng sản. Tình trạng tự do này đã ảnh hưởng đến lãnh vực văn hóa, văn học. Các sáng tác có tính phê phán họ Mao và những sai lầm quá khứ của đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu xuất hiện ngày một nhiều. Lúc đầu làn sóng đòi tự do dân chủ chỉ xuất hiện trong thành phần trí thức, sinh viên; nhưng càng ngày các tệ nạn tham ô nhũng lạm xảy ra tràn lan ở mọi cấp chính quyền đã lôi kéo thành phần đảng viên cấp tiến nhập cuộc. Bắt đầu từ cuối năm 1987 làn sóng dân chủ hóa đã chớm nở ở thượng tầng đảng Cộng sản Trung Quốc với sự tiên phong của Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương. Cả hai ông này đều thấy rằng phải dứt khoát từ bỏ chủ nghĩa Mác Lê và tiến hành những cải tổ chính trị theo hướng dân chủ thì mới cải cách thành công. Chủ trương của hai ông đã được giới trí thức, sinh viên và đông đảo đảng viên ủng hộ nhưng lại bị bộ ba Đặng Tiểu Bình, Lý Bằng, Dương Thượng Côn chống đối kịch liệt. Tột đỉnh của mối xung khắc này là cuộc thảm sát Thiên An Môn vào ngày 4 tháng 6 năm 1989. Biến cố này đã là vết nhơ trong lịch sử cải cách cận đại của Trung Quốc và chính biến cố này đã làm cho họ Đặng phải ngưng chính sách cải tổ để xiết lại cả nội bộ đảng và toàn xã hội.
3/ Từ 1991 đến năm 1997: họ Đặng vất vả đối phó với nội tình Trung Quốc trước sự tan rã của khối Cộng sản quốc tế. Lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc gồm Đặng Tiểu Bình, Lý Bằng, Giang Trạch Dân (vừa được kéo về Trung Ương), và Dương Thượng Côn bị đẩy vào tình thế bi đát nhất trong suốt những năm nắm quyền. Bên ngoài cả thế giới “cấm vận kinh tế và phong tỏa ngoại giao” vì vụ tàn sát Thiên An Môn. Bên trong nội bộ bị rúng động do sự tan rã hàng loạt của các chế độ Cộng sản tại Đông Âu và Liên Xô. Trong tình huống đó, họ Đặng đã phải chùn tay trong các chính sách cải tổ, tập trung vào việc đối phó với những chỉ trích của phe bảo thủ hầu giữ được ưu thế của phe cải cách đang bị tổn thương sau biến cố Thiên An Môn. Đặng Tiểu Bình đã dùng đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 14 vào trung tuần tháng 10 năm 1992 làm một bước ngoặt lớn cho những cải tổ mới của Hoa Lục.
Qua đại hội đảng kỳ thứ 14, Đặng Tiểu Bình tuyên bố rút lui trên danh nghĩa, đồng thời ông yêu cầu những cán bộ lãnh đạo già trong nhóm bảo thủ như Trần Vân, Lý Tiên Niệm, Bành Chân… rút lui khỏi nghị trường và bãi bỏ cơ chế cố vấn tối cao trong đảng. Mục tiêu của họ Đặng là loại bỏ quyền lực và tiếng nói của những công thần bảo thủ để tránh những phát ngôn bất lợi cho các đường hướng cải tổ của ông ta. Song song, họ Đặng đã thay một loạt những cán bộ có khuynh hướng chống lại các chính sách của họ Đặng như Dương Ý Lâm, Tống Bình, Vạn Lý, Lý Tịch Minh (Bí thư Bắc Kinh vào lúc đó), Tần Vĩ Cơ (Bộ trưởng Quốc Phòng, người đã phản đối quyết định đem Lộ Quân 27 vào tàn sát sinh viên Thiên An Môn). Đồng thời họ Đặng đã đưa những cán bộ trẻ lãnh đạo công cuộc cải cách thành công ở những tỉnh có khu chế xuất, hay những đặc khu kinh tế, vào Bộ chính trị như Ngô Bang Quốc (Bí thư Thượng Hải), Khương Xuân Vân (bí thư Sơn Đông), Tạ Phi (Bí thư Thiên Tân), Hồ Cẩm Đào (Bí thư khu tự trị Tây Tạng), Trần Hy Đồng (Thị trưởng Bắc Kinh sau này bị thất sủng và đi tù năm 1998 vì tham nhũng). Đặc biệt ông Đặng Tiểu Bình đã đưa ông Châu Dung Cơ đang làm phó thủ tướng đặc trách về kinh tế, nhảy một lần 3 bước vào thành viên ban thường vụ Bộ chính trị để chuẩn bị thay thế Lý Bằng trong vai trò Thủ tướng vào năm sau.
Sau khi loại hầu hết phe bảo thủ ra khỏi vị trí quyền lực, họ Đặng đã củng cố vị trí quyền lực của Giang Trạch Dân bằng cách cho kiêm nhiệm cùng một lúc ba vị trí cao nhất: Tổng bí thư đảng, Chủ tịch nước, và Chủ tịch Quân Ủy Trung Ương để không một ai có thể đe dọa quyền lực họ Giang. Mặc dù không còn nắm giữ bất cứ trách vụ gì ở trong đảng hay trong quân đội, nhưng ý kiến của họ Đặng vẫn được coi là ý kiến sau cùng trong những chính sách mà Thường vụ Bộ chính trị đưa ra cho toàn đảng thi hành. Sau khi giải quyết vấn đề nội bộ, Đặng Tiểu Bình đã mở mặt trận đối ngoại với chính sách tự chế và nhất là nhún nhường đối với Hoa Kỳ trong các tranh chấp để dồn sức vận động cho những hợp tác kinh tế. Kể từ đó, đầu tư nước ngoài đã ào ạt trở lại với Hoa Lục. Các công ty lớn của Hoa Kỳ, Nhật Bản đã giúp đẩy mạnh nền công nghiệp của Trung Quốc. Nhờ vậy mà khi Đặng Tiểu Bình từ trần vào tháng 2 năm 1997, GDP của Trung Quốc đã vượt quá 1 ngàn tỷ Mỹ Kim và nhất là không bị ảnh hưởng nhiều bởi cuộc khủng hoảng tài chánh tại vùng Á Châu Thái Bình Dương trong năm 1997-1998. Trước khi chết, ông Đặng Tiểu Bình đã chỉ định ông Hồ Cẩm Đào là người kế vị khi ông Giang Trạch Dân đến tuổi về hưu.
4/ Từ năm 1998 đến năm 2008: Những hậu duệ của họ Đặng đã đưa Hoa Lục từ vị trí “công xưởng của thế giới” trở thành cường quốc kinh tế, đứng hàng thứ ba trên thế giới sau Hoa Kỳ và Nhật Bản. Theo IMF thì GDP của Trung Quốc vào năm 2008 là 4,400 tỷ Mỹ kim, Nhật Bản là 4,923 tỷ Mỹ kim và Hoa Kỳ là 14,260 tỷ Mỹ kim. Những con số này cho thấy Trung Quốc có nhiều tiềm năng vượt qua Nhật Bản để trở thành siêu cường số 1 của Á Châu vào năm 2020. Khi đã có sức mạnh về kinh tế, với truyền thống bá quyền (tư tưởng Đại Hán), chủ nghĩa dân tộc cực đoan, Trung Quốc sẽ tăng cường sức mạnh quân sự, đặc biệt là hải quân, để bành trướng ảnh hưởng lên toàn vùng Đông và Nam Á. Đây là hướng đi tất yếu của Bắc Kinh trong những thập niên trước mặt. Trong 21 năm qua, chi phí quốc phòng của Hoa Lục đã tăng 20 lần. Việc họ cho trình làng 52 loại vũ khí trong lễ duyệt binh mừng quốc kháng ngày 1 tháng 10 năm 2009 tại quảng trường Thiên An Môn cho thấy Hoa Lục đã chấm dứt giai đoạn che đậy ý đồ theo chủ thuyết “giấu mình chờ thời” mà Đặng Tiểu Bình đã đề ra vào năm 1981.
Sau 3 thập niên tiến hành chính sách hiện đại hóa, ông Đặng Tiểu Bình đã biến Hoa Lục thành con cọp đi bốn chân vững chắc (khoa học kỹ thuật, công nghiệp, quân sự, ngoại thương) trong thế kỷ 21. Tuy nhiên, ngoài 4 cái chân đồ sộ này, nội tạng của con cọp vẫn còn và phát sinh nhiều vấn đề mới phải giải quyết. Nếu tạm để những hệ quả kinh hoàng của nạn ô nhiễm môi sinh và các bất cập của nền kinh tế nửa tư bản nửa tập trung cho một dịp khác, thì rõ ràng sự tròng chéo giữa tự do làm giàu với độc tài chính trị đã làm cho sự phát triển của Hoa Lục không mang tính bền vững như tại các quốc gia dân chủ. Là một quốc gia đứng hàng thứ ba thế giới về kinh tế, nhưng lợi tức bình quân đầu người chỉ đạt 5,900 Mỹ Kim (2008), tức đứng hàng thứ 100 trong số 198 quốc gia. Rõ ràng là dân Trung Quốc chưa giàu theo mức tăng trưởng của quốc gia. Sự giàu có chỉ tập trung vào một thiểu số quyền lực và bao quanh một số đô thị. Theo Viện Khoa Học Xã Hội Trung Quốc cho biết là trong năm 2007, trên 3,220 người có tài sản trên 15 tỉ Mỹ Kim, trong số này có 3000 người là con cái của lãnh đạo đảng cao cấp. Trong khi đó, Trung Quốc hiện có khoảng 207 triệu người vẫn sống dưới mức nghèo khổ theo tiêu chuẩn của IMF là 1,25 Mỹ kim/ngày và có hơn 200 triệu lưu dân sống lây lất tại các thành phố không có công ăn việc làm. Khoảng cách chênh lệch giàu nghèo tại Trung Quốc được coi là cao nhất thế giới hiện nay. Rõ ràng là sau 30 năm mở cửa và cải cách kinh tế, chỉ có nhà nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc và thành phần cai trị ở thượng tầng là giàu to, trong khi dân chúng nói chung vẫn nghèo với nhiều tệ đoan trong xã hội.
Trong bài diễn văn đọc tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 25 tháng 9 năm 2009, ông Hồ Cẩm Đào hoàn toàn không nhắc gì đến con đường tiến lên Chủ nghĩa Xã hội. Ông nói về trách nhiệm của Trung Quốc trong việc góp phần phát triển hòa bình và mở rộng hợp tác với mọi quốc gia trong thế cùng thắng (win-win). Nhưng đối chiếu với cách hành xử của Hoa Lục trên biển Đông mấy năm vừa qua, chúng ta khó có thể tin vào lời của họ Hồ và Bộ Chính Trị ĐCSTQ.
Hai thế hệ lãnh đạo Trung Quốc trong giai đoạn này gồm Giang Trạch Dân (1989 – 2002) và Hồ Cẩm Đào (2002 -2012) sắp thay thế bởi một thế hệ mới vào năm 2012. Ông Tập Kiến Bình, thuộc loại con ông cháu cha (con trai của cựu ủy viên bộ chính trị Tập Trọng Huân, một cận thần của họ Đặng) đang được chuẩn bị để trở thành nhân vật thay thế ông Hồ Cẩm Đào. Điều này cho thấy là dù Trung Quốc có phát triển kinh tế, tăng cường quân sự, nhưng quyền lực chính trị sẽ tiếp tục chỉ nằm trong tay một thiểu số con ông cháu cha chia nhau nắm giữ.
*
Trung Quốc đang lớn mạnh là điều không ai có thể chối cãi. Với sự lớn mạnh này, chắc chắn Hoa Lục sẽ chọn vị thế đối đầu với các quốc gia khác và không còn cần phải che dấu ý đồ như trước đây. Nhưng cùng lúc, với hệ thống chính trị độc tài hiện nay, dù kinh tế có lớn mạnh, Hoa Lục vẫn không thể giải quyết hai nguy cơ đã tồn tại từ nhiều thập niên qua, đó là nạn tham nhũng và tình trạng bất ổn xã hội đến từ nhiều nguyên nhân — khoảng cách giàu nghèo, kỳ thị sắc tộc, chà đạp nhân quyền, ô nhiễm môi trường. Ông Bào Đồng, cựu Ủy viên Trung Ương Đảng, người bị thất sủng vì biến cố Thiên An Môn và là người giúp phổ biến tập Hồi Ký của ông Triểu Tử Dương vào tháng 5 năm 2009, đã nói rằng: "Giải pháp duy nhất để củng cố tính chính đáng của một đảng cầm quyền là phải qua lá phiếu của người dân”. Đây có lẽ là lời cảnh báo đáng cho ông Hồ Cẩm Đào và Tập Kiến Bình suy nghĩ trước khi hai nguy cơ nói trên bùng vỡ, dẫn đến sự tiêu vong của Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc trước khi tham vọng lên làm cường quốc số 1 của Á Châu trở thành hiện thực.
Lý Thái Hùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét