Thanh Thảo: Chỉ còn vài hôm nữa, người Việt ở trong và ngoài nước đón một mùa xuân mới theo truyền thông dân tộc - Xuân Bính Thân.
Nhân dịp đầu năm và cũng là lúc đất nước vừa trải qua một diễn biến mang đầy kịch tính liên quan đến Đại hội lần thứ 12 của đảng CSVN, chắc chắn sẽ có ảnh hưởng ít nhiều lên cục diện Việt Nam trong thời gian tới.
Trong chương trình hội luận kỳ này, Thanh Thảo kính mời quý vị theo dõi phần chia xẻ của ông Lý Thái Hùng, Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân về tình hình hậu Đại Hội 12 và viễn cảnh đấu tranh trong năm Bính Thân.
Thanh Thảo: Kính chào ông Lý Thái Hùng. Chủ đề hôm nay, chúng ta sẽ nói về viễn cảnh đấu tranh trong năm Bính Thân; nhưng kết quả Đại Hội lần thứ 12 của đảng CSVN đã có ít nhiều ảnh hưởng đến công cuộc chung, vì thế trước hết ông nhận định ra sao về kết quả của Đại Hội 12?
Lý Thái Hùng: Có hai điểm đáng chú ý trong Đại Hội 12.
Điểm thứ nhất, sự tranh giành ghế Tổng Bí Thư giữa phe ông Nguyễn Phú Trọng và phe ông Nguyễn Tấn Dũng kéo dài cho đến giờ phút cuối ngay tại Đại Hội. Tuy nhiên, mọi diễn biến cho thấy là phe ông Trọng đã kiểm soát rất chặt, khiến cho phe ông Dũng bị động và không thể đảo lộn tình hình.
Điểm thứ hai, phe ông Nguyễn Tấn Dũng đã khai thác truyền thông, tạo cho mình một hình ảnh cải cách và thoát Trung, nên khi ông Trọng thắng thế, đã tạo ít nhiều sự hụt hẫng ở một số người do chờ đợi một viễn cảnh thay đổi.
Ảnh: AFP |
Tuy nhiên, kết quả Đại Hội 12, qua sự thắng thế của phe Nguyễn Phú Trọng đã mang 4 ý nghĩa chính trị sau đây.
1/ Sự thắng thế của ông Trọng đã chấm dứt hiện tượng tranh giành ảnh hưởng giữa hai phe đảng và chính phủ kéo dài trong nhiều năm qua. Nói cách khác là phe chính phủ hoàn toàn bị thất thế và khi ông Nguyển Xuân Phúc lên làm Thủ tướng cũng chỉ giúp củng cố quyền lực cho phe Nguyễn Phú Trọng mà thôi.
2/ Phe Nguyễn Phú Trọng, đại diện cho khuynh hướng bảo thủ, thân Bắc Kinh sẽ kiểm soát quyền lực nhiều hơn ở trong đảng so với trước đây. Nói cách khác, quyền lực của Tổng Bí Thư sẽ được củng cố nhiều hơn và chủ nghĩa giáo điều Mác – Lênin sẽ đề cao hơn lúc nào hết trong thời gian tới, nhằm xiết chặt hàng ngũ đảng.
3/ Sự phân hóa trong nội bộ đảng sẽ bộc phát ngày một nhiều hơn. Sự phân hóa này đến từ một số nguyên nhân. Đó là giữa những người ủng hộ hay không ủng hộ Nguyễn Tấn Dũng làm Tổng Bí Thư; giữa những người chờ đợi đảng thay đổi đi gần với Hoa Kỳ hơn là gần Trung Quốc, và giữa những người thất vọng hay ủng hộ vai trò Tổng Bí Thư của ông Nguyễn Phú Trọng.
4/ Hơn lúc nào hết sự xung đột giữa hai miền Nam và Bắc có dịp bộc phát trở lại như trong thời kỳ chiến tranh vừa chấm dứt vào tháng 4 năm 1975. Đó là sự phẫn uất bị chèn ép của thành phần tư bản đỏ vây chung quanh Nguyễn Tấn Dũng ở miền Nam sẽ chống đối từ công khai đến âm thầm những chương trình cải tổ của Nguyễn Phú Trọng.
Nói tóm lại, lãnh đạo CSVN có thể vui mừng kết quả Đại Hội 12 đã kết thúc và không có đột biến chính trị như họ lo âu khi đưa 5 ngàn cảnh sát cơ động bảo vệ; nhưng hậu chấn của Đại Hội 12 qua sự rút lui của ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ tạo nhiều tác động tiêu cực lên tương lai đảng Cộng sản Việt Nam.
Thanh Thảo: Có dự luận cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng chỉ là cầu nối giữa nhiệm Khóa XI và Khóa XII. Tức là ông Trọng sẽ về hưu trong vòng 1 hay 2 năm tới. Ông nghĩ sao về điều này và tình hình đảng CSVN theo ông dự kiến sẽ như thế nào?
Lý Thái Hùng: Ngay từ Hội Nghị 14, nguồn tin mà ông Trọng chỉ làm Tổng Bí Thư từ 1 đến 2 năm được tung ra, cho thấy là chủ đích của ông Trọng muốn ngán cẳng ông Nguyễn Tấn Dũng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Phú Trọng có đi xuống giữa chừng hay tiếp tục cho mãn nhiệm kỳ, tình hình đảng CSVN sẽ không có những biến đổi khác hơn ngoài 4 yếu tố mà tôi đã trình bày ở bên trên.
Hiện có hai nhân vật mà dư luận cho là sẽ thay thế ông Trọng ở giữa nhiệm kỳ. Đó là ông Đinh Thế Huynh, hiện được sắp xếp giữ chức Thường trực Ban Bí Thư hay ông Trần Đại Quang sẽ giữ chức Chủ tịch nước vào tháng 6 tới đây.
Ông Đinh Thế Huynh (trái) và ông Trận Đại Quang |
Nếu ông Đinh Thế Huynh lên làm Tổng Bí Thư thì rõ ràng là phe ông Nguyễn Phú Trọng đã có tính toán như trường hợp năm 1995 (Đại Hội VII), ông Đỗ Mười và Lê Đức Anh đã chuẩn bị cho ông Lê Khả Phiêu, lúc đó là Thường trực Ban Bí Thư lên thay giữa chừng vào năm 1997, sau khi thuyết phục được ông Võ Văn Kiệt về hưu.
Còn nếu như ông Trần Đại Quang lên thay ông Nguyễn Phú Trọng thì đây là một sự thay đổi mang tính “đột biến” trong bộ máy cầm quyền của đảng CSVN, khi tập trung quyền lực đảng và nhà nước vào trong tay một người.
Giữa hai cách chuyển đổi nói trên, nếu ông Đinh Thế Huynh lên làm Tổng Bí Thư thay ông Trọng thì nội bộ đảng CSVN không có nhiều thay đổi. Còn nếu ông Trần Đại Quang lên thay ông Trọng thì sẽ tạo ra nhiều thay đổi về cán cân quyền lực giữa tứ trụ, chưa nói đến những rủi ro có thể mang đến cho phe nhóm ông Trọng vì Trần Đại Quang vốn có nhiều quan hê hơn với phe nhóm Nguyễn Tấn Dũng.
Nói tóm lại, dù ông Nguyễn Phú Trọng ra đi giữa chừng hay ở lại hết nhiệm kỳ, nội bộ CSVN luôn luôn có những xung đột ngầm vì những tranh chấp quyền lực giữa các phe không còn có thể thỏa hiệp như quá khứ.
Thanh Thảo: Ngoài sự ở lại của ông Nguyễn Phú Trọng, ông nhận xét ra sao về thành phần lãnh đạo mới của đảng CSVN, nhất là những thành viên trong Bộ Chính Trị?
Lý Thái Hùng: Đa số những thành viên mới gồm 12 người trong số 19 Ủy viên Bộ Chính Trị Khóa 12 là những nhân vật nắm giữ những bộ phận tương đối có thực quyền trước khi được bầu vào Bộ Chính Trị. Như ông Phạm Bình Minh nắm Bộ Ngoại Giao; ông Đinh La Thăng nắm Bộ Giao Thông, ông Nguyễn Văn Bình giữ chức Thống Đốc Ngân Hàng, ông Võ Văn Thưởng giữ chức Phó Bí Thư Thành ủy Sài Gòn, ông Hoàng Trung Hải giữ chức Phó Thủ Tướng… Tuy nhiên họ đã không đáp ứng đúng yêu cầu mà người dân chờ đợi, vì những trói buộc của cơ chế.
Nay ở vị trí lãnh đạo cao cấp nhất là Bộ Chính Trị, họ lại càng bị cột chặt nhiều hơn vào hệ thống chính trị, nhất là không dám nói những điều muốn nói như chúng ta từng thấy ở các ủy viên Bộ Chính Trị trong các khóa trước. Do đó, tôi không nghĩ là những ủy viên Bộ Chính Trị khóa 12 sẽ làm những điều gì mang tính cách đột phá trước mặt.
Thanh Thảo: Vừa qua, Giáo sư Nguyễn Đình Cống đã tuyên bố ra khỏi đảng vì cảm thấy thất vọng về Đại Hội 12, ông nhìn vấn đề này như thế nào?
Lý Thái Hùng: Việc ra khỏi đảng CSVN của Giáo sư Nguyễn Đình Cống không chỉ nói lên sự thất vọng của một người đảng viên trước tình trạng suy đồi của đảng này mà còn biểu hiện sự dũng cảm của một người trí thức, chống lại cái ác của chế độ cực quyền sau nhiều lần lên tiếng phê phán.
Nhưng sự tuyên bố bỏ đảng xảy ra ngay sau Đại Hội 12, đã được dư luận đánh giá là một báo hiệu tình trạng băng rã nội bộ đảng đang khởi đầu.
Giáo sư Nguyễn Đình Cống |
Lý Thái Hùng: Sự kiện ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục thêm một nhiệm kỳ cho thấy là nguồn sinh lực của đảng CSVN đã cạn kiệt; nhưng tự thân của đảng lại không có thể thoát ra khỏi những bế tắc hiện nay.
Nói cách khác, đảng CSVN đang tồn tại là do quán tính của một bướu hoại sinh sống bám trên cơ thể Việt Nam. Nó đang trong thời kỳ tự hủy diệt dù lãnh đạo Hà Nội cố cứu nguy bằng một số kế hoạch chỉnh đốn đảng.
Trong khi đó, hơn bao giờ hết hàng ngũ của những người đấu tranh cho dân chủ Việt Nam đã phát triển đa dạng, nhiều người và nhiều thành phần đã tham gia tích cực. Nhiều đoàn thể xã hội dân sự cũng đã được thành lập và công khai lên tiếng về các vấn đề của đất nước.
Đặc biệt hơn nữa là qua mạng xã hội, người dân đã cùng nhau liên kết tố cáo tội ác cũng như phanh phui những sai lầm của chế độ, khiến lãnh đạo của một số cơ quan phải chấp nhận sửa hay huỷ bỏ các quyết định phi lý.
Do đó, viễn cảnh của tình hình đấu tranh trong năm Bính Thân, ta có thể nhìn thấy qua ba điểm:
- Mạng xã hội sẽ là nơi nối kết nhiều hơn nữa các sức ép đấu tranh quần chúng, đặc biệt là trong kỳ bầu cử Quốc Hội khóa XIV vào ngày 22 Tháng Năm, 2016.
- Do áp lực tham gia TPP, CSVN sẽ phải hoàn tất việc cải sửa các luật lệ tôn trọng quyền công nhân trong năm Bính Thân, nên các đạo luật về lập hội, tiếp cận thông tin, biểu tình sẽ phải thông qua, tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội dân sự phát triển.
- Sự kết hợp tạo thành một lực đầu tàu giữa một số tổ chức chính trị, đảng phái sẽ bắt đầu xuất hiện trong thế công khai ngay tại Việt Nam.
Nói tóm lại, hậu Đại Hội 12 cho thấy là đảng CSVN chỉ càng ngày suy yếu trước sự lan tỏa của phong trào dân chủ mà điểm nhấn chính là sự xuất hiện của lực lượng chính trị đầu tàu, trong thế đối đầu công khai với đảng CSVN.
Thanh Thảo: Xin cảm ơn ông Lý Thái Hùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét