2009/09/12

Những tư duy "khô" của thời đại mở cửa


Đọc một bản tin trên BBC của phóng viên Quốc Phương phỏng vấn giáo sư Nguyễn Trọng Phúc, thuộc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, một nhà nghiên cứu và nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng thuộc Học viện cao cấp của Nhà nước CSVN hôm 2.9.2009, người ta thật sự bàng hoàng và cứ ngỡ là đang ở miền Bắc Việt Nam vào thập niên 50 của thế kỷ trước.

Liên quan đến việc đa đảng, ông Phúc nói "pháp luật Việt Nam, điều lệ và cương lĩnh của Đảng cộng sản Việt Nam không chấp nhận chuyện đa đảng", và ông còn nhấn mạnh rằng "một đảng không có nghĩa là mất dân chủ và đa đảng không có nghĩa là dân chủ."

Lúc tuyên bố câu này không hiểu ông Phúc có thực sự hiểu đúng nghĩa dân chủ phổ quát hay không? Hay ông Phúc muốn đề cập đến cái gọi là dân chủ tập trung mà ông cùng đồng chí của ông áp dụng với nhau từ thời xa xưa khi mới cướp được chính quyền.

Trong cuốn sách Viết Cho Mẹ Và Quốc Hội trang 188, tác giả Nguyễn Văn Trấn có viết trong một dịp trả lời câu hỏi của các học viên "Dân chủ tập trung là gì?", ông Hồ Chí Minh trả lời: "Như các cô, các chú có đồ đạc, tài sản gì đó thì các cô các chú là chủ, đó là dân chủ. Các chú các cô không biết giữ, tôi giữ dùm cho. Tôi tập trung bỏ vào cái rương. Tôi khóa lại và bỏ chìa khóa vào túi tôi đây. Đó là tập trung!“. Hóa ra loại dân chủ mà ông Phúc cam đoan đang có tại Việt Nam là loại dân chủ "Gom lại cất đi - Đừng dùng tới".

Còn khi ông Phúc nói đa đảng không có nghĩa là dân chủ thì chắc là ông đang nói tới thời 1950, 1960 với Đảng Dân Chủ và Đảng Xã Hội bên cạnh Đảng CSVN. Mỗi đảng phụ đó chắc có được khoảng 2 thành viên và mỗi thành viên đều là đảng viên Cộng Sản. Ngoài ra chẳng còn thí dụ nào đáng kể để biện minh cho tuyên bố mạnh miệng đó. Kể cả tình hình tại nước láng giềng mang tên xứ Chùa Tháp. Cho dù bị cái đảng của người đồng chí Hunsen của ông dùng đủ mọi thủ thuật bạo hành lấn áp, chế độ đa đảng tại Campuchia vẫn đi trước Việt Nam một bước dài về mức độ dân chủ.

Trong đoạn khác ông Phúc nói: "Người ta có nhiều con đường để đi đến khẳng định chế độ chính trị nào được toàn dân ủng hộ, chứ không phải chỉ trưng cầu dân ý. Nước Anh, nước Mỹ có trưng cầu dân ý không?"

Là một nhà nghiên cứu không biết ông Phúc có hiểu ý nghĩa thật sự của 4 từ trưng cầu dân ý hay không, khi hỏi một câu ngớ ngẩn là nước Anh, nước Mỷ có trưng cầu dân ý hay không?

Chẳng lẽ ông không biết tại những nước tự do dân chủ, không chỉ các cấp chính quyền, mà các đảng phái, các chính trị gia, các tổ chức dân sự, ngay cả các hãng xưởng buôn bán hay chế tạo đều thăm dò ý kiến, đều trưng cầu dân ý để lắng nghe suy nghĩ và nhu cầu của người dân. Và có lẽ các cuộc bầu cử tự do - chứ không phải theo kiểu dàn dựng Đảng cử Dân bầu - chính là những cuộc trưng cầu dân ý ở mức cao nhất. Qua kết quả bầu cử, người ta biết toàn dân đang quan tâm đến vấn đề gì nhất, đồng ý với hướng đi của đảng nào nhất, và tín nhiệm người lãnh đạo nào nhất.

Thật tiếc là "giáo sư nghiên cứu" Nguyễn Trọng Phúc vừa không áp dụng logic trong lý luận và cũng không chịu đọc sách báo dù là trong thời đại Internet. Rõ ràng là ông chỉ nghiên cứu trong đống sách báo của đảng mà thôi. Loại sách báo mà hầu hết nhân loại đã bỏ vào thùng rác lịch sử, kể cả tại đất nước đã khai sinh ra chúng.

Nói về vụ án xét lại chống đảng vào đầu thập niên 1960 ông Phúc nói: "Còn năm 1963 và 1964, Bộ Chính trị đảng cộng sản Việt Nam vẫn kết luận sai phạm của những người trong nhóm đó là hoàn toàn đúng sự thật và phải xử lý như vậy thôi,……Trước sau, vẫn kết luận hành vi của những người trong nhóm đó là chống lại Đảng, đường lối của Đảng trong những thời điểm lịch sử đó mà đã bị xử lý theo pháp luật."

Cho đến nay có bao nhiêu tài liệu, sách vở, nhân chứng sống đã phơi bày thực chất của cái gọi là vụ án xét lại chống đảng vào thập niên 1960 trong nội bộ lãnh đạo CSVN. Một phe chủ trương tiếp tục cùng tồn tại trong hòa bình với miền Nam và một phe chủ trương tổ chức chiến tranh “giải phóng” miền Nam. Phe chủ chiến mà trong đó có Lê Đức Thọ và Trần quốc Hoàn được mệnh danh là hung thần của đảng, đã chụp cho phe chủ hòa cái mũ "chống đảng" để thanh trừng.

Nhưng cho dù là những người này không đồng ý và phản đối đường lối của đảng CSVN thì tại sao họ lại có tội trước pháp luật??? Cùng lắm thì phe đa số trong đảng không cho những người bất đồng ý kiến tiếp tục ngồi trong đảng nữa là hết. Vì luật pháp nào cấm người dân đồng ý hay không đồng ý với đường lối của một đảng chính trị, kể cả luật pháp chế độ CSVN? Chính kiểu nói đương nhiên của ông Phúc cho người ta thấy đảng của ông là loại đảng không chỉ độc tài mà còn độc đoán và toàn trị. Họ tự đồng hóa mình với đất nước và luật pháp. Hiến pháp, luật pháp của quốc gia hoàn toàn vô nghĩa đối với Đảng. Và cũng với chính kiểu nói này, ông Phúc đã tố cáo ngay trong nội bộ đảng của ông còn không chấp nhận tư duy độc lập và loại điều hành cân bằng lẫn nhau thì làm gì có cái gọi là "nhân dân làm chủ" hoặc "dân biết, dân bàn, dân kiểm tra". Đó chỉ là bánh vẽ ngay từ ngày đầu.

Về bác Hồ của ông Phúc, ông Phúc nói: "Tôi cho rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh là con người tuyệt vời và hoàn thiện. Cho nên tất cả những điều đó [1] là luận điệu và thủ đoạn bôi nhọ, nói xấu lãnh tụ, những người lãnh đạo lớp trước. Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ những điều đó. Đương nhiên trong quá trình lãnh đạo, như đảng xác định, những vấp váp, khuyết điểm là điều khó tránh..."

Kiểu nói này làm cho người nghe có cảm tưởng rằng đó chỉ là những điểm thiếu, điểm sai nhỏ nhặt không đáng nói mà ai cũng có. Nhưng thực tế cho thấy, và đặc biệt đối với các gia đình nạn nhân, thì những sai lầm đó không phải là những sai lầm nhỏ nhặt mà là sai phạm kinh thiên động địa, như việc ông Hồ ký hiến đất tổ tiên cho ngoại bang qua cái Công Hàm Phạm Văn Đồng năm 1958; việc đưa những kế sách ngoại lai như "cải cách ruộng đất" và cả cán bộ Tàu về giết hại đồng bào mình; việc đẩy đất nước vào cuộc chiến vô nghĩa với cái giá hàng triệu sinh mạng, và nay lại ráng mời "kẻ thù" trở lại để phát triển đất nước; v.v.... Tại các nước tự do, dân chủ, một lãnh tụ hay đảng cầm quyền chỉ cần phạm một lỗi lầm ở mức một phần trăm các dẫn chứng nêu trên đều đã phải hổ thẹn bước khỏi ghế điều hành đất nước rồi. Ông Phúc cứ nhìn vào Đài Loan trong tháng vừa qua thôi thì đủ thấy. Chỉ phản ứng chậm trễ trong cơn bão lụt vừa qua là một vài bộ trưởng đã có ý định từ chức để xin lỗi dân chúng rồi!

Chính ông Hồ đã phát biểu nhiều lần, nhiều cách, và tại nhiều nơi là ông chỉ muốn trở thành một người cán bộ Cộng sản quốc tế tài ba và muốn Việt Nam trở thành ngọn cờ đầu của thế giới Cộng Sản. Thậm chí sau khi đưa được chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam ông rất hài lòng và tuyên bố rằng ông nhận nhiệm vụ của Đệ Tam Quốc Tế và đã hoàn tất vẻ vang nhiệm vụ này... Các thế hệ học trò của ông cũng vậy. Tại Việt Nam, trong nhiều thập niên, hầu hết các anh hùng dân tộc đều bị xem thường vì "thuộc thành phần phong kiến" và bị thay thế trong sử sách, trong học đường bằng các "vĩ nhân Cộng sản" gốc Việt và quốc tế. Tình trạng này chỉ thay đổi khi Liên Sô và Khối CS Đông Âu sụp đổ, và đảng CSVN đành quay về mặc áo dân tộc. Do đó, ngay từ ngày đầu, dân tộc không phải là mục tiêu phục vụ mà chỉ là phương tiện để tiến hành kế hoạch riêng của Đảng. Và có lẽ chính vì cách nhìn đó mà vài chục ngàn nạn nhân cải cách ruộng đất, vài triệu sinh mạng binh sĩ Việt ở cả 2 miền chỉ là những "vấp váp" của Đảng.

Qua cuộc trả lời phỏng vấn của ông giáo sư, kiêm nhà nghiên cứu Nguyễn Trọng Phúc với đài BBC, người ta thấy quả thật môi trường toàn trị và bưng bít thông tin của một chế độ độc tài rất hữu hiệu trong việc giết "khô" khả năng tư duy của con người. Nạn nhân Nguyễn Trọng Phúc có lẽ cũng không khác gì một con ngựa bị bịt mắt liên tục năm này qua tháng khác, đã thích nghi với tình trạng đó. Đến khi lấy miếng che mắt ra, ngựa vẫn không còn thấy gì nữa vì mắt đã không dùng quá lâu.

Nhìn vào số học trò mà ông Nguyễn Trọng Phúc đã và đang dạy, lại càng xót xa cho tương lai đất nước.

Nguyễn Thanh Văn


— -

[1] DVD sự thật về Hồ Chí Minh do Phong Trào Đòi lại Tên Sài Gòn vừa phát hành vào tháng 6.2009

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét