Ngày 7 tháng 1 năm 2016
Ngày 16 tháng 12 năm 2015, một luật sư nhân quyền nổi tiếng, ông Nguyễn Văn Đài, 46 tuổi, và đồng nghiệp của ông, bà Lê Thu Hà, 33 tuổi, đã bị bắt giữ tại nhà riêng và văn phòng của họ ở Hà Nội, Việt Nam. Cả hai người bị khởi tố về tội “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 88, Bộ luật Hình sự Việt Nam – điều luật thường xuyên được chính quyền sử dụng một cách tùy tiện để đàn áp các tiếng nói phản biện.
Ông Đài và bà Hà đang bị giam giữ tại Trại tạm giam B14, Hà Nội. Những yêu cầu được thăm nom của các nhà hoạt động đã bị từ chối và hiện có lo ngại rằng ông Đài và bà Hà đang gặp rủi ro bị tra tấn và các hình thức ngược đãi khác. Nếu bị kết tội, ông Đài và bà Hà có thể phải đối mặt với mức án 20 năm tù giam.
Chúng tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam tôn trọng các nghĩa vụ quốc tế và trong nước của họ, trả tự do cho ông Đài và bà Hà ngay lập tức và vô điều kiện.
Chúng tôi cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động và gây áp lực với chính quyền Việt Nam trong những vụ việc vốn có tác động nghiêm trọng đến tự do biểu đạt này ở Việt Nam.
Trong quá trình bắt giữ, toàn bộ nhà riêng của ông Đài đã bị khoảng 20 cảnh sát lục soát. Máy tính xách tay, giấy tờ ngân hàng và các tài sản cá nhân khác của ông đã bị tịch thu, trong khi căn hộ của ông vẫn bị theo dõi gắt gao.
Ông Đài được biết đến nhiều như một nhà vận động ôn hòa cho nền dân chủ đa nguyên và quyền con người ở Việt Nam. Ông đã cống hiến công sức để trợ giúp pháp lý cho những người yếu thế và thấp cổ bé họng nhất trong xã hội.
Nguyễn Văn Đài đã liên tục bị khủng bố một cách vô lý vì công việc chính đáng của ông. Năm 2007, ông bị kết án 4 năm tù và 4 năm quản chế với cùng điều luật 88 Bộ luật Hình sự (tội tuyên truyền chống nhà nước). Vào thời kỳ đó, ông đã tổ chức các buổi tọa đàm giảng dạy cho sinh viên về những yếu tố cơ bản của một xã hội tự do và pháp quyền.
Kể từ khi được trả tự do năm 2011, ông Đài đã là đối tượng của vô số những vụ sách nhiễu và theo dõi của cảnh sát. Hiện các thương tích của ông vẫn đang hồi phục sau khi tham dự buổi gặp mặt kỷ niệm Ngày Nhân quyền Quốc tế và bị một số người giấu mặt hành hung ngày 6 tháng 12. Ông đã bị đánh đập tàn nhẫn trước khi bị cướp hết đồ đạc và bị bỏ lại trên đường.
Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) vốn bảo vệ quyền tự do tư tưởng và biểu đạt (Điều 19), và quyền hưởng tự do và an ninh của mỗi cá nhân, bao gồm quyền không bị bắt giữ và giam cầm tùy tiện (Điều 9).
Bộ Quy tắc Căn bản của Liên Hiệp Quốc về Vai trò của Luật sư tái khẳng định một cách cụ thể rằng luật sư “có các quyền tự do biểu đạt, tôn giáo, lập hội và hội họp” và rằng, “họ có quyền tham gia các cuộc thảo luận xã hội liên quan đến pháp luật, thực thi công lý, cũng như việc bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền”. Bộ Quy tắc Căn bản này cũng đã thiết lập một số đảm bảo để luật sư có thể thực hiện vai trò nghề nghiệp của mình mà không bị cản trở một cách phi lý.
Hơn thế nữa, Hiến pháp Việt Nam bảo vệ quyền tự do tư tưởng và ngôn luận (Điều 25) và đảm bảo rằng không một công dân nào bị bắt mà không có lệnh của Tòa án và rằng việc bắt giữ và tạm giam phải tuân thủ luật pháp (Điều 20).
Do đó chúng tôi thúc giục mạnh mẽ chính quyền Việt Nam tuân thủ các trách nhiệm và hủy bỏ việc khởi tố chống lại ông Đài và bà Hà, những người đang thực hiện những hoạt động ôn hòa để thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền.
Chúng tôi cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế can thiệp mạnh mẽ ở cấp độ cao nhất để hai nhà hoạt động nhân quyền này nhanh chóng được trả tự do.
ĐÃ KÝ:
1. Amnesty International – ANH QUỐC
2. Christian Solidarity Worldwide – ANH QUỐC
3. Front Line Defenders – IRELAND
4. CIVICUS: World Alliance for Citizen Participation – NAM PHI
5. Civil Rights Defenders – THỤY ĐIỂN
6. International Service for Human Rights – THỤY SĨ
7. International Commission of Jurists – THỤY SĨ
8. Freedom House – HOA KỲ
9. Human Rights Foundation – HOA KỲ
10. Humanitarian China – HOA KỲ
11. National Congress of Vietnamese Americans – HOA KỲ
12. People In Need – CỘNG HÒA SÉC
13. Văn Lang – CỘNG HÒA SÉC
14. Asian Forum for Human Rights and Development (FORUM-ASIA) – THÁI LAN
15. Foundation for Community Educational Media – THÁI LAN
16. SHANAH – MIẾN ĐIỆN
17. Commission for the Disappeared and Victims of Violence (KontraS) – INDONESIA
18. Institute for Policy Research and Advocacy (ELSAM) – INDONESIA
19. Legal Aid Center for the Press (LBH Pers) – INDONESIA
20. ASEAN SOGIE Caucus – PHILIPPINES
21. Vietnamese Overseas Initiative for Conscience Empowerment (VOICE) – HOA KỲ, ÚC, CANADA & CHÂU ÂU
22. Hội Anh Em Dân Chủ (Brotherhood for Democracy) – VIỆT NAM
23. Diễn đàn Xã hội Dân sự (Civil Society Forum) – VIỆT NAM
24. No-U Miền Trung – VIỆT NAM
25. Phong trào Con đường Việt Nam (Vietnam Path Movement) – VIỆT NAM
26. Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam (Vietnamese Political & Religious Prisoners Friendship Association) – VIỆT NAM
Nguồn: Hội Anh Em Dân Chủ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét