2009/07/13

Biến Cố Tân Cương


Ông Hồ Cẩm Đào, Chủ tịch nước Trung Quốc đã phải bỏ ngang việc tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh G8 tổ chức tại Ý Đại Lợi năm nay, để quay trở về Bắc Kinh hôm mồng 8 tháng 7, một ngày sau khi xảy ra vụ đàn áp đẫm máu cuộc nổi dậy của người Uyghur (người Trung Quốc phiên âm tiếng Hán đọc là người Duy Ngô Nhĩ) tại thủ phủ Urumqi, khu tự trị Tân Cương. Sự vội vã này cho thấy là Bắc Kinh rất lo sợ biến động Tân Cương có thể lan rộng trên toàn quốc. Chính sự lo sợ này, Bắc Kinh đã đưa ngay quân đội vào đàn áp cuộc biểu tình ôn hòa của người Uyghur vào ngày 7 tháng 7 năm 2009, khiến cho gần 160 người bị giết chết, hơn 1000 người khác bị thương.

Cho đến nay, sau hơn 1 tuần lễ xảy ra vụ biến động, người ta chưa biết chính xác những gì xảy ra hôm chủ nhật mồng 7 tháng 7 cũng như nguyên nhân trực tiếp của vụ nổi dậy này. Bắc Kinh thì cho là hàng ngàn người Uyghur đã làm loạn theo sự xúi giục của bà Rebiya Kadeer, một lãnh tụ của phong trào dân chủ người Uyghur đang tỵ nạn chính trị tại Hoa Kỳ. Trong khi đó, bà Kadeer cho biết là do chính sách Hán hóa tại Tân Cương của Bắc Kinh đã tạo ra làn sóng bất mãn ngấm ngầm giữa người Uyghur và người Hán sống tại Tân Cương trong nhiều năm qua. Cao điểm của sự xung đột này là Bắc Kinh đã không giải quyết thỏa đáng về việc hai người Uyghur bị thiệt mạng trong cuộc ẩu đả giữa công nhân người Hán và người Uyghur tại một xí nghiệp phía Nam Trung Quốc hồi tháng 6 năm nay.

Dù cuộc biến động vừa qua xảy ra dưới bất cứ nguyên nhân nào, tình hình Tân Cương với sự đấu tranh kiên trì của người Uyghur nhằm chống lại chính sách Hán hóa của Bắc Kinh đồng thời giành lại độc lập cho Tân Cương đang là một đe dọa lớn cho Bắc Kinh. Người Uyghur thuộc sắc dân Thổ sống gần gũi với nhiều sắc dân khác ở Trung Á từ lâu đời. Năm 1933, người Uyghur đã giành độc lập tại Tân Cương và thành lập nước Cộng Hòa Đông Thổ (East Turkestan); nhưng đến tháng 10 năm 1949 thì quốc gia này bị vệ binh Trung Cộng cưỡng chiếm, sát nhập vào Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc và biến thành khu tự trị Tân Cương. Số phận của người Uyghur tại khu tự trị Tân Cương cũng giống như người Tây Tạng sống trong khu tự trị Tây Tạng – tuy cả hai có diện tích chiếm một phần tư Trung Quốc – nhưng đang bị tiêu diệt dần dần bởi chính sách Hán hóa của Bắc Kinh và hiện trở thành một sắc dân thu hẹp dần trong hai khu tự trị này. Vào năm 1949, người Uyghur và người Tây Tạng chiếm đa số ở Tân Cương và Tibet, người Hán chỉ chiếm dưới 10%; nhưng 60 năm sau, người Hán lại chiếm đến gần 40% ở hai khu tự trị này.

Từ nhiều thập niên qua, chính sách đồng hóa của Bắc Kinh đã được khéo léo che đậy bởi cái gọi là “tiến lên thiên đường xã hội chủ nghĩa” để buộc người Uyghur phải sống và học cách văn minh của người Hán, đặc biệt là hạn chế những phong tục tập quán của đạo Hồi. Chính sách đồng hóa này không chỉ tạo ra sự căm phẫn nơi người Uyghur ở Tân Cương hay người Tây Tạng ở Tibet mà còn có người Mông Cổ ở khu tự trị Nội Mông và nhiều sắc tộc khác. Trung Quốc hiện có 56 sắc tộc thiểu số chiếm 10% dân số Trung Quốc. Mặc dù chỉ chiếm 10% dân số, các nhóm sắc tộc lại sinh sống ở những vùng có nhiều tài nguyên thiên nhiên chiếm 60% trên cả nước. Đồng thời họ chiếm đến 90% số dân nông thôn hoặc thành phố, thị trấn biên giới từ Tân Cương, Tây Tạng, Nội Mông đến Vân Nam. Đây là khu vực mà các sắc tộc chen chúc nhau sinh sống nhưng bị rất nhiều thiệt thòi trong 30 năm mở cửa vừa qua của Trung Quốc (1978-2009).

Trong khi đó, nhà cầm quyền Trung Quốc lại che dấu cuộc khủng hoảng sắc tộc do chính sách Hán hóa gây ra bằng chiêu bài đổ lỗi cho những xúi giục nổi loạn của các thế lực người Uyghur hay người Tây Tạng ở bên ngoài. Bắc Kinh đã nguỵ biện cho rằng hầu hết người Uyghur, người Tây Tạng, người Mông Cổ, người Hán và các sắc tộc khác đều thỏa mãn với những chương trình cải tổ của Bắc Kinh trong ba thập niên qua.

Bắc Kinh càng hung hăng đổ lỗi cho các sắc dân tại hải ngoại, dư luận càng nhìn thấy rõ chân tướng diệt chủng của chế độ này, như Thủ Tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyid Erdogan đã tuyên bố rằng “Sự kiện Tân Cương là một kiểu diệt chủng của Bắc Kinh”, khi ông trên đường về lại Thổ Nhĩ Kỳ từ Ý Đại Lợi sau khi dự cuộc họp Thượng Định G 8.

Mặc dù hiện nay nhà cầm quyền Bắc Kinh tuyên bố là đã kiểm soát tình hình ở Tân Cương, nhưng

đã có hàng ngàn người Uyghur – đa số là người lao động di dân sắc tộc Hán – đã đổ xô ra nhà ga để tìm cách rời khỏi thủ phủ Urumqi vì sợ là những cuộc xung đột sắc tộc có thể tái diễn trong thời gian tới. Trong khi đó, Bắc Kinh lại ra lệnh cho các nhà báo ngoại quốc phải rời khỏi Thủ phủ Urumqi và thành phố Kashgar, thành phố lớn thứ hai nằm ở cực Tây của Tân Cương vì lý do an ninh. Ông Hồ Cẩm Đào và Thường vụ chính trị Bộ của đảng Cộng sản Trung Quốc đang lo ngại những cuộc xuống đường quy mô khác của người Uyghur có thể sẽ xảy ra nhân đánh dấu 60 năm ngày Vệ binh Trung Cộng xâm chiếm Tân Cương vào tháng 10 năm 1949. Hiện giờ, các căng thẳng sắc tộc chưa thật sự là mối nguy hại có thể làm tan rã chế độ Cộng sản tại Trung Quốc, nhưng đây là mối đe dọa ẩn chứa nhiều nguy cơ làm bùng nổ phong trào ly khai của các sắc tộc tại Trung Quốc; trong đó ba sắc tộc Uyghur, Tây Tạng, và Nội Mông nắm vị trí quyết định của tiến trình này.

Trung Điền

Ngày 13 tháng 7 năm 2009

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét