2009/08/30

Quyết định 97 - Phản Biện, Phản Động, hay Phản Tiến Hóa?


“Tôi khinh miệt những cái mồm oang oang rao giảng và ’khích lệ’ sự phản biện, nhưng lại lăm lăm trong tay miếng băng keo và cái… còng số 8”, câu nói ngắn gọn đó của nhà báo Võ Đắc Danh lại gieo nhiều đồng cảm và để lại dư âm dài trong những tấm lòng cương trực trên đất Việt hôm nay. Đặc biệt vào lúc mà giới lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam thấy rằng, sau hàng chục năm dài “đảng là chân lý”, tiếp đến nghị định 31/CP và nay là thời của luật hình sự 88, không biết bao nhiêu hình thức “băng keo và còng số 8” đã được đảng dùng đến, nhưng xem ra vẫn chưa đủ. Bây giờ, qua quyết định 97 của ông Nguyễn Tấn Dũng, đảng phải chuẩn bị thêm nhiều băng keo và còng số 8 thích hợp khác để dùng sau ngày 15 tháng 9 này, hầu đáp ứng được nhu cầu bức thiết của đảng trong thời gian sắp tới.

Thực ra quyết định 97 chỉ liên quan đến việc tư nhân tham gia nghiên cứu khoa học công nghệ. Nhưng quyết định này lại ghi rõ rằng: “Nếu có ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cần phải gởi ý kiến phản biện đó cho các cơ quan Đảng và Nhà nước có thẩm quyền, chứ không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học công nghệ.”. Với chính sách về phản biện được xác định như vừa kể, quyết định 97 đã gặp nhiều phản ứng không đồng tình của giới trí thức ngay sau khi được công bố. Trong mấy tuần vừa qua, nhiều chuyên gia đã vạch rõ từ sự sai phạm trong việc ra văn bản này, cho đến những phân tích và chứng minh đây chỉ là một hình thức "bịt miệng" phản biện xã hội, một bước thụt lùi về dân chủ, đi ngược lại chủ trương “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” và thậm chí đi ngược lại hiến pháp hiện hành...

Ngay cả những người dễ tính nhất cũng thấy sự vô dụng của văn bản này. QĐ 97 quy định “cần phải gởi ý kiến phản biện cho các cơ quan Đảng và Nhà nước có thẩm quyền“. Đối với giới trí thức suốt hơn nửa thế kỷ qua, và hiện nay với ngay cả những người như ông Võ Nguyên Giáp đã mấy lần gửi kiến nghị can ngăn đến Bộ Chính trị, mà còn bị đảng vứt sọt rác, rồi lại còn động viên ông tướng này hãy tiếp tục đóng góp ý kiến cho đảng. Trí thức Việt Nam đâu có khờ đến độ vẫn không biết các góp ý của mình đi đâu suốt hơn 50 năm qua và tại sao đất nước cứ vấp vào các hầm hố ngày càng sâu như hiện nay.

Phản biện là sự nhận xét, đánh giá và đóng góp ý kiến phản hồi về một vấn đề nào đó hầu làm cho vấn đề được sáng tỏ, đúng đắn hơn. Để được như vậy, và đặc biệt đối với các vấn đề mang tầm vóc quốc gia, sự phản biện phải công khai, minh bạch, độc lập và tự do. Phản biện được quy định trong quyết định 97 là về những đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã, đang hoặc sẽ được thi hành trên đất nước. Với những lãnh vực vừa kể, thường thì giới chuyên gia, trí thức sẽ là thành phần lên tiếng phản biện. Như vậy, đối tượng chính của quyết định này là giới trí thức. Đến đây câu hỏi được đặt ra là: tại sao giới lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam lại không dám cho công khai phản biện về đường lối, chính sách, và chủ trương của họ?

Câu trả lời là, dù liên tục sai lầm, nhưng lúc nào đảng cũng muốn nắm quyền lãnh đạo duy nhất trên mọi phương diện của đất nước. Sự phản biện công khai sẽ ngày càng bóc trần con đường mòn tư duy xưa nay của “thiếu kiến thức nhưng làm đại rồi khỏa lấp hậu quả” trong lề lối lãnh đạo, đồng thời vạch rõ tinh thần vô trách nhiệm của 15 nhà cai trị đang ngồi ở Bộ Chính Trị, và hệ quả đã được thực tế chứng minh là, đất nước phải đối diện với đủ loại vấn nạn nặng nề như hiện nay. Vì vậy, phản biện công khai không những sẽ làm tổn hại cho tư thế lãnh đạo của đảng, mà sẽ còn dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường khác. Vì một khi tư thế lãnh đạo của đảng bị lung lay, thì niềm tin vào đảng cũng bị soi mòn, dễ dàng tạo nên tình trạng “tự diễn biến” ngay chính trong hàng ngũ đảng viên. Đây là điều mà lãnh đạo đảng đang báo động bằng cả lời nói, văn thư, và báo chí. Tác động của “tự diễn biến” sẽ làm cho các cột trụ đang chống đỡ đảng mục dần từ trong ra, và sẽ theo nhau xụp đổ. Bởi vậy, tuy phản biện xã hội thường chỉ giới hạn trong thành phần trí thức, nhưng ảnh hưởng của nó lại rất rộng và hệ trọng, vì nó có khả năng tác động trên tư tưởng của toàn xã hội. Mà theo kinh điển cộng sản thì... “tư tưởng sớm muộn gì cũng sẽ dẫn đến hành động”.

Do tầm mức quan trọng như vừa kể, nên từ trước đến nay những tiếng nói phản biện hầu như bị dập tắt ngay từ trong trứng nước. Cuộc đàn áp nhân văn giai phẩm vào thập niên 1950 của thế kỷ trước chính là một chiến dịch để tiêu diệt những tiếng nói phản biện của giới văn nghệ sĩ, trí thức thời đó. Tiếp theo, những cuộc đàn áp, bắt bớ, giam cầm những nhà trí thức trong cuộc thanh trừng “xét lại chống đảng”, cũng không nằm ngoài chủ trương này, để cuối cùng trong xã hội chỉ còn lại tiếng nói duy nhất của đảng và “đảng là chân lý”; còn đối với nhân dân thì phản biện được đồng hoá với “chống đối”, với “phản động”, dễ dàng bị nâng lên hàng “quan điểm” để bị trừng trị... Hệ quả là hầu hết con người trong xã hội chỉ còn có thể biến thành một đàn cừu, hoặc là chỉ biết nhắc lại ý của đảng, hoặc bưng tai bịt mắt trước những sai trái trong các đường lối, chính sách của đảng... Một thí dụ điển hình vẫn thường được nhắc lại để minh họa mức tai hại của sự vắng bóng phản biện trong xã hội, là nghị quyết đại hội lần thứ tư của đảng, với chủ trương “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội ”. Lúc đó hầu như bất cứ văn bản nào của chế độ cũng đều mở đầu bằng hàng chữ: “Dưới ánh sáng nghị quyết 4 của đảng....”. Nhưng đến khi bắt buộc phải “đổi mới” từ thời 1986 đến nay, thì cũng chính giới lãnh đạo đảng đã không tiếc lời chê bai cái thời bao cấp dưới “ánh sáng nghị quyết 4 của đảng” đó; và họ làm như thể sự bần cùng của đất nước, sự tụt hậu vì điểm xuất phát quá thấp là do ai đó tạo ra, chứ đảng chẳng có trách nhiệm gì cả. Và cứ thế họ tiếp tục huênh hoang về công trạng lãnh đạo của đảng đối với đất nước... Tuy nhiên, cũng kể từ đó, giới trí thức, văn nghệ sĩ Việt Nam đã tận dụng mọi cơ hội để gióng lên tiếng nói phản biện trước những chính sách, đường lối của đảng.

Bài viết “Bàn về sự lãnh đạo của Đảng” trên báo Khoa Học và Tổ Quốc số tháng tư năm 1990 của ông Nguyễn Kiên Giang được dư luận coi là một trong những bài phản biện mạnh mẽ nhất của thời đó. Đương nhiên tờ báo này ngay lập tức bị đóng cửa 10 tháng và tác giả bị trù dập tàn nhẫn. Trong bài viết này, ông Nguyễn Kiên Giang đã thẳng thắn nhận định rằng “Mọi ý kiến khác với ý kiến những người lãnh đạo của Đảng bị coi là chống Đảng, mà chống Đảng cũng có nghĩa là chống Nhà nước, chống chế độ, chống cách mạng. Cho đến khi Đảng nhận ra được những sai lầm của mình (triệt để hay không triệt để) thì xã hội đã gánh chịu những hậu quả cay đắng, chưa nói tới một số người phải chịu đựng sự trừng phạt trái pháp luật mà đến nay vẫn chưa giũ bỏ dược hết số phận oan trái của mình.” Sau khi phân tích về sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng đưa đến những đặc quyền cho đảng, ông đã nhấn mạnh rằng:“Nhưng còn một thứ đặc quyền khác còn nguy hiểm hơn nhiều: đặc quyền tinh thần, độc quyền chân lý. Có thể tính tác hại của đặc quyền vật chất thành những số tiền của mất đi, nhưng không thể nào tính được tác hại của đặc quyền tinh thần của độc quyền chân lý bằng những thước đo sờ thấy. Mà tác hại của thứ đặc quyền này đối với xã hội thì thật ghê gớm.”

Đến nay, gần 20 mươi năm sau khi ông Nguyễn Kiên Giang viết những giòng trên, giá trị của những nhận định đó vẫn nguyên vẹn. Do đó, những phản biện về đường lối, chính sách của đảng vẫn luôn luôn là nhu cầu bức thiết, nhất là tình hình đất nước lại đang nảy sinh thêm những vấn đề phức tạp khác phát xuất từ các “chủ trương lớn” của đảng. Thực ra bên cạnh vấn đề độc quyền lãnh đạo của đảng, từ đầu thập niên 90, những bài tiểu luận của ông Hà Sĩ Phu, đặc biệt là tập “Chia Tay Ý Thức Hệ”, đã đánh sập nền tảng tư tưởng Mác Lê, khiến cả một Hội Đồng Lý Luận Trung Ương của đảng không thể nào chống đỡ nổi; rồi sự phát triển của các phương tiện truyền thông đã ngày càng mở rộng thêm cho sự phản biện về mọi vấn đề của đất nước do đảng độc quyền kiểm soát. Nếu thực sự tự tin là mình có những đường lối đúng đắn, thì đảng đã không cần có nghị định 31/CP, không cần đến luật hình sự 88,... và không cần lúc nào cũng phải “tăng cường sự lãnh đạo của đảng” trong vấn đề này vấn đề kia. Do không tự tin, thiếu hiểu biết, thiếu chuẩn bị nên lúng túng trước những phản biện xã hội, đảng đã phải đẻ ra hết luật này này đến luật nọ, mà mục đích chỉ là để bịt miệng những tiếng nói phản biện. Và bây giờ là quyết định 97 để cho thấy rằng những cách bịt miệng và còng số 8 hiện có... vẫn chưa đủ.

Mới tháng 7 năm ngoái, nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển đã phát biểu tại hội thảo của giới trí thức rằng: “Rõ ràng, phải tạo điều kiện hơn nữa cho tranh luận, phản biện". Và rằng: “Cần mở rộng hơn nữa hệ tư tưởng, đặt đúng vai trò của trí thức". Không biết lúc đó ông Tuyển có biết mình đang nói gì không, hay hiện giờ chính ông cũng đã bị “dán băng keo” rồi. Cũng không lẽ giới trí thức Việt Nam đã xuống cấp quá nhanh trong vòng 1 năm và không còn là trí thức nữa? Có lẽ dưới ánh sáng của QĐ 97, người ta chỉ còn có thể kết luận các tuyên bố của Bộ trưởng Trương Đình Tuyển là “phản động”!

Phải chăng những phản biện của quần chúng về vấn đề biển, đảo, ngư dân và nhất là bô-xít Tây Nguyên đang làm cho đàn anh phương Bắc không hài lòng? Và phải chăng vì đã bỏ túi hơn 150 triệu đô thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải làm sao coi cho được? Phải chăng những lên tiếng của giới trí thức mà đảng không có cách nào phản bác được, nhưng lại vẫn muốn tiến hành “chủ trương lớn”, nên phải lập ra một khung pháp lý để ngăn chặn và dập tắt sự lên tiếng?

Bên cạnh đó còn nhiều vấn đề của đảng chưa được phản biện một cách rốt ráo, mà đảng sợ rằng, càng rốt ráo minh bạch thì đảng càng lâm vào thế bí. Chẳng hạn, như từ trước đến nay, đảng vẫn khép tội những người bất đồng chính kíến là “nói xấu nhà nước”, là “chống lại nhà nước XHCNVN”, v.v... Nếu không ngăn chặn phản biện công khai thì rồi đây sẽ có lúc vấn đề đặt ra sẽ là: “Một đảng và nhà nước nằm trong hệ thống diệt chủng như đã bị nghị quyết 1481của Nghị Viện Âu Châu lên án, thì đảng và nhà nước đó tốt hay xấu?“. “Một đảng và nhà nước bán đất, dâng biển cho ngoại bang, thì đảng và nhà nước đó tốt hay xấu? “v.v.... Nếu xấu, thì lên tiếng phản đối một đảng và nhà nước xấu là có tội, hay là nhiệm vụ của bất cứ một ai có lương tâm trên quả đất này?

Tóm lại, các nhà lãnh đạo tại Hà Nội biết rằng càng ngày họ sẽ càng bí lối về mặt lý luận cũng như trong việc biện minh cho những chính sách đường lối của họ, khi mà những phản biện công khai ngày càng vạch ra chuỗi sai lầm triền miên. Điều này chắc chắn sẽ gây thương tổn ngày càng trầm trọng cho tư thế lãnh đạo của đảng để dẫn đến những hậu quả khác như đã trình bày ở trên. Bởi vậy mà quyết định 97 đã ra đời để mong bịt miệng phản biện bằng bạo lực. Do đó QĐ 97 là bằng chứng về sự yếu kém và xuống cấp của lãnh đạo đảng CSVN.

Những nỗ lực cao quí hiện nay của giới trí thức Việt Nam cho thấy không mấy ai đã nhìn ra thực trạng đất nước mà còn có thể an tâm phó mặc tương lai dân tộc vào tay 15 con người thiếu cả khả năng lẫn tinh thần trách nhiệm. Nhưng có lẽ quan trọng hơn cả, giới trí thức Việt Nam đang đi đầu và hướng dẫn cả dân tộc trong nhận thức: Chống những người lãnh đạo bất xứng không phải là chống đất nước; và bảo vệ đồng bào ruột thịt lại càng không phải là chống đất nước.

Lê Vĩnh

2009/08/22

Tư Duy Mới Về An Ninh Của Cộng Sản Việt Nam?


Đến tham dự buổi lễ kỷ niệm 64 năm ngày thành lập ngành công an nhân dân tại Bộ công an ở Hà Nội hôm 19 tháng 8, Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng Cộng sản Việt Nam, đã có một bài nói chuyện khá đặc biệt. Ngoài việc đề cập về một số nhiệm vụ mới của ngành công an, ông Dũng đã đặc biệt chỉ thị Bộ công an thay đổi cung cách hoạt động với một tư duy mới nhằm đáp ứng những biến chuyển của tình hình Việt Nam mà ông Dũng gọi là “đột biến” trong hai năm trở lại đây. Theo ông Nguyễn Tấn Dũng thì tư duy mới đó là: “cần phải nhạy bén, đặt an ninh quốc gia trong mối quan hệ qua lại với kinh tế, xã hội để bảo đảm vững chắc an ninh chính trị”. Với tư duy này, ông Dũng đã chỉ thị cho lực lượng công an phải: “tập trung đấu tranh, ngăn chận các thủ đoạn kích động ly khai dân tộc. Tăng cường triệt phá, bóc gỡ tình báo gián điệp. Chủ động ngăn chận không để xảy ra bạo loạn. Ngăn chận cho được việc lợi dụng tự do tín ngưỡng tôn giáo, vi phạm pháp luật gây rối trật tự xã hội”. Và để làm được những điều trên, ông Dũng còn yêu cầu lực lượng công an phải nắm bắt tình hình, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống.

Cái gọi là tư duy mới mà ông Dũng chỉ thị cho ngành công an nói trên, thật ra không có gì là mới ngoại trừ ông Dũng nêu lên vấn đề “đột biến” của tình hình kinh tế, xã hội trong hai năm trở lại đây, chứng tỏ những cuộc nổi dậy của quần chúng mà ông Dũng gọi là các cuộc bạo loạn xã hội đã làm chế độ của ông lo sợ. Thật vậy, những vấn đề mà ông Dũng yêu cầu lực lượng công an phải ngăn chận - không phải là những điều chưa hề xảy ra, nhưng do nhịp độ xảy ra dồn dập, đã đẩy lực lượng công an càng lúc càng rơi vào tình thế lúng túng đối phó. Những vấn đề an ninh mà ông Dũng yêu cầu lực lượng công an phải giải quyết tập trung vào 4 hiện tượng như sau:

Thứ nhất là ngăn chận các thủ đoạn kích động ly khai dân tộc. Ông Dũng muốn ám chỉ đến những cuộc chống đối của đồng bào sắc tộc tại Tây Nguyên ầm ĩ kéo dài hơn 2 thập niên qua. Ông Dũng từng là Thứ trưởng Bộ công an trước khi được ông Võ Văn Kiệt bổ nhiệm làm phó Thủ tướng đặc trách ổn định Tây Nguyên từ năm 2000, cho thấy là tình hình Tây Nguyên đã không ổn định chút nào. Cuối tháng 7 vừa qua, lực lượng công an đã khoe là bắt giữ hai người lãnh đạo cao cấp nhất của lực lượng FULRO tại Gia Lai. Theo công an mô tả thì hai người này đã hoạt động chống lại nhà nước Cộng sản Việt Nam trong suốt 20 năm qua, nhờ sự che giấu của các buôn làng ở vùng Tây Nguyên. Sự khoe khoang thành tích này đã để lộ cho người ta thấy là lực lượng công an và cả ông Nguyễn Tấn Dũng đều thất bại trong việc ngăn chận sức đối kháng bền bỉ của người sắc tộc.

Thứ hai là triệt phá, bóc gỡ tình báo gián điệp. Đây là thủ đoạn của Hà Nội nhằm ngăn chận quyền tự do thông tin của người dân khi sử dụng mạng Internet để trao đổi quan điểm và tin tức lẫn nhau giữa những người Việt ở trong và ngoài nước. Cộng sản Việt Nam đã từng dùng tội danh gián điệp để gán ghép cho các ông Nguyễn Khắc Toàn, Lê Chí Quang, Phạm Hồng Sơn khi những người này đã gửi các bài phê phán chế độ cho những người quen biết ở hải ngoại. Với làn sóng bộc phát của phong trào dân báo qua các phương tiện Blog, Facebook, Youtube, Wordpress…. đã làm cho Cộng sản Việt Nam khó có thể ngăn chận những thông tin nhanh chóng về các biến cố xảy ra ở trong nước, nhất là những lúng túng đối phó của công an hay của các cấp chính quyền về các đòi hỏi của dân chúng hiện nay. Những diễn biến này đã làm thu hẹp khoảng không gian quyền lực của chế độ lên đời sống người dân, khiến cho Hà Nội lo ngại. Nhưng Hà Nội lại không dám công nhận sự yếu kém này mà lại đổ cho sự xúi giục của các thế lực từ bên ngoài, và hô hào lực lượng an ninh phải tận lực bóc gỡ tình báo gián điệp. Điều này cho thấy là ông Dũng và lực lượng an ninh cộng sản Việt Nam đã bị ám ảnh cùng tột khi nhìn đâu cũng thấy có kẻ thù, gián điệp.

Thứ ba là ngăn chận không để xảy ra bạo loạn. Đây là mối lo canh cánh bên lòng của cấp lãnh đạo Cộng sản Việt Nam kể từ khi biến cố Đông Âu bùng nổ vào năm 1989, đưa đến sự tan rã toàn diện các chế độ cộng sản tại Đông Âu và giựt sập thành trì vô sản chuyên chính tại Liên Xô vào năm 1991. Những thay đổi xã hội đến từ cải tổ kinh tế nhưng tiếp tục kềm kẹp chính trị chắc chắn sẽ tạo ra những hiện tượng chênh lệch giàu nghèo và tham ô nhũng lạm mà dân oan khiếu kiện là trường hợp điển hình. Từ đó những biến động, xung đột giữa các tầng lớp quần chúng giầu nghèo, giữa thường dân và thành phần quyền lực là điều đương nhiên. Hà Nội cho rằng những hiện tượng xung đột, bất mãn này sẽ bị lực lượng dân chủ khai thác để đẩy mạnh những đòi hỏi cải cách về chính trị như đòi dân chủ đa nguyên, tôn trọng nhân quyền, và chế độ đã tuyên truyền rằng những đòi hỏi này sẽ dẫn đến bạo loạn vì có mục tiêu lật đổ chính quyền chuyên chính. Dùng chữ bạo loạn để gán ghép cho những thay đổi dân chủ hóa là âm mưu của Cộng sản Việt Nam nhằm đe dọa nội bộ về nguy cơ tan rã nếu đảng chấp nhận dân chủ đa nguyên. Đây là sự cố thủ trong lô cốt độc tài Mác Lênin của Hà Nội. Sự kiện Nguyễn Tấn Dũng chỉ thị cho lực lượng công an tăng cường ngăn chận để không xảy ra bạo loạn cho thấy là hai đối sách về chống tham nhũng và giải quyết vấn đề bồi hoàn ruộng đất của người dân đã không đạt kết quả như chế độ mong muốn.

Thứ tư là ngăn chận cho được việc lợi dụng tự do tín ngưỡng tôn giáo, vi phạm pháp luật gây rối trật tự. Những cuộc đấu tranh đòi lại tài sản của các cơ sở tôn giáo đã bị Cộng sản Việt Nam chiếm đoạt từ nhiều thập niên qua đã bộc phát một cách mạnh mẽ từ sau khi Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội đòi lại Khu Nhà Chung, và Dòng Chúa Cứu Thế đòi lại khu đất ở địa phận Thái Hà từ đầu năm 2008. Làn sóng hàng ngàn, rồi hàng chục ngàn và lên đến hàng trăm ngàn giáo dân tham dự các Thánh lễ cầu nguyện cho Thái Hà, và mới đây cho Tam Tòa, đã biểu hiện rất nhiều đặc tính của đấu tranh Bất Bạo Động mà công an Cộng sản Việt Nam khó có thể ngăn chận. Các buổi lễ cầu nguyện đã được tổ chức công khai, ôn hòa nên đã thu hút đông đảo giáo dân tham gia. Dù có bị công an giả làm du đãng tấn công, các giáo dân vẫn không chống trả, duy trì kỷ luật và cương quyết tụ tập cầu nguyện dù có bị công an răn đe, sách nhiễu. Có thể nói là lực lượng an ninh cộng sản Việt Nam đã hoàn toàn bó tay trước các hình thái đấu tranh ôn hòa, bất bạo động của giáo dân qua những buổi lễ này. Giải tán các buổi lễ cầu nguyện của giáo dân không được, Cộng sản Việt Nam lại xách mé gọi đó là “lợi dụng tự do tín ngưỡng để vi phạm pháp luật, gây rối trật tự”, và núp dưới tội danh vu cáo này để mang một số giáo dân ra xét xử hầu răn đe các giáo dân khác. Rất tiếc cho chế độ là hành vi “côn đồ” này của chính nhà nước đã bị phản ứng ngược, đó là các phiên tòa xét xử những giáo dân bị kết án là vi phạm trật tự xã hội đã biến thành nơi hạch tội chế độ Cộng sản Việt Nam.

Tổng kết lại, những điều mà ông Nguyễn Tấn Dũng chỉ thị cho lực lượng công an ngăn chận trong ngày lễ truyền thống của công an hôm 19 tháng 8 vừa qua cho chúng ta thấy là Cộng sản Việt Nam đang lo ngại những biến chuyển đột phá của tình hình với nguy cơ giựt sập hệ thống đương quyền. Dù cố tình xuyên tạc và bóp méo chính nghĩa của các cuộc đấu tranh, ông Nguyễn Tấn Dũng và lực lượng an ninh đều thấy rõ là số người dân tham gia chống lại chế độ Hà Nội ngày một gia tăng, xảy ra cùng khắp ở nhiều nơi. Những cuộc đấu tranh này rất ôn hòa, bất bạo động khiến cho công an khó có thể tìm lý cớ ngăn chận. Khi phải dùng đến biện pháp vu khống cho các buổi lễ cầu nguyện của giáo dân là “gây rối trật tự” và dở trò vũ phu đối với các vị tu hành cùng các giáo dân tay không tấc sắt, rõ ràng là Cộng sản Việt Nam đã cùng đường và đang tự quấn vào cổ mình những sợi giây oan nghiệt.

Trung Điền
Ngày 22 Tháng 8 Năm 2009

2009/08/15

Từ 31/CP đến đôi còng kép 88


Người Việt Nam có câu "cọp chết để da, người ta chết để tiếng", ngụ ý lúc con cọp còn sống, tuy dữ tợn và mạnh mẽ, nhưng khi chết đi thì cũng chẳng còn gì, ngoài bộ da màu sắc rực rỡ dùng để trang trí. Thêm vào đó, với những “ông cọp” đã từng gây tai họa cho xóm làng, thì bộ da cọp cũng khiến người ta gợi nhớ đến nỗi hoảng hốt, kinh hoàng, những khi nó về rình rập trong làng vồ người hay gia súc tha đi.... Còn câu: "Người ta chết để tiếng", thì “tiếng” ở đây là cả tiếng tốt và tiếng xấu. Xã hội nào cũng vậy, bên cạnh những người tốt, tiếng tăm đươc lưu danh muôn thưở, thì cũng có những người sau khi chết vẫn bị nguyền rủa muôn đời.

Trong xã hội Việt Nam hôm nay, khi nghe câu "người ta chết để tiếng", người ta nhớ đến những "ông cọp" đã liên tục gây kinh hoàng trên đất nước suốt mấy thập niên qua, với “tiếng tăm” của họ từ các thời Cải Cách Ruộng Đất, đến các chiến dịch truy diệt văn nghệ sĩ, tư sản, ngụy quân ngụy quyền, đến các chiến dịch quản chế hành chánh, truy lùng những người phản đối Trung Quốc hiện nay. Mỗi giai đoạn kinh hoàng của dân tộc trong 75 năm qua đều có một nhân vật điển hình – hay một "ông cọp" - mà chỉ cần nhắc đến tên là người ta hình dung ra được cả cảnh tượng, âm thanh, lẫn màu sắc và mùi của giai đoạn đó. Nhắc tới Trường Chinh là nhớ ngay đến các buổi đấu tố dưới ánh đuốc leo lét, vang động tiếng cán bộ gào thét xúi giục đám đông giết người. Nhắc tới Tố Hữu là người ta nhớ ngay đến những câu thơ vong bản như “Yêu biết mấy khi con vừa biết nói, tiếng đầu lòng con gọi Stalin”; cũng như hình dung ra ngay bầu không khí cực kỳ căng thẳng, nặng nề của văn nghệ sĩ canh chừng nhau, tố giác nhau, và tàn lụi trong lao tù khổ sai, v.v...

Tuy nhiên, thỉnh thoảng cũng có một "ông cọp" bị mang tiếng oan. Chẳng hạn như tên tuổi cựu thủ tướng Phạm Văn Đồng bị dính chặt với bức công hàm công nhận "lưỡi bò" hải phận Trung Quốc bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa. Bức công hàm ngày 14/9/1958, mang chữ ký của ông Đồng và ngày nay được gọi tắt là công hàm Phạm Văn Đồng, không chỉ coi toàn vùng biển trong "bản đồ 9 vạch" thuộc về Trung Quốc mà còn thề hứa sẽ "triệt để tôn trọng" hải phận đó. Tuy nhiên, dù ký bản công hàm với tư cách thủ tướng nhà nước CSVN, nhưng đây chắc chắn không phải là quyết định riêng của ông Phạm Văn Đồng mà là ý định của Bộ Chính trị đảng CSVN với sự quyết định tối hậu của lãnh tụ tối cao vào lúc đó là ông Hồ Chí Minh. Trong giai đoạn này, ông Hồ vẫn còn nắm mọi quyền sinh sát trong tay và chưa bị cánh Lê Duẫn và Lê Đức Thọ cô lập như từ đầu thập niên 60 trở đi.

Tuy nhiên, loại oan ức như vậy khá hiếm hoi. Hầu hết các “ông cọp” gây kinh hoàng trong xã hội Việt Nam sau này, đặc biệt những ông đứng đầu các chiến dịch khủng bố của chế độ trong 3 thập niên vừa qua thì chẳng oan chút nào. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất phải kể đến Nghị Định 31/CP ngày 14-4-1997, mang chữ ký của cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt. Bất kể lý lịch sự nghiệp của ông Kiệt thế nào đi nữa thì các nhà phân tích Việt Nam lẫn quốc tế ngày nay, và có lẽ cả các sử gia độc lập trong tương lai, đều khó có thể nhắc đến tên ông mà không đề cập đến Nghị Định 31/CP và khối nạn nhân của nó.

Dù ở phần cuối đời, ông Võ Văn Kiệt có lên tiếng kêu gọi "tha thứ hòa giải vì tương lai" cách mấy đi nữa, vẫn ít ai dám tin ông hoàn toàn. Người ta khó để mà phân định được “ông Kiệt nào” đang có những lời lẽ kêu gọi đầy tính nhân bản và tinh thần dân tộc đó; một ông Kiệt đã nghỉ hưu, hồi tâm và nhận ra những sai trái, tàn ác của chế độ để nói tiếng lương tâm chân thật của mình, hay vẫn chỉ là ông Kiệt của nghị định 31/CP đang đóng kịch đạo đức. Người ta khó phân định chính xác được hai con người trong ông Kiệt, vì ông đã từng có khả năng bịt miệng lương tâm của chính mình để ký bản Nghị định 31/CP, hợp thức hóa việc giam cầm vô số nạn nhân, kể cả người bạn nối khố của ông là Nguyễn Hộ, dưới cái tên hiền lành "quản chế hành chánh". Nói cách khác, vết bùn (nếu không nói là vết máu) 31/CP đã vĩnh viễn dính liền với tên tuổi ông Võ Văn Kiệt.

Không chỉ trong mắt người Việt, mà trong cả hồ sơ của các chính phủ tự do và các tổ chức nhân quyền quốc tế, hình ảnh Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đang ngày càng xấu đi so với thời điểm ông mới nhậm chức.

Ngày nay các lãnh tụ CSVN khôn ngoan hơn. Ít ai còn dại dột đứng tên ban hành cả một văn bản mang tính "ác ôn" cỡ 31/CP “Quản chế hành chánh” trước mắt thế giới. Các điều luật cho mục tiêu hợp pháp hóa các hành vi trấn áp được đẩy sang một tập thể bình phong lớn hơn, gọi là Quốc Hội, và được vùi vào giữa vài trăm điều luật vô tư khác, gọi là Bộ Luật Hình Sự. Tuy nhiên, không phải vì thế mà những lệnh bắt người trong 3 năm qua không để lại những dấu ấn rõ rệt cho người đời đối với nhân vật ký những lệnh bắt đó. Trước mắt công luận, ông Nguyễn Tấn Dũng, tác giả của những lệnh bắt bớ vừa kể, đang càng lúc càng gắn chặt tên tuổi của mình với điều luật hình sự 88 (LHS 88); mà với hình dạng của 2 số 8, luật nay còn được gọi là bộ còng đôi cho cả 2 tay và 2 chân nạn nhân. Và khi các nguồn tin về món tiền hối lộ khổng lồ, mà hệ thống làm ăn của gia đình ông nhận từ Bắc Kinh ngày càng lan rộng, người ta càng nhận diện rõ hơn những động cơ phía sau khiến ông phải gấp rút bịt miệng cả những người biết chuyện và những người dám đưa tin, bằng vũ khí có tên LHS 88.

Không chỉ trong mắt người Việt, mà trong cả hồ sơ của các chính phủ tự do và các tổ chức nhân quyền quốc tế, hình ảnh Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đang ngày càng xấu đi so với thời điểm ông mới nhậm chức. Một trong những lý do chính là vì LHS 88 đang hiện nguyên hình là một vũ khí của chế độ, thay thế cho Nghị Định 31/CP, một văn bản mà thế giới quá nhờm tởm, lên án, khiến Hà Nội buộc phải hủy bỏ năm 2006.

Như vậy, LHS 88 giống và khác nghị định 31/CP ở chỗ nào?

Trước hết, một cách tóm tắt, Nghị Định 31/CP, dài 4 chương 28 điều, cho phép các quan chức cầm quyền từ cấp phường xã lập hồ sơ và cấp tỉnh có quyền giam giữ tại gia hay đưa đi vùng khác bất cứ ai mà nhà nước cho là có hại cho chế độ, mà không cần đi qua sự xét xử nào. Mỗi quyết định "quản chế hành chánh" có thể kéo dài tới 2 năm và có thể gia hạn vô số lần.

Trong khi đó, LHS 88 qui định về Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nguyên văn như sau:

  1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:
    • Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;
    • Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân;
    • Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
  2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.

Về góc độ tùy tiện

Một lý do rất quái dị được viện dẫn để biện minh cho 31/CP là vì "các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến an ninh quốc gia, đuợc quy định tại chương 1 phần các tội phạm của Bộ Luật Hình Sự nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự". Khó có ai giải thích được những hành động như thế nào là hành động đã bị liệt vào loại xâm phạm đến an ninh quốc gia, mà lại chưa đến mức nghiêm trọng đủ để đưa ra tòa. Và lại càng khó hiểu hơn, khi người vi phạm chưa đủ nghiêm trọng, lại bị giam vô hạn định theo 31/CP, thay vì đưa ra tòa để bị phạt có hạn định theo luật hình sự?! Điều này chẳng khác nào cách giải thích lấp liếm nhập nhằng “đi cải tạo là đi học tập chứ không phải là bị tù”, dù rằng trên thực tế thì cải tạo và tù có án cùng ở chung các phòng giam, cùng phải chịu đựng các chế độ của nhà tù; điều khác biệt là tù có án thì có thời hạn, còn “đi cải tạo” thì tha hồ gia hạn. Nhưng dù gì đi nữa thì đó vẫn là lý do để giao việc phát hiện, lập hồ sơ và quản chế cho các quan chức địa phương từ cấp thấp nhất là phường xã, và thế là cánh cửa khổng lồ mở ra cho cơn lũ của tùy tiện và lạm dụng bùng túa ra. Những đụng chạm cá nhân, tranh giành quyền lợi vì vậy mà dễ biến thành lý do mở hồ sơ “quản chế hành chánh”. Và những "hồ sơ quản chế" này cũng nhanh chóng trở thành những phong bì nhận tiền “chuộc tội” từ các nạn nhân. Trong suốt 10 năm từ 1997 đến 2006, vô số công dân vô tội đã trở thành nạn nhân của 31/CP. Phải nói là "vô số" vì không ai còn có thể đếm được khi mức lạm dụng đã xuống đến cấp phường xã trên cả nước.

Trong khi đó, LHS 88 tuy vẫn mở ra cho công an cấp phường xã quyền bắt bớ, nhưng phải đi qua hệ thống xét xử. Tuy nhiên, cánh cửa của tùy tiện và lạm dụng vẫn mở rộng từ 2 góc khác. Đó là hành vi thế nào thì đủ qui kết là “chống lại”, và hành vi đó đụng đến cấp quan chức hay ban ngành nào thì đủ để xem đó là “Nhà Nước CHXHCNVN”.

  • Khi giáo dân cùng nhau phản đối một quyết định cướp đất bất công của một quan chức chế độ thì họ đang thực thi quyền hiến định, hay đang “chống lại Nhà Nước CHXHCNVN”?
  • Khi dân chúng truyền cho nhau những lời phê phán làng báo “công cụ” quá nhút nhát trong lề phải, không dám phanh phui nạn tham nhũng ở thượng tầng lãnh đạo Đảng, thì đó có phải là “chống lại Nhà Nước CHXHCNVN” không?
  • Tất cả mọi bài nhận xét, phân tích các bộ phận Nhà Nước không hoàn thành nhiệm vụ hoặc làm sai nhiệm vụ, như hải quân không được cho phép ra khơi bảo vệ ngư dân, công an đã không dẹp lại còn sử dụng băng đảng xã hội đen, thủ tướng lại đi ký công hàm xác nhận đảo Việt là đất Tàu, v.v… có bị xem là “chống lại Nhà Nước CHXHCNVN” không?
  • Khi người dân lên tiếng chỉ ra việc thủ tướng không tuân thủ chính luật lệ của chế độ và tạo tác hại lên hàng triệu người tại Tây Nguyên, chỉ ra việc ký hiệp ước biên giới với một nước khác mà lại không cho “những người chủ” của đất nước biết bản đồ ký kết, là phạm pháp, v.v… thì có phải là “chống lại Nhà Nước CHXHCNVN” không?
  • Ngay cả khi dân chúng lập lại các tuyên bố của lãnh đạo Đảng phê bình các ban ngành Nhà Nước phí phạm công quỹ, xuống cấp đạo đức, tham nhũng lan tràn, … thì họ có đang “chống lại Nhà Nước CHXHCNVN” không?

Chỉ cần duyệt lại cách hành sử của lãnh đạo Đảng và Nhà Nước trong 3 năm qua và các nạn nhân đã và sắp nằm tù, thì câu trả lời cho tất cả các câu hỏi nêu trên đều là “có tội”.

Do đó, tuy khác nhau chút ít về cách thức thực hiện, nhưng về bản chất và mục tiêu thì 31/CP và LHS 88 đều như nhau và đều cố tình mở ra các cửa ngõ cho sự tùy tiện và lạm dụng của một Nhà Nước Phi Pháp Quyền.

Về hiệu năng trấn áp

Đặc điểm của 31/CP là bắt và giữ ngay tại địa phương, nên thường ít ai hay biết số phận của các nạn nhân, và số “tư thất biến thành ngục thất” trên cả nước lên đến hàng trăm ngàn, khiến các tổ chức nhân quyền quốc tế khó lòng theo dõi. Đối với các tù nhân được thế giới theo dõi và lên tiếng khiếu nại, thì 31/CP vẫn cung cấp cho nhà cầm quyền lời chối không hề “bỏ tù” nạn nhân. Trường hợp điển hình và nổi tiếng nhất về kiểu chối trâng tráo này là việc “quản chế” đức đệ tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang tại Quảng Ngãi.

Với vũ khí 31/CP, chế độ đã tấn công và bịt miệng hầu hết các tiếng nói công thẳng của thời đó: Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ, Nguyễn Văn Lý, Phan Văn Lợi, Nguyễn Hộ, Nguyễn Đan Quế, Nguyễn Thanh Giang, Hà Sĩ Phu, v.v…

Hiện nay, LHS 88 vẫn cung cấp cho các nhà lãnh đạo chế độ độc tài lời chối trâng tráo: “tại Việt Nam chỉ có tù hình sự chứ không có tù chính trị” khi bị thế giới hạch hỏi, tuy cả người hỏi lẫn kẻ trả lời đều biết sự vô giá trị của tuyên bố đó.

Nhưng dù sao đi nữa với vũ khí này, chế độ lại đang bịt miệng hàng loạt các nhà dân chủ thế hệ mới: Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Phạm Hồng Sơn, Trần Quốc Hiền, Phạm Bá Hải, Huỳnh Nguyên Đạo, Lê Nguyên Sang, v.v… và sắp tới đây các ông Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Văn Túc, Ngô Quỳnh, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Kim Nhàn, Nguyễn Mạnh Sơn, và chị Phạm Thanh Nghiên.

Do đó, về mặt hiệu năng trấn áp, LHS 88 là vũ khí tương đương với 31/CP và cùng lúc cho chế độ tấm bình phong pháp quyền để ẩn núp.

Về mức khinh tởm của thế giới

Các nước từng tài trợ cho Nhà Nước CHXHCNVN cải sửa hệ thống luật pháp bao nhiêu năm nay, đặc biệt là 3 nước Bắc Âu, đã bày tỏ sự thất vọng là họ đã bị lừa, phí tiền vô ích.

Trước hết, kiểu nói dối “không có tù chính trị” không hề che mắt được ai. Nhiều chính phủ và tổ chức nhân quyền quốc tế đã vạch trần những thực tế hiện nay. Nhà Nước đang đẻ ra đủ loại lực lượng "bảo vệ chính trị" trong mọi ban ngành, đoàn thể. Từ công an đến công xưởng, đến ngay cả các trường trung và đại học. Có người so sánh lực lượng này với loại cảnh sát tôn giáo trong mọi ngõ ngách xã hội và guồng máy cai trị của chế độ Taliban tại Afghanistan. Và khi những cán bộ bảo vệ chính trị đó bắt những người họ gọi là vi phạm, thì các nạn nhân không là tù chính trị thì là cái gì??? Nếu tại VN không có tù nhân chính trị thì đội ngũ bảo vệ chính trị dày đặc đó được dựng lên ngày một nhiều để làm gì?

Các nước từng tài trợ cho Nhà Nước CHXHCNVN cải sửa hệ thống luật pháp bao nhiêu năm nay, đặc biệt là 3 nước Bắc Âu, đã bày tỏ sự thất vọng là họ đã bị lừa, phí tiền vô ích. Họ phải đi đến kết luận không thể né tránh, đó là những người lãnh đạo CSVN không hề có thiện chí thực sự muốn có một Nhà Nước pháp quyền tại Việt Nam. Loại Nghị Định 31/CP chỉ đơn thuần được thay thế bởi những lỗ hổng cố ý như điều 79, điều 88, v.v. của Bộ Luật Hình Sự.

Nhưng có lẽ mức khinh tởm của thế giới lên đến cùng cực khi họ đọc các đoạn đạo đức giả và mâu thuẫn của chế độ trong cả 2 văn bản:

  • Nghị định 31/CP có điều khoản “Không áp dụng quản chế hành chính đối với người dưới 18 tuổi”, hay câu “Nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của ngưòi bị quản chế hành chính”. Thực tế cho thấy con em thơ dại của các nạn nhân quản chế hành chính đều chịu chung số phận với cha mẹ chúng. Và hiếm có nạn nhân nào được phép đi chữa bệnh.
  • Và ngay trong bản tuyên bố khai tử Nghị Định 31/CP, Bộ Ngoại Giao CSVN vẫn cố nói bất cần người nghe về “khía cạnh nhân đạo của nghị định 31/CP, là “nó ngăn chận những hành vi dẫn tới tội phạm” và “hầu hết các nước trên thế giới đều áp dụng”. Thế nhưng ở cuối bản tuyên bố lại cho biết, “nay hủy bỏ 31/CP “cho phù hợp với tình hình Việt Nam và chuẩn mực quốc tế”. Như thế nghĩa là Nhà Nước Việt Nam và hầu hết các nước trên thế giới cùng quyết định không còn nhân đạo như trước nữa chăng?
  • LHS 88 cũng không kém phần “đạo đức” khi mở đầu Bộ Luật Hình Sự người ta được biết mục tiêu của bộ luật này bao gồm cả các chủ đích “bảo đảm cho mọi người được sống trong một môi trường xã hội và sinh thái an toàn, lành mạnh, mang tính nhân văn cao”, cũng như “bồi dưỡng cho mọi công dân tinh thần, ý thức làm chủ xã hội”. Thế giới khó hiểu tại sao “tính nhân văn” của các lãnh đạo CSVN lại khác thế giới đến vậy. Và lại càng không hiểu bồi dưỡng cho công dân “ý thức làm chủ xã hội” làm gì, để rồi trừng phạt, khi họ bày tỏ ý thức ấy. Các hình phạt được ghi rất rõ ràng, mà LHS 88 là một thí dụ.

Tương lai của LHS 88

… chỉ khi có hứa hẹn “tiền vào”, lãnh đạo Đảng mới đủ hứng thú leo lên chuẩn mực quốc tế. Còn không thì cả dân tộc cứ đứng dưới mức loài người văn minh, không sao cả!

Hiển nhiên, những người lãnh đạo Đảng và Nhà Nước CHXHCNVN dư biết sự khinh tởm của thế giới và mức độ lạc hậu của bình phong luật lệ mà họ đang ẩn núp. Cụ thể là trong tuyên bố hủy bỏ Nghị Định 31/CP năm 2006, chính họ biết mình đang đứng dưới chuẩn mực quốc tế.

Tuy nhiên, vào gần cuối năm 2006, 31/CP chỉ được công bố hủy bỏ vì nó là điều kiện để Quốc Hội Mỹ phê chuẩn qui chế Thương Mãi Vĩnh Viễn (PNTR) cho Việt Nam, để tổng thống Mỹ chịu đến dự Hội Nghị APEC tại Hà Nội, và để Việt Nam được vào Tổ Chức Thương Mãi Thế Giới (WTO). Chính vì thế mà tuyên bố hủy bỏ 31/CP không do Bộ Công An hay Văn Phòng Chính Phủ công bố, nhưng lại do Bộ Ngoại Giao Việt Nam tung ra. Và phụ tá bộ trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ được thông báo về sự việc này trước ngày công bố chính thức 2 tuần.

Nói cách khác, chỉ khi có hứa hẹn “tiền vào”, lãnh đạo Đảng mới đủ hứng thú leo lên chuẩn mực quốc tế. Còn không thì cả dân tộc cứ đứng dưới mức loài người văn minh, không sao cả!

Liệu dân tộc ta có kiên nhẫn chờ đợt “tiền vào” kế tiếp để hy vọng lãnh đạo Đảng sẽ bỏ LHS 88, xí xóa huề với các nạn nhân, và thay vào đó một lỗ hổng với tên khác không? Hay chính chúng ta sẽ lật ngược LHS 88 để tạo tối đa vấn đề cho lãnh đạo Đảng bằng các phương cách Đấu Tranh Bất Bạo Động, để tạo đủ áp suất buộc họ phải rút lại điều luật này. Một vài việc cụ thể như:

  • Dùng chính LHS 88 để kiện các quan chức Đảng và Nhà Nước về các phát biểu, hành động “chống lại Nhà Nước CHXHCNVN” của họ. Thí dụ mọi phát biểu chung chung về tham nhũng đều có thể được xem là “xuyên tạc” và “phỉ báng chính quyền nhân dân”, “gây hoang mang trong nhân dân”. Thí dụ quan chức cho phép in cuốn Ma Chiến Hữu cũng bị kiện theo LHS 88 vì đã “làm ra văn hóa phẩm chống Nhà Nước CHXHCNVN”.
  • Đòi các đại biểu quốc hội phải định nghĩa từng từ ngữ: “xuyên tạc”, “chiến tranh tâm lý”, “hoang mang”, v.v… và định rõ loại tài liệu nào thuộc loại “có nội dung chống Nhà Nước XHCNVN”. Đây là trách nhiệm làm luật của cơ quan Lập Pháp.
  • Khởi động phong trào thảo luận tự phát ngoài luồng để góp ý với Quốc Hội khai triển LHS 88, và cùng lúc để giúp toàn dân thấy rõ sự vô lý, lạc hậu, và gian ý phía sau điều luật này.

Và sau hết, không thể để các quan chức chế độ cứ làm ác rồi lại huề cả làng. Để chấm dứt hẳn tình trạng sản xuất hết thế hệ nạn nhân này đến đời nạn nhân khác, toàn dân Việt cần bắt đầu lập hồ sơ các tội ác và ghi thật rõ từng bàn tay bạo hành, từ kẻ ký lệnh bắt đến kẻ vung roi điện vào các nạn nhân.

Nhìn tiến trình vượt thoát độc tài của các nước cùng cảnh ngộ với chúng ta trong 15 năm qua trên khắp thế giới, và nhìn lại truyền thống của dân tộc Việt cũng như mức mục nát trong lòng chế độ độc tài tại Việt Nam hôm nay, chúng ta càng cần ra sức đẩy nhanh hơn nữa đến ngày chấm dứt các văn bản làm ô nhục quốc gia như 31/CP, LHS 88 và vĩnh viễn không để cho một “ông cọp” nào khác gây kinh hoàng trên đất nước. Các “ông cọp” trước đây chỉ còn trong ký ức dân tộc với sự nguyền rủa muôn đời.

Vũ Thạch


Sửa bài này

2009/08/06

Đã Đành Là Hèn…


Tháng 6 năm 2004, hiệp định vịnh Bắc Bộ được quốc hội Cộng Sản Việt Nam phê chuẩn và có hiệu lực thi hành, cùng lúc với hiệp định đánh cá chung giữa Việt Nam và Trung Quốc. Các quan chức Cộng sản Việt Nam lúc đó đã không ngớt lời tán tụng cái gọi là “sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam cũng như đối với quan hệ hai nước Việt – Trung“ của hai hiệp ước này. Nhưng cũng kể từ đó thì ngày càng có nhiều ngư thuyền, ngư dân ta bị “tàu lạ” rượt đuổi, bắt bớ; bị cướp bóc ngư cụ ngư sản, thậm chí bị bắn giết ngay trên những vùng biển của đất nước mình. Đến tháng 6 năm nay, tức là 5 năm sau những lời tán tụng hồ hỡi vừa nêu trên, thì phần lớn ngư dân miền Trung Việt Nam đã không dám ra khơi đánh cá xa bờ vì sợ bị tàu Trung Quốc đâm chìm hoặc bị bắt đòi tiền chuộc.

Trước những hành vi ngang ngược và tàn bạo trong chủ trương lấn chiếm của Bắc Kinh như vừa kể, nhà cầm quyền Hà Nội đã làm gì để bảo vệ ngư dân và chủ quyền quốc gia, vốn là nhiệm vụ chính yếu của một nhà nước. Ngoài những lời tuyên bố chiếu lệ của phát ngôn viên bộ ngoại giao Lê Dũng (vốn đã bị Trung Quốc vứt vào sọt rác từ lâu), và lí nhí XIN Trung Quốc CHO ngư dân Việt Nam được đánh cá trên vùng biển của Việt Nam; họ đã chẳng làm gì cả. Thậm chí không dám dùng đến những nguyên tắc ngoại giao căn bản để chính thức phản đối, hoặc dùng đến những cơ chế quốc tế sẵn có để đa phương hoá vấn đề, hầu nếu không giải quyết được, thì ít ra cũng tìm thêm sự hậu thuẫn của những quốc gia cùng có mối lo chung về hiểm hoạ bành trướng của Trung Quốc. Tại sao Hà Nội chấp nhận im tiếng như vậy?

Hà Nội vẫn thường khoả lấp cho sự hèn hạ của họ là phải khéo léo ngoại giao, không nên chọc giận và đối chọi với sức mạnh của Trung Quốc. Khi khoả lấp như vậy, Hà Nội quên rằng trong suốt giòng lịch sử chưa bao giờ Việt Nam mạnh hơn Trung Quốc, nhưng tổ tiên Việt Nam chưa bao giờ hèn hạ, quỵ luỵ nước Tàu như hiện nay. Hơn thế nữa, trong cuộc chiến Việt Nam mấy chục năm trước, Cộng sản Việt Nam không hề mạnh hơn Mỹ và Việt Nam Cộng Hoà. Thế nhưng tại sao họ vẫn quyết đánh cho đến người Việt Nam cuối cùng, cho dù phải “đốt cả dãy Trường Sơn”?

Tệ hơn nữa, lãnh đạo đảng CSVN ngày nay còn cố tình xóa hoặc làm nhòa bớt đi những hy sinh của chính người Việt trong các cuộc chống quân Trung Quốc xâm lăng trong 30 năm qua. Trong trận hải chiến Trường Sa 21 năm về trước, hơn 60 chiến sĩ Hải Quân Việt Nam đã nằm xuống trong lòng biển mẹ trong nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ tổ quốc. Dù rằng sau đó phía Trung Quốc đã phổ biến đủ loại tài liệu, phim ảnh trong mục đích làm nhục Hải Quân và dân tộc Việt Nam. Thế nhưng cho đến nay, trong mọi tài liệu, báo cáo, sử sách; điển hình là quyển “Lịch Sử Hải Quân Nhân Dân Việt Nam 1955-2005” của Nhà Xuất Bản Quân Đội Nhân Dân, lãnh đạo Đảng vẫn không dám cho ghi đích danh kẻ xâm lược là Trung Quốc, mà phải đổi thành “hải quân lạ”, “đối phương”, “tàu chiến nước ngoài”,… Phải chăng, khi không xác định rõ kẻ thù, giới lãnh đạo Hà Nội đồng thời cũng không muốn xác định rõ mục tiêu bảo vệ tổ quốc của trận chiến? Hay nói cách khác, phải chăng đây là cách giới lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam phủ nhận sự hy sinh cao cả của các chiến sĩ Hải Quân Việt Nam để làm vừa lòng quan thầy phương Bắc? Và còn nhiều thí dụ khác nữa quanh việc Hà Nội xóa đi nhiều khu mộ binh sĩ Việt Nam dọc theo biên giới Việt-Trung trong lúc Bắc Kinh cho xây đủ loại cổng tưởng niệm. Tại sao Hà Nội chấp nhận tự muối mặt như vậy?

Tương tự, trong những vụ ngư thuyền Việt Nam bị “tàu lạ” húc chìm; bị hải tặc “nước lạ” cướp bóc ngư cụ, ngư sản; bắt bớ đòi tiền chuộc bằng đồng Nhân dân Tệ của “nước lạ” v.v… đài truyền hình “nước lạ” huyênh hoang chiếu cảnh mấy chiếc “tàu lạ” to lớn hùng hổ bao vây rượt đuổi chiếc thuyền nhỏ bé đáng thương của ngư dân ta; hình ảnh ngư dân ta van lạy lính “nước lạ” (chỉ thiếu hình ảnh xác một ngư dân ta ướp đá được đưa về bến là không được họ chiếu lên)… Tức là kẻ cướp đã tự nhận họ là quân đi ăn cướp… Thế nhưng báo đài của nhà nước vẫn im thin thít. Thoang thoảng nhắc đến thì phải gọi là “tàu lạ”. Trong khi công an thì khoác lác về tài bắt “khủng bố”, như thể không cái gì tránh khỏi được sự… ”nhanh nhạy” của lực lượng an ninh; nhưng chưa bao giờ cảnh sát biển hay lực lượng phòng duyên bắt được một “tàu lạ” nào, khi mà chúng nhan nhản ở ngoài khơi để thường trực ức hiếp ngư dân ta. Trong các bài báo lớn tiếng tuyên bố công an hết lòng bảo vệ ngư dân, người ta chỉ thấy những tấm hình của các quan chức công an ĐỨNG TRÊN BỜ. Tại sao lãnh đạo Đảng lại giao việc bảo vệ ngư dân cho công an trên bộ chứ không giao cho hải quân?

Đã đành việc lãnh đạo Đảng CSVN vô cùng hèn yếu trước Trung Quốc là một điều hiển nhiên không thể chối cãi, nhưng nhìn cách họ đối xử với dân tộc Việt Nam thì hầu hết các tổ chức nhân quyền và chính phủ thế giới đều phải kinh ngạc về mức độ hung bạo và ác hiểm của họ, đặc biệt là trong những vụ việc liên quan đến Trung Quốc. Công an CSVN thẳng tay đàn áp sinh viên, thanh niên khi những trái tim trẻ này biểu tình để bày tỏ lòng yêu nước. Công an theo dõi thường xuyên và bắt bớ, trù dập bất cứ ai động đến Bắc Kinh, ngay cả khi họ phản đối tại nhà riêng: Việc cô Phạm Thanh Nghiên toạ kháng tại nhà với biểu ngữ “Hoàng Sa – Trường Sa của Việt Nam” là lập tức thành người có tội; việc cô Quỳnh Như mặc áo mang biểu hiệu yêu nước cũng bị xem là có tội; mà trong đó công an phải đặc biệt đưa hai chuyên viên Trung Quốc đến để xử lý dữ kiện trong máy vi tính của Quỳnh Như hầu…. “bảo vệ an ninh cho Việt Nam”…. Còn nhiều, nhiều nữa những dẫn chứng nhục nhã, hèn hạ tương tự. Nhưng lý do nào khiến cộng sản Việt Nam hành xử hèn hạ và đốn mạt như vậy?

Sự lên tiếng của ông Dung Danh Dy trong cuộc phỏng vấn ngày 2 tháng 7 vừa qua trên đài Á Châu Tự Do đã hé mở cho người ta thấy phần nào những nguyên nhân này.

Trong cuộc phỏng vấn này, ông Dương Danh Dy đã cho biết, lãnh đạo đảng cộng sản Việt nam đã có một số điều hứa về biển Đông với Trung Quốc. Mà nguyên nhân giới lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam đưa ra lời hứa là do họ dốt, không biết gì cả (*) (những thậm từ ’dốt’, ’không biết gì cả’ là nguyên văn lời của ông Dương Danh Dy). Ông Dương Danh Dy là một nhà ngoại giao lão thành, từng là đại sứ của Hà Nội tại Bắc kinh, cho biết thêm rằng, ông biết rất rõ những điều hứa đó, nhưng lại không tiện nói ra trong cuộc phỏng vấn vừa nêu.

Đến đây thì hẳn người ta đã hiểu vì nguyên nhân nào mà lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam lại nhu nhược, hèn hạ đến thế. Sự tiết lộ cuả ông Dương Danh Dy cũng giúp giải toả phần nào những nghi vấn về sự thậm thụt ký kết các hiệp ước biên giới trên bộ và trên biển giữa Cộng Sản Việt Nam với Trung Quốc, mà giới quan sát cho rằng, có thể còn có những mật ước hoặc điều kiện gì phía sau, để đến nỗi gần 10 năm sau khi ký kết mà Hà Nội vẫn chưa đưa ra được các bản đồ liên hệ, lẽ ra phải đi kèm với các hiệp ước. Và đến đây thì người ta cũng hiểu tại sao trong khi đồng bào ngư dân đang triền miên bị Trung Quốc ức hiếp, bắt bớ, bắn giết, mà giới lãnh đạo đảng lại muối mặt liên tục sang Tàu để tươi cười ôm hôn thắm thiết các đồng chí cộng sản của họ.

Một đất nước bị một đảng độc quyền cai trị, mà thành phần lãnh đạo của đảng đó vừa nhu nhược, hèn nhát, ngây thơ với ngoại bang nhưng lại vô cùng hung tợn, ác hiểm, thủ đoạn với dân tộc, thì tương lai của nước đó như thế nào thiết tưởng đã quá rõ.

Trong cuộc toạ đàm về Biển Đông ở Sài Gòn vừa qua, Giáo sư Nguyễn Nhã đã khẩn thiết nói lên nhu cầu về sự đồng thuận dân tộc, nếu không thì viễn ảnh Việt Nam trở thành Tây Tạng hay Tân Cương chẳng chóng thì chầy sẽ trở thành hiện thực… Sự đồng thuận của mọi thành phần dân tộc cả ở trong lẫn ngoài nước trước hiểm hoạ Trung Quốc là điều đang và chắc chắn sẽ hình thành. Vấn đề còn lại là, với một đảng và nhà nước cai trị quốc gia, có thành phần lãnh đạo đang bị Trung Quốc nắm thóp, thỉnh thoảng bị Bắc Kinh bắt chẹt, bằng cách dọa dẫm sẽ công bố những điều mà do sự ngu dốt giới lãnh đạo Hà Nội đã hứa… thì liệu rằng đảng đó và nhà nước đó có đồng thuận được với dân tộc hay không? Và ngay cả khi họ hồi tâm có ý hướng muốn đồng thuận, thì liệu rằng Bắc Kinh có cho phép họ đồng thuận với dân tộc, để Việt Nam có cơ may trở nên hùng cường, làm đối thủ cản trở mộng bành trướng của họ hay không?

Trả lời nhưng câu hỏi vừa nêu, người Việt Nam sẽ thấy rất rõ ưu tiên của dân tộc là gì, để đất nước không trở thành một Tây Tạng hay Tân Cương sau này.

====

(*) Nguyên văn lời ông Dương Danh Dy: “Chúng ta có một số điều hứa. Tôi biết rất rõ những điều hứa này của ta. Ta có những điều hứa trong vấn đề Biển Đông. Cái hứa của chúng ta lúc đó thì có những nguyên nhân là do chúng ta bênh Trung Quốc, có những nguyên nhân do chúng ta dốt, chúng ta không hiểu gì cả.”. (chữ ’chúng ta’ ở đây là giới lãnh đạo đảng CSVN)

Lê Vĩnh