2009/09/28

Thế Giới Lên Án Bản Báo Cáo Nhân Quyền Của CSVN


Ngày 24 tháng 9 vừa qua, Ủy hội nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã nhóm họp tại Genève để kiểm điểm định kỳ bản báo cáo nhân quyền của Cộng sản Việt Nam. Sau đó, trên trang điện tử của chế độ, Hà Nội đã cho đăng một bài đề cập về bản báo cáo nhân quyền cùng với những lời ngụy tạo gọi là ủng hộ bản báo cáo này của một số quốc gia. Bản báo cáo nhân quyền của Cộng sản Việt Nam do thứ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh, trình bày một số điểm chính như sau:

“Quan tâm và thúc đẩy các quyền con người cho mọi người dân Việt Nam luôn là ưu tiên của đảng và nhà nước Việt Nam, là nền tảng được phản ánh nhất quán và xuyên suốt trong mọi chính sách, luật pháp của nhà nước Việt Nam…. Các quyền dân sự và chính trị được ghi rõ trong hệ thống pháp luật Việt Nam, từ hiến pháp cho đến văn bản pháp luật trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Chỉ tính riêng từ năm 1986 đến nay, Việt Nam đã ban hành và sửa đổi khoảng 13,000 văn bản luật và dưới luật, trong đó các quyền dân sự, chính trị được quy định một cách cụ thể và toàn diện hơn. Quốc hội khẳng định vai trò là cơ quan quyền lực cao nhất đại diện cho ý chí và nguyên vọng của nhân dân, trực tiếp giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước. Sự tham gia tích cực và chủ động của các lực lượng phản biện xã hội như báo chí, truyền thông, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp và của chính người dân cũng đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước cũng như ý thức của người dân về các quyền mà họ được hưởng”.

Về sinh hoạt dân chủ, bản báo cáo nhân quyền của CSVN còn viết như sau: “Quy chế dân chủ ở cơ sở do nhà nước ban hành năm 1998 đã tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân tham gia (sic). Quyền lập hội của người dân được bảo vệ bằng pháp luật và được thể hiện trên thực tế. Việt Nam hiện có 380 hội đoàn hoạt động trên phạm vi toàn quốc, 18 tổ chức công đoàn, nhành, 6.020 tổ chức địa phương và hàng nghìn hiệp hội, câu lạc bộ hoạt động trong lãnh vực xã hội nằm trong khuôn khổ cho phép của nhà nước. Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và thông tin của người dân được thể hiện rõ qua sự phát triển nhanh chóng, đa dạng về loại hình và phong phú về nội dung của các phương tiện thông tin đại chúng. Tính đến năm 2008, cả nước có hơn 700 cơ quan báo chí in với 850 ấn phẩm, gần 15.000 nhà báo, truyền hình phủ sóng đến 85% hộ gia đình Việt Nam, 1 hãng thông tấn, 80 báo điện tử và hàng ngàn trang tin điện tử trên mạng Internet, 55 nhà xuất bản. Việt Nam hiện có khoảng 20 triệu người truy cập Internet, chiếm 23.5% dân số, cao hơn mức trung bình của Châu á (18%)”.

Bản báo cáo còn đề cập nhiều vấn đề khác liên quan đến quyền tự do tín ngưỡng, chỉ số phát triển con người, chính sách xã hội đối với phụ nữ trẻ em, sắc tộc, xóa đói giảm nghèo v.v... Cộng sản Việt Nam đã khoe rằng đại diện của một số quốc gia tham dự buổi kiểm định đã “đánh giá cao” thành tựu về nhân quyền của Hà Nội. Bài báo của trang điện tử đảng Cộng sản Việt Nam còn viết rằng Cuba, Venezuela và Nga thì cho rằng “cách tiếp cận và phương pháp giải quyết của Việt Nam trong việc thực hiện quyền con người là một tấm gương để các nước học tập (sic). Brunei thì nói là “ghi nhận vai trò tích cực của Việt Nam trong việc xây dựng cơ chế nhân quyền ASEAN”. Thái lan thì nói là “Việt Nam đã cung cấp kinh nghiệm quý cho các nước khác trong việc thực hiện đầy đủ quyền người dân”. Algeria thì “coi những thành tựu của Việt Nam cũng như cách tiếp cận của Việt Nam trong việc thực hiện Cơ chế kiểm định định kỳ là một đóng góp thiết thực vào cơ chế hoạt động của Ủy hội nhân quyền Liên Hiệp Quốc”.

Tuyệt nhiện, Hà Nội đã không hề nói đến những phê phán và những đòi hỏi cải thiện tình trạng vi phạm nhân quyền hiện nay tại Việt Nam của hầu hết các quốc gia tham dự buổi kiểm định định kỳ ngày 24 tháng 9 tại Genève. Bản báo cáo và phần tóm lược buổi kiểm định đăng trên báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cho chúng ta thấy sự coi thường dư luận của Hà Nội và cái gọi là “quan tâm và thúc đẩy quyền con người” của Cộng sản Việt Nam chỉ là láo khoét và bịp bợm. Tổ chức Human Rights Watch (HRW) đã cho rằng bản báo cáo và thái độ ứng xử của Cộng sản Việt Nam trong buổi kiểm định ngày 24 tháng 9 vừa qua là một trò hề.

1/ Cộng sản Việt Nam đã từ chối 45 khuyến cáo của các quốc gia thành viên trong Ủy Hội nhân quyền Liên hiệp quốc về những vi phạm của Hà Nội đối với các quyền dân sự. Ví dụ như khuyến cáo Hà Nội chấm dứt kiểm soát Internet, Blogger và chấp nhận báo chí tư nhân, cho phép các nhóm và cá nhân đẩy mạnh các sinh hoạt nhân quyền, quyền phát biểu tự do, sửa đổi những luật lệ cáo buộc các tội trạng đối với những nhà đối kháng ôn hòa, phóng thích toàn bộ những tù nhân lương tâm, bãi bỏ toàn bộ án tử hình v.v...

2/ Cộng sản Việt Nam đã từ chối mời những chuyên gia về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc viếng thăm Việt Nam bao gồm cả những quan sát viên đặc biệt của Liên Hiêp Quốc về các vấn đề liên quan đến tự do trình bày, tự do tín ngưỡng, tra tấn, bạo hành đối với phụ nữ v.v...

3/ Cộng sản Việt Nam đã phủ nhận việc bắt giữ và cầm tù hàng trăm tù nhân lương tâm và những nhà hoạt động tôn giáo. Cộng sản Việt Nam đã trắng trợn chối rằng họ không bắt giữ bất cứ ai chỉ trích chính phủ, mà chỉ bắt giữ những người vi phạm luật pháp mà thôi.

4/ Đại diện của 15 quốc gia gồm Á Căn Đình (Argentia), Úc Đại Lợi (Autralia), Áo (Austria), Azerbaijan, Ba Tây (Brazil), Burkina Fasco, Gia Nã Đại (Canada), Chí Lợi (Chile), Phần Lan (Finland), Pháp Quốc (France),. Đức Quốc (Germany), Ireland, Ý Đại Lợi (Italy), Mã Lai (Malaysia), Mễ Tây Cơ (Mexico), Hòa Lan (Netherland), Tân Tây Lan (New Zealnd), Na Uy (Norway), Ba Lan (Poland), Nam Hàn (South Korea), Thụy Điển (Sweden), Thụy Sĩ (Switzerland), Anh Quốc và Hoa Kỳ đã mạnh mẽ khuyến cáo tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam trong phiên họp vào tháng 5 của Ủy hội nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

Báo chí và truyền thông quốc tế đã đồng loạt loan tải những chỉ trích và phê phán của các tổ chức nhân quyền thế giới và đại diện của một số quốc gia về sự ngoan cố của Cộng sản Việt Nam trong việc phủ nhận không có tù nhân lương tâm tại Việt Nam cũng như không chịu cải sửa những vi phạm về quyền dân sự và chính trị, quyền tự do báo chí và ngôn luận, quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng, quyền tự do Internet và Blogger. Điều này cho thấy Cộng sản Việt Nam, một là đã trắng trợn gian dối trong bản báo cáo và tiếp tục ngoan cố khi bị thế giới lên án, cùng lúc đánh lừa dư luận trong nước về phản ứng của thế giới trước sự gian trá của chế độ; hai là Hà Nội quá ngu dốt, lạc hậu và độc ác để có thể hiểu được thế nào là tôn trọng nhân quyền, và đã hành động hoàn toàn ngược lại với với những gì mà họ đã viết lên trong bản cáo nhân quyền. Chính điều này mà dư luận thế giới cho rằng Cộng sản Việt Nam đã tỏ ra nhạo báng trách nhiệm về quyền con người (Vietnam “making a mockery of right obligations").

Trung Điền
26/09/2009

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét