2016/02/12

Đối đầu với Trung Quốc tại Biển Đông: Đa Phương Hóa Tự Do Hải Hành là bước kế tiếp

Mira Rapp-Hooper - Foreign Affairs
8/2/2016

Chiến hạm USS Curtis Wilbur trong chuyến công tác tự do hải hành vào cuối tháng Giêng vừa qua (Ảnh: Inquirer).

Vào ngày 29 tháng Giêng, chiến hạm USS Curtis Wilbur đi ngang phạm vi 12 hải lý của đảo Triton, đang dưới quyền kiểm soát của Trung Quốc và cả Đài Loan và Việt Nam đều tuyên nhận chủ quyền. Cũng như chuyến công tác tự do hải hành trước đó vào tháng Mười, chuyến hải hành của Wilbur nhằm phản đối việc Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền lãnh hải mà Hoa Kỳ và một số quốc gia Đông Nam Á xem là quá đáng. Nhưng khác với chuyến công tác trước đó của chiến hạm USS Lassen mà giới chuyên gia đánh giá là không đạt, chuyến công tác này gửi một thông điệp pháp lý rõ rệt đến Bắc Kinh và mọi giới. Đồng thời còn cho thấy một số chỉ dấu hỗ trợ quan trọng từ các quốc gia trong vùng cho các chuyến công tác tự do hải hành của Hoa Kỳ.

Một cách tổng thể, Hoa Kỳ đang tìm thế đứng trong Biển Đông. Hoa Kỳ có thể tiếp tục làm rõ nét các thông điệp và chiếm được hậu thuẫn trong vùng bằng cách phổ biến công khai thêm thông tin về các hoạt động tự do hải hành và bằng cách xây dựng một liên minh đa phương hỗ trợ công tác trên.

Đi biển yên sóng lặng

Luật lệ quốc tế không cấm việc bồi đắp đảo nhưng khi Trung Quốc xây các căn cứ quân sự trên các đảo, họ đã vượt qua lằn ranh pháp lý. Đặc biệt là họ tuyên nhận chủ quyền trên biển và trên không quanh các đảo nhân tạo mà Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) không công nhận.
Để phản ứng với những tuyên nhận như thế, giới làm chính sách Hoa Kỳ dùng chương trình tự do hải hành dưới sự giám sát của Bộ Ngoại Giao và Bộ Quốc Phòng. Mục tiêu của chương trình này là không thừa nhận những tuyên nhận chủ quyền trên biển và trên không mà không phù hợp với UNCLOS. Chương trình đã có lâu năm này thực hiện hơn một chục chuyến công tác tự do hải hành mỗi năm, với nhiều chuyến tại Á Châu. Tại vùng đảo Trường Sa không có nhiều hoạt động lắm cho đến ngày 27 tháng Mười năm 2015 mới có chuyến công tác của tàu USS Lassen đi vào phạm vi 12 hải lý của bãi đá ngầm Subi.

Nhiều nhà phân tích chờ đợi là khi ở trong phạm vi 12 hải lý của bãi đá Subi, chiến hạm Lassen sẽ thực hiện một số thao tác quân sự. Các thao tác này sẽ chứng minh cho thấy Washington bác bỏ tuyên nhận chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc, vùng biển mà luật quốc tế thông thường cấm các hoạt động quân sự nước ngoài. Nhưng sau đó người ta mới biết là chuyến đi này khiêm nhượng hơn nhiều: chỉ nhằm không thừa nhận đòi hỏi của Trung Quốc muốn các chiến hạm nước ngoài phải xin phép trước khi tiến vào vùng biển. Thông điệp không rõ ràng xoay quanh chuyến công tác đó đã gây ra nhiều ồn ào trong giới chuyên gia Hoa Kỳ và khiến các đối tác trong vùng Châu Á nêu thắc mắc về ý định của Hoa Kỳ và Hoa Kỳ có thật sự xem nghiêm trọng chuyện này không.

Chiến hạm USS Lassen

Trong chuyến công tác tự do hải hành mới đây nhất thì không có chút mập mờ nào cả. Đúng vào ngày công tác diễn ra, Bộ Quốc Phòng ra thông báo chi tiết cho biết chiến hạm Curtis Wilbur đã đi ngang qua phạm vi 12 hải lý của đảo Triton và hành xử thích ứng với việc qua lại không gây hại. Mục tiêu của chuyến đi này không phải là để thách thức chủ quyền của Trung Quốc trên đảo Hoàng Sa vì Trung Quốc đã chiếm đóng Hoàng Sa từ 1974. Mục tiêu đúng ra là để không thừa nhận đòi hỏi của Trung Quốc phải thông báo trước. Trên thế giới hiện nay chỉ có một vài quốc gia đòi hỏi việc này, luôn cả Việt Nam và Đài Loan. Khác với chuyến công tác trước, lần này chuyến đi không được rò rỉ thông tin ra cho giới truyền thông trước khi khởi hành, và sau đó có thông tin chi tiết từ Ngũ Giác Đài về chuyến công tác giúp cho chính quyền Hoa Kỳ lên tiếng đồng nhất về mục tiêu.

Cùng với chuyến bay của hai oanh tạc cơ B-52 bay ngang không phận đảo Trường Sa vào tháng Mười Một, chuyến công tác tự do hải hành mới nhất chứng minh cho thấy Hoa Kỳ cam kết với lời hứa thực hiện thường xuyên loại công tác này tại Biển Đông. Nếu Hoa Kỳ có ý biểu lộ với Trung Quốc sự hiện diện của Hoa Kỳ tại vùng biển tranh chấp này là chuyện thường tình thì phải tiếp tục giữ thông lệ này.

Hướng đến tự do hải hành của vùng

Phần lớn việc đưa tin về chuyến đi của chiến hạm Curtis Wilbur xoay quanh thông điệp pháp lý mà Hoa Kỳ nhắm gửi đến Trung Quốc và phản hồi của Trung Quốc cáo buộc Hoa Kỳ vi phạm luật lệ quốc tế và quốc gia. Ít ai để ý phản ứng của Việt Nam, là quốc gia cũng đòi hỏi phải thông báo trước khi vào hải phận và cũng tuyên nhận toàn bộ chủ quyền Hoàng Sa. Việt Nam gọi chuyến công tác này là “một đóng góp cụ thể và tích cực cho hòa bình và ổn định trong vùng” và tái xác nhận quyền thực hiện công tác này theo UNCLOS. Việc tán thành này đáng lưu ý với một số lý do. Trước nhất, mặc dầu Washington và Hà Nội có đến gần với nhau hơn gần đây, Việt Nam vẫn giữ mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, và không như các đối tác lâu năm với Hoa Kỳ trong vùng, họ thường ngần ngại tán thành công khai các lập trường của Washington (đơn cử là Việt Nam giữ yên lặng sau chuyến công tác của chiến hạm Lassen). Hà Nội chọn không tái xác nhận lập trường đòi hỏi phải thông báo trước sau chuyến công tác của USS Wilbur và ấn tượng hơn hết là việc tán thành công khai một công tác của Hoa Kỳ – gợi ý rằng Việt Nam ngày càng quan tâm hơn đến việc hỗ trợ để đẩy lùi sự lấn chiếm của Trung Quốc.

Không riêng gì Việt Nam. Tiếp theo sau chuyến đi của chiến hạm Lassen hồi tháng Mười, nhiều đồng minh của Hoa Kỳ trong vùng – Úc, Nhật, Phi, Nam Hàn – cũng bày tỏ sự hỗ trợ cho các nguyên tắc cơ bản của chuyến công tác, và cả Phi và Việt Nam phản đối các chuyến bay thử nghiệm xuống phi đạo trên bãi Fiery Cross tại Trường Sa.

Máy bay thám thính P-3 của Nhật Bản.

Các đồng minh của Hoa Kỳ trong vùng đã đi đôi lời nói với việc làm. Úc đã tiến hành các chuyến bay dọ thám trên vùng Biển Đông, và Thủ tướng Malcolm Turnbull đề nghị hồi tháng Giêng là quân đội Úc có thể tiến hành các công tác trên không và trên biển trong phạm vi 12 hải lý của các đảo tranh chấp. Nhật cũng thông báo là các máy bay thám thính P-3 sẽ đi tuần tra trong vùng Biển Đông khi chúng hoàn thành công tác ở Phi Châu trở lại. Vào tháng Mười Hai, Singapore đồng ý cho Hoa Kỳ triển khai tạm thời một máy bay thám thính P-8 Poseidon mà nhiều phần sẽ hoạt động trên vùng Biển Đông. Và cuối tháng qua, sau một năm trời chờ đợi, Tòa Tối Cao của Phi Luật Tân ra phán quyết xác nhận Hiệp Ước Hợp Tác Quốc Phòng Tăng Cường giữa Manila và Washington, mở đường cho việc đưa quân đội Hoa Kỳ đóng quân tại năm căn cứ mới và gia tăng thao dượt và thực tập chung. Sau đó Phi Luật Tân cũng đã yêu cầu cùng thực hiện tuần tra chung với Hoa Kỳ trong vùng Biển Đông.

Tốt rồi thì làm tốt hơn

Mặc dầu với những tiến triển gần đây, vẫn còn những bước khác mà Washington cần làm để thông điệp tự do hải hành hữu hiệu hơn. Để bắt đầu, Hoa Kỳ nên thúc đẩy hướng thực hiện đa phương dài hạn của tự do hải hành dựa vào sự hợp tác của mười thành viên ASEAN. Bên lề của các buổi họp thượng đỉnh hàng năm của các bộ trưởng quốc phòng ASEAN, Hoa Kỳ và các đồng minh Đông Nam Á có thể chia sẻ thông tin về các vi phạm tự do hải hành và phối hợp phản ứng của họ. Tổng thống Obama sẽ chủ tọa buổi họp thượng đỉnh của mười quốc gia ASEAN sắp tới đây tại California vào ngày 15 và 16 tháng Hai; ông nên dùng buổi họp đó để phát triển một chương trình như thế. Làm như thế sẽ định chế hóa các phản ứng tích cực trong vùng tiếp theo sau các chuyến đi của Lassen và Curtis Wilbur, khuyến khích hợp tác đa phương thường xuyên về các vấn đề tự do hải hành.

Toà án Trọng tài Thường trực của LHQ sẽ ra phán quyết về vụ kiện Trung Quốc của Phi Luật Tân vào cuối năm nay.

Cuối năm nay, Tòa Trọng Tài Quốc Tế về Luật Biển sẽ dự đoán là ra phán quyết có lợi cho Phi Luật Tân trong vụ kiện Bắc Kinh hồi năm 2013 về những tuyên nhận chủ quyền tại Biển Đông. Tòa sẽ nhiều phần hậu thuẫn khẳng định của Phi Luật Tân là nhiều tuyên nhận chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc là bất hợp pháp; Trung Quốc chắc chắn là sẽ không tuân theo phán quyết. Việc bất tuân phán quyết của Bắc Kinh sẽ mở ra một cơ hội hiếm có cho Hoa Kỳ để mở chiến dịch ngoại giao vận động trong vùng hỗ trợ cho việc tuân thủ pháp luật. Bộ Ngoại Giao nên bắt đầu chuẩn bị cho chiến dịch này. Bộ Quốc Phòng nên tiến hành các công tác tự do hải hành để củng cố cho phán quyết đó một khi xảy ra.

Khi Hoa Kỳ bắt đầu lại các công tác thường xuyên trong vùng Biển Đông, Bộ Quốc Phòng nên báo cáo thường xuyên hơn và đầy đủ hơn về các công tác tự do hải hành. Nhịp độ báo cáo nên là mỗi sáu tháng hoặc mỗi quý. Nên cho biết các nhóm đảo mà công tác tự do hải hành được thực hiện hơn là chỉ nêu tên quốc gia. Nên cho biết công tác nhằm đến mục tiêu gì. Bao nhiêu công tác để không thừa nhận đòi hỏi thông báo trước? Bao nhiêu công tác không thừa nhận những tuyên nhận hải phận không hợp lệ? Nêu lên những việc đó công khai sẽ giúp Washington duy trì thông điệp về tự do hải hành rõ ràng và kiên định, và điều đó sẽ giúp Hoa Kỳ giữ được sự hậu thuẫn về chính trị và trong vùng cho các công tác này. Cuối cùng, khi Hoa Kỳ và các đồng minh như Úc và Nhật tiến hành tuần tra trên Biển Đông thường xuyên, họ nên thiết lập cơ chế để phối hợp tuần tra. Khi chia sẻ thông tin về công tác và những tuyên nhận mà họ không thừa nhận, Washington và đồng minh sẽ gửi một thông điệp tiêu chuẩn và pháp lý mạch lạc đến Bắc Kinh và các vùng rộng lớn hơn.

Công tác tự do hải hành của Hoa Kỳ nhằm để khẳng định mặt pháp lý luật biển theo định kỳ, chứ không phải là những chứng minh về vũ lực. Làm một mình sẽ không đủ để chận đứng nỗ lực của Trung Quốc bành trướng ra Biển Đông. Nhưng chính tiềm năng giới hạn này lại khiến cho hiệu lực càng quan trọng hơn, và thông điệp rõ ràng cùng với hỗ trợ đa phương sẽ là những bước quan trọng cho mục tiêu đó.

Mira Rapp-Hooper, Nghiên Cứu Gia tại Chương Trình An Ninh Châu Á Thái Bình Dương, Trung Tâm An Ninh Hoa Kỳ Mới

Chân Trời Mới Media - Hoàng Thuyên lược dịch

Nguồn: Foreign Affairs

Theo Chân Trời Mới Media



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét