2015/12/30

Nhìn lại tình hình thế giới năm 2015

Đỗ Đăng Liêu


Thế giới nói chung trong năm 2015 mang ba hình ảnh: bất ổn, bạo động và ngay cả nguy cơ chiến tranh.

Những hình ảnh nói trên được thấy rõ qua một số biến cố đáng chú ý như sau:

Thứ nhất, những biến động trên Biển Đông và nguy cơ xung đột quân sự giữa Trung Quốc và một số quốc gia trong vùng gây ra bởi việc Trung Quốc đẩy mạnh việc xây đắp các đảo nhân tạo trong những vùng có tranh chấp với âm mưu độc chiếm Biển Đông.

Ngày 29/10/2015, Tòa án trọng tài thường trực (PCA) tại Hà Lan tuyên bố họ có thẩm quyền và sẽ mở phiên xử việc tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines trên Biển Đông theo đơn kiện của Manila từ đầu năm 2013 vì cả hai nước đều ký Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Tòa trọng tài cũng đã bác bỏ lập luận của Trung Quốc nói rằng tranh chấp ở Biển Đông liên quan đến chủ quyền lãnh thổ của họ và tòa án nên tổ chức thêm các phiên điều trần để xem xét giá trị đơn kiện mà Philippines trình lên tòa. Trung Quốc đã bác bỏ thẩm quyền tài phán của Toà Án này và từ chối không tham gia vụ kiện.

Chiến hạm USS Lassen tuần tra khu vực 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại bãi Vành Khăn và Subi ở Trường Sa.
Trước đó, vào ngày 27/10/2015, Hoa Kỳ đã đưa tàu khu trục tên lửa USS Lassen từ căn cứ Yokosuka, Nhật Bản, vào trong khu vực biển 12 hải lý của bãi Vành Khăn và Subi thuộc Quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền và xây đảo nhân tạo trái phép.

Việc điều động tàu USS Lassen, Toà Bạch Ốc tuyên bố là Mỹ có quyền hoạt động ở bất cứ nơi nào là vùng biển quốc tế, và Biển Đông không phải là ngoại lệ, bất chấp lời cảnh báo của Trung Quốc là tàu Lassen đã "trái phép đi vào vùng biển của Trung Quốc" và "những hậu quả có của việc làm đó!".

Việc Hoa Kỳ điều động chiến hạm USS Lassen tuần tra Biển Đông là thách thức mạnh mẽ nhất của Mỹ đối với Trung Quốc.

Thứ hai, chiến thắng áp đảo của Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ (NLD) do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo trong cuộc tổng tuyển cử tại Miến Điện vào ngày 8/11/2015 vừa qua đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng với ảnh hưởng to lớn trên các quốc gia trong vùng và trên các phong trào đấu tranh dân chủ, đặc biệt là tại Việt Nam, và làm bật dậy khát khao và niềm hy vọng thay đổi chấm dứt độc tài chuyên chế.

Chiến thắng của bà Suu Kyi và NLD đã làm nổi bật tầm quan trọng của yếu tố đấu tranh bất bạo động trường kỳ bền bỉ của phong trào dân chủ song song với sự ý thức, quyết tâm, can đảm và hy sinh của người dân.

Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ (NLD) chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử tại Miến Điện vào ngày 8/11/2015

Dĩ nhiên, Việt Nam không có được 2 sự may mắn trùng hợp tại Miến Điện là một tổ chức chính trị vững vàng với những người lãnh đạo kiên cường, và sự thức tỉnh của nhóm lãnh đạo độc tài qua Tổng Thống Thein Sein, đã giúp cho sự chuyển đổi dân chủ sớm xảy ra.

Bên cạnh chiến thắng của đảng NDL tại Miến Điện, phe đối lập tại Venezuela cũng đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc Hội vào ngày 6/12 với kết quả 112 ghế/167 ghế dân biểu, chấm dứt thời kỳ độc chiếm ảnh hưởng của phe khuynh tả thân cộng tại Venezuela nói riêng và tại Nam Mỹ nói chung.

Thứ ba, sau 13 năm kể từ ngày thành lập, và qua nhiều tranh luận, đàm phán, thương thuyết căng thẳng cuối cùng thì 12 quốc gia thành viên (Singapore, Tân Tây Lan, Chile, Brunei, Mỹ, Úc, Peru, Việt Nam, Mã Lai, Mexico, Canada, Nhật) đã thông qua nội dung căn bản của Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans Pacific Partnership - TPP) vào ngày 5/10/2015 tại Atlanta, Hoa Kỳ.

Sau khi công bố toàn văn Hiệp định, các nước thành viên TPP sẽ nhanh chóng hoàn tất thủ tục rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp Định trong vòng 60 ngày, hiện được dự trù là ngày 4/2/2016. Sau khoảng thời gian này, các nước sẽ tiến hành ký kết chính thức.

Bản chất của TPP là "thương mại tự do" với mục tiêu cuối cùng là "xoá bỏ hoàn toàn các rào cản cho hàng hoá, dịch vụ xuất nhập cảng". Đối với mọi quốc gia, TPP vừa là một cơ hội vừa là thách thức vì lợi hay hại tùy thuộc rất nhiều vào khả năng cạnh tranh. Trong bối cảnh đó, việc gia nhập TPP lợi và hại như thế nào đối với Việt Nam là câu hỏi lớn chưa có câu trả lời và còn tùy thuộc rất nhiều vào tình hình kinh tế và ngay cả chính trị ở Việt Nam.

Đại diện 12 quốc gia đã ký kết văn kiện chung thông qua hiệp định TPP tại Atlanta hôm 5/10/2015.

Tuy nhiên, dựa trên kinh nghiệm 5 năm hội nhập WTO, mà kết quả không được như mong đợi, mức xuất khẩu không tăng nhiều, lãnh vực dịch vụ có khởi sắc nhưng chưa đạt mà đặc biệt 2 ngành quan trọng là chuyên môn khoa học công nghệ và hành chánh có mức tăng trưởng thấp nhất, …việc Việt Nam tham gia TPP mà ý nghiã không chỉ là cắt giảm thuế và tự do thương mại, mà còn là phải mở cửa cả về thể chế, tiêu chuẩn, môi trường lao động,… nên TPP có khả năng trở thành con dao hai lưỡi đối với Việt Nam.

Thứ tư, sau nhiều tháng thảo luận về việc cải sửa một số đạo luật về an ninh để tăng cường khả năng chiến đấu của lực lượng tự vệ Nhật Bản, Quốc hội Nhật Bản thông qua bốn đạo luật về an ninh cho phép Lực Lượng Tự Vệ Nhật Bản (Japan Self-Defense Forces - JSDF) thực thi quyền tự vệ tập thể. Đây là những tu sửa mang tính chất nền tảng để cho phép Nhật Bản sửa đổi điều 9 Hiến Pháp, bãi bỏ việc cấm Nhật Bản tham gia vào các hoạt động quân sự ở bên ngoài lãnh thổ. Theo luật mới, JSDF có quyền tiến hành các hoạt động quân sự trong trường hợp nước Mỹ bị tấn công, hoặc có mối nguy cơ đe dọa đến an ninh quốc gia Nhật.

Đạo luật về an ninh cho phép Lực Lượng Tự Vệ Nhật Bản thực thi quyền tự vệ tập thể.

Dư luận Nhật Bản chia làm hai khuynh hướng chống và ủng hộ việc Quốc hội thông qua các đạo luật an ninh; nhưng phe ủng hộ chiếm ưu thế vì đa số đều thấy là nếu quân đội Nhật không được xác định rõ vị trí chiến đấu thì không có khả năng đáp ứng các cuộc gây hấn tương lai. Trong khi đó, Trung Quốc lên tiếng phản đối các đạo luật này, cho rằng nó sẽ mở đường cho sự trỗi dậy của chủ nghĩa quân phiệt. Trái lại, Mỹ hoan nghênh những thay đổi tích cực ở Tokyo, cho rằng luật này sẽ là cột mốc quan trọng giúp liên minh Mỹ - Nhật trở nên vững chắc hơn. Các học giả trên thế giới đều cho rằng luật an ninh mới là bước ngoặt lớn nhất của Nhật Bản kể từ khi kết thúc Thế Chiến II, vì nó sẽ tác động rất lớn đến tình hình an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng như trên thế giới trong những năm tiếp theo.

Thứ năm, làn sóng khủng bố của nhóm nhà nước Hồi giáo IS đã không chỉ gieo tang tóc cho khu vực Trung Đông mà bắt đầu lan rộng tại Âu Châu và Hoa Kỳ. Thủ đô Paris đã hứng chịu hai cuộc thảm sát của quân khủng bố IS. Lần thứ nhất là vụ tấn công vào trụ sở toà soạn tuần báo Charlie Hebdo tại Paris vào ngày 7/1 giết chết 12 người làm cho 11 người bị thương. Lần thứ hai là vụ tấn công vào 6 địa điểm ở quận 10 và 11 của Paris vào đêm 13/11 khiến cho 132 người thiệt mạng, hơn 400 người bị thương. Ngay sau khi xảy ra vụ khủng bố lần thứ 2, Tổng Thống Francois Hollande đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên cả nước, áp dụng hàng loạt biện pháp tăng cường an ninh tại thủ đô và ra lệnh kiểm soát ra vào biên giới một cách chặt chẽ. Ngoài ra, Pháp đã đưa 10 chiến đấu cơ tham gia vào các cuộc không kích IS, nhằm vào thị trấn Raqqa, thành trì của IS tại Syria.

Vụ tấn công vào 6 địa điểm ở quận 10 và 11 của Paris vào đêm 13/11 khiến cho 132 người thiệt mạng và hơn 400 người bị thương

Ba tuần lễ sau vụ khủng bố ở Paris, một vụ xả súng khác đã xảy ra thành phố San Bernadino, tiểu bang California ở Hoa Kỳ vào ngày 3/12, giết chết 14 người và gây thương tích cho 21 người trong một buổi liên hoan của chính quyền thành phố San Bernadino. Vụ khủng bố này do hai vợ chồng của người Hồi Giáo nhập cư vào Hoa Kỳ gây ra. Những vụ khủng bố nói trên đã kéo các quốc gia Tây Phương lại với nhau trên một mặt trận chống khủng bố trước giờ tương đối không thống nhất, cũng như tạo ra nhiều tranh luận liên quan đến Đạo Hồi, thậm chí ảnh hưởng đến cả chính sách tiếp nhận di dân trong thời gian gần đây. Ngày 14/12 vừa qua, một liên minh chống khủng bố Hồi Giáo IS ra đời với sự tham gia của 34 quốc gia do Arab Saudi giữ vai trò điều hợp.

Ngoài những biến cố mang tầm vóc lớn có ảnh hưởng lâu dài trong đời sống nhân loại nói trên, thế giới trong năm 2015 cũng có những sự kiện đáng chú ý:

- Ngân Hàng Trung Quốc phá giá đồng Nhân Dân Tệ, còn gọi là đồng Nguyên, vào đầu Tháng 8/2015 đã làm rúng động thị trường tài chánh thế giới. Khởi đầu vào ngày 10/8, Trung Quốc đã phá giá đồng Nguyên tổng cộng là 3 lần, đưa đến kết quả là đồng Nguyên đã giảm giá trị 4,4% so với đồng đô la Mỹ. Mục tiêu của Trung Quốc trong việc phá giá đồng Nguyên là để giúp gia tăng khả năng xuất khẩu của Trung Quốc ở trong tình trạng xuống dốc trong những năm vừa qua với hy vọng đưa nền kinh tế nước này ra khỏi vòng suy thoái.

- Cục Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ (FDS) đã nâng lãi suất cơ bản của đồng Mỹ kim thêm 0,25%, sau 7 năm duy trì ở mức gần 0% vào ngày 17/12 sau nhiều tháng trì hoãn. Lãi suất mới sẽ nằm trong khoảng 0,25% đến 0,5%, thay vì 0% đến 0,25% như trước đây. Các nhà hoạch định chính sách dự báo mức lãi phù hợp cho cuối năm 2016 là 1,375%. Lãi suất dự báo cho các năm tới cũng giảm nhẹ so với nhận định hồi tháng 9. Theo đó, đến năm 2017, con số này có thể là 2,4%, và năm 2018 sẽ là 3,3%.

- Nga bắt đầu tham gia không kích lực lượng IS tại Syria từ ngày 30/9 theo yêu cầu của Tổng Thống Syria Bashar al-Assad, một đồng minh thân cận của Nga ở Trung Đông. Mục đích Nga đặt ra là triệt tiêu khả năng hoạt động của IS kể cả các nhóm nổi dậy nhằm làm giảm sức ép lên Tổng Thống Bashar al-Assad, ngược với chủ trương của Hoa Kỳ và các quốc gia Âu Châu là vừa tiêu diệt IS, vừa yểm trợ lực lượng nổi dậy chống Tổng Thống Assad. Những mâu thuẫn này đã gây ra vụ không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một phi cơ Su-24 của Nga vào ngày 24/11. Sự việc bất ngờ này đã khiến cho Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tố cáo lẫn nhau, tạo ra tình trạng căng thẳng giữa hai nước. Nga còn tổ chức họp báo tố cáo chính quyền Thổ đã cấu kết với nhóm IS để mua dầu thô rẻ. Ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng máy bay Nga xâm phạm không phận bị cảnh cáo nhiều lần nhưng vẫn làm ngơ.

Bàn tròn Dân Chủ Thống Nhất chiếm 112 trên 167 ghế dân biểu trong cuộc bầu cử quốc hội tại Venezuela ngày 6/12 vừa qua.

- Phe đối lập tại Venezuela được biết dưới tên MUD, viết tắt của tiếng Tây Ban Nha là Mesa de la Unidad Democrática, tức là Bàn tròn Dân Chủ Thống Nhất (Democratic Unity Roundtable) gồm 50 đảng phái, tổ chức xã hội dân sự đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội vào ngày 6/12 với kết quả áp đảo chiếm 112 trên 167 ghế dân biểu. Chiến thắng này một phần nhờ vào đoàn kết của các lực lượng đối kháng nhưng quan trọng nhất là người dân Venezuela đã quá chán ngán sự điều hành đất nước của đảng cầm quyền là Đảng Xã Hội Chủ Nghĩa Thống Nhất Venezuela (United Socicalist Party of Venezuela, PSUV) do Tướng Hugo Chávez lập ra vào năm 1998, đang kiểm soát quyền lực độc tôn trên xứ Venezuela từ 1999 đến nay.

*

Cuối năm 2014, các chuyên gia và tổ chức quốc tế đã dự báo năm 2015 sẽ là một năm bất ổn. Điểm lại những biến cố nói trên quả thật năm 2015 đã có quá nhiều biến động, ẩn chứa những nguy cơ an ninh nghiêm trọng đã xảy ra.

Những biến cố bất ổn này không kết thúc mà sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2016 như tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo IS sẽ siết chặt việc kiểm soát nhà nước, sẽ tập trung tiêu diệt các tổ chức đối thủ tại địa phương để siết chặt kiểm soát các vùng họ đã chiếm được ở Iraq và Syria; nguy cơ xung đột vũ trang trên biển Châu Á giữa Trung Quốc và một vài quốc gia Đông Nam Á; Bắc Hàn sẽ tiếp tục phát triển và thử vũ khí hạt nhân; chiến tranh mạng sẽ lan rộng, bất ổn ở Tân Cương sẽ leo thang, dịch Ebola sẽ kéo dài vân, vân.

Đặc biệt là thiên tai có thể xảy ra nhiều hơn trong năm 2016 khi Trung Tâm Dự Báo Khí Hậu NOAA (National Oceanic and Atmospheric Administration - Hoa Kỳ) đưa ra dự báo gần như chắc chắn là năm 2016 sẽ là năm nóng nhất trong lịch sử nhân loại mà nguyên nhân là hiện tượng El Nino và việc thay đổi khí hậu trái đất.

Nói tóm lại, nhân loại đã trải qua một năm không mấy an bình. Chưa biết những biến cố to lớn nào sẽ xảy ra trong năm 2016 nhưng với sức nóng của trái đất mà NOAA dự báo cho thấy là đa số những nguy kịch đều do chính con người tự tạo ra.

Đỗ Đăng Liêu
Những ngày cuối năm 2015.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét