Một tuần trước khi khai mạc Hội nghị trung ương 13, ông Nguyễn Phú Trọng đã nói trong một cuộc tiếp xúc với cử tri Hà Nội hôm 8/12 rằng công tác nhân sự cho Đại hội Đảng XII còn “rất khó khăn.”
Trong bài diễn văn bế mạc hội nghị trung ương 13 hôm 21/12, ông Nguyễn Phú Trọng, tuy không lập lại chữ ‘rất khó khăn’ nhưng đã cho thấy là công tác nhân sự vẫn còn khó khăn vì ... chưa hoàn tất. Trung ương đảng phải họp thêm kỳ 14 để giải quyết một số ủy viên bộ chính trị hiện nay, tuy đã đến tuổi hưu (trên 65) nhưng lại muốn tái ứng cử hoặc tái đề cử để đảm nhận chức danh lãnh đạo chủ chốt, đặc biệt là ghế Tổng bí thư.
Khó khăn mà ông Nguyễn Phú Trọng nêu ra, đến từ vài nguyên do:
Thứ nhất, ông Nguyễn Tấn Dũng, tuy muốn làm Tổng bí thư nhưng không tự mình điền đơn tái cử như các ủy viên bộ chính trị khác mà để cho các đàn em trong trung ương đảng đề cử. Ông Dũng muốn dùng chính lá phiếu của đàn em để dằn mặt phe chống đối rằng ông “không tham quyền cố vị” mà là do nhu cầu của đảng yêu cầu ông phải…. tiếp tục “hy sinh”. Sở dĩ làm như vậy, ông Dũng muốn chấm dứt thời kỳ “cá mè một lứa” giữa các nhân sự trong bộ chính trị để tóm thu quyền lực dễ dàng hơn khi nắm ghế Tổng bí thư qua đa số phiếu bầu của Trung ương đảng mà ông Dũng biết là khó ai có thể cạnh tranh.
Thứ hai, những người ở tuổi hưu không chỉ vài nhân vật mà có đến trên 6 người như Lê Hồng Anh, Phạm Quang Nghị, Lê Thanh Hải, Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng muốn được tái ứng cử hay đề cử để tiếp tục. Những người này cũng đang nhắm đến ghế tổng bí thư và họ không muốn ông Dũng quá mạnh, trở thành một thế lực chi phối toàn bộ sinh hoạt chính trị và kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Thứ ba, vấn đề sắp xếp nhân sự trước đây nằm trong tay Tổng bí thư và Bộ chính trị đương nhiệm và Trung ương đảng (TƯĐ) chỉ biểu quyết lấy lệ; nhưng kể từ năm 2014 trở đi, qua chỉ thị 244 của Bộ chính trị, mọi vấn đề sắp xếp nhân sự trong bộ phận trung ương và các chức danh lãnh đạo chủ chốt đều phải mang ra thảo luận và bỏ phiếu kín tại Hội nghị TƯĐ.
Nhưng những khó khăn nói trên chỉ là bề nổi. Vấn đề then chốt hiện nay là sự ảnh hưởng của Trung Quốc lên bài toán nhân sự thượng tầng, đặc biệt là đối với việc ông Dũng lên làm Tổng bí thư.
Tập Cận Bình trong chuyến thăm Việt Nam trong tháng 11 vừa qua. |
Trong chuyến viếng thăm Việt Nam vào tháng 11 vừa qua, ông Tập Cận Bình đã gặp gỡ tứ trụ nhưng chỉ đưa ra lời mời ông Nguyễn Tấn Dũng viếng thăm Trung Quốc. Lúc đó, dư luận đánh giá rằng lời mời này đã biểu hiện sự ủng hộ của Bắc Kinh hay ít ra là của Tập Cận Bình đối với ghế Tổng bí thư tương lai cho ông Nguyễn Tấn Dũng.
Thực tế, lời mời của họ Tập chỉ là “kế sách” khích động sự khởi đầu cho một chiến dịch tấn công cá nhân và gia đình nhằm răn đe ông Nguyễn Tấn Dũng về mối quan hệ Việt – Trung.
Hàng loạt những thư nặc danh tấn công đời tư, chuyện gia đình của ông Dũng được phổ biến rộng rãi trên Internet. Nhưng quan trọng nhất là việc “buộc tội” ông Dũng đã khơi mào cho làn sóng chống Trung Quốc, dẫn đến cuộc đốt phá 1000 công ty, nhà máy tại Bình Dương sau khi xảy ra vụ Bắc Kinh mang giàn khoan HD 981 vào sâu trong thềm lục địa Việt Nam vào tháng 5/2014.
Nội dung lá thư gửi Bộ chính trị, Trung ương đảng của ông Nguyễn Tấn Dũng đã cho thấy là ông Dũng đã chơi “bài ngửa” đối với phe thân Trung Quốc.
Trong 12 vấn đề nêu ra trong lá thư, những phản bác của ông Dũng về các cáo buộc liên quan đến chuyện gia đình, con cái, tài sản và năng lực lãnh đạo phải nói là khá thuyết phục. Ông Dũng không những chứng minh dựa trên các báo cáo của ủy ban kiểm tra hay của bộ chính trị mà còn luôn luôn đặt mình và gia đình dưới sự chỉ đạo, sắp xếp của đảng.
Nhưng phần trả lời yếu nhất, và là tâm điểm của vấn đề, chính là những lý luận mà ông Dũng đưa ra nhằm viện dẫn lý do vì sao có những phát biểu phê phán Trung Quốc mạnh vào lúc đó. Lời giải thích đã không mấy thuyết phục. Dành gần 1/3 lá thư, ông Dũng cho rằng ông chỉ phản ảnh quan điểm của Bộ chính trị vào lúc xảy ra vụ giàn khoan đầu tháng 5/2014, khi nói “không hy sinh chủ quyền lãnh thổ cho những quan hệ hữu nghị viển vông.”
Trong vụ giàn khoan HD 981, ông Dũng là người đầu tiên và cũng là duy nhất lên tiếng mạnh mẽ chống việc Trung Quốc mang giàn khoan HD 981 vào sâu trong thềm lục địa Việt Nam, trong khi ông Nguyễn Phú Trọng tìm cách liên lạc riêng để gặp Tập Cận Bình nhưng bị từ chối. Lúc đó, ông Dũng còn “dọa” Bắc Kinh rằng mọi hồ sơ kiện Trung Quốc đã chuẩn bị xong chỉ chờ bộ chính trị bật đèn xanh, trong khi thực tế bộ chính trị CSVN không hề thảo luận về vụ việc này.
Qua lá thư 9 trang, người ta mới thấy là những phát biểu về vụ giàn khoan HD 981 xảy ra hồi tháng 5/2014 đang là trở ngại cho chính ông Dũng để được chọn làm Tổng bí thư.
Điều này cho thấy là bóng ma Trung Quốc còn rất lớn trong nội bộ đảng CSVN, khi thành phần đã ít nhiều chịu ơn của Bắc Kinh đang rất lo ngại sự mất quyền lực nếu để cho phe Nguyễn Tấn Dũng thắng thế.
Ngay cả Bắc Kinh cũng vậy, tuy không còn khả năng chi phối nhân sự qua việc “khống chế” tổng bí thư như trong các kỳ đại hội trước dưới triều đại Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Trung Quốc lần này không muốn Nguyễn Tấn Dũng mạnh lên để chèn ép các phe nhóm khác. Ngược lại Trung Quốc muốn tình trạng “cá mè một lứa” tiếp tục duy trì trong thượng tầng lãnh đạo để dễ dàng khuynh loát, hơn là tập trung vào tay một người dù là Nguyễn Tấn Dũng hay Trương Tấn Sang.
Nói tóm lại, hiện chưa có một nhân vật nào đủ tầm vóc về tiền, về quyền, và về gian xảo để qua mặt Nguyễn Tấn Dũng trở thành Tổng bí thư. Nhưng chính quan điểm chống Trung Quốc về vụ giàn khoan của ông Dũng đã làm Trung Quốc có lý cớ để hậu thuẫn cho phe thân Trung Quốc tạo áp lực cũng như dằn mặt Nguyễn Tấn Dũng chơi trò “thoát Trung” sau khi lên làm Tổng bí thư.
Với quá nhiều bằng chứng “nói một đằng, làm một nẻo” và con người mưu mô của ông Dũng, không ai tin “ảo thuật” thoát Trung và cải cách của Nguyễn Tấn Dũng sẽ mang lại lợi ích cho đất nước. Dũng hay Trọng đều không phải lá phiếu mà người dân Việt Nam sẽ chọn.
Trung Điền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét