2016/01/03

Tiến đến Dân chủ - Những bài học từ các cuộc chuyển tiếp thành công

Abraham F. Lowenthal & Sergio Bitar
Foreign Affairs, số tháng Giêng/Hai 2016

Hội Nghị Bàn Tròn tại Warsaw, Balan ngày 6-2-1989.
Abraham F. Lowenthal là Nghiên Cứu Gia tại Viện Brookings và Giám Đốc Sáng Lập của Đối Thoại Liên-Mỹ. Sergio Bitar là Giám Đốc của Sáng Hội cho Dân Chủ của Chile và Nghiên Cứu Gia tại Đối Thoại Liên-Mỹ. Ông là Thượng Nghị Sĩ của Chile từ 1994 tới 2002. Cả hai vị cùng là chủ biên của Democratic Transitions: Conversations With World Leaders (Chuyển Tiếp Dân Chủ: Đàm Luận Với Lãnh Đạo Thế Giới). Bài viết này dựa vào tài liệu đó.

--- oOo ---

Cách đây gần 5 năm, các cuộc biểu tình của quần chúng Ai Cập đã truất phế nhà độc tài Hosni Mubarak. Phần lớn các quan sát viên địa phương và ngoại quốc tin rằng Ai Cập trên đường tiến đến tương lai dân chủ; một số còn tuyên bố rằng dân chủ đã đến. Nhưng rồi khi Mohamed Morsi và Đảng Tự Do và Công Lý của Huynh Đệ Hồi Giáo thắng cử đã dẫn đến tình trạng phân cực và bạo loạn, và vào năm 2013 sau khi xảy ra thêm các cuộc biểu tình quần chúng, Tướng Abdel Fattah el-Sisi làm đảo chánh cướp chính quyền. Kể từ đó chế độ của Sisi đã sát hại hơn 1.000 thường dân, bỏ tù hàng vạn người và đàn áp truyền thông và xã hội dân sự.

Quốc gia Tunisia lân cận thì khấm khá hơn. Làn sóng nổi dậy Á-rập bắt đầu từ nơi đây năm 2010, và chính quyền dân chủ hậu cách mạng Tunisia đã tồn tại. Họ thành công với một công việc quan trọng trong tiến trình chuyển hóa: thỏa thuận một hiến pháp mới, một thành quả ghi nhận bởi Ủy Ban Nobel khi họ trao giải Nobel Hòa Bình cho bộ tứ tổ chức xã hội dân sự đóng vai trò tích cực trong tiến trình chuyển tiếp tại Tunisia. Nhưng nền dân chủ Tunisia vẫn còn mỏng manh, đe dọa bởi bạo lực chính trị, đàn đáp đối kháng, và vi phạm nhân quyền. Tại Cuba rồi cũng có hy vọng cho một tương lai dân chủ khi giới lãnh đạo độc đoán già nua bắt đầu đưa ra một số cải tổ. Và tại Miến Điện, cuộc chuyển tiếp chậm và không đều từ chế độ quân phiệt sang chính quyền đa nguyên đang diễn ra nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.
Bộ Tứ Tunisia đóng vai trò tích cực trong tiến trình chuyển tiếp tại Tunisia.
Điều gì xác định nỗ lực chuyển tiếp dân chủ sẽ thành công? Kinh nghiệm của quá khứ giúp cho chúng ta một số thấu hiểu. Chúng tôi phỏng vấn với 12 cựu tổng thống và một cựu thủ tướng, những người đóng vai trò quan trọng trong tiến trình chuyển hóa dân chủ thành công tại Ba Tây, Chile, Ghana, Indonesia, Mễ Tây Cơ, Phi Luật Tân, Ba Lan, Nam Phi, và Tây Ban Nha. Một số là lãnh đạo trong các chế độ độc đoán tuy nhiên đã giúp lèo lái quốc gia họ về hướng dân chủ. F.W. de Klerk, tổng thống Nam Phi, thương thảo với Nelson Mandela và African National Congress (ANC) để chấm dứt chính sách kỳ thị (apartheid). B. J. Habibie, phó tổng thống dưới thời cai trị của nhà độc tài lâu năm, Suharto, trở thành tổng thống sau khi Suharto từ chức dưới áp lực của các cuộc biểu tình quần chúng rầm rộ. Habibie thả hết tù nhân chính trị, hợp thức hóa công đoàn, chấm dứt kiểm duyệt báo chí, cho phép lập đảng phái chính trị mới, và thay đổi nền chính trị của Indonesia, dẫn đường tới dân chủ lập hiến.

Những vị lãnh đạo khác có vị trí nổi trong phong trào đối lập đã chấm dứt chế độ độc đoán và sau đó giúp xây dựng nền dân chủ ổn định. Patricio Aylwin, một lãnh tụ đối lập với Tướng Augusto Pinochet, nhà độc tài lâu năm của Chile, trở thành vị tổng thống đắc cử đầu tiên sau khi phục hồi dân chủ năm 1990. Tadeusz Mazowiecki, một nhà trí thức Công Giáo và một lãnh tụ của công đoàn Đoàn Kết, trở thành thủ tướng đầu tiên của Ba Lan hậu cộng sản.

Chúng tôi cũng phỏng vấn những nhân vật bắt cầu: các lãnh tụ đi từ chuyên quyền sang dân chủ, chẳng hạn như Aleksander Kwasniewski, một bộ trưởng trong chính quyền cộng sản có tham dự các cuộc hội thảo Bàn Tròn dẫn đến cửa ngỏ dân chủ cho Ba Lan. Sau đó, trong vai trò tổng thống, ông giúp xây dựng các định chế dân chủ cho Ba Lan. Fidel Ramos, một sĩ quan quân đội cao cấp của Phi Luật Tân dưới thời chuyên chế của Ferdinand Marcos, tham gia vào phe đối lập khi xảy ra các cuộc biểu tình rộng lớn của Quyền Lực Quần Chúng năm 1986. Sau đó ông là bộ trưởng quốc phòng, rồi trở thành tổng thống thứ nhì của nền dân chủ hậu Marcos.

Mặc dầu các lực chính trị, dân sự, xã hội ở bình diện lớn đóng những vai trò quan trọng, những vị lãnh đạo này là chìa khóa của sự chuyển hóa thành công tại quốc gia họ. Họ giúp chấm dứt chế độ độc đoán và xây dựng nền dân chủ lập hiến để thay vào đó, định chế hóa qua các cuộc bầu cử khá công bằng, cộng với sự hạn chế quyền lực của hành pháp và bảo đảm các quyền chính trị căn bản – và không có thay đổi nào bị lật ngược lại. Nền dân chủ vẫn còn là công việc tiếp diễn tại một số quốc gia này, nhưng sự chuyển tiếp chủ yếu đã thay đổi sự phân bố quyền lực và lề thói chính trị.

Dĩ nhiên là không có mô hình nào phù hợp với tất cả thay đổi dân chủ. Nhưng các cuộc chuyển tiếp trong quá khứ cho ra một số bài học có thể áp dụng một cách khái quát. Các nhà cải tổ dân chủ phải sẵn sàng tương nhượng vì họ ưu tiên tiến triển từng bước hơn là đòi giải pháp toàn diện. Họ phải xây dựng liên minh, bắt tay liên lạc với một số người bên trong chế độ, và vật lộn với những câu hỏi về công lý và trừng phạt. Và họ phải đem quân đội vào dưới sự kiểm soát của dân sự. Những ai quan tâm đến việc xây dựng dân chủ từ sự đổ vỡ của độc tài có thể tăng xác suất thành công bằng cách noi theo những biện pháp sau đây.

CHUẨN BỊ NỀN TẢNG

Một cuộc chuyển tiếp dân chủ thành công bắt đầu từ lâu trước khi các vị dân cử nhậm chức. Phe đối lập trước nhất phải đạt được đủ sự hậu thuẫn của quần chúng để thách thức khả năng cầm quyền của chế độ và cho thấy họ là người khả dĩ để nắm quyền. Các lãnh tụ đối lập phải huy động biểu tình; lên án việc giam cầm, tra tấn, và trục xuất đối kháng; và xói mòn lẽ chính thống của chế độ trong và ngoài nước.

Những việc này đòi hỏi phải vượt qua những bất đồng sâu sắc trong phe đối lập về mục tiêu, sự lãnh đạo, chiến lược, và chiến thuật. Đa số các nhà lãnh đạo chuyển tiếp mà chúng tôi phỏng vấn làm việc cật lực để khắc phục những chia rẽ và xây dựng liên minh các lực lượng đối lập, đoàn kết các đảng chính trị, phong trào xã hội, công nhân, sinh viên, tổ chức tôn giáo, và các nhóm lợi ích doanh nghiệp quan trọng quanh một đường hướng chung. Tại Ba Lan, công đoàn Đoàn Kết làm việc gần gũi với các tổ chức sinh viên, trí thức, và các nhân tố của Tòa Thánh Công Giáo. Phong trào đối lập của Ba Tây thuyết phục giới công nghiệp tại São Paulo hỗ trợ cho mục tiêu của họ. Tại Tây Ban Nha, các nhóm đối lập giải quyết những khác biệt của họ để rồi tiến đến Hiệp Ước Moncloa 1977, trong đó đồng ý cách điều hành kinh tế trong thời kỳ chuyển tiếp.

Nhà độc tài Slobodan Milosevic
 Ngược lại, khi mà phe đối lập không đoàn kết được, viễn ảnh dân chủ không thành. Tại Venezuela, sự bất hòa nghiêm trọng về cách đối đầu thế nào với chính quyền đã ngăn ngừa không cho phép phe đối lập khai thác cách quản trị kinh tế yếu kém của chính quyền. Tại Serbia, Slobodan Milosevic ngày càng trở nên độc đoán kể từ khi nắm quyền năm 1989 cũng vì phe đối lập không thể đoàn kết với nhau. Tại Ukraine, cuộc Cách Mạng Cam của 2004-2005 làm đảo lộn kết quả cuộc bầu cử được cho là gian lận. Nhưng sự chia rẽ trong nhóm cải cách đã làm trì trệ sự phát triển của định chế dân chủ và pháp quyền, kéo thêm một thập niên của chính trị đầu sỏ và mục nát chính trị.

Phong trào dân chủ đối lập cũng cần bắt tay với những người từng cộng tác với chế độ trong quá khứ nhưng bây giờ sẵn sàng ủng hộ dân chủ. Chú trọng về những bất bình của quá khứ thường không ích lợi gì, do đó giới cải cách dân chủ nên luôn luôn bày tỏ thái độ tích cực và có viễn kiến hướng về tương lai để đánh bạt đi nỗi sợ hải bao trùm mà các chế độ độc đoán gây ra. Cùng lúc, họ nên cản bước những ai không chịu từ bỏ bạo lực hoặc cứ khăng khăng đòi tự trị sắc tộc, khu vực, hoặc tôn giáo.

Nhưng đoàn kết phe đối lập chưa đủ; các lực lượng dân chủ phải thấu hiểu và khai thác sự chia rẽ bên trong chế độ đương thời. Để thuyết phục các thành phần trong chế độ chấp nhận thay đổi, giới cải tổ phải có những hứa hẹn khả tín là sẽ không trả thù hoặc tịch thu tài sản của họ. Phong trào đối lập nên có nỗ lực để nói chuyện được với những thành phần trong chế độ muốn có đường thoát, cùng lúc đó cô lập những kẻ ngoan cố. Thí dụ như chiến lược cốt lõi của nhà cải cách Ba Tây Fernando Henrique Cardoso là thúc đẩy các thành phần trong quân đội liên lạc tìm đường thoát.

Tiếp đó, những người đang nắm quyền thấy có nhu cầu từ bỏ chế độ độc đoán phải tìm cách để giữ vững sự hậu thuẫn của nhóm hỗ trợ họ trong khi thương thảo với nhóm đối lập. Những buổi họp của de Klerk cho thành viên của bộ nội các vào năm 1989 và 1990 là mô hình của việc này. Trong các buổi họp đó, ông xây dựng sự đồng thuận kín đáo trong nội các cho những bước đột ngột sắp tuyên bố: hợp thức hóa ANC, trả tự do cho Mandela và các tù nhân chính trị khác, và mở ra các cuộc thương thảo chính thức.

F.W. De Klerk hủy bỏ lệnh cấm tổ chức ANC và đã trả tự do cho ông Nelson Mandela vào năm 1994.
Liên lạc trực tiếp giữ phe đối lập và chế độ lúc đầu có thể diễn ra trong vòng bí mật, nếu cần thiết, như trong trường hợp của việc liên lạc sơ khởi giữa giới chức chính quyền và đại diện ANC, diễn ra bên ngoài Nam Phi trong giữa thập niên 80. Đối thoại không chính thức, chẳng hạn như thảo luận Bàn Tròn tại Ba Lan, có thể giúp cho các nhân sự trong chế độ và phe dân chủ đối lập thông hiểu nhau, vượt qua những thành kiến, và xây dựng mối quan hệ làm việc. Như de Klerk nhận xét, “Bạn không thể giải quyết xung đột mà đôi bên không nói chuyện với nhau… Để đàm phán thành công, bạn phải đặt mình vào vị trí của người kia. Phải suy nghĩ thấu đáo trường hợp của họ và xác định … những yêu cầu tối thiểu [của họ] nhằm bảo đảm có được sự hợp tác, góp phần xây dựng trong tiến trình đàm phán.”

Trong suốt tiến trình, giới cải cách phải tạo áp lực lên chế độ và dám chấp nhận rủi ro để đạt được tiến triển liên tục, dầu nó chỉ từ từ và tiệm tiến. Họ phải chuẩn bị để tương nhượng, ngay cả khi chỉ đạt được phần nào những mục tiêu quan trọng và khiến cho một số người hỗ trợ bức xúc. Gạt bỏ những lập trường đòi hỏi tối đa thường cần có sự can đảm chính trị hơn là bám chặt vào những lập trường hấp dẫn nhưng không thực tế. Tiến hành việc chuyển tiếp dân chủ không phải là công việc của kẻ giáo điều.

Tại Ghana chẳng hạn, John Kufuor, lãnh tụ của đảng Tân Ái Quốc (New Patriotic Party), không chấp thuận việc đảng của ông tẩy chay cuộc bầu cử 1992, lập luận rằng đảng nên tham gia cuộc bầu cử 1996, dù có thể thua. Chiến thắng sau đó của Kufuor trong cuộc bầu cử 2000 dẫn đến việc chuyển giao quyền lực một cách ôn hòa bằng lá phiếu, kiểu cách này vẫn tiếp tục cho đến nay. Và tại Mễ Tây Cơ, Ernesto Zedillo, tuy là một thành viên nổi tiếng của đảng Cách Mạng Thể Chế (PRI) nắm quyền nhiều năm, nhưng ông ủng hộ những cải tổ nhỏ trong các thủ tục bầu cử với phe đối lập vào thời điểm mà đảng PRI khó mà mất quyền hành sau 7 thập niên cai trị. Sau đó, trong vai trò tổng thống, ông đồng ý tiếp tục thay đổi về tài chánh khi vận động và tăng quyền hành cho cơ quan trách nhiệm bầu cử. Tất cả những điều này giúp cho việc chuyển giao quyền lực từ đảng PRI sang phe đối lập năm 2000.

Mối nguy hại khi từ chối thỏa hiệp hiện rõ trong trường hợp Ai Cập. Trong thời gian Huynh Đệ Hồi Giáo nắm quyền ngắn ngủi, nhóm nhất định đeo đuổi chương trình Hồi Giáo khi soạn thảo hiến pháp mới, và điều này khiến đa số quần chúng xa lánh. Tại Chile, các thành phần cực tả của phe đối lập cổ vũ “đấu tranh mọi mặt”, kể cả bạo lực, đối với chế độ Pinochet. Đến năm 1986, đa số trong phong trào đối lập hiểu ra là họ không thể tháo gỡ độc tài dùng vũ lực và việc liên kết với nhóm cực tả đã làm hoen ố phong trào đối lập. Họ chuyển qua lại tranh đấu ôn hòa và cam kết xây dựng “quê hương cho tất cả mọi người.” Hướng giải quyết này giúp phe đối lập thắng Augusto Pinochet trong cuộc bầu cử 1988, mà thoạt đầu nhiều người trong phe đối lập muốn tẩy chay.

DÂN SỰ VÀ LỰC LƯỢNG AN NINH

Lật đổ một chế độ độc đoán là một chuyện; cầm quyền là một chuyện khác hẳn. Lãnh đạo thời chuyển tiếp thường gặp áp lực phải đuổi hết nhân sự cũ và bắt đầu mới hoàn toàn, nhưng họ không nên: cầm quyền đòi hỏi cách nhìn, nhân sự, và kỹ năng khác hẳn với những điều cần cho phe đối lập. Một khi phe đối lập nắm quyền, bước quan trọng nhất là chấm dứt bạo loạn và phục hồi trật tự, cùng lúc bảo đảm là các lực lượng an ninh phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Qua các cuộc phỏng vấn chúng tôi thấy những thách đố dai dẳng trong mối quan hệ giữa quân đội và thường dân. Các nhà cải cách phải đặt các lực lượng an ninh dưới quyền kiểm soát của dân sự càng sớm càng tốt, cùng lúc đó công nhận và tôn trọng vai trò chính đáng của các lực lượng này, cung cấp cho họ nguồn lực đầy đủ, và bảo vệ nhóm lãnh đạo không bị trả thù vì những hành vi đàn áp trong quá khứ.

Để làm được việc này, lực lượng công an cảnh sát và tình báo nội địa phải được tách rời ra với quân đội. Cần cấy tư tưởng mới vào đầu óc công an đối với quần chúng qua việc nhấn mạnh trách nhiệm của công an là bảo vệ người dân chứ không phải đàn áp, nhưng không làm giảm khả năng của lực lượng công an giải tán các nhóm bạo lực. Các nhà cải cách nên đuổi các sĩ quan cao cấp chịu trách nhiệm về việc tra tấn và đàn áp thô bạo, đặt các sĩ quan quân đội cao cấp dưới quyền trực tiếp của bộ trưởng quốc phòng gốc dân sự, và nhấn mạnh với các sĩ quan quân đội hiện dịch hoàn toàn không can dự vào công việc chính trị.


Ông B.J. Habibie, vị tổng thống được dân bầu lên sau khi nhà độc tài Suharto tại Indonesia bị truất phế.
Những bước trên nói thì dễ hơn làm, và để thực hiện chúng đòi hỏi sự đánh giá chính trị sắc bén và can đảm. Trong một số tình huống, chúng có thể làm sớm, trong tình huống khác, sẽ mất nhiều thời gian. Nhưng chúng cần sự ưu tiên ngay từ đầu, và thường xuyên theo dõi. Như Habibie giải thích, khi nói về quan hệ giữa quân đội và dân sự tại Indonesia, “Đối với những người điều hành giai đoạn chuyển tiếp … phải chứng minh, không bằng lời nói hay viết, mà bằng hành động, tầm quan trọng của việc dân sự kiểm soát.”

Viên chức dân sự cao cấp được giao trách nhiệm giám thị lực lượng an ninh nên có kiến thức về vấn đề an ninh và tôn trọng những viên chức ngang hàng trong quân đội, cảnh sát và cơ quan tình báo. Điều này có thể khó khăn khi mà phong trào dân chủ từng đụng độ kịch liệt với lực lượng an ninh, khi mà sự không tin tưởng lẫn nhau vẫn còn, và khi thiếu sự tôn trọng những chuyên gia dân sự trong lãnh vực quân sự.

Giới lãnh đạo thời chuyển tiếp phải cân bằng ước muốn bắt lỗi chế độ cũ với nhu cần gìn giữ kỹ luật và tinh thần của lực lượng an ninh. Họ phải nuôi dưỡng bầu không khí chấp nhận lẫn nhau ôn hòa giữa các kẻ cựu thù gay gắt – không phải chuyện dễ. Chỉ khi đó người dân mới bắt đầu tin tưởng một nhà nước mà nhiều người đã bác bỏ cho là không chính danh và đối nghịch, và chỉ khi đó các lực lượng an ninh sẽ cộng tác hết mình với người dân mà họ trước đó cho là phản động.
 
Theo tác giả, vì quân đội có ưu thế vượt trội các thể chế được bầu ra khiến cho việc chuyển tiếp dân chủ tại Ai Cập bị thất bại.
Đặt lực lượng an ninh dưới quyền kiểm soát của dân sự là một trong những thách đố dai dẳng mà các nền dân chủ mới phải đối diện. Tại Ai Cập quân đội vẫn có ưu thế vượt trội các thể chế được bầu ra chính là lý do khiến cho việc chuyển tiếp dân chủ bị thất bại. Và ở những quốc gia khác nhau như Gambia, Miến Điện, và Thái Lan, thiếu vắng việc dân sự kiểm soát quân sự là lý do chính ngăn cản tiến trình chuyển tiếp dân chủ thành công.

THÁCH ĐỐ VỀ HIẾN PHÁP

Đặt quân đội dưới quyền kiểm soát của dân sự có thể giúp giới lãnh đạo thời chuyển tiếp lấy được sự tin tưởng của người dân và được quốc tế công nhận. Tương tự vậy, việc phát triển các thủ tục bầu cử phản ảnh được ý kiến của đa số và trấn an thành phần thua phiếu là những mối quan tâm cốt lõi của họ được tôn trọng dưới pháp luật. Tại hầu hết các quốc gia, dự thảo một bản hiến pháp mới là điều thiết yếu, mặc dầu Indonesia giữ lại bản hiến pháp 1945 với một số điều khoản thay đổi và Ba Lan chưa nhìn nhận hiến pháp mới cho đến vài năm sau khi chế độ cộng sản sụp đổ.

Nên có nhiều người tham gia vào tiến trình dự thảo bản hiến pháp đáp ứng được những quan tâm trọng yếu của các thành phần cốt cán, ngay cả khi điều này có thể phải chấp nhận tạm thời những biện pháp giới hạn dân chủ. Đơn cử là hệ thống bầu cử thiên vị tồn tại ở Chile 25 năm trời sau khi chấm dứt chế độ Pinochet để xoa dịu quân đội và các nhóm bảo thủ; và việc ban phát chức vụ phó tổng thống cho người lãnh tụ đối lập tại Nam Phi. Để xây dựng sự hậu thuẫn rộng rãi cho bản hiến pháp mới có thể đòi hỏi phải cột vào những ước vọng cao xa mà sau này cần kéo lùi lại hoặc sẽ được thực hiện dần dà, thí dụ như điều khoản về kinh tế xã hội đầy tham vọng của bản hiến pháp Ba Tây 1988, trong đó nêu ra các quyền lao động, cải tổ nông nghiệp, và bảo hiểm sức khoẻ bao quát.

Mặc dầu từ ngữ chính xác của bản hiến pháp là điều quan trọng, quan trọng hơn là việc như thế nào, khi nào và ai sẽ chấp nhận bản hiến pháp đó. Nhóm soạn thảo phải tranh thủ được nhiều thành phần chấp nhận nó và bảo đảm là không quá dễ hay cực kỳ khó khăn để tu chính hiến pháp sau này khi điều kiện cho phép. Nhiều người chỉ trích ông Aylwin khi đưa ra công thức về ủy ban sự thật tại Chile có thể đem lại công lý “với xa tới mức có thể được” – nhưng điều được gọi là "có thể" được nới rộng ra nhiều năm. Mục tiêu chính yếu nên là tranh thủ sự chấp nhận rộng rãi những quy luật căn bản của tiếp cập dân chủ. Ông Thabo Mbeki, vị tổng thống thứ nhì của Nam Phi sau thời kỳ thị nhận xét, “Quan trọng là hiến pháp do toàn thể người dân Nam Phi làm chủ và do đó tiến trình soạn thảo hiến pháp phải có đủ mọi thành phần.”

Tiến trình phải kể cả những người ủng hộ chế độ cũ, để họ được trấn an là quyền hạn của họ được tôn trọng dưới pháp luật. Việc truy tố hàng loạt các cựu viên chức là điều không khôn ngoan chút nào. Giới lãnh đạo mới thay vào đó nên thiết lập tiến trình pháp lý minh bạch để tìm sự thật về những ngược đãi trong quá khứ, nhìn nhận và có thể đền bù cho nạn nhân, và khi có thể, đem các thủ phạm chính ra công lý. Mặc dầu hòa hợp hoà giải toàn diện có thể không thực hiện được, tha thứ cho nhau là một mục tiêu cốt cán. Lại một lần nữa, thỏa hiệp là điều quan trọng.

GIỮ CÂN BẰNG

Khi tiến trình chuyển tiêp dân chủ bắt đầu bám rễ, quần chúng thường đổ thừa cho giới lãnh đạo dân chủ - và đôi khi luôn cả nền dân chủ - khi không đạt được mong đợi về kinh tế hoặc chính trị. Chính quyền mới thường thừa hưởng luôn cả tình trạng tham nhũng và thiếu hiệu năng đã ăn sâu trong gốc rễ. Phong trào từng đoàn kết nhau để chống lại chế độ độc tài bây giờ có thể chia rẽ, bất đồng. Các tổ chức xã hội dân sự từng góp phần vào phong trào đối lập trước đó nay có thể tàn lụi hoặc gây cản trở, nhất là sau khi nhiều người lãnh đạo có khả năng tham gia vào chính quyền hay chính trị đảng phái.
Thiết lập quan hệ xây dựng giữa một chính quyền mới và một phe đối lập mới là một thách đố tiếp diễn. Cạnh tranh giữa một chính quyền và phe đối lập là điều lành mạnh cho nền dân chủ, nhưng việc phe đối lập gây rối cản trở hoặc việc chính quyền đàn áp các chỉ trích có thể làm hủy hoại nền dân chủ một cách nhanh chóng. Một nền tư pháp độc lập có thể buộc hành pháp có trách nhiệm mà không cản trở quá nhiều sự chủ động, và một nền báo chí tự do, có trách nhiệm có thể giúp giữ cho nền dân chủ bền vững.

Các đảng chính trí cũng đóng vai trò quan trọng, miễn là chúng không trở thành công cụ của các cá nhân. Các đảng dân chủ có chương trình và có tổ chức tốt cung ứng cách tốt nhất để lôi kéo các thành phần quần chúng, huy động áp lực hữu hiệu, vận động hỗ trợ lâu dài cho các chính sách, chuyển tải đòi hỏi của quần chúng, nhận dạng và đề bạt các lãnh đạo có khả năng. Việc phát triển các đảng phái mạnh đòi hỏi lưu tâm cẩn thận đến thủ tục và cách bảo vệ việc chọn ứng viên, tài chính đi vận động, và tiếp cận truyền thông. Các thách đố vẫn tiếp diễn đối với các chính phủ dân chủ tại Ghana, Indonesia, và Phi Luật Tân là vì các đảng phái chính trị yếu kém.

Mặc dầu tiến trình chuyển tiếp thường khởi động vì nguyên dân chính trị hơn là kinh tế, những thách thức kinh tế sớm trở thành ưu tiên cho chính quyền mới. Giảm nghèo đói và thất nghiệp có thể mâu thuẫn với cải cách kinh tế cần thiết để kích thích tăng trưởng dài hạn và ổn định kinh tế toàn quốc. Trước khi sự hậu thuẫn của quần chúng sút giảm, chính quyền nên thực hiện các biện pháp xã hội làm giảm bớt khó khăn của các thành phần bị thiệt thòi nhất, nhưng họ cũng cần lưu ý đến ngân sách. Giới lãnh đạo của các thời chuyển tiếp mà chúng tôi nghiên cứu đều áp dụng các biện pháp thị trường và chính sách tài chánh và tiền tệ vĩ mô cẩn trọng, nhưng đa số tiến hành thận trọng để tránh làm quần chúng sợ hãi là lợi ích của người dân bị đánh đổi cho giới quyền thế. Ngay cả những thành phần ban đầu đối nghịch với thị trường tự do cũng đồng ý là thị trường là cần thiết trong một nền kinh tế ngày càng toàn cầu hóa, song song với các chính sách xã hội vững chắc có thể giúp phát triển kinh tế đồng đều.

Như lịch sử can thiệp của Tây Phương vào vùng Trung Đông cho thấy rõ, dân chủ không phải là món hàng xuất khẩu. Nhưng các tác nhân bên ngoài, chính phủ hay không-chính phủ, có thể hỗ trợ hữu hiệu chuyển tiếp dân chủ nếu họ tôn trọng các lực lượng bản xứ và chỉ dính vào theo lời mời. Đôi khi họ có thể cung ứng những điều kiện cần thiết để đối thoại trầm lặng giữa giới lãnh đạo đối lập với nhau và giữa phe đối lập và đại diện của chế độ. Họ có thể cố vấn cho nhiều vấn đề thực tế, từ việc làm sao tiến hành vận động bầu cử đến cách làm sao sử dụng truyền thông hữu hiệu, và cuối cùng là cách giám sát cuộc bầu cử. Cấm vận kinh tế có thể giúp kềm chế sự đàn áp, như ở Ba Lan và Nam Phi. Và các quốc gia bên ngoài có thể ngõ ý viện trợ và đầu tư để hỗ trợ chuyển tiếp dân chủ, như ở Ghana, Phi Luật Tân, và Ba Lan. Hỗ trợ kinh tế của thế giới trong thời chuyển tiếp có thể tạo thêm thuận tiện cho việc cải tổ chính trị nếu hỗ trợ đó đáp ứng ưu tiêu của địa phương và với sự hợp tác của tác nhân địa phương.

Tuy nhiên sự can thiệp quốc tế không thể thay thế sự chủ động bên trong. Tác nhân bên ngoài nhiều phần hữu hiệu khi chịu lắng nghe, nêu câu hỏi tương tự như trải nghiệm của họ, và khuyến khích người địa phương xem xét các vấn đề từ nhiều góc cạnh khác nhau.

MỘT THẾ GIỚI ĐỔI THAY

Các tác nhân mới, kỹ thuật mới, áp lực kinh tế, và các động lực địa chính trị đã biến đổi khung cảnh của việc chuyển hóa dân chủ xảy ra ngày nay. Bất cứ ai với một cái điện thoại di động có thể châm ngòi cho một cuộc biểu tình rầm rộ khi thâu cảnh bạo hành của công an. Truyền thông xã hội có thể uốn nắn dư luận quần chúng nhanh chóng và cho phép người tổ chức tập hợp một số đông ủng hộ viên. Nhưng những kỹ thuật mới này không thay thế được công việc nặng nhọc của xây dựng thể chế. Như ông Cardoso, nhà hoạt động người Ba Tây trở thành tổng thống sau này, nhận xét, “Vấn đề nằm ở chỗ là rất dễ để huy động đi phá hủy nhưng rất khó để xây dựng lại. Kỹ thuật mới tự chúng không đủ để tiến thêm bước nữa. Cần có thể chế, cùng với khả năng thấu hiểu, xử lý, và thi hành sự lãnh đạo kéo dài theo thời gian.” Như ông Kufuor nói: “Quần chúng không xây dựng thể chế. Đó là lý do sự lãnh đạo rất quan trọng.”
Điện thoại di động và mạng xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc huy động số đông xuống đường trong các cuộc nổi dậy của Mùa Xuân Ả Rập, tuy nhiên không thay thế được công việc nặng nhọc của xây dựng thể chế.
Trong những năm trước mặt, các phong trào xã hội và các tổ chức xã hội dân sự, tăng sức bởi mạng điện tử, có lẽ sẽ áp lực các chế độ chuyên quyền nhiều hơn và hữu hiệu hơn quá khứ. Nhưng những phong trào này vẫn không thể thay thế cho đảng phái chính trị và các lãnh đạo. Họ là những tác nhân để rồi cuối cùng lập ra thể chế, xây dựng các liên minh ứng cử và nắm quyền, chiếm được sự ủng hộ của quần chúng, chuẩn bị và thực thi các chính sách, kêu gọi hy sinh cho quyền lợi chung, gây hứng khởi cho quần chúng tin vào nền dân chủ, và nắm quyền hữu hiệu.

Khó để mà xây dựng nền dân chủ bền vững và hoạt động ở những quốc gia nơi mà không có kinh nghiệm của tự chủ, nơi mà các tổ chức dân sự và xã hội mỏng manh, và nơi mà các thể chế nhà nước yếu kém không có khả năng cung ứng dịch vụ và an ninh đầy đủ. Dân chủ còn có thể khó thiết lập ở những quốc gia với sự phân tranh về sắc tộc, tôn giáo, khu vực. Và các chính quyền dân chủ được bầu lên dầu vậy có thể chuyên quyền khi lờ đi, làm yếu đi, hay đối xử qua loa với những hạn chế về lập pháp và tư pháp của một thể chế dân chủ đòi hỏi. Và chính những quốc gia này cần có thay đổi dân chủ cấp bách. Ví dụ của Ghana, Indonesia, Phi Luật Tân, Nam Phi, và Tây Ban Nha cho thấy những thử thách này có thể được giải quyết, ngay cả trong những quốc gia với sự chia rẽ sâu sắc.

Thời buổi này có thể có nhiều người trẻ có học được huy động để biểu tình ở quảng trường cho dân chủ, đặc biệt là ở nơi mà có thất nghiệp cao. Tuy nhiên, thách đố ở đây là làm sao kéo họ thường xuyên vào việc xây dựng đảng phái lâu bền và các định chế khác. Dân chủ không xuất hiện trực tiếp hay sẽ đến từ số đông đường phố. Xây dựng dân chủ đòi hỏi viễn kiến, thương thảo và thỏa hiệp, làm việc cật lực, kiên trì, khả năng, lãnh đạo – và một số điều may mắn. Dầu có trở ngại, chuyển tiếp dân chủ đã thành công trong quá khứ. Học hỏi và áp dụng những bài học của kinh nghiệm thành công có thể giúp chấm dứt chế độ chuyên quyền và lập ra nền dân chủ bền vững thay vào đó.

Hoàng Thuyên lược dịch
Nguồn: Foreign Affairs

Theo Chân Trời Mới Media




















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét